Chủ nghĩa tân ấn tượng ra đời đã mở ra một bước ngoặt trong lịch sử nghệ thuật tạo hình. Các họa sĩ ấn tượng và tân ấn tượng đã áp dụng các lý thuyết khoa học về quang học màu sắc của Isaac Newton và Michel Eugène Chevreul để tạo ra một kỹ thuật hội họa mới. Điều này đã làm thay đổi cách nhìn toàn diện về lý thuyết màu sắc trong hội họa mà trước đó nhiều thế hệ họa sĩ vẫn đi theo. Mỗi bức tranh của họ đều được áp dụng một cách chặt chẽ giữa khoa học và màu sắc. Từ đó, họ tạo nên nhiều bức tranh có màu sắc lung linh, tươi sáng rực rỡ. Những bức tranh của các họa sĩ trường phái đã góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của nền hội họa thế giới.
1. Sự ra đời của trường phái tân ấn tượng
Chủ nghĩa tân ấn tượng được định nghĩa là một phong cách hội họa nổi lên ở Pháp trong những năm 1880. Tên tân ấn tượng được nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Félix Fénéon đặt nhân một lần đến xem triển lãm, thấy cách vẽ của Seurat có nhiều điểm mới lạ khác, với ý nghĩa tách biệt với trường phái ấn tượng. Từ đó chủ nghĩa tân ấn tượng chính thức được ra đời vào năm 1886 (1). Ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa tân ấn tượng đã thu hút được nhiều họa sĩ, quan tâm và vẽ theo. Những họa sĩ theo trường phái này đã sử dụng các kỹ thuật Pointillist (chấm điểm) và Divisionist (chia đôi), là hai kỹ thuật có ảnh hưởng đến đặc điểm và phong cách của chủ nghĩa tân ấn tượng. Đây là một phong cách đặc trưng mà về sau nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu gọi với nhiều tên như là: chủ nghĩa sắc ký, chủ nghĩa chia đôi, hay chủ nghĩa Pointillism nghệ thuật chấm màu. Về sau được thống nhất với cái tên của nhà phê bình nghệ thuật Félix Fénéon, chủ nghĩa tân ấn tượng, thuật ngữ này đã bao gồm tất cả những điều trên.
Chủ nghĩa tân ấn tượng phát triển nhanh chóng với nhiều họa sĩ trẻ năng động có tâm và có tầm. Họ đã biết ứng dụng khoa học hiện đại với nghệ thuật, để tìm ra kỹ thuật và phong cách vẽ của mình. Chủ nghĩa tân ấn tượng đạt đến đỉnh cao ở Pháp từ năm 1886 đến năm 1894, sau đó lan sang một số nước châu Âu. Trước khi kết thúc vào năm 1935, trường phái này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến kỹ thuật của các họa sĩ như Vincent van Goth và Henri Matisse…
2. Khoa học và màu sắc
Khoa học và nghệ thuật tưởng là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng thực tế lại là một cặp phạm trù song hành. Khoa học bao gồm một hệ thống tri thức về quy luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy. Hệ thống tri thức này hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội. Còn nghệ thuật, một phương tiện để khám phá và thưởng thức những yếu tố hình thức, hay như sự bắt chước (mimesis) hoặc thể hiện. Các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo thông qua trí tưởng của người nghệ sĩ. Những tác phẩm nghệ thuật nhằm diễn đạt tâm tư tình cảm, truyền cảm xúc và ý tưởng, từ người này sang người khác… Điều này có thể thấy qua các trào lưu hội họa hiện đại. Trong nửa cuối của TK XIX, chủ nghĩa tân ấn tượng ra đời đã mở ra một bước ngoặt trong lịch sử nghệ thuật tạo hình. Các họa sĩ ấn tượng và tân ấn tượng đã áp dụng các lý thuyết khoa học về quang học màu sắc để tìm ra một kỹ thuật hội họa mới. Kỹ thuật hội họa này dựa trên các lý thuyết quang học khoa học của Isaac Newton và Michel Eugène Chevreul. Newton nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà thần học. Vào TK XVII, Isaac Newton đã thí nghiệm về ánh sáng quang phổ, ông lấy một lăng kính thủy tinh để ở trong phòng tối rồi cho ánh sáng chiếu vào ở vị trí có độ lệch cực tiểu là thuôn dài, từ đó ông tìm ra các màu cơ bản là đỏ, vàng, xanh lam, các màu phụ là cam, lục, tím và các màu thứ ba là xanh lam tím, xanh lam - xanh lục, vàng lục, ông gọi đây là bảy sắc cầu vồng (2).
Từ năm 1670-1672, ông đã nghiên cứu sự khúc xạ của ánh sáng và chứng minh rằng quang phổ nhiều màu do lăng kính tạo ra có thể được tổng hợp bằng thấu kính và lăng kính thứ hai để chuyển thành ánh sáng trắng (3). Ông chứng minh: ánh sáng có màu không thay đổi tính chất của nó bằng cách tách ra một chùm màu và chiếu nó lên các vật thể khác nhau và bất kể là phản xạ, tán xạ hay truyền đi, ánh sáng vẫn có cùng một màu. Ông kết luận: màu sắc là kết quả của các vật thể tương tác với ánh sáng đã có màu chứ không phải là các vật thể tự tạo ra màu sắc. Đây được gọi là lý thuyết về màu sắc của Newton.
Michel Eugène Chevreul là một nhà hóa học người Pháp, được biết đến ở một số lĩnh vực trong khoa học, y học và nghệ thuật. Năm 1824, trong quá trình làm việc và nghiên cứu thuốc nhuộm tại Xưởng sản xuất Gobelins ở Paris, Chevreul đã xác định được quy luật bản thân của màu và quy luật tương phản đồng thời, đề cập đến việc nhận thức về sự thay đổi của màu sắc như thế nào khi các màu được đặt cạnh nhau. Ông cho rằng: “Trong trường hợp ta nhìn thấy hai màu cạnh nhau, chúng sẽ làm thay đổi nhận thức của chúng ta, nhận thức được hiệu ứng của hai màu hoặc giá trị liền kề với nhau. Màu sắc không tồn tại trong sự cô lập; chúng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh của chúng và ảnh hưởng đến màu sắc lân cận” (4). Ví dụ, khi đặt cùng một màu xanh lam trên hai nền khác, nền thứ nhất màu xanh lá cây, nền thứ hai màu nâu. Khi nhìn vào hai màu này sẽ thấy màu xanh lam ở nền màu nâu có vẻ vừa tối hơn hay xỉn hơn trong khi đó màu xanh lam được đặt trên nền xanh lá cây sáng hơn và nhạt hơn trên nền màu nâu.
Đây chính là quy luật tương phản đồng thời của màu sắc khi ta đặt hai màu giống nhau trên nền khác nhau màu sắc sẽ tương phản tạo ra sự khác biệt tối đa. Năm 1839, ông viết một cuốn sách Quy luật tương phản của màu sắc. Cuốn sách được coi là lý thuyết toàn diện về nguyên tắc thiết kế màu sắc cho tất cả các loại hình nghệ thuật thị giác như: trang trí thảm, nội thất, tranh ghép màu, nhà thờ, nhà hát… Lý thuyết về sự tương phản đồng thời của màu sắc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hội họa trường phái ấn tượng và tân ấn tượng, hậu ấn tượng.
3. Sự ảnh hưởng của khoa học màu sắc trong tranh của trường phái tân ấn tượng
Trường phái tân ấn tượng Neo-Impression là một xu hướng nghệ thuật được ra đời năm 1886 ở Pháp sau trường phái ấn tượng. Hai họa sĩ người Pháp là Paul Signac (1863-1935) và Georges Seurat (1859-1891) gặp nhau tại cuộc triển lãm lần thứ tám của các họa sĩ trường phái ấn tượng năm 1884. Tại đây, họ đã nhận thấy những điểm cần thay đổi trong nghệ thuật của trường phái ấn tượng và mong muốn đem lại nhiều tác phẩm nghệ thuật với phong cách mới đến với công chúng. Để phát triển trường phái tân ấn tượng, hai ông đã nghiên cứu rất kỹ về lý thuyết màu sắc của Newton và lý thuyết màu sắc đương đại Michel Chevreul, nhưng mỗi người lại có một kỹ thuật vẽ khác nhau, điều này đã tạo nên sự đa dạng cho nền hội họa tân ấn tượng.
Seurat kết hợp hài hòa giữa khoa học vào hội họa, ông đã sử dụng kỹ thuật Pointillist (nghệ thuật chấm màu), sử dụng các chấm màu nhỏ nguyên chất cạnh nhau trên mặt tranh, những chấm màu thuần khiết đó tự hòa trộn và tạo thành các hình dạng màu sắc lung linh rực rỡ trong mắt người xem. Với kỹ thuật này, ông đã tạo ra nhiều tác phẩm như: Une Baignade Asnières (Tắm ở Asnières) - vẽ năm 1883-1884, kích thước 201x301cm; A Sunday Afternoon on the Island of the La Grande Jatte (Một chiều chủ nhật trên đảo Grande Jatte) vẽ năm 1884-1886, kích thước 200x300cm; Models (Les Poseuses) (Người mẫu), còn được gọi là (Ba người mẫu), vẽ năm 1886-1888, kích thước 200x249,9 cm (5).
Một chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte là bức tranh nổi tiếng nhất và lớn nhất mà Georges Seurat thể hiện. Nó mô tả cảnh quan trong một công viên ngoại ô trên một hòn đảo ở sông Seine có tên là La Grande Jatte, một nơi vui chơi giải trí phổ biến cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Paris vào TK XIX. Khi vẽ tác phẩm này, Georges Seurat chỉ mới 25 tuổi, một họa sĩ trẻ nhiệt huyết đầy tham vọng, ông muốn dùng một lý thuyết khoa học, quang học để chứng minh với thế giới nghệ thuật hiện đại rằng, vẽ bằng chấm có thể tạo ra màu sắc tươi sáng hơn so với vẽ bằng nét thông thường. Seurat đặt các chấm màu nguyên chất cạnh nhau nhằm tạo ra hiệu ứng quang học trong mắt người tạo ra sự tương hợp giữa hình thức, đường nét, màu sắc… sau đó họ sử dụng các nét chấm đậm, để khoanh vùng, phân chia các mảng màu đậm nhạt tạo sắc độ màu sắc rực rỡ và mạnh mẽ hơn so với các nét vẽ tiêu chuẩn từ trước ông. Vào thời điểm đó, ông gọi phương pháp này là chủ nghĩa chia đôi (một thuật ngữ mà ông ưa thích) (6), về sau ông gọi là chủ nghĩa Pointill.
Seurat mất 2 năm để vẽ bức tranh Một chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte. Giai đoạn đầu, ông tập trung nghiên cứu vẽ phác thảo cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết vào cảnh quan của công viên cũng như các nhân vật khác nhau trong tranh. Sau khi hoàn thành các phác thảo, ông tập trung vào các chi tiết màu sắc, ánh sáng và hình thức của bức tranh. Trong bức tranh này, ông đã ứng dụng chính xác các chấm sơn nhỏ đặt cạnh nhau tạo ra hiệu ứng quang học của màu sắc. Đây là tác phẩm đầu tiên từ bỏ công thức pha màu truyền thống là pha các màu với nhau trên pha lét được màu như mong muốn rồi mới vẽ. Seurat dùng kỹ thuật chấm màu trực tiếp trên toan tạo thành những chấm to, nhỏ tùy theo kích thước bức tranh. Việc thực hiện bức tranh bằng nét vẽ to, nhỏ, rời rạc đặt cạnh nhau đối với ông rất quan trọng vì nó tránh được các màu khi pha vào nhau sẽ làm xỉn đi một trong hai chất màu ban đầu.
Để tạo ra sự cân bằng bức tranh, Seurat đã sắp xếp bố cục cân đối để thu hút mắt người xem. Trung tâm của bức tranh là một loạt các hoạt động vui chơi giải trí. Các nhân vật trong bức tranh đều được đặt ở trạng thái tĩnh, mọi người quay mặt sang một bên hoặc nhìn thẳng ra dòng sông khiến toàn bộ bức tranh có vẻ rất cứng nhắc. Nhưng đây chính là điểm mà Seurats tạo điểm nhấn và góc nhìn của bức tranh.
Với kỹ thuật này, Seurat đặt các chấm thu nhỏ xen kẽ nhau bằng các màu tương phản tạo ra độ hài hòa tươi sáng trong bức tranh. Màu sắc trong bức tranh được ông dùng chủ yếu như: màu xanh lam, xanh lá cây, vàng, đỏ, màu trắng chì, màu xanh lục và xanh lam ultramarine, các màu này được đặt cạnh nhau, chồng lên nhau bằng vô số chấm nhỏ để làm điểm nổi bật màu vàng trên bãi cỏ ngập nắng ở giữa bức tranh mà còn trong hỗn hợp với sắc tố cam và xanh lam tạo ra các bóng đổ đậm nhạt, sáng tối cho người và cây cối, động vật… tạo ra sự chuyển hóa đa dạng, phong phú của màu sắc mà không làm mất đi sự tươi tắn vốn có của màu. Trong hội họa truyền thống, bóng chủ yếu được thể hiện bằng màu đen, nhưng các nguyên tắc của thuyết Pointill cho rằng, người ta nên xác định bóng của mình bằng màu mà chúng tiếp xúc. Điều này được Seurat thể hiện ở bóng đổ của người phụ nữ. Mặt khác, cách sử dụng ánh sáng của Seurat cũng là một trong những điểm độc đáo của tác phẩm. Ánh sáng từ bên trái tức là nắng của chiều tà vàng nhạt chiếu xuyên qua các cảnh vật trong bức tranh tạo nên những sắc độ đậm nhạt, tương quan xa gần mờ ảo qua việc pha trộn những màu sắc. Về góc nhìn, đều tập trung ra dòng sông bên trái hình. Mặc dù thực tế dòng sông chỉ là một phần nhỏ của bức tranh, các hoạt động trong phân đoạn này thu hút ánh nhìn của người xem. Tác phẩm Một chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte của Seurat đã khởi đầu cho một trường phái nghệ thuật tân ấn tượng, mang đầy tính khoa học và kỹ thuật hiện đại (7).
Rất tiếc, ông ra đi lúc tuổi đời còn trẻ khi mà tài năng nghệ thuật của ông đang ở giai đoạn chín nhất. Tiếp nối dẫn dắt trường phái tân ấn tượng là họa sĩ Signac. Mặc dù Signac lớn hơn Seurat bốn tuổi, nhưng ông lại ảnh hưởng phong cách kỹ thuật của Seurat. Cũng dựa trên lý thuyết khoa học về màu sắc của Newton và Chevreul kết hợp với kỹ thuật chấm điểm màu của Seurat. Năm 1899, họa sĩ Paul Signac đưa ra lý thuyết để vẽ một bức tranh theo trường phái tân ấn tượng gồm bốn phần: phác thảo để phân về “độ sang” và “sự hài hòa” của màu sắc bằng cách: hỗn hợp quang học của các sắc tố và các tông màu; tách biệt của các yếu tố khác nhau của màu sắc (màu cục bộ, màu ánh sáng và sự tương tác của các màu với nhau); sự cân bằng của các nguyên tố màu và tỷ lệ của chúng (theo quy luật tương phản, phân cấp và chiếu xạ); sự lựa chọn nét vẽ sẽ tương xứng với kích thước của mỗi bức tranh (8). Lý thuyết màu sắc này của Signac vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang lại sự nghiêm ngặt về mặt khoa học và kỹ thuật. Trong lý thuyết về màu sắc của mình, Signac đã áp dụng triệt để các “sắc tố đơn thuần” mà Signac chỉ định là màu của “lăng kính”. Theo thuật ngữ của các họa sĩ, màu sắc của lăng kính tương ứng với các màu cơ bản là đỏ, vàng và xanh lam, các màu phụ là cam, lục và tím, các màu thứ ba là xanh lam tím, xanh lam - xanh lục, vàng lục. Những họa sĩ trường phái tân ấn tượng trộn các màu này hoặc “sắc thái” với màu trắng để tạo ra các “tông màu” khác nhau (ví dụ: để chuyển tất cả các màu xanh lam từ nhạt đến đậm họ sử dụng nét màu xanh nhỏ trên nền màu trắng từ đó tạo ra các tông màu khác nhau). Làm như thế các họa sĩ đã tránh được các màu bị xỉn do pha trộn các màu với nhau mà thành. Ngoài ra, ông nổi tiếng với những bức tranh và các bản phác thảo tỉ mỉ, Signac cũng là một nhà sáng tạo trong thử nghiệm sâu rộng của mình với nhiều loại phương tiện khác nhau, từ các kỹ thuật in như in thạch bản và khắc đến màu nước, bút, mực, những bức tranh được sản xuất ở dạng chấm nhỏ. Bất kể phương tiện nào, ông vẫn kiên trì tạo ra các biểu mẫu mà không dựa vào đường nét, điều này áp đặt một mức độ trừu tượng nhất quán cho tất cả các tác phẩm của ông.
Năm 1890, Signac đã vẽ bức tranh chân dung Félix Fénéo. Đây là một trong những bức tranh thành công và đáng nhớ nhất của Signac theo phong cách tân ấn tượng. Bức chân dung này phản ánh sự độc đáo của đối tượng. Fénéon bí ẩn với bộ râu dê đặc trưng, tay trái cầm gậy chống và mũ đội đầu, tay phải cầm một bông hoa trắng như đang đưa về phía vòng xoáy của những con sóng có hoa văn và màu sắc rực rỡ, làm cho người xem liên tưởng đến một ẩn dụ nào đó và đang bắt đầu một quá trình trừu tượng hóa. Trong bức tranh, cả bông hoa và Fénéon vẫn tĩnh lặng giữa một bản giao hưởng của màu sắc được phát ra từ tâm điểm tạo thành những vòng xoáy chuyển động của những sắc màu. Phải chăng ông ngầm ngụ ý rằng cả ông và Seurat, đều bị ảnh hưởng bởi lý thuyết về Quy luật tương phản của màu sắc của Charles Henry. Bức chân dung của Signac về Fénéon là bánh xe màu đang chuyển động trong lý thuyết đó.
Qua bức tranh, ta thấy rõ sự tỉ mỉ, cẩn thận qua từng nét chấm màu của Signac. Không có sự phân tâm, cấu trúc được hình thành, phân chia rõ ràng, màu sắc được đặt cạnh nhau, tác động lẫn nhau tạo nên sự tương phản giữa các màu. Ngay cả cái mũ màu đen và màu trắng từ các đường gợn sóng đã tạo ra hiệu ứng tổng thể lung linh của màu, các lớp chấm được sắp xếp cẩn thận để tạo ra các biến thể trong giai điệu của đường nét. Tạo ra lực hút sâu vào không gian, việc Signac sử dụng các trường màu đồng nhất, phân chia các mảng màu để khớp nối không gian trong bức tranh tạo thành một sự thống nhất. Trong tranh ông không diễn tả không gian ba chiều nhằm tạo ra ảo giác mà thay vào đó là những điểm nhấn màu sắc và sự xếp cạnh của các dạng hình học, đơn giản tạo nên hình vẽ làm điểm nhấn cho tác phẩm. Điều này cho ta cảm giác tranh của ông đã có sự ảnh hưởng nhất định của tranh khắc gỗ Nhật Bản. Bức tranh chân dung của Fénéon được các nhà phê bình nhận xét là sự mẫu mực về màu sắc bậc thầy của sự pha trộn quang học trong trường phái tân ấn tượng. Tác phẩm này đã làm say mê các nghệ sĩ khác trong thời kỳ đó.
Kết luận
Dưới sự tiên phong của hai họa sĩ Seurats và Signac, đặc biệt sau khi Seurat mất, Signac là người dẫn dắt chủ nghĩa tân ấn tượng ngày càng trở nên phổ biến hơn từ những năm 1900 trở đi. Trong sự kiện ở Salon des Indépendants năm 1901 được tổ chức tại Grand-Palais ở Paris, các nhà phê bình đã trầm trồ khen ngợi những tác phẩm của Signac và những họa sĩ theo trường phái tân ấn tượng và viết những đánh giá tích cực về phong cách này. Signac đã nhận được những lời khen ngợi đặc biệt. Từ đây, các nhà phê bình đã xóa tan những định kiến ban đầu cáo buộc sử dụng phương pháp tiếp cận khoa học để vẽ tranh và đánh mất khía cạnh sáng tạo của nghệ thuật. Các nhà phê bình thừa nhận rằng, chủ nghĩa tân ấn tượng cho phép tác phẩm mang tính cá nhân hóa và giàu trí tưởng tượng. Mặc dù chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn (1886 - đầu những năm 1900), chủ nghĩa tân ấn tượng đại diện cho một trong những phong trào nghệ thuật tiên phong, Georges Seurat và Paul Signac trở thành họa sĩ dung hòa giữa nghệ thuật và khoa học. Chủ nghĩa tân ấn tượng còn ảnh hưởng đến các họa sĩ TK XX như Henri Matisse và Piet Mondrian đã trải qua giai đoạn tân ấn tượng trong sự nghiệp của họ.
___________________
1. Hutton, John G., Chủ nghĩa tân ấn tượng - Nghệ thuật và Khoa học, Nxb Đại học Bang Louisiana, 2004, tr.109.
2. Hall, Alfred Rupert, Isaac Newton: nhà thám hiểm trong suy nghĩ, Nxb Đại học Cambridge, 1996, tr.67; Charles Henry, Esthethique Scientifique (Thẩm mỹ khoa học) Nxb Collection, 2015, tr.87.
3. Newton, Isaac, Thủy tinh, Quang học, Âm thanh và Nhiệt, Thư viện Kỹ thuật số Đại học Cambridge, 10-1-2012.
4. Chevreul, ME, và Margulis, Dan, Về quy luật tương phản đồng thời của màu sắc (xuất bản lần thứ 11), Nxb Đại học Cambridge, 2020, tr.94.
5. Chu, Petra ten-Dpesschate, Nghệ thuật châu Âu thế kỷ 19, mayfairgallery.com, 4-12-2003.
6. Hutton, John G, Chủ nghĩa tân ấn tượng và tìm kiếm nền tảng vững chắc: Nghệ thuật, Khoa học và Chủ nghĩa vô chính phủ ở Fin-de-siecle Pháp, Nxb Đại học Bang Louisiana, tr.257.
7. Herbert, Robert. Bản vẽ và Tranh của Seurat, Nxb Đại học Yale, 2001, tr.88.
8. Floyd, Ratliff, Paul Signac và màu sắc trong trường phái tân ấn tượng, Nxb Đại học Rockefeller, 1992.
Tài liệu tham khảo
1. en.wikipedia.org.
2. thecollector.com.
3. Paul Signac, Color Science and Politics in Neo-Impressionism (Khoa học Màu sắc và Chính trị trong trường phái tân ấn tượng), thecollector.com, 10-1-2021.
Ths TRẦN QUỐC BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022