Trong số các tác giả có tên tuổi của nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Vi Hồng là một cây bút tiêu biểu của núi rừng Việt Bắc. Với Vi Hồng, sáng tác trước hết là để chia sẻ tâm tư, tình cảm với mọi người, “quyết định trốn vào lâu đài văn chương, nghiên cứu và sáng tác một cách miệt mài trong lâu đài văn chương và giữa biển cả khổ đau có gào thét cũng chẳng nghe thấy được…”, sau là để góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa Tày, làm cho diện mạo văn học dân tộc Tày nói riêng và văn học dân tộc thiểu số nói chung trở nên phong phú, đa dạng. Có thể thấy, bên cạnh sự thành công ở lĩnh vực tiểu thuyết (16 tiểu thuyết), nhà văn còn quan tâm đến thể loại truyện ngắn (12 truyện ngắn). Đặc biệt, ông có những sáng tác dành riêng cho thiếu nhi, trong đó không thể không nhắc đến tác phẩm Đường về với mẹ chữ (1994), giải A Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nxb Kim Đồng (1996 - 1997).
Truyện ngắn Đường về với mẹ chữ kể lại câu chuyện 7 học sinh Cao Bằng vượt đường rừng đến trường Lương Ngọc Quyến - Thái Nguyên để về với “mẻ sư” (mẹ chữ). Theo cách quan niệm của người Tày: “Những gì quý giá và có vẻ như sinh sôi nảy nở được, người Tày chúng tôi đều gọi là “mẻ” (mẹ)… Ngày nay người Tày vẫn nói “mẹ đá”, “mẹ nước”. Trường học, nơi “sinh ra cái chữ” cho mọi học trò gom nhặt lấy, người Tày cũng gọi là nhà “mẹ chữ”. Ông thày nhiều chữ cũng gọi là ông “mẹ chữ”. Hành trình đi học của các học trò Cao Bằng cũng gọi theo các già xưa là đi tìm “mẹ chữ”.
Đường về với mẹ chữ của Vi Hồng đã tái hiện chân thực hành trình gian nan, vất vả của 7 học sinh Cao Bằng ngày ấy mà sâu xa hơn, đó chính là hành trình đến với tri thức. Nhà văn kể lại những điều giản dị nhất, những chi tiết đời thường, nhỏ nhặt nhất nhưng lại trở thành những dấu ấn khó phai trong tâm trí của ông: “Tôi viết ra đây mong con cháu lớp người dân tộc thiểu số, trước hết là con cháu các dân tộc Cao Bằng phần nào hiểu được lớp người đi trước ngày xưa quý cái chữ nghĩa như thế nào, vất vả nhọc nhằn ra làm sao mới có được một ít chữ trong bụng”.
Bằng lối kể chuyện chân thực, Vi Hồng đã đưa ký ức chúng ta trở về những năm kháng chiến chống Pháp: “Trước năm 1949 cả bảy tỉnh thuộc miền núi Đông Bắc nước ta chỉ có một trường cấp II gọi là trường Trung học Việt Bắc, khoảng 1949 mới đổi thành phổ thông cấp II. Trường luôn luôn di chuyển, lúc thì ở giữa rừng sâu, lúc ra chỗ núi đồi quang, nhưng phải học trong hang đá. Mỗi lần tin báo: Tây đi càn, trường lại chạy tản cư cùng dân…”. Vi Hồng và những người bạn của ông là học sinh lớp 7 trường này, lớp có 28 học sinh. “Đây là lớp 7 đón chiến thắng Điện Biên Phủ lập lại năm 1954”. Sau khi học hết mẹ chữ ở Cao Bằng, muốn “học nhiều chữ nữa, cao nữa”, họ đã quyết định tìm “đường về với mẹ chữ” Lương Ngọc Quyến ở “xử Thải” (xứ Thái).
Đường về với mẹ chữ của các học sinh Cao Bằng xa xôi, vất vả. Họ đã băng qua đại ngàn bằng chính đôi chân của mình. Từ nhà đến trường hơn 250km, có bạn nhà ở xa hơn phải đi gần 300km. Hồi ấy, các học sinh hoàn toàn cuốc bộ. Những đôi chân quen đi rừng cũng phải sưng vù lên, loại rượu ngâm ú tàu “thiện nghệ” cũng chỉ làm giảm bớt phần nào sự sưng tấy. Những đôi dép, giày bán ngoài chợ hay những đôi giày tự làm lấy, cả những đôi giày dự trữ mang theo cũng rách… Họ đi bộ suốt 9 ngày đêm để đến trường ôn thi, “Ngày đi, đêm gặp nhà, gặp bản thì xin nghỉ nhờ. Tối giữa rừng thì ngủ rừng, ngủ lều các quán dọc đường…”. Ôn thi xong thì ở trường thông báo hoãn thi một tháng. Họ lại cuốc bộ chín ngày để về nhà, bởi tiền các học sinh mang theo không đủ tiêu trong một tháng. Ở nhà chừng mười ngày, họ lại chuẩn bị về trường. Có những khi, “chưa về đến nhà lại lo đi tiếp!”. Chưa kịp nghỉ ngơi, xốc lại tinh thần, họ lại lo cho hành trình trở lại trường. Chỉ một câu nói ấy thôi, nhưng cách nói giản dị, chân thực của Vi Hồng đầy sức gợi. Bởi vừa trải qua một hành trình gian truân, mấy ai lại muốn dấn thân, muốn bước trở lại chặng đường đầy nhọc nhằn ấy nữa. Vậy mà, con đường đó, bảy học sinh Cao Bằng những năm tháng ấy đã đi và về nhiều lần.
Vi Hồng viết về hành trình đến với “mẹ chữ Lương Ngọc Quyến” bằng trải nghiệm của người trong cuộc, thấm thía sâu sắc những gian truân mà ông và những người bạn đã trải qua. Họ đi qua những khó khăn, trắc trở như một sự hiển nhiên: “Bao nhiêu đèo cao, dốc thẳm, rừng rậm, suối lũ, khe sâu… đối với lũ chúng tôi đều là chuyện thường. Những chuyện cướp đường, chống hổ báo… chúng tôi cũng cho là việc nó phải thế”. Nhưng cũng có lúc các học sinh đã ngao ngán, thậm chí nản lòng: “Những câu nói ngao ngán, chán nản đáng lẽ không được nói ra, nhưng tự nhiên lại buột miệng”: Về nhà đi thôi các thằng mày ơi! Học với hành làm gì cho lắm. Lần nào đi về với “mẹ chữ” cũng vất vả gian nan. Lúc ấy, lập tức lại có tiếng nói khác cứng rắn hơn đáp lại: Các thằng mày đừng bàn lùi! Các cụ ta chẳng thường nói mỗi chữ đáng một phân vàng là gì. Học được thêm một chữ là chúng ta tích được thêm một phân vàng cho đời ta. Thôi xin đừng nói đến gian lao vất vả với nguy hiểm nữa.
Vi Hồng đã diễn tả sâu sắc cuộc đấu tranh tinh thần của các học trò trong những phút yếu đuối, nản lòng… “Mỗi khi gặp gian nan, vất vả và cả nguy hiểm nữa, mấy anh em chúng tôi đều động viên nhau: chúng ta cần cố gắng cần gan dạ mới về được với “mẻ sư” (mẹ chữ)”. Sự ý thức về những ý nghĩa của việc học đã truyền cho các học sinh nguồn sức mạnh, nghị lực phi thường. Vượt qua được sự cản trở của chính bản thân, họ lại tiếp tục dấn bước, động viên nhau cố gắng. Nhưng khó khăn đâu chỉ dừng ở đó. Ngoài sự cực nhọc, vất vả, tính mạng của họ thường xuyên bị đe dọa. Những điều tưởng chỉ có trong truyện kể thì bản thân các học sinh cũng từng là người trong cuộc.
Trên đường từ Cao Bằng đến Thái Nguyên, cha mẹ luôn dặn các con: “Khi đi qua Ben Le… qua mường hổ báo” phải luôn sẵn sàng ở tư thế phòng thủ vì chúa sơn lâm có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Các học sinh cũng đã từng nghe câu chuyện “tinh hổ suýt đè chết tinh người”, luôn ghi nhớ bài học mà các cụ, các già đã rút ra: “Hễ gặp hổ thì lập tức hét lên”. Chính các học sinh và dân địa phương đã có cuộc đụng độ nảy lửa với chúa sơn lâm. Cảnh tượng ấy khiến người đọc không khỏi bàng hoàng, hãi hùng và cảm phục. Lúc đó, trong số các học trò, có người mặt tái mét, nhưng Vi Hồng và anh bạn thư sinh Phan Soong vẫn bình tĩnh khiến chúa sơn lâm phải “dừng chơi trò man rợ” và thay đổi chiến thuật: “Con hổ ngồi xuống, cao quá đầu người, ưỡn cái ngực rộng thênh có màu trắng hồng về phía chúng tôi… Hổ nhìn chúng tôi một lúc, rồi liếm mép, hai tai cum cúp đưa về đằng trước, hơi ve vẩy. Chừng một phút sau, nó đập cái đuôi to bằng bắp tay, dài đến sải rưỡi xuống đất uỳnh uỵch như người ta nện gậy lớn và nặng xuống đất”. Biết con hổ sắp tấn công, Vi Hồng vẫn đủ bình tĩnh động viên các bạn và quả quyết: “Chúng ta phải tấn công! Các thằng này phải dũng cảm lên”. Thử thách này quá lớn đối với các học trò: “Tôi hét lên một tiếng. Mọi người reo hò vác gậy, cầm dao tiến lên. Anh bạn Hỏn giơ cái gậy lên cao ngất ngưởng, nhảy lên hàng đầu cùng với tôi và Phan Soong. Hỏn hét to còn gấp mấy tôi… Lão hổ chạy biến, nhanh như một ánh chớp vút vào rừng xanh, xanh ngắt”. Vừa qua nguy hiểm, đại ngàn trở lại bình yên và trong mắt của Vi Hồng “rừng bỗng xanh hơn, lạnh hơn”.
Nhưng chưa hết, trên hành trình ấy, khó khăn vẫn tiếp khó khăn, nguy hiểm vẫn nối nguy hiểm. Họ còn gặp bao chuyện bất ngờ, có những chuyện không bao giờ quên được. Ví như chuyện về những con rết hổ khủng khiếp. “Rết hổ kéo đàn, kéo lũ hành quân, qua rừng, qua núi, tiếng vang ào ào như một trận mưa rào. Nhưng khi rình mồi lũ rết ghê hồn lại nằm im thin thít. Một con rết hổ to bằng mái chèo, dài bằng sải tay, có hàng trăm rết nhỏ đi theo… Nói là rết con, nhưng mỗi con to bằng hai ngón tay người chập lại, bằng chiếc đũa cả ghế nồi cơm. Mỗi con dài có lẽ cũng đến nửa sải tay.” Rết hổ đã trở thành nỗi khiếp đảm của những người dân miền rừng núi. Họ yêu quý đại ngàn quê hương kỳ vĩ, huyền bí nhưng bên cạnh sự ưu ái của sinh thái tự nhiên, con người không khỏi sợ hãi. Bởi “người và trăm con vật khác, dù to lớn như hổ, như gấu, bị rết hổ cắn đều chết tức khắc… Nếu chẳng may người bị rết nhỏ của đàn rết hổ cắn thì không chết, nhưng chân tay co quắp. Các già bảo nọc của lũ rết hổ độc khủng khiếp”. Câu chuyện tưởng như là của ngày xửa, ngày xưa, nhưng các học sinh đã trực tiếp chứng kiến, rơi vào nguy hiểm thực sự. Chính Vi Hồng, lần cùng với bạn Lư đi xe đạp về quê, đoạn qua đèo Giàng đã gặp sát thủ rết hổ. Khi qua được nguy hiểm đó, Vi Hồng đã thuật lại tâm trạng của mình lúc ấy: “Tôi là người không duy tâm, nhưng tôi đã tự gọi hồn mình cho đến khi xuống hết đèo Giàng dài đến năm cây số nếu tính cả đoạn dốc thoai thoải ở dưới chân đèo”.
Để đến được với cái chữ đã khó, tiếp cận và hiểu được cái chữ lại càng khó hơn, nhưng đúng như nhà thơ Dương Thuấn đã nhận xét: “Con đường từ nhà đến trường dài hơn ba trăm cây số cheo leo hiểm trở đầy thú dữ hùm beo đã không ngăn cản được bước chân của các cậu học trò người Tày đi học chữ”. Trước những khó khăn, hiểm nguy, sự thiếu thốn, gian khổ trên chặng đường xuyên rừng ngược núi, ta càng thấy rõ hơn tấm lòng thiết tha yêu quý chữ nghĩa và quyết tâm về với “mẹ chữ” của các học trò người Tày.
Đường đi thì nhọc nhằn, nguy hiểm là vậy, lúc học, bên sự học, các học trò phải đấu tranh với cái rét, cái đói, rồi bệnh tật: “Chúng tôi chăm chỉ học trong nghèo nàn, thường xuyên đói. Mùa đông mặc không đủ ấm. Chăn đắp chỉ là những chăn chiên cũ kỹ. Ba cái chăn chập vào nhau mà vẫn không kín hết mọi lỗ thủng… Đầu đêm thì còn cố ôm chặt lấy nhau để giữ hơi ấm. Nhưng đến nửa đêm, ngủ mê mệt chẳng biết gì, có anh chuồi ra khỏi chăn, thức dậy rét cứng cả người. Có lần bạn Bế Tâm chuồi ra khỏi chăn quá lâu, ngủ say không biết bị cảm nặng. Tâm phải vào bệnh viện điều trị gần nửa tháng mới khỏi. Nhà trọ của chúng tôi thường là nhà bếp của các gia đình. Mái thấp lè tè. Vách đất rã rời hay những bức dại ken thưa thớt. Gió mùa đông bắc lùa đủ cả bốn chiều như muốn vùi dập những người học sinh xa xứ chúng tôi. Chỗ ngủ đồng thời là bàn viết, bàn học. Đó là những chiếc chõng tre rẻ tiền bán ngoài chợ thị xã Thái Nguyên”…
Ở đây, Vi Hồng không than nghèo, kể khổ. Mỗi phần của truyện in đậm dấu ấn thời đại, là những trải nghiệm của Vi Hồng và những người bạn về một thời đã qua, về những nhọc nhằn, gian truân đáng trân trọng, nể phục của thế hệ ông. Con đường Cao Bằng - Thái Nguyên hôm nay đã thuận tiện, phương tiện đi lại cũng đủ đầy. Trường học được đặt ở những địa điểm phù hợp. Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình luôn chăm lo, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ. Phần đông các em được học hành đầy đủ. Nhưng trong đó, cũng có những em, vì những lý do nào đó, chưa thực sự ý thức về việc học, chỉ cần gặp trở ngại nhỏ đã để dở dang việc học; hoặc cũng có thể vì cái lợi trước mắt mà sao nhãng việc học... Đường về với mẹ chữ như một nhắc nhở để thế hệ con cháu biết ông bà, cha mẹ đã cực nhọc, vất vả, gian truân như thế nào để đến với chữ, chiếm lĩnh tri thức, văn hóa, hãy biết trân quý chữ - một tài sản vô giá của dân tộc.
Qua những trang viết của Vi Hồng, chúng ta nhận thấy sự tài tình của tác giả khi khai thác triệt để yếu tố hiện thực và cuộc sống của con người miền núi. Cốt truyện không tách rời khỏi đặc điểm và yêu cầu của truyện ngắn nói chung, nhưng vẫn mang lại những dấu ấn riêng biệt của cách cảm, cách nghĩ trong con người miền núi. Đó là cách nói, cách kể - tả rất mộc mạc bằng một ngôn ngữ đời thường. Lời văn không bóng bẩy chau chuốt nhưng luôn ẩn chứa trong đó những chiêm nghiệm, những triết lý sâu sắc. Tác giả đã khéo léo mượn cách nói từ dân gian để có thể hiểu sâu sắc hơn về chân lý đã được khẳng định và đúc kết từ “túi khôn” của người Tày:
Đời nghèo anh vẫn cố học
Nghèo cơm thì khó nhọc chân tay
Nghèo chữ hồn lắt lay như đèn trước gió
Vì là tác phẩm viết cho thiếu nhi, cho nên ngôn ngữ của Vi Hồng cũng thể hiện sự hồn nhiên, trong trẻo, tự nhiên như vốn có. Nhà nghiên cứu Lâm Tiến cho rằng: “Cách viết của Vi Hồng vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa dân gian vừa bác học, vừa truyền thống vừa hiện đại. Nhưng thường là cái lãng mạn lấn cái hiện thực, cái dân gian lấn cái bác học và cái truyền thống lấn cái hiện đại”. Chịu ảnh hưởng sâu sắc nguồn folklore Tày như dân ca, truyện cổ và các phương thức tu từ,... truyện ngắn Vi Hồng là biểu hiện tích cực nhất, triệt để nhất của sự kế thừa truyền thống trong truyện ngắn dân tộc miền núi. Ngôn ngữ dân gian đã đem lại sắc thái dân dã, mộc mạc nhưng cũng rất tươi mới, đẹp đẽ cho tác phẩm và qua đó nó diễn tả môi trường cuộc sống sinh hoạt còn đậm vẻ nguyên sơ của vùng Việt Bắc. Cách ví von, so sánh, liên tưởng cũng là một thủ pháp được Vi Hồng sử dụng đắc địa với tần số cao trong sáng tác của mình. Lối tư duy trực cảm sinh động này được phát huy tối đa trong bối cảnh sáng tác dân gian phi văn tự, để có thể tạo sức ám ảnh, khả năng khắc sâu nhưng dễ nhớ, dễ thuộc với người tiếp nhận lại được phát huy năng lực biểu hiện qua từng trang viết của Vi Hồng: “Đường về với “mẹ chữ Lương Ngọc Quyến” thật gian nan vất vả và đầy kinh hãi. Bao nhiêu đèo cao, dốc thẳm, rừng rậm, suối lũ, khe sâu… đối với lũ chúng tôi đều là chuyện thường. Những chuyện cướp đường, chống hổ báo… chúng tôi cũng cho là việc nó phải thế! Sau mỗi lần trải qua nguy hiểm, cực nhọc, nhiều đứa trong lũ chúng tôi lại thở dài như ngọn gió xuôi theo thung lũng, buồn như những áng mây xám giữa buổi bình minh…”.
Hay khi nói về tâm trạng của các ông bố bà mẹ lúc quyết định cho con đi học: “Nhiều bậc bố mẹ nghĩ căng thẳng như sợi chỉ hai người ở hai đầu thi nhau kéo căng ra”. Họ chắc đã phải giằng co nhiều lắm cho việc quyết định để con đi học hay giữ lại ruộng, trâu - sự sống của cả gia đình. Bởi trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tự cung tự cấp là chính thì việc có đủ tiền cho các con đi học là cả một vấn đề lớn đối với nhiều gia đình: “Mỗi năm một học sinh trung bình tiêu hết số tiền bằng tiền bán hai con trâu”. Người Tày Nà (Tày làm ruộng) thường nói: “Bán ruộng là bán cái sống để tìm cái chết”, “bán ruộng là bán máu, bán thịt mình”…
Qua Đường về với mẹ chữ, Vi Hồng đã khắc họa chân thực về vẻ đẹp kỳ bí của một vùng đại ngàn Việt Nam, về một dân tộc giàu truyền thống văn hóa với những con người tràn đầy nghị lực, dũng cảm và trên hết là một tinh thần hiếu học. Vi Hồng - người dắt chữ về bản sẽ còn sống mãi với thời gian, không gian của núi rừng Việt Bắc…
_______________
Các trích dẫn truyện từ nguồn: Vi Hồng - tác phẩm và dư luận, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2015.
Tác giả: La Nguyệt Anh - Hoàng Điệp
Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018