Một số mối quan hệ cần giải quyết trong phát triển văn hóa Việt Nam - Nhìn từ cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024) là một tác phẩm quan trọng và là cuốn cẩm nang với nhiều quan điểm chỉ đạo sâu sắc, toàn diện về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Với hơn 900 trang, gồm 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuốn sách đã trình bày một cách toàn diện và sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một trong những điểm nổi bật của cuốn sách là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc về vai trò và vị trí then chốt của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng Bí thư khẳng định rằng, văn hóa không chỉ là phương tiện để phát triển kinh tế, xã hội mà còn là mục tiêu, động lực và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn là một yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập đến những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như: tinh thần yêu nước, đoàn kết, nhân ái, cần cù, sáng tạo... và nhấn mạnh rằng, những giá trị này cần được kế thừa, phát huy và gắn kết hài hòa với những tinh hoa văn hóa tiến bộ của nhân loại. Điều này giúp xây dựng được một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng vẫn tiếp thu và hội nhập với những thành tựu văn hóa tiên tiến trên thế giới.

Với tư duy khái quát, triết lý của nhà “tổng chỉ huy”, Tổng Bí thư đã bàn về một số mối quan hệ cần giải quyết trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Những tư tưởng này là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, định hướng cho hoạt động và thực tiễn văn hóa sinh động, phong phú của đất nước hiện nay.

1. Mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế thị trường

Văn hóa là một lĩnh vực của đời sống xã hội, có quan hệ với các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị. Chủ nghĩa Mác-Lênin với tư duy biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đã chỉ rõ quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung, phát triển. Ngay từ khi chưa giành độc lập, trong cuốn Đề cương về văn hóa Việt Nam - Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng về văn hóa đã thấy vai trò của kinh tế với văn hóa “nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc)” (1). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn mối quan hệ này trong bối cảnh mới của đất nước. Nếu như trước đây, Đảng lãnh đạo xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh có chiến tranh và trong thời kỳ bao cấp, kinh tế tập trung quan liêu và đóng kín cửa với thế giới, thì hiện nay Đảng đang lãnh đạo xây dựng nền văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa xây dựng nền văn hóa Việt Nam, với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mối quan hệ biện chứng, hai chiều.

Về sự tác động của kinh tế thị trường đến phát triển văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Kinh tế là cơ sở vật chất của xã hội, là nhân tố quyết định tạo ra sự giàu có của xã hội, do đó nó cũng là tiền đề để phát triển văn hóa” (2). Không phải cứ kinh tế phát triển là văn hóa cũng phát triển tương xứng, nhưng kinh tế là cơ sở, điều kiện cho phát triển văn hóa. Khi có đời sống vật chất đầy đủ, người ta mới có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, tinh thần, tổ chức các hoạt động văn hóa. Kinh tế thị trường phát huy sự năng động của mọi người dân cũng như các nguồn lực trong nhân dân để thúc đẩy kinh tế, từ đó mới có điều kiện để xây dựng các cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa hiện đại cũng như bảo tồn những di sản văn hóa truyền thống. Chính vì lẽ đó, Tổng Bí thư cho rằng, sự hạn chế trong phát triển kinh tế, cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển văn hóa: “Ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, kinh tế - xã hội thường kém phát triển hơn, việc xây dựng, phát triển văn hóa gặp nhiều khó khăn hơn” (3). Phát triển thị trường các sản phẩm văn hóa, cần tăng cường sự kết nối giữa tác giả - những người sản xuất các sản phẩm văn hóa - với công chúng, để tạo ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng, phong phú về đời sống tinh thần của nhân dân. Vì vậy, các sản phẩm và hoạt động văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường rất sôi động và không ngừng tìm tòi sáng tạo những sản phẩm và dịch vụ văn hóa mới, nhiều nguồn lực văn hóa truyền thống bị “ngủ quên” nay được đánh thức dậy, làm mới, tiếp tục được bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nhìn thấy cả những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến sự phát triển văn hóa: “Đời sống văn học nghệ thuật hôm nay, dưới tác động của cơ chế thị trường và mở cửa, cả mặt tích cực và tiêu cực, cũng nảy sinh không ít những vấn đề cần giải quyết, tháo gỡ; trong đó đáng chú ý là xu hướng thương mại hóa cùng những biểu hiện “lai căng”… đang xuất hiện trên nhiều phương diện, làm hạ thấp hoặc méo mó những giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật, ảnh hưởng tới việc giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ trong công chúng người xem, người đọc; không động viên, khuyến khích được những văn nghệ sĩ tâm huyết với nghề, gắn bó với những giá trị văn học nghệ thuật chân chính” (4). Dưới tác động của kinh tế thị trường, nhiều khi tác giả sáng tạo các sản phẩm văn hóa và các dịch vụ văn hóa lại đặt nặng mục tiêu lợi nhuận lên trên thiên chức vốn có của văn hóa, đó là xây dựng và định hướng con người theo hướng chân, thiện, mỹ nên quá nhấn mạnh chức năng giải trí, chạy theo thị hiếu thẩm mỹ tầm thường, dung tục của một bộ phận khán giả, biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm hàng hóa thông thường, mà chúng ta thường gọi là xu hướng “thương mại hóa” các hoạt động văn hóa, đang làm méo mó, biến dạng nhiều hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa. Xu hướng thương mại hóa, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí và đề cao thái quá sự tự biểu hiện cái tôi nghệ sĩ, có chiều hướng phát triển dưới nhiều biểu hiện phức tạp. Xuất hiện một bộ phận công chúng có tiền đang chi phối, định hướng cho sáng tác và truyền bá tác phẩm. Loại sản phẩm ăn khách chạy theo thị hiếu thấp kém, xuất hiện ngày một nhiều như truyện sex, trinh thám, thơ tình ủy mị, gào thét sướt mướt, phim truyện với những mối tình mùi mẫn, những cảnh hở hang, gợi dục, giật gân, tranh ảnh khỏa thân thấp kém, kiến trúc thị dân phô trương, lố lăng, sân khấu hài gây cười cơ học, thô tục, rẻ tiền đang là vấn nạn. Khi xu hướng này phổ biến thì văn hóa không làm tốt chức năng, thiên chức của mình, những giá trị tốt đẹp của các di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa truyền thống bị biến dạng, hoặc thậm chí bị đánh mất, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam.

Văn hóa thể hiện trong mối quan hệ giữa người với người. Xã hội truyền thống đã tạo nên những giá trị tốt đẹp, yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, đề cao tình nghĩa, sự thủy chung son sắt, không thay đổi trong quan hệ giữa người với người, mà như Tổng Bí thư nói đó là đạo lý dân tộc - phần tinh túy nhất của di sản văn hóa. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, với việc chạy theo lợi ích vật chất của cá nhân, đã làm cho những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống bị mai một, thậm chí có nguy cơ lụi tàn “Nền kinh tế thị trường một mặt nào đó tự phát làm băng hoại các giá trị đạo đức, văn hóa, dìm tình nghĩa con người vào dòng nước băng giá, làm phát triển lối sống “tất cả vì tiền”, “tiền trao cháo múc”, lạnh lùng không tình nghĩa, thì hơn bao giờ hết chúng ta càng cần chú trọng tập trung xây dựng văn hóa, xây dựng con người, nâng cao con người” (5). Như vậy, kinh tế thị trường có tác động tích cực và tiêu cực đối với nền văn hóa Việt Nam hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn phân tích chiều tác động trở lại của văn hóa đối với kinh tế: “Nếu tăng trưởng kinh tế là điều kiện, là tiền đề của phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội thì phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội lại là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế” (6). Nhận thức văn hóa là động lực của sự phát triển kinh tế, đã được Đảng ta khẳng định từ đầu Đổi mới, cùng với những chuyển động trong nhận thức của thế giới về phát triển bền vững và thừa nhận văn hóa như là một trong những trụ cột cho sự phát triển đó. Văn hóa là động lực cho sự phát triển kinh tế được thể hiện ở nhiều khía cạnh, như các sản phẩm văn hóa, nguồn lực văn hóa đưa vào khai thác mang lại nguồn lợi vật chất cho đất nước, nhưng ở đây, Tổng Bí thư tập trung phân tích một khía cạnh quan trọng nhất, ở chiều sâu nhất của văn hóa, đối với sự phát triển kinh tế đất nước, đó là văn hóa góp phần bồi dưỡng nguồn lực con người - nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển: “Song đến lượt mình, văn hóa lại là động lực của phát triển kinh tế. Bởi vì văn hóa bắt nguồn từ yếu tố nguồn lực con người. Con người là chủ thể, là linh hồn của sự sáng tạo, là nhân tố hàng đầu của văn hóa. Với phẩm chất đạo đức, tài năng, trí tuệ của mình, con người làm ra tất cả, làm ra vốn liếng kỹ thuật, làm chủ khoa học - công nghệ, khai thác tài nguyên thiên nhiên…, tạo nên sự giàu có về vật chất và tinh thần của xã hội” (7). Hiện nay, có nhiều nguồn lực cho sự phát triển đất nước, như tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ, vốn, nhưng con người được xem là nguồn lực quan trọng nhất, nguồn lực của mọi nguồn lực, các nguồn lực khác có phát huy tác dụng hay không phụ thuộc vào nguồn lực con người. Những tài nguyên nằm sâu dưới lòng đất hay dưới biển sâu, phải có con người khai thác lên, nó mới trở thành nguồn lực phát triển đất nước; khoa học công nghệ cũng do con người sáng tạo và sử dụng; con người quyết định hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn cho phát triển. Các quốc gia phát triển nhất trên thế giới hiện nay đều biết phát huy nguồn lực con người, mặc dù nguồn lực tài nguyên của một số quốc gia đó có thể không phong phú và giàu có. Trong điều kiện kinh tế tri thức, Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ con người quyết định 80-85% giá trị sản phẩm thì nguồn lực con người càng khẳng định vị trí, vai trò của mình. Sức mạnh của con người thể hiện ở trí tuệ, nhân cách, đạo đức, phẩm chất, văn hóa có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nguồn lực này: “Chính văn hóa có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người, nâng cao bản lĩnh và ý thức dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc, làm cho phát triển kinh tế thị trường mà không băng hoại giá trị đạo đức xã hội, hội nhập mà không hòa tan” (8). Văn hóa với hệ giá trị của nó đã điều tiết, định hướng cho nền kinh tế thị trường của chúng ta phát triển theo hướng nhân văn, tiến bộ, vì con người. Văn hóa trở thành yếu tố sửa lỗi cho nền văn minh chính là vì lẽ đó.

2. Mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại       

Giải quyết mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với việc mở rộng giao lưu với văn hóa bên ngoài, là vấn đề mà các quốc gia đều phải đối mặt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Chính vì vậy, các tác giả nước ngoài cũng đã nói đến sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời cũng phải chú ý đến việc giao lưu văn hóa với bên ngoài. L.Friedman so sánh bản sắc văn hóa dân tộc giống như rừng ô liu và toàn cầu hóa giống như chiếc xe Lexus, cần thăng bằng giữa hai cái này: “Một đất nước không có những rặng cây ô liu khỏe khoắn sẽ không bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì và an tâm để có thể đón nhận và hội nhập với thế giới. Nhưng, một đất nước mà chỉ có những rặng cây ô liu không thôi, chỉ lo giữ cội rễ, mà không có xe Lexus, thì sẽ không bao giờ tiến xa được. Giữ cân bằng giữa hai yếu tố nói trên là một cuộc vật lộn triền miên” (9). Vì vậy, chúng ta cần phải chống cả hai khuynh hướng đối lập, chỉ nhấn mạnh đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà không chú ý đến giao lưu văn hóa với bên ngoài, song, cũng phải phê phán khuynh hướng ngược lại, là chỉ chú ý đến tiếp thu bên ngoài mà quay lưng với văn hóa truyền thống. Tổng Bí thư đã khẳng định: “Bảo vệ bản sắc dân tộc không có nghĩa là đóng cửa, tự cô lập, trái lại, phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác, chống tất cả những gì là lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ” (10). Đây là nhận thức chung được nhiều quốc gia và Đảng ta khẳng định, nhưng vấn đề quan trọng và khó khăn là, làm thế nào để tiếp thu văn hóa bên ngoài mà không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư đã có những định hướng rõ ràng: “Còn trong việc học tập văn hóa tiên tiến của các nước cũng phải chọn lọc, có sáng tạo, không phải học vẹt, bắt chước, bê nguyên xi, tiếp thu cả những cái lố lăng, không phù hợp với hoàn cảnh và đặc tính của dân tộc mình” (11). Phải lấy bản sắc văn hóa dân tộc là “bộ lọc” trong việc tiếp thu văn hóa bên ngoài, không phải là tiếp nhận tất cả, mà biết lựa chọn những gì cần thiết và phù hợp với dân tộc mình, đồng thời cũng không phải bắt chước, học vẹt mà có sáng tạo, đổi mới. Bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ quyết định sẽ lựa chọn cái nào, mà còn phải “bản địa hóa”, “nội sinh hóa” cái bên ngoài, kết hợp giữa bản sắc với giá trị tích cực tiến bộ bên ngoài để tạo ra giá trị mới. Đó chính là cái sâu sắc để không mất bản sắc dân tộc trong hội nhập, nhưng là vấn đề rất khó đòi hỏi năng lực, trình độ của cả nhà quản lý, nhà văn hóa cũng như từng người dân. Không chỉ không có tư tưởng sùng ngoại, mà còn biết phân biệt tốt xấu, thật giả, biết biến đổi cái bên ngoài cho phù hợp với mình. Ngay trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư cũng đã có những chỉ dẫn cụ thể, người lấy ví dụ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật: “Tiếp thu văn học dân gian không phải là nhắc lại, rập khuôn, quá lạm dụng nó, mà phải biết chắt lọc, tinh chế loại bỏ cái xấu, cái dở, mở rộng và nâng cao cái đẹp, cái tốt theo quan niệm của chúng ta ngày nay theo tinh thần mới của thời đại” (12). Trong cái truyền thống cũng có cả cái xấu và cái đẹp, cái tiến bộ và cái lỗi thời, nhất là trong những giai đoạn lịch sử mới, có những yếu tố là tích cực ở giai đoạn trước, nhưng không còn phù hợp với giai đoạn sau. Vì vậy, phải từ yêu cầu của xã hội hiện đại mà như Tổng Bí thư nói là theo tinh thần mới của thời đại để biết đánh giá, lựa chọn cái có giá trị và cần thiết để bảo tồn và phát huy, chứ không phải bảo vệ bản sắc dân tộc cũng là giữ lại tất cả cái cũ. Ngay cả những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà chúng ta kế thừa, giữ gìn cũng phải biết sáng tạo, mở rộng, nâng cao nó lên cho nó phù hợp với xã hội mới và thực sự có sức sống trong xã hội mới: “Tiếp thu văn học cổ truyền là để góp phần diễn tả một cách sinh động những tư tưởng tình cảm mới của thời đại làm tăng tính dân tộc của các bài thơ, để cho thơ gần với quần chúng” (13). Tổng Bí thư lấy ví dụ về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, nhà thơ sử dụng thể thơ lục bát trong ca dao dân tộc, sử dụng lối đối đáp mình - ta quen thuộc trong đối đáp giao duyên của những đôi nam nữ, nhưng lại để diễn tả tư tưởng, tình cảm mới, là sự đối đáp của người người chiến sĩ cách mạng với đồng bào, nhân dân, giữa cuộc sống phồn hoa, tiện nghi hiện tại với quá khứ gắn bó, nghĩa tình, nhưng cũng đầy gian khó, vất vả.

3. Mối quan hệ giữa xây và chống trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam

Thực chất mối quan hệ giữa xây và chống trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta khẳng định, đây là hai mặt của một vấn đề, gắn bó hữu cơ với nhau. Để xây dựng những giá trị tốt đẹp trong văn hóa thì phải chống lại những mặt phản tiến bộ trong văn hóa. Tuy nhiên, điểm mới trong tư tưởng của Tổng Bí thư là bên cạnh việc khẳng định phải đồng thời tiến hành song song cả xây và chống, xác định xây là chính, nhưng cũng phải đặc biệt chú ý đến việc chống, Tổng Bí thư còn làm rõ nội dung của việc “chống” trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam: “Đi đôi với việc xây dựng và lấy xây dựng làm chính, phải tiến hành đấu tranh chống tư tưởng văn hóa phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội” (14). Như vậy, chúng ta chỉ chống những gì đi ngược với giá trị phổ quát của loài người, với giá trị tốt đẹp của dân tộc và phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đi lên chủ nghĩa xã hội là xây dựng một xã hội vì con người và cho con người, một xã hội nhân văn, tốt đẹp dành cho tất cả mọi người mà Lênin gọi là xã hội nhân đạo hoàn bị, do đó, chống lại phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, cũng là chống lại những gì đi ngược với giá trị chân chính và cao quý của con người. Vậy, những gì đi ngược với giá trị đó, Tổng Bí thư tiếp tục làm rõ: “Đối với nước ta, các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết thực hiện mưu toan phá hoại tư tưởng, lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”. Những tàn dư của nếp sống, phong tục tập quán lạc hậu còn rơi rớt trong xã hội vẫn luôn luôn chờ cơ hội trỗi dậy. Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ là mảnh đất tốt làm nảy nở những tư tưởng, quan điểm sai trái, lối sống dung dưỡng thứ văn hóa đồi trụy, phi nhân tính” (15). Các thế lực thù địch đang thực hiện diễn biến hòa bình đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm mục tiêu phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nên chúng ta phải chống. Đồng thời, có những nếp sống, phong tục tập quán của xã hội cũ trong văn hóa truyền thống đã trở nên lỗi thời, cản trở sự phát triển của con người, chúng ta cũng cần phải loại bỏ. Bối cảnh mới hiện nay, đặc biệt là kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh mặt tích cực, cũng làm nảy sinh những tư tưởng, lối sống đi ngược lại với giá trị tốt đẹp của dân tộc và nhân loại, cần phải kiên quyết xóa bỏ. Việc chúng ta chống được hiệu quả những yếu tố phản tiến bộ này, cũng sẽ tác động tích cực đến quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Thực tế chúng ta đã làm, song, những mặt phản tiến bộ này vẫn còn tồn tại, thậm chí có những biểu hiện gia tăng và ngày càng tinh vi hơn, đòi hỏi cần quán triệt nghiêm túc hơn quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Rất nhiều vấn đề lớn, căn cốt của nền văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong cuốn sách, nhằm quyết tâm xây dựng thành công nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Việt Nam. Đây là một đặc trưng và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Những nội dung về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được Tổng Bí thư đề cập trong cuốn sách, vừa cụ thể hóa, vừa làm sâu sắc hơn quan điểm của Đảng về văn hóa trong bối cảnh mới, đồng thời thể hiện tầm tư duy của người đứng đầu Đảng, đứng đầu việc hoạch định các đường lối, chủ trương của Đảng. Tôi cho rằng, đây là những nội dung quan trọng mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp và ngành Văn hóa cần lưu ý và quyết tâm giải quyết tốt hơn nữa trong thực tiễn.

________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.316.

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15. Nguyễn Phú Trọng, Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.74, 81, 90, 326, 140, 74, 246, 79, 100, 217, 216, 85, 86.

9. Thomas L.Friedman, Chiếc xe lexus và cây ô liu, Nxb Khoa học xã hội, 2005, tr.96-97.

TS NGUYỄN TIẾN THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;