Nằm trong chuỗi các hoạt động chính tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra trong tháng 6 với chủ đề “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc Việt Nam”, ngày 23-6 vừa qua, du khách đã được tận mắt chứng kiến lễ thức đám cưới độc đáo của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng đến từ tỉnh Kon Tum. Có thể nói, bên cạnh nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thực, phong tục cưới hỏi của người Giẻ Triêng thực sự là nét văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc cần được lưu giữ, phát huy.
Dân tộc Giẻ Triêng là một trong số những dân tộc ít người, sinh sống ở vùng Đông Bắc dãy Trường Sơn; số dân khoảng hơn 50 ngàn người tập trung chủ yếu tại tỉnh Kon Tum. Đối với người Giẻ Triêng, một trong những việc quan trọng của đời người là “trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng”. Phong tục cưới hỏi lạ lẫm và độc đáo yêu cầu người con gái trước khi tiến hành nghi lễ “bắt chồng” phải đốn đủ 100 bó củi và sản phẩm dệt để đem đến nhà chồng. Người Giẻ Triêng cho rằng, chỉ cần quan sát củi hứa hôn có thể đoán biết được phẩm chất, tài khéo léo của người thiếu nữ đó, giỏi giang hay vụng về. Cây củi được chặt bằng, bó củi đều nhau có nghĩa cô gái khéo tay. Thiếu nữ phải dùng dao chặt củi thật tỉ mỉ thành 5 cánh nhưng từng thanh củi nhất thiết không được rời ra. Ngày nay, phong tục này vẫn còn được lưu giữ, nhưng do cần phải bảo vệ tài nguyên rừng nên số củi cũng được giảm bớt, nhưng ít nhất vẫn phải có từ 1 - 2 bó. Còn chàng trai sẽ được người cha của mình bày cách đan lát những chiếc gùi, chiếc giỏ, rèn những nông cụ như dao, rựa, cuốc, rìu để phục vụ cho cuộc sống sau này.
Những lóng củi được chặt đều đặn, chẻ tại chỗ rồi chuyển về nhà gái chất thành đống chờ ngày chuyển sang nhà trai
Người mai mối có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giúp đôi trai gái Giẻ Triêng nên vợ nên chồng, không những vậy, đây còn là người đứng ra hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong hôn nhân của cặp đôi sau này. Để trả công cho người mai mối, gia đình hai bên sẽ gửi những lễ vật lớn như: ghè rượu ngon nhất, gạo ngon nhất, miếng thịt to và ngon nhất… đến nhà người mai mối, coi như lời cảm ơn đã tận tình dành tâm huyết cho đại sự của con mình.
Nhà trai mang lễ vật sang nhà gái
Lễ hỏi được tổ chức vào ban đêm, lần lượt từ nhà trai đến nhà gái và phải bí mật (chỉ có những người thật gần gũi với chú rể và cô dâu tham dự). Tại lễ hỏi, người mai mối khấn xin phép thần linh, và bắt cô gái đảm nhận việc cắt cổ gà, linh vật mà nhà trai mang đến. Sau khi tiến hành xong đám hỏi ở nhà trai, nhà gái đón nhà trai và người mai mối về làm đám hỏi ở nhà mình. Đến ngày lành tháng tốt, đám cưới được tổ chức vào ban ngày. Lúc này việc quan trọng là chuyển củi từ nhà gái sang nhà trai. Đáp lại, nhà trai tặng cho nhà gái một đùi lợn, ít gạo, muối, ớt và 1 bầu rượu để nhà gái gùi mang về. Sau khi tiến hành xong buổi lễ, nhà trai và nhà gái chúc nhau bằng hình thức đối đáp, giao duyên cho tới quá trưa.
Lễ cưới của người Giẻ Triêng thường được tổ chức vào tháng 11 đến tháng 12 hằng năm khi cả làng đã thu hoạch xong vụ mùa của gia đình và ăn cơm mới. Theo phong tục của người Giẻ Triêng, con gái dân tộc Giẻ Triêng khi bước qua tuổi 15 bắt đầu nghĩ tới việc vào rừng đốn củi để đủ điều kiện lấy chồng. Những thanh củi tình yêu này cũng chính là tài sản hồi môn đặc biệt của cô dâu dành để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét. Đây được xem là một phong tục lành mạnh mang nhiều ý nghĩa nhân văn thể hiện phẩm chất chịu thương chịu khó của người phụ nữ Giẻ Triêng, là một nét văn hóa đẹp tượng trưng cho tình yêu đôi lứa.
Ngoài ra, cũng giống như quan niệm của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác, người Giẻ Triêng rất coi trọng ý nghĩa và vai trò của những tấm vải thổ cẩm, đặc biệt là những tấm vải do các cô gái sắp về nhà chồng chuẩn bị. Bởi sự tinh xảo, tỉ mỉ của những hoa văn thêu trên tấm vải cho thấy được rất nhiều phẩm chất của cô gái, xem cô gái có phải là một người chịu thương, chịu khó, khéo léo và biết chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái hay không.
Người Giẻ Triêng rất coi trọng ý nghĩa và vai trò của những tấm vải thổ cẩm
Một đám cưới trong buôn làng Giẻ Triêng mang tính cộng đồng rất cao. Không chỉ là chuyện riêng của đôi trai gái hay gia đình hai bên, mà còn là chuyện vui của tất thảy già trẻ, lớn bé trong làng. Gần đến ngày diễn ra lễ cưới, chú rể cùng với các thanh niên trai tráng trong làng chia nhau lên rẫy để cài bẫy bắt con chim, con chuột, con thú, ra sông thả lưới quăng chài bắt cá và chế biến thành những món ăn trong ngày cưới. Đặc biệt, trong đám cưới không thể thiếu con chuột, một trong những hiện vật quan trọng để chia của cho nhà gái và những cô gái đi lấy củi.
Còn những người già ngồi bên bếp lửa nhà rông, chế tác nhạc cụ dân gian từ những ống lồ ô, vỏ quả bầu khô để vui chơi trong ngày cưới, âm thanh của những nhạc cụ ấy sẽ thay lòng họ chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Những người phụ nữ cũng tất bật vào rừng tìm cây mây đắng, lấy những đọt măng, hái rau rừng để chế biến thành những món ăn không thể thiếu trong ngày cưới.
Khi những công việc chuẩn bị cho một đám cưới được hoàn tất, mọi người cùng tất bật, vui vẻ thực hiện các nghi lễ chính trong đám cưới của đôi trẻ.
Sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, cô gái sẽ cõng củi sang nhà trai, rồi chuyển cho bố mẹ để họ xếp lượt củi đầu tiên. Theo phong tục của người Giẻ - Triêng, sau khi nhà trai nhận củi, đôi trai gái đó coi như đã thành vợ, thành chồng, họ không được quan hệ tình cảm (yêu) với người khác. Chuyển củi xong, nhà trai tiến hành lễ cưới. Lễ cưới của nhà trai sẽ được những người họ hàng cùng góp lại, sau khi nhà trai chuẩn bị thức ăn xong, người mai mối sẽ thông báo cho nhà gái sang để tiến hành làm lễ. Đầu tiên, người mai mối sẽ mời bố đẻ của cô gái cầm con dao để cắt tiết của con heo nhà trai đã chuẩn bị trước đó, họ hàng (những ai chưa có con, những người có con mới đẻ) sẽ cầm vạt áo của cô dâu để cầu con cháu đầy đàn, cuộc sống no đủ cho đôi trai gái và cho bản thân, những đứa con nhỏ của họ sẽ không đau ốm, không khóc đêm. Sau đó, người mai mối sẽ đặt tay lên ghè rượu khấn rằng “hứa hẹn với nhau, yêu thương nhau, sinh nhiều con cái, sống với nhau đến nhắm mắt, xuôi tay".
Người mai mối mời cô dâu, chú rể và họ hàng nhà gái ăn cơm chung
Có thể nói, việc lưu giữ nét văn hóa độc đáo trong cưới hỏi của người Giẻ Triêng là một phần quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù trong thời đại ngày nay, không gian để thực hành các nghi lễ nói chung của các đồng bào dân tộc thiểu số đã bị thu hẹp nhiều, cũng như liên quan mật thiết đến vấn đề bảo vệ tài nguyên rừng, nhưng nhờ những nỗ lực của các chủ thể văn hóa và sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đã giúp những nét đẹp truyền thống đặc sắc ấy còn được lưu truyền.
Bài, ảnh: NGÔ HUYỀN