“Mặt trời đêm thế kỷ” là kịch bản về Quang Trung Nguyễn Huệ của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh. Kịch bản từng được dàn dựng cho tuồng, cải lương và dành giải cao ở các kỳ liên hoan trước đây, nhưng NSND Hoàng Quỳnh Mai vẫn dựng lại để giữ lời hứa với tác giả trước khi ông qua đời. Đây là một trong những kịch bản hay nhất về Quang Trung với những tình tiết, sự khai thác tâm lý rất tốt của các nhân vật chính.
Một cảnh rất cảm động trong vở - ba anh em họ Nguyễn nhớ về kỷ niệm xưa
Ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ từ đất Quy Nhơn dấy binh dẹp loạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. Sự kiện xảy ra khi Nguyễn Huệ tiến công thần tốc ra Bắc, giương cao ngọn cờ phù Lê diệt Trịnh thành công, bình định phía Bắc. Nguyễn Nhạc lên ngôi ở Bình Định, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đều được phong vương. Nguyễn Huệ rút quân về Tây Sơn, để lại đất Bắc cho con rể của Nguyễn Nhạc là Vũ Văn Nhậm. Vốn là tướng tài của nhà Tây Sơn nhưng tham vọng quyền lực, địa vị đã khiến Vũ Văn Nhậm biến chất, trở thành kẻ tham ô, coi mạng người dân như cỏ rác… Hay tin, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, tìm hiểu rõ sự thật, vì dân lành xử tử cháu rể. Nguyễn Nhạc biết con rể bị Nguyễn Huệ giết, không phân biệt trắng đen, không nghe lời phân tích can ngăn của con gái mình, lại bị sự xúi giục của ái thiếp mà quyết định phế chức Bình Định Vương của Nguyễn Huệ. Việc cắt đứt tình anh em, bội ước thu lại quân quyền của Huệ khiến Nguyễn Lữ hộc máu vì uất ức mà chết… Kịch kết thúc trong bối cảnh người dân bất bình vì phán quyết sai lầm của Nguyễn Nhạc; tôn xưng Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế để ông thống nhất binh lực, chống giặc ngoại xâm.
Nghệ sĩ Văn Thuận thể hiện vai Nguyễn Huệ
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã khắc phục việc sân khấu nhỏ, khó sử dụng đại cảnh (hôm tổng duyệt diễn ra tại ngay trụ sở của Nhà hát) bằng việc mở rộng không gian diễn khi diễn viên ra vào từ khán phòng. Khác với những xử lý không gian mang phong cách mềm mại, không nhiều cảnh cứng và do tính chất câu chuyện, đạo diễn chỉ có chiếc bục với ngai vàng và vầng mặt trời bao quanh, như ý đồ đạo diễn chia sẻ là “tâm tốt tỏa sáng như ánh dương”. Đổi không gian từ Bắc vào Quy Nhơn, Tây Sơn… chỉ thông qua những bức phù điêu nhẹ, đạo diễn cũng sử dụng trống trận, kèn tuồng, lời ru bằng âm điệu Bài chòi, những điệu múa mang dáng nét vùng đất này để tạo liên tưởng, âm sắc Tây Sơn cho vở.
Bên cạnh đó, cũng phải nhắc tới việc đạo diễn đã rút ngắn tình tiết trong kịch bản, hướng tới tiết tấu nhanh, hiện đại cho vở diễn để tập trung vào nút thắt là xử án Vũ Văn Nhậm và khai thác sâu tâm lý của các nhân vật. Nguyễn Huệ (Văn Thuân đóng vai) trăn trở vì người tướng quân từng kề vai sát cánh chiến đấu bên mình, lại trở thành người thân trong gia đình nay mắc trọng tội. Dù vẫn phải xử theo phép nước, nhưng bao dằn vặt đối với một vị tướng khi người dưới quyền tha hóa. Rồi tâm sự của Ngọc Hân công chúa (Hồng Hạnh) khi hay tin người thân của mình là Thái hậu và Vua Lê Chiêu Thống chạy sang nhờ vả quân Thanh “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhất là sự day dứt khôn nguôi của Thọ Hương (Nguyễn Thủy) khi chồng mình là Vũ Văn Nhậm (Tuấn Thanh) vì mắc trọng tội mà phải rơi đầu. Về Quy Nhơn báo tin cho vua cha (Văn Tuấn đóng), dù rất yêu thương chồng nhưng cô cũng đau đớn mà nhắc với Nguyễn Nhạc, vì chồng mình sai lầm nên mới bị xử. Trọn vẹn đạo làm dân, làm con… nhưng vì cái chết của người chồng mình yêu thương hết mực mà Thọ Hương đã tự tử chết theo chồng…
Tất cả những lát cắt tâm sự chất chồng, những giằng xé ấy được diễn tả trong lời ca thống thiết, những biểu cảm rất tuyệt vời của dàn diễn viên Nhà hát. Cả dàn diễn viên đã rất cố gắng khắc phục khó khăn về mặt vật chất, về thời tiết không thuận lợi để tập vở, để cháy hết mình trong một đêm diễn mà cả người diễn và người xem đều đổ mồ hôi do không gian nhà hát quá chật hẹp. Những tràng pháo tay vang lên đúng lúc, những tiếng cổ vũ nhiệt tâm từ người xem, những giọt nước mắt thương cảm, xót xa, thành kính… đã khiến các nghệ sĩ thăng hoa, tạo được một tác phẩm nghệ thuật đáng trân trọng.
Nguyễn Huệ và vợ là Ngọc Hân công chúa (nghệ sĩ Hồng Hạnh thể hiện) trong vở diễn
NSND Hoàng Quỳnh Mai dựng kịch bản Mặt trời đêm thế kỷ với sự trân quý tác giả Lê Duy Hạnh, thấu cảm những triết lý về nhân sinh của nhà biên kịch tài năng này. Là một tác phẩm kịch lịch sử, lại viết về cuộc đời vị hoàng đế kiệt xuất của dân tộc, từng được khai thác nhiều nhưng tác phẩm của ông vẫn còn nguyên giá trị. Đạo diễn đã khai thác sâu vào khía cạnh về lòng yêu nước thương dân là nguồn cội và sức mạnh để tinh thần "xuống đao" không có vùng cấm cho nhân vật chính, đồng thời cũng là ý nghĩa truyền tải của vở diễn này.
CAO NGỌC