Chiều 31-10, tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025… Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình và nhận định kinh tế, xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đồng thời cũng đề nghị cần quan tâm nhiều hơn về văn hóa.
Quốc hội thảo luận tại Hội trường chiều 31-10
Cần có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nhấn mạnh: Bước vào năm 2023, mặc dù chúng ta đã rất chủ động dự báo, song, những tác động tiêu cực đến từ nền kinh tế thế giới đến nước ta có mặt chưa lường hết được. Vượt lên những khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, cho dù có nội dung chưa đạt như kỳ vọng.
Đồng thời, đại biểu Thanh Phương cũng đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, trong đó có tình trạng trong thời gian qua nổi lên nhiều vụ án mạng nghiêm trọng, hành xử dã man chỉ vì những lý do nhỏ nhặt trong cuộc sống, môi trường văn hóa thuần phong, mỹ tục bị xâm hại; một bộ phận văn nghệ sĩ, người mẫu, người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội xuống cấp về lối sống, đạo đức; mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin xấu độc từ mạng xã hội, blog cá nhân, ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh bạo lực, đồi trụy đã làm gia tăng tội phạm và nhiều hiện tượng xã hội đáng quan tâm khác. Song, đến nay dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa kiểm soát tốt, thậm chí có mặt còn gia tăng.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh): Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, không chỉ là sự khẳng định tầm quan trọng đối với lĩnh vực phát triển văn hóa trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội mà còn là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, nhằm khơi thông sức mạnh của văn hóa để văn hóa phát triển tương xứng, hài hòa với các lĩnh vực trọng yếu khác
Theo đại biểu, hiện nay, chúng ta đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, nhiều mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế được đề cập đầy đủ, rõ ràng nhưng có nơi, có lúc tính chất phát triển hài hòa chưa thực sự hiệu quả. Phát triển văn hóa còn chậm so với tốc độ phát triển kinh tế, chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa Việt Nam. Nhiều cử tri cho rằng, việc phát triển kinh tế chưa song hành với phát triển văn hóa. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, không chỉ là sự khẳng định tầm quan trọng đối với lĩnh vực phát triển văn hóa trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội mà còn là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, nhằm khơi thông sức mạnh của văn hóa để văn hóa phát triển tương xứng, hài hòa với các lĩnh vực trọng yếu khác.
“Quá trình lãnh đạo, quản lý cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xem văn hóa là cái đuôi, là cái bóng lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế, xem nhiệm vụ phát triển văn hóa chưa mang tính cấp thiết, không phát triển cũng chẳng chết ai, đầu tư vào văn hóa không có lợi nhuận. Kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm phát triển văn hóa thì cũng tự đánh mất mình, phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì. Do đó, văn hóa là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất, nguồn sống cho phát triển văn hóa nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách khỏi sự nâng đỡ của văn hóa. Không để mục tiêu phát triển kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hóa, văn hóa phải đi cùng và đi ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển” – đại biểu bày tỏ.
Dư địa rất lớn để phát triển văn hóa, nghệ thuật
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nhấn mạnh: Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức, tư duy, hành động, trong chuyển biến của các cấp, các ngành liên quan đến văn hóa. Hội thảo Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp một số cơ quan, tổ chức đã tạo được những dư địa, những kết quả rất tốt đẹp với sự tham dự trực tiếp của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Chủ tịch nước lúc đó là Thường trực Ban Bí thư với những chỉ đạo rất cụ thể, sâu sắc và sự chuyển biến đấy đã thể hiện rất rõ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là một trong những vấn đề rất cơ bản để cho văn hóa có những bước phát triển bền vững trong triển khai sắp tới.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên): Đất nước ta có 100 triệu dân, với tăng trưởng kinh tế 5% đến 6% một năm. Với tỷ lệ dân số trẻ, người Việt Nam thích bàn luận, thích xem, thích cái mới và rất say sưa với chữ nghĩa, với văn hóa, đó là dư địa rất lớn để chúng ta phát triển trước hết là văn hóa, nghệ thuật
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, một điểm thuận lợi nữa trong phát triển văn hóa, đó là đất nước ta có 100 triệu dân với tăng trưởng kinh tế 5% đến 6% một năm. Đấy là mơ ước của nhiều quốc gia khác với tỷ lệ dân số trẻ và người Việt Nam thích bàn luận, thích xem, thích cái mới và rất say sưa với chữ nghĩa, với văn hóa, đó là dư địa rất lớn để chúng ta phát triển trước hết là văn hóa, nghệ thuật.
Lấy ví dụ về ban nhạc Black Pink vừa qua sang biểu diễn ở Việt Nam chỉ có 2 đêm mà tổng thu của họ là hơn 13 triệu USD. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho biết, trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa được phê duyệt năm 2016, chúng ta đề ra con số là phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD, năm 2030 phấn đấu đạt 31 triệu USD.
“Như vậy, chỉ hai đêm diễn của Black Pink đã được non nửa con số chúng ta phấn đấu của tổng thu của nghệ thuật biểu diễn năm 2030, đó là điều rất đáng suy nghĩ. Họ thu ở trên đất nước chúng ta, của người Việt Nam chúng ta, trên sân vận động Mỹ Đình của chúng ta” – đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng chia sẻ, “chúng tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh thì các đồng chí Sở Văn hóa nói rất tiếc là tiêu chuẩn của sân vận động ở Thành phố Hồ Chí Minh không đạt, nếu họ lại vào đấy biểu diễn thêm 2 đêm nữa, chỉ cần 4 đêm diễn là họ bằng chúng ta phấn đấu năm 2030, như vậy dư địa rất là lớn. Nhưng khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đi giám sát, khảo sát ở các địa bàn chúng tôi thấy trong dư địa đấy, trong nỗ lực đấy thì nghệ thuật biểu diễn còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Các nhà hát thì không có diễn viên, diễn viên thì không có nhà hát. Có nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quản đến 5 địa điểm đất vàng, đất kim cương của thành phố nhưng chỉ vận hành 1 địa điểm, 4 địa điểm còn lại hoặc là để hoang hoặc cho các đơn vị khác thuê và tốn tiền bảo vệ, tốn tiền điện nước. Trong khi đó phần lớn các đoàn nghệ thuật không có nhà hát riêng để biểu diễn, muốn biểu diễn phải đi thuê, rất khó khăn về địa điểm biểu diễn”.
Về nhân lực, đại biểu cũng cho biết, một số đoàn nghệ thuật ở trung ương cũng rất khó khăn, có đoàn không có biên chế, có những nghệ sĩ sắp thành nghề, hay đã làm 10 năm rồi cũng phải bỏ, phải thôi vì không có biên chế… “Chúng tôi đi khảo sát ở các trường nghệ thuật thì các ngành nghệ thuật truyền thống, các cháu không đăng ký theo học, rất khó tuyển sinh. Mà, nghệ thuật truyền thống thường được truyền lại trong gia đình, được học hỏi từ người đi trước từ khi còn bé, từ đó mới ngấm nghề, nhuần nhuyễn với những làn điệu…”.
Về nghệ thuật biểu diễn, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, muốn có những tác phẩm xứng tầm thì phải có chính sách đãi ngộ, mà quan trọng nhất là phải tạo dư địa sáng tạo cho các nghệ sĩ để sáng tạo. Chúng ta đã có Lưu Quang Vũ với 40 vở kịch của những đêm diễn đỏ đèn, nên chúng ta cũng hy vọng với sự phát triển công nghiệp văn hóa, với những chính sách thiết thực sẽ có những tác phẩm văn hóa, văn nghệ, những tác phẩm văn chương xứng tầm, mang hơi thở thời đại, nhất là trong thực tiễn cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Chúng ta chờ đợi những tác phẩm phản ánh được thời đại, phản ánh hơi thở cuộc sống, càng thật thì càng sống lâu với thời gian, càng thật thì sẽ càng được đón nhận một cách sâu sắc.
Nội dung thứ hai, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa trao đổi, bàn luận đó là văn hóa, là nguồn lực phát triển, là nguồn lực nội sinh phát triển mà đồng chí Tổng Bí thư đã nói rõ trọng tâm của phát triển văn hóa là phát triển con người. Tránh chuyện tư duy văn hóa chỉ là giải trí, mà đã là con người thì trước hết phải phát triển văn hóa công vụ, đạo đức công vụ. “Chúng ta thấy trên báo chí và tiếp xúc hằng ngày, rất nhiều người dân phàn nàn về các thủ tục công vụ và không ít cán bộ hiện nay đang cố gắng làm những quy định cũ kỹ trở nên cũ kỹ hơn nhằm mục đích cá nhân” – đại biểu cho biết.
Lấy ví dụ về việc bán một căn hộ tập thể để dưỡng già nhưng các cụ già 80 tuổi phải trình giấy đăng ký kết hôn, không có giấy tờ khác được thay thế giấy tờ đó được và các cụ lấy nhau từ cách đây mấy chục năm, chiến tranh, kháng chiến, có khi bị thất lạc, bây giờ muốn làm được thủ tục đó thì cũng bẽn lẽn, run rẩy, dắt nhau đi để đăng ký kết hôn lại, không có đường nào khác cả. Đại biểu cho rằng, chúng ta rất cẩn thận trong việc bảo đảm tài sản cá nhân, nhưng sự lạnh lùng đó của nền công vụ có gắn kết với những giá trị văn hóa của người Việt Nam nhân văn, nhân ái, kính già trọng trẻ, trọng tài năng. Nhưng sự làm khó nhau đấy không có trong truyền thống văn hóa Việt Nam mà nảy sinh từ những tư lợi, từ những việc rất cụ thể mà chúng ta không chấn chỉnh. Cho nên sự xói mòn niềm tin từ hành vi công cụ rất cụ thể như vậy và đôi khi coi nó là chuyện thường tình.
“Tôi rất thấm thía lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực và phải kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta, hệ thống chính trị nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Tôi nghĩ cốt cách văn hóa Việt Nam ở những chiều sâu như vậy” – đại biểu bày tỏ.
Cần sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu ý kiến đánh giá về quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình đất nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã làm tất cả và hơn thế nữa trong quá trình này, Chính phủ đã bình tĩnh, tự tin tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện chống dịch như chống giặc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng...
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum): Sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam
Theo đại biểu Tô Văn Tám, kinh tế phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, về mặt xã hội đang có những vấn đề đặt ra đáng quan tâm, đó là sự bất bình đẳng trong đời sống và thu nhập, nó thể hiện sự chênh lệch thu nhập mức sống giữa các tầng lớp lao động và dân cư…
Về mặt đạo đức, lối sống, có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc trong xã hội. Qua những đại án hình sự và nhiều vụ án kinh tế, trong đó có nhiều người đã và đang chịu sự phán xét của pháp luật và dư luận lại nằm trong số một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Hay như sự ứng xử thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, thiếu văn hóa, các hành vi bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường, bạo lực nơi công cộng. Đây là vấn đề không mới, nhưng điều người dân bức xúc và lo ngại là tính chất phức tạp, tinh vi, manh động, nguy hiểm của hành vi và hậu quả đau lòng của nó...
“Nếu bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội thì đạo đức hay sự xuống cấp của đạo đức, lối sống cũng cần được nhìn nhận trong tất cả các hoạt động của con người trong chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đó cũng đặt trong tổng thể này” – đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cho biết, Chính phủ đã nhìn nhận rõ vấn đề đã và đang có nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả. Theo đại biểu Tô Văn Tám có nhiều nội dung cần được quan tâm, trong đó, có vấn đề, trong điều kiện chuyển đổi kinh tế - xã hội, có một số giá trị truyền thống đang bị đứt gãy. Bởi vậy, cần “đề nghị giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống, định hướng, hoàn thiện các giá trị đạo đức mới. Được biết là Bộ VHTTDL cùng với các bộ, ngành cũng đã có những hội thảo về hình thành những giá trị đạo đức mới này. Đồng thời, cần sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa Việt Nam” – đại biểu nhấn mạnh.
Thiếu các thiết chế văn hóa xứng tầm để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nêu thực trạng tại Bình Dương hiện có gần 3 triệu dân với quy mô dân số đứng thứ 6, quy mô kinh tế đứng thứ 3 cả nước, nhưng biên chế đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố. Hầu hết biên chế hành chính nhà nước của các sở, ban, ngành, đoàn thể của cấp tỉnh, cấp huyện đều ở khung tối thiểu. Nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất rộng, cộng với nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp là rất lớn, áp lực, tần suất, số lượng công việc rất cao. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên làm việc quá giờ hành chính, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật…
Mặc dù Bình Dương có đóng góp quan trọng cho ngân sách đất nước nhưng vẫn còn rất nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã, nhiều con hẻm chưa được nhựa hóa, số học sinh năm học 2022-2023 tăng gần 35.000 em.
Tình trạng quá tải trường học, bệnh viện, thiếu nhiều giáo viên, bác sĩ, thiếu các thiết chế văn hóa xứng tầm để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân vì tỉnh chưa có nguồn lực lớn hơn và tỷ lệ điều tiết ngân sách của Trung ương cho tỉnh còn khiêm tốn. Vì vậy, cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn về vấn đề này. Suy cho cùng, thành quả của sự phát triển phải được phân bổ hài hòa, hợp lý để phục vụ chăm lo tốt hơn cho nhân dân…” – đại biểu nhấn mạnh.
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội