Phó Đức Phương - ngược đến cội nguồn để xuôi về biển lớn

Nhiều người cho rằng, Phó Đức Phương là tác giả của những ca khúc viết về sông nước. Điều đó chẳng sai, bởi trong nhiều sáng tác của ông, sông nước luôn hiện hữu vừa là cái cớ, vừa là điểm tựa để nhạc sĩ thỏa sức thể hiện/ giãi bày những cung bậc tình cảm đa chiều, nhiều sắc.

Dòng sông là một trong những đối tượng/ đề tài được nhiều tác giả trong giới văn nghệ khai thác để đưa vào trong tác phẩm. Dòng sông gắn luôn gắn với tuổi thơ, rồi trở thành kỷ niệm, hoài niệm và là cầu nối giữa những người trưởng thành với vùng quê mà họ sinh ra. Nhà thơ Tế Hanh hoài niệm về tuổi thơ: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống dòng sông lấp lánh…” (Nhớ con sông quê hương), bởi ở đó, thuở thiếu thời, ông cùng lũ trẻ vẫy vùng bơi lội trên sông. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng mang một kỷ niệm trong tâm thức về dòng sông như vậy: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình/ Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ/ Con sông tôi tắm mát/ Con sông tôi đã hát/ Con sông cho tôi gặp một tình yêu nước non quê nhà”… (Trở về dòng sông tuổi thơ). Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sử dụng lời thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu để bày tỏ: “Con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ/ Chở che con qua chớp bể mưa nguồn/ Từng hạt phù sa tháng ba tháng bảy/ Từng vị heo may trên má em hồng”… (Khúc hát sông quê)… Còn nhiều và rất nhiều những ca khúc, bài thơ về sông nước, nói cách khác, về đề tài này không thuộc độc quyền của tác giả nào. Nhưng, có một điều dễ nhận thấy, khi viết về sông nước, các nhạc sĩ thường hoài niệm về tuổi thơ thông qua giai điệu âm nhạc với tính chất nhẹ nhàng, tươi sáng. Tuy nhiên, với nhạc sĩ Phó Đức Phương, có điểm khác: nhiều về số lượng (Một thoáng Tây hồ, Hồ trên núi, Huyền thoại Hồ Núi Cốc, Lội dòng sông quê, Bên dòng sông cái, Dòng sông ký ức, Chảy đi sông ơi); khác cách tiếp cận (tâm thế, âm nhạc và lời ca).

Sông trong ca khúc của Phó Đức Phương là cụ thể: sông Cái/ sông Hồng/ sông Mẹ, sông Cầu. Dẫu tuổi thơ có “rong ruổi bốn phương trời”, nhưng đi không phải là sự chia xa biền biệt, chuyển sang môi trường sinh sống mới, mà vẫn có một mối gắn kết không thể tách rời với hai dòng sông, những chuyến đi chỉ là một quãng thời gian ngắn trong cuộc đời của ông. Quê nội ở Hưng Yên, quê ngoại ở Bắc Ninh và Phó Đức Phương sinh ra, lớn lên, công tác chủ yếu ở Hà Nội - những địa danh này vẫn thuộc vùng châu thổ Bắc Bộ. Nói khác đi, vùng châu thổ Bắc Bộ luôn ở bên ông, là một nguồn năng lượng nuôi dưỡng tâm hồn nhạc sĩ. Thế nên, khi tiếp cận với dòng sông, nhạc sĩ Phó Đức Phương không trong tâm thế của người con xa quê biền biệt để nhớ nhung/ nhớ thương, để hoài niệm về tuổi thơ. Hai dòng sông đã trở nên thân quen luôn đồng hành suốt cuộc đời của người nhạc sĩ. Dòng sông trong ca khúc của Phó Đức Phương, không chung chung, mà là dòng sông của lịch sử, văn hóa.

Dòng sông Hồng trong ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương hiện lên thân thiện như con người: “Con sông quê tôi nước như làn da màu hồng/ Ông bà tôi, cha mẹ tôi vẫn gọi dòng sông Cái/ Dòng sông muôn đời dạt dào/ Chắt chiu tháng ngày những cánh đồng thẳng cánh cò bay…” (Bên dòng sông Cái). Ông tiếp cận dòng sông bằng một tình cảm thân thiện, bởi dòng sông không còn lạ với bao thế hệ người và cũng chẳng còn lạ đối với Phó Đức Phương, nó “vẫn hiền hòa chở đầy nước ngọt phù sa”, vẫn “ấp ôm bến bờ xứ sở” (Chảy đi sông ơi). Thế rồi, có một chiều đi trên triền sông bỗng “đứng chết lặng”, bởi những cơn gió đã thức tỉnh và lay động ông: “Gió trên nguồn thổi qua triền đê/ Gió sông Hồng thổi trong lòng tôi/ Gió sông mẹ lại thổi trong lòng tôi”. Phải nói rằng, chỉ có con người thấm đẫm chất quê và mang tâm hồn nghệ sĩ mới bị lay thức như vậy. Trước dòng sông, Phó Đức Phương tự nhận rằng: “tôi người con châu thổ/ bàn chân giẫm đất, cõi lòng đăm đăm…”(Bên dòng sông Cái). Đây là một điểm tựa/ giá đỡ về tư tưởng và cũng là nhận thức để tạo nên phong cách/ nhân cách của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Từ đó, ông hiểu rõ giá trị sản vật của quê hương do dòng sông Cái mang lại: “Cây lúa quê tôi, cây nhãn quê tôi/ lớn lên trên đất sa bồi/ rất riêng hương vị đậm sâu/ ngọt ngon như chẳng thấy ở đâu” (Bên dòng sông Cái). Ở bài Chảy đi sông ơi, tư tưởng thể hiện trong nội dung vẫn thế. Không chỉ là một dòng sông đơn thuần, mà là dòng sông trong tâm thức chứa đựng không gian văn hóa lịch sử. Dòng sông là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, nối cội nguồn với biển cả/ tương lai. Một dòng sông động cứ chảy mãi, chảy mãi, “chảy mãi không già”.

Con sông Cầu là một phần làm nên diện mạo lịch sử, văn hóa của vùng Kinh Bắc và nó cũng không có gì xa lạ đối với nhạc sĩ Phó Đức Phương. Thế nên, ông tiếp cận không theo cách hoài vọng/ ngưỡng vọng, mà hòa vào để nhận biết màu của nước: “nước mây muôn màu giữa bao la trời thu nao nao sóng vỗ”; vị của nước: “như men nồng bịn rịn hàng dâu”; vai trò của một dòng sông lưu giữ và chuyên chở văn hóa: Nghiêng nghiêng quai thao/ Nghiêng nghiêng câu dân ca vắt ngang đôi bờ sông”. Sông thì cứ chảy, quy luật muôn đời vẫn thế, nhưng điều đáng nể đối với Phó Đức Phương là ông luôn tự vấn và đưa ra câu hỏi: “Chảy từ đâu, chảy về đâu/ Ơi con sông ca dao, ơi con sông cổ tích...”. Chẳng dừng ở đó, Phó Đức Phương còn dấn sâu, để đi xa hơn (dẫu là bước đi trong tiềm thức), ông muốn: “ngược đến ngọn nguồn/ muốn xuôi về biển lớn” để nghe đôi bờ sông hát, để nghe tiếng gọi đò xưa và để cởi áo lội sông, đắm mình trong cái nôi văn hóa Kinh Bắc (Lội dòng sông quê). Đây là triết lý, nhân sinh quan của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Để có tính khách quan về nhận định trên, nên nhìn nhận vấn đề này qua mấy phương diện sau:

Thứ nhất, khi viết về một địa danh cụ thể, mỗi nhạc sĩ có một thủ pháp sáng tác riêng, nhưng thường thì lấy làn điệu hay hơi hướng của một điệu dân ca nào đó để đưa vào tác phẩm. Mục đích là ngoài việc khơi gợi, dẫn dắt cảm xúc còn khẳng định tính vùng miền “vị trí địa lý” của tác phẩm để người nghe dễ nhận biết. Chẳng hạn, khi viết ca khúc Làng quan họ quê tôi (thơ: Nguyễn Phan Hách), nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã sử dụng gần y nguyên câu đầu của bài Bèo dạt mây trôi. Hoặc nhạc sĩ Thái Cơ cũng sử dụng và có thêm bớt điệu Lới lơ của nghệ thuật chèo vào câu đầu của bài Nón trắng trên đồng Đây là một trong những cách làm hay, vì nó gợi nên sự thân quen và chiếm được cảm tình của người thưởng thức. Phó Đức Phương không chọn hướng này, có lẽ công việc dẫn dắt người nghe hình dung về vùng miền là dành cho lời ca, còn âm nhạc của ông là sự pha trộn nhuần nhuyễn giữa ca trù, chèo, quan họ (Một thoáng Tây hồ, Lội dòng sông quê, Bên dòng sông Cái, Dòng sông ký ức, Chảy đi sông ơi) và âm hưởng dân ca miền núi (Hồ trên núi, Huyền thoại hồ Núi Cốc)… để nâng tầm, chắp cánh cho tác phẩm bay cao, bay xa và lan tỏa mạnh mẽ trong một không gian rộng. Sử dụng tiết tấu cũng như quãng trong giai điệu của các ca khúc cũng khá phức tạp, cách làm này đã phá đi sự đơn điệu, để tạo nên cái mới, cái độc đáo mang hơi thở đương đại, đây là một trong những nét tiêu biểu thể hiện bản sắc cá nhân của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Thứ hai, phải nhìn nhận một cách công bằng rằng, một ca khúc thành công, chưa bàn tới cách phối khí, ca sĩ thể hiện, không gian biểu diễn, mà chỉ xét trên phương diện văn bản/ bản phổ, thì đó là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và lời ca. Âm nhạc có nhiệm vụ gợi mở dẫn dắt cho nội dung lời ca được thể hiện một cách cụ thể nhất có thể, ngược lại, lời ca lại có những quy luật riêng (ngôn ngữ, thơ ca…) để “bắt” âm nhạc vừa phải tuân thủ theo quy luật của lời ca, vừa phải tuân thủ theo quy luật của âm nhạc. Chính vì thế, lời ca trong ca khúc không chấp nhận sự diễn dịch lại, kể lại theo kiểu ký sự về những câu chuyện hoặc cảm xúc của tác giả, mà nó phải có hình tượng và tính khái quát cao. Muốn được như vậy, đòi hỏi nhạc sĩ phải có tầm về văn hóa, lịch sử để quan sát, bao quát, rút tỉa, chắt lọc những gì có tính đặc sắc nhất, thông qua kênh cảm xúc riêng có để đưa vào trong tác phẩm. Thông qua những ca khúc của Phó Đức Phương đã, đang và sẽ hiện hữu trong đời sống ca nhạc nước nhà, có thể thấy ông có tầm, không chỉ là nhạc sĩ mà còn là một nhà văn hóa trong âm nhạc.

Thứ ba, nếu tính từ năm 1986, khi đất nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, đến thời điểm này đã được gần 35 năm. Một khoảng thời gian chưa dài, những cũng không phải là ngắn đối với quá trình giao lưu, tiếp nhận văn hóa và sự chuyển mình/ chuyển đổi một xu thế sáng tạo âm nhạc. Có thể thấy, trong quãng thời gian đó, âm nhạc Việt Nam - chủ yếu là ca khúc, luôn chộn rộn, háo hức, đón chờ những cái lạ/ cái mới từ nước ngoài vào. Các thể loại âm nhạc như Jazz, rock, pop, rap… (nhiều người gọi là âm nhạc thị trường hay bình dân) thực sự đã chiếm lĩnh được phần lớn thị phần và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống âm nhạc nước nhà. Với tinh thần hăng hái của tuổi trẻ, không ít tác giả cố gắng hoặc bằng mọi cách để làm giống những ca khúc của nước ngoài, thậm chí họ sẵn sàng vi phạm bản quyền mà không ngần ngại. Chính là để giống với nước ngoài, mà nhiều tác giả trẻ đặt nghệ danh và sản phẩm của họ theo kiểu nửa Ta, nửa Tây. Khát vọng để hòa nhập, vươn tới một sự đổi thay là điều đáng trân trọng và khích lệ. Không thể phủ nhận các tác giả trẻ bây giờ khá thông minh, nhưng có lẽ nhiều người trong số đó đang thiếu một điều vô cùng quan trọng: phông văn hóa trong thời buổi giao lưu văn hóa. Nói như vậy để thấy được nhân cách văn hóa của một số nhạc sĩ lớp trước, mà Phó Đức Phương không phải trường hợp ngoại lệ. Trong ca khúc, ông sử dụng nhiều tiết tấu nhạc nhẹ, điều đó cho thấy Phó Đức Phương có thừa khả năng làm nhạc nhẹ, ông hòa nhập nhưng không chạy theo trào lưu, mà vẫn một lòng kiên định với sự lựa chọn hướng đi của riêng mình. Ngược đến cội nguồn để hòa và biển lớn, đó là triết lý/chân lý đồng thời cũng biểu hiện một nhân cách văn hóa chân chính của người nhạc sĩ. Trong thời buổi giao lưu văn hóa có tính toàn cầu như hiện nay, để tránh sự nhạt nhòa trong bức tranh chung, căn cước văn hóa của một con người/ vùng/ miền/ đất nước có một vai trò hết sức quan trọng. Tôi nhớ câu nói nổi tiếng của cố nhà văn Nguyên Minh Châu: “Hãy đi tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp nhân loại”. Trong trường hợp này, ở bối cảnh này, cách lựa chọn hướng đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương là hoàn toàn đúng.

Tác giả: Nguyễn Đăng Nghị

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

;