Xuất bản là lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, là ngành kinh tế - công nghệ có tính đặc thù. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, hoạt động xuất bản, phát hành cần được định hướng đúng, bởi các ấn phẩm của hoạt động xuất bản, phát hành là phương tiện truyền bá chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
1. Vai trò của hoạt động xuất bản, phát hành
Điều 4 của Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 ngày 20-11-2012 giải thích rõ: “Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử... Phát hành là việc thông qua một hoặc nhiều hình thức mua, bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa xuất bản phẩm đến người sử dụng” (1). Như vậy, xuất bản và phát hành là các hoạt động trong quy trình tạo ra các ấn phẩm có tác động lớn đến sự hình thành nhân cách, lối sống của con người. Rộng hơn, hoạt động xuất bản, phát hành tác động đến nền văn hóa của dân tộc, đến hình ảnh và thương hiệu quốc gia.
Hoạt động xuất bản, phát hành thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, chịu sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Điều 5 Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 quy định rõ: “Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (2). Nội dung các sản phẩm của hoạt động xuất bản phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, các giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại đến với cộng đồng. Hoạt động xuất bản, phát hành phải hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, hoạt động của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đã luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, bởi lẽ đã có lúc dòng chảy tốc độ của thông tin đã lấn át văn hóa đọc. Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đã xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, công cụ quản lý của Nhà nước và diễn đàn dân chủ của nhân dân. Ngành Xuất bản đã phát triển cả các lĩnh vực, xuất bản, in, phát hành. Các ấn phẩm ngày càng đa dạng, từ sách in truyền thống, sách điện tử, sách nói, đến sách áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Chất lượng về nội dung và hình thức của các xuất bản phẩm không ngừng được nâng lên, tính định hướng tư tưởng được tăng cường. Vì thế, các xuất bản phẩm đã góp phần quan trọng trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với nhân dân; truyền thông chính sách, pháp luật của Nhà nước để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Các xuất bản phẩm đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua các cuộc triển lãm, các hội chợ sách, các hoạt động giao lưu tiếp biến văn hóa.
2. Quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, phát hành
Hiện nay, hoạt động xuất bản, phát hành của Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh “Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường... Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi bản chất của thương mại, đầu tư và lao động toàn cầu, tạo cơ hội cho các nước đi sau tăng tốc phát triển nhưng cũng có thể khiến cho các khâu sản xuất có thể chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển, làm hạn chế dòng dịch chuyển vốn toàn cầu” (3). Tình hình trong nước cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết khi “nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro... Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, như già hóa dân số, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển, những vấn đề của đô thị hóa... Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng nhanh với cường độ mạnh, khó lường...” (4). Trong bối cảnh ấy, hoạt động xuất bản, phát hành càng nhận được quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, để thực thi tốt chức năng định hướng tư tưởng và bồi đắp giá trị văn hóa tinh thần cho công chúng.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản, Đảng ta luôn chỉ đạo kịp thời và định hướng phù hợp để hoạt động xuất bản phát triển, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, công tác xuất bản càng được Đảng quan tâm. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” là văn bản chỉ đạo có ý nghĩa to lớn, khẳng định rất rõ vị trí, vai trò và định hướng phát triển của hoạt động xuất bản trong bối cảnh mới của đất nước. Theo đó, Chỉ thị nêu rõ: “Hoạt động xuất bản phải chăm lo bảo vệ, khẳng định và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, lạc hậu. Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành Xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Cần xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (5). Để thực hiện định hướng này, Chỉ thị số 42-CT/TW đã đề xuất các giải pháp cơ bản, trong đó có giải pháp “Rà soát, đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong cả ba lĩnh vực xuất bản, in, phát hành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ” (6), tức là chú trọng công tác đào tạo ngành Xuất bản, phát hành sách trong bối cảnh khoa học công nghệ đang làm thay đổi diện mạo cuộc sống. Chỉ thị số 42-CT/TW khẳng định: “cần xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (7).
Thông báo số 19-TB/TW ngày 29-12-2016 thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản cũng khẳng định: “Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương để lĩnh vực xuất bản phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”; “Quy hoạch lại mạng lưới phát hành sách; xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển mạng luới phát hành sách tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo các hình thức phù hợp, hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp phát hành sách phát triển mạng lưới phát hành”; “Xây dựng Đề án chương trình sách quốc gia, Đề án phát triển xuất bản điện tử, Đề án quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại”… (8).
Về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16-4-2020 của Ban Bí thư cũng nhận định: “công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị sau nhiều năm đã đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại sách ngày càng phong phú. Phương thức, cơ chế hoạt động và quản lý công tác xuất bản, phát hành đã được đổi mới. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành từng bước được nâng cao”. Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, Ban Bí thư yêu cầu: “các cấp ủy đảng, các ngành, cơ quan liên quan có chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm thu hút là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm... tham gia viết, biên soạn, biên dịch sách lý luận, chính trị”; “có cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích, ưu tiên và bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị”; “duy trì chính sách đặt hàng xuất bản phẩm, hỗ trợ giá bán sách lý luận, chính trị, cấp phát sách lý luận, chính trị thiết yếu cho cơ sở”… (9).
Đây là định hướng quan trọng, đúng đắn mà Đảng ta đã xác định để ngành Xuất bản phát triển ổn định, bền vững trong điều kiện phải thực hiện đồng thời nhiệm vụ chính trị với chức nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Ngày 22-3-2024, Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức đã đánh giá: “hoạt động xuất bản phẩm điện tử trong năm 2023 có nhiều nổi bật, mang lại dấu ấn trong chuyển đổi số của ngành. Các nhà xuất bản đều nỗ lực, chủ động trong việc giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh và nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng”; “tính đến hết năm 2023, đã có 21 đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử, dự kiến tăng lên 27-28 đơn vị năm 2024”; “trong thời gian năm 2022 và 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra”… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, cần được tiếp tục quan tâm, giải quyết trong thời gian tới như: “việc đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế”; “sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà xuất bản, quy trình biên tập đã dẫn đến sai phạm của một số đầu sách liên kết” (10). Hội nghị đã chỉ ra những khó khăn, phân tích các nguyên nhân, hạn chế của ngành Xuất bản trong năm 2023, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2024, trong đó nhấn mạnh các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực xuất bản, phát hành.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong nội dung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã xác định nhiệm vụ quan trọng: “Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, in, phát thanh, truyền hình đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và nhu cầu của người dân. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Sớm hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa, thông tin lành mạnh” (11). Văn kiện đồng thời nhấn mạnh “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước” (12). Đây là quan điểm và định hướng của Đảng ta về vai trò của hoạt động xuất bản, vừa chỉ rõ nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Xuất bản nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là nhiệm vụ: “Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, in, phát thanh, truyền hình đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và nhu cầu của người dân” (13). Việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ làm trong ngành Xuất bản, In và Phát hành; sắp xếp cán bộ theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa là rất cần thiết bởi cán bộ là gốc của mọi vấn đề. Phải có nguồn lực chất lượng cao mới có thể “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc..., tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững” (14).
Thực hiện quan điểm, chủ trương trên của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy ngành Xuất bản. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, số 1755/QĐ- TTg phê duyệt ngày 8-9-2016 xác định: các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu chung của Chiến lược khẳng định: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam” (15). Như vậy, xuất bản là một trong những lĩnh vực cần phát triển trong các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chiến lược cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực: “Xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa; Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; thường xuyên tập huấn chuyên môn về bảo vệ bản quyền và thu phí bản quyền có hiệu quả; hình thành đội ngũ chuyên gia trong các ngành công nghiệp văn hóa và lĩnh vực bản quyền; Có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về công nghiệp văn hóa đến Việt Nam làm việc” (16).
3. Kết luận
Hoạt động xuất bản, phát hành ở nước ta đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đảng lãnh đạo công tác xuất bản bằng quan điểm, đường lối có tính định hướng. Nhà nước quản lý hoạt động xuất bản bằng cơ chế, chính sách, nhằm giúp xuất bản đi đúng hướng, hoàn thành tốt chức năng làm vũ khí xung kích trên mặt trận tư tưởng. Hoạt động xuất bản, phát hành góp phần khẳng định bản sắc văn hóa và làm giàu thêm các giá trị văn hóa Việt Nam, xây dựng và quảng bá sâu rộng hình ảnh đất nước đến nhân dân và bạn bè quốc tế. Thực tiễn hoạt động xuất bản, phát hành đã chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước.
_______________
1, 2. Quốc hội, Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 ngày 20-11-2012.
3, 4, 11, 12, 13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.89, 92, 142, 330, 142, 324.
5, 6, 7. Ban Bí thư, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
8. Ban Bí thư, Thông báo số 19-TB/TW ngày 29-12-2016 thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
9. Ban Bí thư, Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16-4-2020 Về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.
10. Ngô Hồng Vân, Những tín hiệu lạc quan từ xuất bản phẩm điện tử, vanhoanghethuat.vn, 23-3-2024.
15, 16. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt ngày 8-9-2016.
NGUYỄN THỊ NGỌC LÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024