Sách là món quà quý mà người ta vẫn thường tặng nhau vào những dịp sinh nhật, ngày lễ... Mấy năm gần đây, sách còn là món quà mừng tuổi mang ý nghĩa nhân văn. Ý tưởng mừng tuổi bằng sách được khởi xướng từ một số người tâm huyết với sự nghiệp phát triển văn hóa đọc của Việt Nam như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Thạch, Nguyễn Quốc Vương... Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, họ đã, đang và sẽ góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa này ra cộng đồng.
Mừng tuổi đầu năm là một phong tục văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, cũng như nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp may mắn sẽ đến với mọi người vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ý nghĩa nguyên bản của phong tục mừng tuổi bằng tiền không nằm ở giá trị đồng tiền trong phong bao lì xì, mà thể hiện ở tấm lòng người tặng, mong cho trẻ nhỏ hay ăn, chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi; người già có nhiều sức khỏe, sống vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu. Chính vì thế, phong tục này đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, phong tục văn hóa này đã phái sinh thêm ý nghĩa thực dụng hơn. Nhiều người mượn những phong bao lì xì ấy để đạt mục đích riêng, là phương tiện để bày tỏ lòng biết ơn, sự quan tâm đối với người giúp mình thông qua cha mẹ, con cái họ. Không ít con trẻ cũng coi trọng giá trị đồng tiền hơn ý nghĩa tượng trưng cho may mắn của phong bao lì xì.
Việt Nam là một dân tộc trọng chữ nghĩa. Sách sẽ trở thành món quà Tết đầy ý nghĩa, bởi những câu chuyện nhân văn trong từng cuốn sách khi được tặng vào dịp Tết cũng là cách để trao nhận những tình cảm và lời cầu mong mọi điều tốt đẹp cho một năm mới. Tuy nhiên, sẽ rất khó để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền đã ăn sâu trong suy nghĩ, hành động của rất nhiều người Việt Nam hiện nay. Do vậy, rất cần có sự chung tay của toàn xã hội trong việc lan tỏa nét đẹp văn hóa này dịp Tết đến, xuân về nhằm khơi dậy lòng ham đọc sách của người dân, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay.
Năm 2016, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt cuốn tạp bút Sách của con đâu với ước mơ là dần dần trẻ em sẽ đòi sách thay bằng đòi tiền lì xì và đến lúc đó văn hóa đọc không bị xuống cấp. Theo ông, mừng tuổi bằng sách là việc làm hay và có ý nghĩa vì nó bồi dưỡng tâm hồn và khám phá tri thức cho người đọc. Nó không thể hiện sự “rộng rãi” hay “keo kiệt” trong các bình luận của con trẻ mỗi khi mở bao lì xì. Từ ý tưởng của ông, các nhà sách, nhà xuất bản, cá nhân tâm huyết đã phát động phong trào mừng tuổi bằng sách.
Nguyễn Quang Thạch là một nhà hoạt động xã hội tích cực với hơn 20 năm tâm huyết truyền cảm hứng cho cộng đồng về tri thức, lương tâm, sự tử tế với điểm nhấn là chương trình Sách hóa nông thôn mong muốn hướng đến một xã hội nhân văn, sáng tạo hơn. Anh được biết đến là người đã đi bộ cõng sách tới các trẻ em vùng nông thôn bằng những bước chân của hy vọng vào một tương lai tươi sáng của văn hóa đọc. Chương trình đã tạo nên hiệu ứng xã hội lớn: các nhóm, các trường học, cá nhân đã nhân rộng các tủ sách do anh Thạch nghiên cứu và ứng dụng đến mọi miền Tổ quốc với ít nhất 30.000 tủ sách, bao gồm nhiều tên gọi khác nhau như Tủ sách phụ huynh/ Tủ sách lớp em, Tủ sách dòng họ, Tủ sách Giáo xứ… mang lại cho trẻ em vùng nông thôn cơ hội được tiếp cận với sách dễ dàng hơn. Anh cũng là một trong những người khởi xướng ra hoạt động hoạt động mừng tuổi bằng sách. Theo anh, việc mừng tuổi bằng sách là trao tri thức, giúp con trẻ đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu tri thức, tạo nền tảng tự giáo dục. Chủ nghĩa vật chất, lạm dụng smartphone cùng với nhiều kênh có hại trên internet đã và đang tác động tiêu cực trẻ em từ 1 tuổi đến 18 tuổi, bởi vậy chuyển việc mừng tuổi bằng tiền sang mừng tuổi bằng sách sẽ góp phần điều hướng con trẻ và người lớn sang việc làm đúng đắn, giúp xã hội phát triển bền vững, tiến lên văn minh. Con trẻ được nghe và đọc nhiều sách sẽ thấy cuộc sống có nhiều giá trị hướng đến chứ không phải tiền bạc là cao nhất.
Anh Nguyễn Quang Thạch mừng tuổi bằng sách cho các em nhỏ
Trong suốt những năm qua, anh đã luôn trăn trở tìm cách để lan tỏa hoạt động này ra với bạn bè, cộng đồng. Năm 2014, anh đã mừng tuổi sách điện tử đến bạn bè cùng tuổi. Đêm giao thừa năm 2015, anh cùng bạn mừng tuổi sách ở khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, phố Đinh Tiên Hoàng. Ngày mồng Một Tết, anh mừng tuổi sách ở phố Tràng Thi. Những năm kế tiếp, các thành viên chương trình Sách hóa Nông thôn đã tiến hành mừng tuổi bằng sách ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Hà Nội, Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ và nhiều miền quê khác. Anh Thạch luôn kỳ vọng vào con số bản sách được mừng tuổi mỗi năm sẽ ngày một tăng cao và cũng hy vọng vào kết quả tươi sáng trong tương lai, đó là sự trân quý tri thức, trân quý sức lao động… Anh cho rằng, để hoạt động này lan tỏa ngày càng sâu rộng và trở thành một trào lưu, ngay từ bây giờ, các kênh truyền hình, truyền thanh, các nhà sách, nhà xuất bản cần tăng cường tuyên truyền về mừng tuổi sách nhằm thu hút người lớn mua sách tặng trẻ trong dịp Tết. Mỗi người mua 5 bản sách mừng tuổi ngày Tết ở quê thì tất cả trẻ em nông thôn được nghe và đọc sách dễ dàng. Những người có điều kiện vật chất hãy hướng tới việc tạo sự no đủ tri thức và chia sẻ tri thức đến con trẻ. Đó là nền tảng để đất nước phát triển bền vững.
Nguyễn Quốc Vương được biết đến là một dịch giả, tác giả của rất nhiều cuốn sách. Anh có tình yêu rất lớn đối với sách và luôn mong muốn những hành động của mình sẽ góp phần nhỏ bé vào việc phát triển văn hóa đọc. Bản thân anh đã tiến hành mừng tuổi bằng sách cho trẻ em ở làng, trong họ hàng, gia đình với số lượng bản sách ngày càng nhiều hơn. Anh đã lan tỏa hoạt động này tới bạn bè, người thân bằng trang web cá nhân và mạng xã hội.
Theo anh Vương, so với mừng tuổi bằng tiền, mừng tuổi bằng sách nhiều lợi ích như: Nâng cao nhận thức của mọi người về về vai trò của sách và văn hóa đọc. Khi quyết định dùng tiền mua sách và dùng sách làm quà mừng tuổi thay cho tiền, người lớn trong gia đình đã phải suy ngẫm về vai trò của văn hóa đọc và sách từ đó lan tỏa tinh thần, nhận thức này ra xung quanh người thân, bạn bè, cộng đồng; đồng thời đem lại cơ hội tiếp cận sách và văn hóa đọc cho trẻ em. Trong các gia đình hiện nay, không phải trẻ em nào cũng được gia đình quan tâm mua sách, tặng sách, hướng dẫn đọc sách. Vì vậy, quà mừng tuổi là sách giúp trẻ có cơ hội tiếp cận các cuốn sách hay; khuyến đọc vi mô, hiệu quả vì dễ làm, thiết thực ai cũng có thể làm được và có thể lan tỏa trên diện rộng, biến việc đọc sách thành hoạt động thường xuyên, thường ngày; khơi gợi, tôn vinh giá trị văn hóa tinh thần, tạo ra nếp sống mới văn minh.
Một số đầu sách của anh Nguyễn Quốc Vương
Anh Vương mong rằng, để lan tỏa hoạt động này, xã hội cần đẩy mạnh truyền thông toàn diện và vận động những người có ảnh hưởng tiến hành trong thực tế. Khi một người làm thì những người xung quanh sẽ làm theo. Dần dần sẽ tạo ra một phong tục mới, văn minh, có nhiều ý nghĩa. Các cơ quan báo chí cũng cần quan tâm để có tin bài phản ánh kịp thời và phỏng vấn cảm xúc, cảm nhận từ phía người nhận là trẻ em.
Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị đã tiến hành hoạt động mừng tuổi bằng sách như: 500 đầu sách đã được các thầy cô Trường tiểu học Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị mang đến tận nhà “lì xì” cho các em học sinh đang theo học ở đây trong ngày đầu năm; Huyện đoàn, Hội đồng đội, Câu lạc bộ Tổng phụ trách đội, Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức chương trình “Lì xì mừng tuổi sách” với 600 đầu sách cho trẻ em; doanh nhân Trần Văn Học (Đà Nẵng) đã mừng tuổi con của 700 công nhân bằng sách trong Tết 2020.
Những năm gần đây, một số nhà xuất bản, nhà sách đã hưởng ứng trào lưu mừng tuổi sách bằng việc xuất bản các cuốn sách về Tết và có nhiều ưu đãi đối với bạn đọc. Cụ thể, để góp phần thúc đẩy hoạt động mừng tuổi bằng sách, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt nhiều cuốn sách chủ đề mùa Xuân và Tết, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giới thiệu sách, khuyến đọc “Mừng tuổi bằng sách”. Nhà sách Thái Hà, Nhà xuất bản Trẻ đã thiết kế những giỏ quà Tết với các cuốn sách đầy ý nghĩa cho khách hàng có thể tặng người thân, bạn bè.
Ngày 28-1 vừa qua, tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, Hệ sinh thái Cấy nền cùng một số đơn vị xuất bản như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Thái Hà Books, Tân Việt Books, Alpha Books… đồng tổ chức chương trình giao lưu, ra mắt dự án “Mừng tuổi sách”. Dự án do Hệ sinh thái Cấy nền khởi xướng, với mong muốn phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh phong trào mừng tuổi bằng sách cho những người thân, bạn bè, đồng nghiệp vào mỗi dịp Tết, lễ… Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa với hy vọng, sách sẽ đi vào cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam tự nhiên và hoạt động này sẽ được lan tỏa ra toàn xã hội, trở thành nét văn hóa thường nhật.
Hộp đựng sách Tết và cuốn sách về Tết của Thái Hà Books năm 2024
Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, tại Phố Sách Hà Nội sẽ diễn ra nhiều hoạt động thu hút công chúng và bạn đọc như: giới thiệu, ký tặng sách, giao lưu, tọa đàm với các nhà văn, các tác giả với nhiều chủ đề đa dạng, phong phú; giới thiệu nghệ thuật thư pháp, câu đối Tết, tô màu tranh, làm mô hình trò chơi thiếu nhi; tổ chức không gian đọc sách, trưng bày tranh dân gian, trải nghiệm viết thư pháp và làm bao lì xì; chuyên mục “Ảnh đẹp cùng sự kiện Phố sách Xuân Giáp Thìn 2024” và “mini game sự kiện” trên fanpage Phố sách Hà Nội; ATM sách, gói quà sách Tết đầu năm và mang đến trải nghiệm thực hành làm tranh Đông Hồ, tranh rước rồng… Tại Lễ hội Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh Tết Giáp Thìn 2024, Ban Tổ chức lễ hội sẽ tổ chức các hoạt động hướng đến lì xì sách, mừng tuổi bằng sách. Cụ thể, Ban Tổ chức đã vận động 6.000 quyển sách để lì xì cho khách tham quan vào ngày 10-2 (mùng 1 Tết), chưa kể sách điện tử.
Thật không dễ gì có thể thay đổi hoàn toàn được thói quen của mọi người, nhưng để hoạt động này trở thành một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng, sự chung tay của các cá nhân, đơn vị sẽ dần dần thay đổi được nhận thức chung của mọi người. Khi được hỏi về việc thay đổi thói quen lì xì bằng tiền, chị Lê Thúy Hằng (Viên chức tại Hà Nội) cho biết: mừng tuổi bằng sách là một hoạt động rất hay và ý nghĩa, cần được nhân rộng bởi vào đầu năm mới, được nhận cuốn sách mình yêu thích, kèm theo những lời chúc may mắn, bình an thì đó là món quà quý giá nhất. Bạn Cẩm Anh (học sinh, Hà Nội) chia sẻ: Con rất thích đọc sách nên nếu được lì xì bằng sách con cũng rất vui, nhưng con mong rằng sẽ vẫn giữ phong bao lì xì và kèm theo một cuốn sách hay, ý nghĩa.
Có thể nói, những năm qua, mừng tuổi bằng sách đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức ở Việt Nam. Tặng một cuốn sách nhỏ, nhưng lại chính là trao cho người nhận một giá trị lớn từ cuốn sách bởi đó là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Cúc Đường, Giấc mơ “mừng tuổi bằng sách”, thethaovanhoa.vn, 26-1-2021.
2. Phan Thế Hoài, Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục lì xì trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam, vtc.vn, 7-2-2019.
3. Lê Minh Quốc, Lì xì… bằng sách, sggp.org.vn, 7-2-2021.
4. Tống Mai, Lì xì bằng sách: Cần nhân rộng và duy trì, suckhoedoisong.vn, 9-2-2018.
5. Minh Hiệp, Vận động 6000 quyển sách lì xì cho khách tham quan Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn năm 2024, hcmcpv.vn, 31-1-2024.
6. Nguyên Phúc, Đầu năm thầy cô vùng cao đến tận nhà học trò mừng tuổi sách, thanhnien.vn, 16-2-2021.
7. Văn Nguyên, Nhiều ý nghĩa từ chương trình “Lì xì mừng tuổi sách cho trẻ em”, phunuonline.com.vn, 19-1-2023.
8. Ngô Hồng Vân, Phố Sách Xuân Giáp Thìn 2024: “Tri thức trao tay - Xuân vạn điều may”, vanhoanghethuat.vn, 5-2-2024.
NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN