Trà Vinh là tỉnh duyên hải vùng Tây Nam Bộ, được biết đến là một địa phương giàu bản sắc văn hóa tộc người. Bài viết đứng dưới góc nhìn kiến tạo luận trong Văn hóa học liên ngành với các khoa học xã hội khác, áp dụng lý thuyết lựa chọn duy lý của Fredrik Barth (1966) và lý thuyết chuyển hóa các trường lực kinh tế - văn hóa của Pierre Bourdieu (1977) để phân tích, đánh giá nguồn lực sinh thái - văn hóa các dân tộc tỉnh Trà Vinh thành các triết lý (giá trị) cốt lõi, từ đó xây dựng định hướng phát huy các nguồn lực ấy trong đời sống kinh tế, xã hội ở địa phương. Nghiên cứu này bước đầu xác định ba triết lý văn hóa quan trọng của các dân tộc Trà Vinh trong ứng xử với môi trường sinh thái, với con người và với môi trường xã hội của họ là: thuận thiên - khoan dung - tiến bộ
Tuần lễ Văn hóa, du lịch, liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023, thu hút hàng nghìn đồng bào Khmer các tỉnh, thành phố Nam Bộ và du khách tham dự - Ảnh: baoapbac.vn
1. Đặt vấn đề
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, toàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 26 dân tộc, trong đó gồm 683.803 người Kinh (chiếm 67,76% dân số toàn tỉnh), 318.231 người Khmer (31,53%), 6.632 người người Hoa (0,66%), 192 người Chăm (0,02%). Có thể thấy rằng, Trà Vinh là viên ngọc quý của văn hóa các tộc người điển hình ở Tây Nam Bộ, là địa phương có nguồn lực con người và văn hóa tộc người phong phú. Trà Vinh về cơ bản vẫn là tỉnh đang phát triển, thuộc nhóm chưa thịnh vượng của vùng. Do vậy, tỉnh cần xác định nguồn lực cốt lõi và triết lý văn hóa để làm kim chỉ nam khơi dậy các nguồn lực sinh thái và con người cho phát triển kinh tế, xã hội. Bài viết này tập trung giải quyết vấn đề nhận diện nguồn lực và triết lý văn hóa Trà Vinh trên ba bình diện: ứng xử với tự nhiên, ứng xử với con người - tộc người và môi trường xã hội, ứng xử với trục thời gian truyền thống - hiện tại - tương lai văn hóa Trà Vinh. Bài viết có sử dụng dữ liệu quan sát thực địa, điều tra điền dã, phối hợp với tài liệu là thành quả nghiên cứu khoa học của nhiều tác giả đi trước, vận dụng lý thuyết lựa chọn duy lý (Barth, 1966) và lý thuyết chuyển dịch các nguồn lực kinh tế - văn hóa cộng đồng (Bourdieu) để phân tích, đánh giá. Nghiên cứu này chủ yếu tiếp cận dưới góc độ Văn hóa học liên ngành với Triết học, Quản lý văn hóa và Du lịch học, điều mà các công trình viết về Trà Vinh trước đây chưa từng áp dụng.
Nghiên cứu này xây dựng dựa trên cấu trúc hệ tọa độ không gian - chủ thể - thời gian văn hóa các dân tộc tỉnh Trà Vinh, trong đó thành tố chủ thể văn hóa được chia nhỏ ra thành hai tiều thành tố “con người - dân tộc” và “con người trong ứng xử với môi trường sống”.
2. Nguồn lực tự nhiên - sinh thái và văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
Trà Vinh là xứ sở giao hòa bốn kiểu địa hình: sông - biển - giồng cát - đồng bằng khá phong phú, nhưng ít thuận lợi. Ở một khía cạnh nhất định, có thể xem vùng đất Trà Vinh như là đứa con đẻ của mẹ Mê Kông và cha Biển Đông, nơi tình yêu thương lẫn sự nghiêm khắc luôn ngập tràn trong từng thói ăn, nếp ở. Biển và mạng lưới sông ngòi ở Trà Vinh đã đưa ảnh hưởng của chu kỳ thủy triều cường nhược ăn sâu vào nội địa, kéo theo đó, độ xâm nhập mặn trong đất và nước, buộc con người Trà Vinh phải gồng mình để thích ứng trong sản xuất và nuôi trồng thủy, hải sản. Với nguồn lực văn hóa ứng xử với tự nhiên - sinh thái ít thuận lợi, con người Trà Vinh xưa và nay học cách sống “thuận thiên”. Triết lý này được thể hiện qua các phương diện đời sống thế tục và qua phong tục, tập quán, niềm tin và tín ngưỡng. Họ lựa chọn những vật nuôi, cây trồng phù hợp với đặc điểm địa lý và khí hậu của vùng. Ở những cánh đồng ít xâm nhập mặn, họ canh tác lúa mùa nước và trồng cây trồng xen canh. Ở các giồng cát ven biển, họ trồng các loại khoai, dưa, củ hành, đậu… Người Khmer sống phum, sóc tập trung để nương tựa lẫn nhau, chăn nuôi bò, trồng khoai xen kẽ trồng lúa; người Việt và người Hoa về sau đến định cư xen kẽ, cùng nhau học hỏi và phát triển các tri thức này. Trong niềm tin Phật giáo Trà Vinh, mỗi rừng cây được bảo vệ là một khu vườn Lumbini nơi hạ giới, nơi họ thường tổ chức các lễ hội và nghi lễ để thể hiện lòng tôn kính và ước vọng an lành, thịnh vượng đối với các nguồn lực thiên nhiên như sông, rừng và biển. Dân gian Trà Vinh đã truyền cảm hứng về tinh thần sống thuận thiên của mình trong những câu hò, điệu lý, cao dao quen thuộc: “Tháng Chạp là tháng trồng khoai, tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà/ Tháng Ba cày vỡ ruộng ra, tháng Tư làm mạ, mưa sa đầy đồng” (ca dao Nam Bộ).
Như vậy, người Trà Vinh lựa chọn cung cách ứng xử với tự nhiên - sinh thái dựa trên sự tính toán được, mất khi đối mặt với điều kiện thực tiễn (khắc nghiệt), họ đã chọn cách sống thuận thiên, bình lặng nhất trong suốt nhiều thế kỷ qua. Đây chính là kết quả của quá trình lựa chọn duy lý, được tích lũy qua nhiều thế kỷ trước những biến động và ảnh hưởng khắc nghiệt của tự nhiên xứ sở nơi sông mẹ giao hòa cùng biển cha rộng lớn. Có hai phong cách thuận thiên trên thực tế: “kính thuận” và “hòa thuận”. Thuận thiên kiểu “kính thuận” phản ánh tâm lý văn hóa nỗ lực để thích ứng tốt nhất với điều kiện tự nhiên - sinh thái sẵn có mà chưa cần đến sự nỗ lực vượt bậc để vươn lên trên tự nhiên. Còn thuận thiên kiểu “hòa thuận”, con người biết dùng sức sáng tạo của mình để sống vượt lên trên sự hạn chế của tự nhiên mà không làm thay đổi, tổn hại đến chúng (vừa hòa [hài hòa] vừa thuận). Trong triết lý Đạo giáo phương Đông, chữ hòa có nghĩa là thắng lợi mỹ mãn, tức đạt được những giá trị tốt đẹp mà không phải trả giá, không tì vết. Người Trà Vinh truyền thống mặc dù đã tích lũy kinh nghiệm sống thích ứng tốt nhất có thể, song, với nền canh nông và nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản lâu đời ít có cách tân vô hình trung gắn họ với phong cách sống thuận thiên kiểu kính thuận, có phần “bằng lòng” với an bài của tự nhiên, ít có tư tưởng “cải thiện” theo hướng thuận thiên tiến bộ. Ở điểm này, con người Trà Vinh cần có tư duy khoa học, sáng tạo để thay đổi trình độ sản xuất, nhưng vẫn giữ được trách nhiệm đối với môi trường tự nhiên - sinh thái vốn có.
3. Nguồn lực trong ứng xử với con người và môi trường xã hội
Trà Vinh đang sở hữu nguồn lực con người đa dân tộc - đa văn hóa, trẻ trung và giàu xúc cảm, tựu trung thành giá trị phú (đa dạng, phong phú). Người Kinh là tộc người đa số ở Trà Vinh, họ theo nhiều tôn giáo khác nhau (Phật, Thiên chúa, Tin lành, Cao Đài, Minh Đức Nho giáo Đại đạo...), song, sợi dây gắn kết các cộng đồng tôn giáo khác nhau ấy thành một khối chính là tinh thần văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng tổ tiên và hệ thống các phong tục, lễ tết trong năm. Với vị thế cộng đồng chủ thể văn hóa, người Kinh ở Trà Vinh đã và đang phát huy sức lao động và sáng tạo trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Người Khmer là tộc người đông thứ hai ở Trà Vinh, họ coi trọng nhất là văn hóa gia đình và cộng đồng. Họ có thói quen sống trong các phum, sóc gắn bó với nhau và chia sẻ trách nhiệm trong việc chăm sóc gia đình và xây dựng xã hội. Người Khmer ở Trà Vinh có truyền thống nghệ thuật phong phú với các điệu múa, câu hát và lễ hội được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: nghệ thuật Chầm riêng chà pây, nghệ thuật Rô-băm, lễ hội Ok-Om-Bok, lễ hội Đom-Lơng Néak-Tà (tài liệu điền dã, 2020-2023). Có thể nói, Trà Vinh là một “bảo tàng sống văn hóa tộc người Khmer Nam Bộ”, một nguồn lực văn hóa và là một báu vật cho phát triển kinh tế du lịch ở địa phương. Người Hoa đứng thứ ba về dân số ở Trà Vinh, có nguồn gốc di cư từ Quảng Đông, Quảng Tây và các tỉnh phía Nam Trung Quốc vào TK XIX và đầu TK XX. Văn hóa của người Hoa Trà Vinh là sự kết hợp các yếu tố của văn hóa Hoa Nam (thời Thanh) và văn hóa Kinh, Khmer địa phương, phản ánh tinh thần khoan dung và giao lưu văn hóa đậm nét. Người Hoa đóng góp cho Trà Vinh nhiều thiết chế tín ngưỡng cộng đồng và hệ thống lễ hội truyền thống, chẳng hạn tục thờ và lễ hội Quan Đế, Thiên Hậu, Phúc Đức Chánh Thần… Có thể nói, người Hoa Trà Vinh đã góp phần thổi sinh khí kinh tế, xã hội cho địa phương, trực tiếp xây dựng và phát triển giao lưu văn hóa và khoan dung văn hóa tỉnh nhà. Người Chăm ở Trà Vinh hiện có 192 người, có nguồn gốc phân nhánh từ cộng đồng người Chăm ở An Giang, di cư đến lập nghiệp từ những năm 40 của TK XX. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và mua bán nhỏ lẻ. Mặc dù dân số ít ỏi, người Chăm Trà Vinh vẫn gìn giữ những lễ hội dân gian quan trọng như lễ Ramadan (tháng ăn chay), lễ Royai philtrok (lễ bố thí). Gắn với các nghi thức, nghi lễ trong lễ hội và phong tục vòng đời, người Chăm ở Trà Vinh còn gìn giữ tốt văn hóa trang phục và ẩm thực truyền thống. Văn hóa người Chăm đã tham góp một điểm xuyết màu sắc trong bức tranh nguồn lực văn hóa ở Trà Vinh.
Các phân tích cho thấy, nguồn lực con người và văn hóa tộc người tỉnh Trà Vinh thể hiện giá trị phú (phong phú = giàu tiềm lực); tuy nhiên do vẫn ở dạng tiềm năng nên chưa phát huy nên “giàu” mà chưa “có”. Từ nền tảng của sự phong phú nguồn lực tộc người và văn hóa tộc người, người Trà Vinh đã biết khai thác để phát triển thành khoan dung văn hóa, thể hiện mạnh mẽ qua tinh thần cùng học hỏi, cùng giao lưu văn hóa lẫn nhau.
Có thể nói, Trà Vinh là vùng đất giao thoa văn hóa đặc sắc ở Tây Nam Bộ, nơi các cộng đồng tộc người tích lũy kinh nghiệm sống và san sẻ với nhau, định hình nên một cấu trúc văn hóa mới mà chúng tôi gọi là siêu cộng đồng văn hóa (cultural metacommunity) (1). Siêu cộng đồng văn hóa mang tính chỉnh thể (tính hệ thống), trong đó từng thành tố văn hóa tộc người không tồn tại rời rạc mà chúng gắn bó, tương tác và quy thuộc lẫn nhau cùng tạo nên một siêu cộng đồng lớn hơn, song, không “đồng hóa” tất cả các cộng đồng thành tố thành một khối bất phân lập. Siêu cộng đồng văn hóa hình thành và phát triển trên nền tảng của một số thuộc tính cơ bản, trong đó có tinh thần khoan dung văn hóa.
Văn hóa Khmer cùng với văn hóa Hoa có ảnh hưởng sâu sắc đến cơ tầng văn hóa Trà Vinh. Người Kinh ở Trà Vinh đã tiếp nhận và tương tác với các yếu tố văn hóa Khmer, Hoa như ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục truyền thống và các lễ hội tôn giáo. Trong chuyến điền dã ở xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành năm 2016, chúng tôi phát hiện ra miếu thờ Chúa Xứ - Thiên Hậu và cộng đồng tín ngưỡng hỗn hợp Việt - Hoa rất thú vị. Ở chính điện, cả hai vị Chúa Xứ (thần người Việt) và Thiên Hậu (thần người Hoa) cùng được thờ phụng, trong mắt tín chúng địa phương, cả hai vị thánh mẫu có vai trò như nhau, cùng là phúc thần bảo hộ cho họ. Trong chùa Tân Long, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, người ta phối thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Các miếu này có đặc điểm chung là giống cấu trúc của đình làng Nam Bộ, ngoài có võ ca, võ quy, trong có bố cục chính thờ Thiên Hậu, phối thờ Tiền - Hậu hiền và Tả - Hữu ban. Lầu Bà Cố Hỷ xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải) thờ chính nữ thần Bà Thượng Động Cố Hỷ, song cũng có phối thờ Quan Đế.
Người Khmer Trà Vinh cũng rất nhiệt thành tiếp thu văn hóa Việt và Hoa. Năm 2019, trong chuyến đi khảo sát thực tế tại Chùa Âng (chùa Angkorajaborey) là một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer tỉnh Trà Vinh), chúng tôi ghi nhận việc thờ tự tượng Di Lặc và Quán Thế Âm Bồ Tát trong khuôn viên chùa. Điều này phản ánh sự thâu nạp và giao thoa các tín ngưỡng khác nhau, nơi mà người tu hành và tín đồ có thể tìm tới sự bình an và cảm nhận sự hiện diện của vị Phật và Bồ Tát mà họ tôn kính. Đây là một ví dụ về sự đa dạng tôn giáo và sự sống động của nền văn hóa ở Trà Vinh.
Giống như hai tộc người Kinh, Khmer, người Hoa Trà Vinh cũng rất cởi mở trong tiếp nhận văn hóa tha nhân. Người Hoa ở Trà Vinh dân số không nhiều, song, lại thành lập đủ 5 bang hội chính quy (Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Hẹ/ Khách Gia) - điều mà không phải tỉnh thành nào ở Tây Nam Bộ cũng có đầy đủ. Mỗi bang hội gắn với một thiết chế/ tục thờ thần minh dân gian, trong đó phổ biến nhất là Thiên Hậu, Quan Đế, Bảo Sinh Đại Đế. Toàn tỉnh Trà Vinh có 8 miếu Thiên Hậu người Hoa, nhiều miếu Quan Đế và miếu Bổn Đầu Công. Trong số các miếu tự này, chỉ có Thiên Hậu cung thị trấn Tiểu Cần mang phong cách người Hoa Quảng Đông, trong khi các miếu còn lại hoàn toàn do người Hoa Triều Châu làm chủ. Các miếu thờ Quan Đế và các thần minh người Hoa khác luôn có sự hiện diện của người Việt và người Khmer trong các hoạt động nghi lễ thường niên. Hệ thống 4 miếu Vạn Niên Phong Cung - Niên Phong Cụng - Vạn Ứng Phong Cung - Minh Đức Cung ở Cầu Kè chính thờ Bổn Đầu công, phối thờ nhiều thần minh khác của cả ba dân tộc Hoa, Việt, Khmer (chẳng hạn phối thờ Bà Chúa Xứ, Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, Neak Tà). Các lễ hội cộng đồng gắn với miếu thần của người Hoa luôn thu hút đông đảo người Việt, người Khmer tham gia, cùng chia sẻ cảm xúc tín ngưỡng, chia sẻ văn hóa và trách nhiệm đạo đức xã hội. Có thể nói, ở khắp vùng Tây Nam Bộ hiện nay, hiếm khi xuất hiện một quần thể tôn giáo - tín ngưỡng thể hiện sâu sắc tính chất giao thoa văn hóa đến vậy. Đó chỉ có thể là lòng khoan dung văn hóa sâu sắc của các cộng đồng tộc người ở Trà Vinh - một thể hiện điển hình của siêu cộng đồng văn hóa.
Với thuộc tính và định hướng là một siêu cộng đồng văn hóa, các cộng đồng thành phần ở Trà Vinh không thể chỉ dừng lại ở tinh thần khoan dung văn hóa, mà phải tiến đến một mục tiêu cao quý hơn, đó là tinh thần đa văn hóa. Theo John Berry (2003), một xã hội đa văn hóa hàm chứa trong nó các cộng đồng tộc người mang phẩm chất khoan dung, tinh thần cởi mở trong giao lưu văn hóa, song, rất ý thức trong việc gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa tộc người mình. Ở Trà Vinh, chúng tôi nhìn thấy tất cả các đặc điểm ấy. Để xây dựng tinh thần đa văn hóa bền vững, tinh thần khoan dung văn hóa của người dân Trà Vinh phải nâng lên một tầng mức cao hơn, đó là khoan hòa văn hóa.
4. Xây dựng bộ triết lý văn hóa định hướng phát triển nguồn lực sinh thái - văn hóa tỉnh Trà Vinh
Trong các nội dung 2 và 3, chúng tôi bàn đến nguồn lực sinh thái - văn hóa tỉnh Trà Vinh từ hai thành tố không gian và chủ thể văn hóa (con người), song, chưa bàn nhiều đến trục thời gian văn hóa, tức tính kế thừa và phát triển của văn hóa Trà Vinh ở thời điểm hiện tại và tương lai. Trong ứng xử với tự nhiên - sinh thái (không gian văn hóa), người Trà Vinh thể hiện triết lý thuận thiên, còn khi ứng xử với nhau trong môi trường xã hội họ nêu cao tinh thần khoan dung văn hóa. Cả hai triết lý này phối hợp, tương tác nhau, cùng làm nền tảng của truyền thống văn hóa Trà Vinh; từ đây, địa phương này xác định và xây dựng một triết lý nữa để định hướng tương lai. Triết lý ấy đương nhiên vẫn phải lấy cơ sở từ hai triết lý phản ánh truyền thống.
Trong phần 2 của bài viết, chúng tôi đã xây dựng mô hình phát triển/ định hướng phát triển từ triết lý thuận thiên kiểu kính thuận lên thành triết lý thuận thiên kiểu hòa thuận. Mấu chốt là chữ hòa, mang hàm nghĩa thắng lợi. Trong phần 3, chúng tôi phân tích nguồn lực văn hóa ứng xử với môi trường xã hội các dân tộc tỉnh Trà Vinh và đề xuất mô hình siêu cộng đồng văn hóa, trong đó triết lý khoan dung văn hóa phải nâng thành khoan hòa văn hóa, mấu chốt cũng nằm ở chữ hòa. Về mặt chiết tự chữ Hán, chữ hòa (和) bao gồm bộ hòa (禾, chỉ cây lúa, nghĩa bóng là thành quả lao động) và bộ khẩu (口, chỉ cái miệng, nghĩa bóng là nhu cầu hưởng thụ/ tiêu thụ thành quả lao động của con người). Như đã bàn, hòa trong triết lý phương Đông là thắng lợi. Muốn thắng lợi thì toàn dân phải tiến bộ trong nhận thức và trong mọi mặt đời sống văn hóa. Từ Vinh trong địa danh Trà Vinh bao hàm cả ba giá trị hòa, thắng lợi và tiến bộ. Trong cả ba giá trị này, hòa là giá trị tâm lý - tâm thức, thắng lợi chỉ thành quả cuối cùng; trong khi đó tiến bộ vừa chỉ cả một quá trình, vừa phản ánh thuộc tính của sự thắng lợi. Vậy nên, triết lý thứ ba để định hướng phát triển tương lai tỉnh Trà Vinh là triết lý tiến bộ. Tựu trung lại, bộ ba triết lý văn hóa tỉnh Trà Vinh ứng với hệ tọa độ không gian - chủ thể và thời gian văn hóa, thể hiện tính kế thừa truyền thống - hiện tại - tương lai là thuận thiên - khoan dung - tiến bộ.
Theo Bourdieu, nguồn lực văn hóa của một cộng đồng, một địa phương có thể chuyển đổi thành nguồn lực kinh tế, giúp tái tạo năng lượng cho đời sống xã hội và trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế nếu áp dụng một chiến lược đúng đắn, mang tính khoa học. Trong hầu hết các chiến lược hiện có trên thế giới, chiến lược tổ hợp của nâng cao nhận thức văn hóa, tri thức khoa học và năng lực sáng tạo từng cá nhân và đầu tư, phát triển năng lực khoa học công nghệ là có sức lan tỏa hơn hết (theo quan điểm White, 1959 về năng lực khoa học - công nghệ và tiến hóa văn hóa). Theo nguyên lý này, tinh thần thuận thiên kiểu hòa thuận, triết lý khoan dung văn hóa kiểu khoan hòa chỉ có thể làm nền tảng tốt để xây dựng mục tiêu tiến bộ ở tỉnh Trà Vinh khi địa phương này nhận thức rõ vai trò của giáo dục văn hóa và giáo dục khoa học công nghệ đồng bộ trong cộng đồng. Nói cách khác, các nguồn lực sinh thái - văn hóa cũng sẽ là những “bông hoa” tỏa hương, nhưng không thể đóng góp cho phát triển xã hội nếu không có bàn tay quản lý nhà nước và giới chuyên môn trong thúc đẩy các giá trị thuận thiên và khoan dung đi đến tiến bộ.
Việc xây dựng triết lý văn hóa, thương hiệu văn hóa địa phương là tối cần thiết để làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động; đồng thời chuẩn mực ba giá trị trụ cột mà UNESCO nêu cao (giá trị kinh tế - xã hội - môi trường) khi khai thác các nguồn lực sinh thái - văn hóa trong phát triển kinh tế - du lịch cũng cần được tuân thủ tuyệt đối. Những năm gần đây Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh tích cực phối hợp với các cơ quan, trường, viện để nghiên cứu, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng nông thôn (cồn Hô, cồn Chim, cồn Ông; một số giồng ven biển...), song, có lẽ nền tảng khoa học - công nghệ chưa áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, vậy nên chưa đạt được tính bền vững (có thể thấy qua sự kiện lũ tràn bờ cồn Ông Tết Giáp Thìn 2024).
Bộ ba triết lý văn hóa thuận thiên - khoan dung - tiến bộ có thể cấp cho Trà Vinh một nguồn vốn biểu tượng; theo đó các cộng đồng dân tộc - văn hóa thành phần tự khắc sẽ nhận thức được trách nhiệm xây dựng cho Trà Vinh một thương hiệu văn hóa xứng tầm - một “habitus tập thể” (2). Cho tới nay, cộng đồng dần dà quen thuộc với khẩu hiệu - thương hiệu văn hóa: “Trà Vinh - xứ sở thuận thiên, khoan dung, tiến bộ”.
5. Kết luận
Thuận thiên - khoan dung - tiến bộ là bộ ba các giá trị cốt lõi của các nguồn lực sinh thái - nhân văn tỉnh Trà Vinh trong trục thời gian truyền thống - vị lai, trong đó thuận thiên là triết lý sống hòa nhập thiên nhiên sinh thái của các dân tộc Trà Vinh, khoan dung là cung cách ứng xử truyền thống giữa các dân tộc với nhau và giữa cá nhân với cộng đồng, còn tiến bộ là định hướng phát triển tương lai của toàn bộ xã hội địa phương. Tuy nhiên, để bộ ba các giá trị ấy vận hành hiệu quả trong xã hội đương đại, cơ sở khoa học và vai trò dẫn dắt, lãnh đạo của quản lý nhà nước là hết sức quan trọng để bổ sung các “bệ đỡ vững chắc” (chất khoa học, chất lý tính, tri thức và độ tự tin của người Trà Vinh) cũng như “mô hình tương lai” cho văn hóa các dân tộc tỉnh nhà. Hai triết lý thuận thiên và khoan dung của truyền thống phải gắn kết, tương tác và phối hợp nhịp nhàng với nhau (hòa) mới có thể đạt tới sự tiến bộ.
___________________
1. Thuật ngữ này được Adams và Lindsey đề xuất năm 2011 khi bàn về chỉnh thể cộng đồng mở rộng ở môi trường đô thị tiến bộ, trong đó con người, các loài động, thực vật cùng chung sống hài hòa nhau trong cùng một không gian sống). Chúng tôi mượn khái niệm này, song, chỉ ứng dụng để thảo luận tính chỉnh thể tương tác hài hòa giữa các cộng đồng dân tộc - văn hóa trong địa phương tỉnh Trà Vinh.
2. Quan niệm của Pierre Bourdieu (1977) chỉ một phổ tập tính văn hóa chung do cộng đồng tạo dựng và duy trì trong đời sống.
Tài liệu tham khảo
1. Adams, Lindsey, Anthropogenic Ecosystems: The Influence of People on Urban Wildlife Populations (Hệ sinh thái nhân sinh: ảnh hưởng của con người đến động vật hoang dã ở đô thị), trong Urban Ecology: Patterns, Processes, and Applications (Sinh thái đô thị: Mô hình, quy trình và ứng dụng), ed. Jari Niemelä, Nxb Đại học Oxford, 2011.
2. Fredrik Barth, Models of Social Organization (Các mô hình tổ chức xã hội), Royal Anthropological, Anh, 1966.
3. John Widdup Berry, Conceptual approaches to acculturation (Tiếp cận khái niệm tiếp biến văn hóa), trong Acculturation: Advances in theory, measurement, and applied research (Tiếp biến văn hóa: những tiến bộ trong lý thuyết, đo lường và nghiên cứu ứng dụng), eds. K. M. Chun, P. Balls Organista, & G. Marin, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, 2003.
4. Pierre Bourdieu, Cultural reproduction and social reproduction (Tái sản xuất văn hóa và tái sản xuất xã hội), trong Power and ideology in education (Quyền lực và lý tưởng trong giáo dục), eds. J. Karabel and A. H. Halsey, Nxb Sách Đại học Oxford, 1977, tr.487-511.
5. Talcott Parsons, The System of Modern Societies (Hệ thống các xã hội hiện đại), Englewood Cliffs: Prentice-Hall, 1971.
6. Nguyễn Ngọc Thơ, Tín ngưỡng Thiên Hậu vùng Tây Nam Bộ, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2017.
7. Nguyễn Ngọc Thơ, Triết lý và tính cách văn hóa cư dân Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ phát triển và hội nhập, Kỷ yếu Hội thảo Triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp, 2023.
8. Tổng cục Thống kê, Kết quả toàn bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020.
9. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1142/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội, 2023.
10. UBND tỉnh Trà Vinh, Lịch sử tỉnh Trà Vinh, tập 1, Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh, Trà Vinh, 1995.
11. Leslie White, The Evolution of Culture: The Development of Civilization to the Fall of Rome (Tiến hóa văn hóa: quá trình phát triển của nền văn minh cho đến sự sụp đổ của thành Roma), McGraw-Hill, 1959.
PGS, TS NGUYỄN NGỌC THƠ - Ths DƯƠNG MINH LÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024