Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Văn hóa là lĩnh vực rộng, phải làm lâu dài và có lộ trình

Sáng 24-10, tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Thảo luận tại Tổ 7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) khẳng định: Đảng, Nhà nước đã quan tâm hơn, chăm lo hơn cho lĩnh vực văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế; đồng thời, nhấn mạnh: Văn hóa là lĩnh vực rộng, phải làm lâu dài và có lộ trình.

Phát biểu thảo luận tại Tổ, đánh giá về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023,  kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo chuyên đề do các thành viên Chính phủ trình bày trong phiên khai mạc của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng nhận định, năm 2023, đất nước gặp nhiều khó khăn. Tác động của kinh tế thế giới trước những xung đột, đồng thời ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã không chỉ tác động đến nền kinh tế Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu thảo luận tại Tổ

Theo Bộ trưởng, qua những chuyến công tác tháp tùng các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tại một số quốc gia, cho thấy các quốc gia đều gặp khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn ở Việt Nam vì tổng cầu giảm, nên việc phục hồi kinh tế không phải ngày một ngày hai. Khó khăn mà nước ta gặp phải nằm trong quy luật khách quan. Vì độ mở nền kinh tế của chúng ta cao, nội lực kinh tế của chúng ta đang thấp và phụ thuộc vào nhiều thị trường ở các quốc gia khác, nên việc sản xuất chưa được như mong muốn, tốc độ tăng trưởng chưa đạt được như Nghị quyết của Quốc hội, đó cũng là do khách quan  khó khăn  chung của kinh tế toàn cầu.

Cũng theo Bộ trưởng, trước những khó khăn đó, chúng ta đã không nản chí, Chính phủ vẫn thể hiện quyết tâm cao trong điều hành, không đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu mà đã nỗ lực hết sức để xem cán đích ở mức độ nào, từ đó đưa ra các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế, làm cho xã hội ngày càng ấm no, hạnh phúc. Trong chỉ đạo, Chính phủ đã nhận diện được khó khăn, phát hiện ra nguyên nhân để tìm kiếm các dư địa phát triển, những giải pháp thúc đẩy các ngành gặp khó khăn.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng với Nông nghiệp là ngành truyền thống được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, chúng ta đã tính toán nhiều hơn trong việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp để kinh tế nông nghiệp vươn lên làm trụ đỡ, để đảm bảo tập trung cho sản xuất. Với dân số 70% làm nông nghiệp, nước ta đã có bước tiến khá dài trong lĩnh vực này. Khi các quốc gia đang lúng túng về xuất khẩu gạo, thì Việt Nam trở thành một điểm sáng về xuất khẩu gạo trên quốc tế, điều đó không chỉ khẳng định vị thế, mà còn khuyến khích cho sản xuất trong nước vừa đảm bảo cho dự trữ và an ninh lương thực cho đất nước cũng như thế giới…

Về lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã cán đích chỉ tiêu, Quốc hội và Chính phủ đã  đồng hành, cùng tháo gỡ, khi phát hiện ra điểm nghẽn là thủ tục xuất nhập cảnh, visa. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã tháo gỡ và sửa luật tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn để đón khách quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã chủ động làm mới các sản phẩm, đặc biệt cụ thể hóa 6 nghị quyết chuyên đề về kinh tế vùng trong đó lấy yếu tố kết nối, liên kết trong phát triển.

Bộ trưởng cho biết: Theo thống kê, đến tháng 9 đã đón trên 9 triệu lượt khách quốc tế, hiện nay ngành đang đặt mục tiêu phấn đấu đón từ 12-13 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng không chỉ dựa vào thị trường khách truyền thống là Trung Quốc mà còn tính thêm các thị trường tiềm năng và thị trường có mức chi tiêu cao để mở rộng, qua đó xúc tiến, làm mới sản phẩm du lịch, gắn văn hóa với du lịch.

Về xã hội, Bộ trưởng nhận định, trong báo cáo của Chính phủ có 10 chỉ tiêu xã hội hoàn thành theo nghị quyết của Quốc hội. Văn hóa, xã hội đã  tiếp tục có bước phát triển. Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, trong điều kiện khó khăn, nhưng các lĩnh vực văn hóa, xã hội đã có tiến bộ rõ nét.

Theo Bộ trưởng, Đảng, Nhà nước đã quan tâm hơn, chăm lo hơn cho lĩnh vực văn hóa, tạo những chuyển biến trong hành động, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế; có quan điểm trong đầu tư, phát triển và gìn giữ cho được nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

“Nhìn lại, trong văn hóa, chúng ta đã bắt đầu tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa thông qua các công cụ pháp luật, phát hiện nhiều điểm nghẽn trình Quốc hội. Trong nửa đầu nhiệm kỳ đã có một số bộ luật về văn hóa, gia đình được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, ngành VHTTDL đã tham mưu để Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức các hội thảo quốc gia để tìm kiếm nguồn lực và khơi thông cho văn hóa; nguồn lực bắt đầu từ thể chế” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, ngành VHTTDL đã làm tốt hơn về quản lý lễ hội. Nếu như trước đây các đại biểu bức xúc về vấn đề này, thì hiện nay cả 63 tỉnh, thành đã quản lý tốt về lễ hội. Các lễ hội được giữ gìn, tôn tạo, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, vị thế của quê hương, đất nước, từ đó tăng thu cho ngân sách và thu hút du lịch.

“Không có địa phương nào tổ chức lễ hội không tạo ra hiệu quả từ việc thu hút khách du lịch đến lưu trú, tăng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm OCOP, ký kết được các hợp tác với các doanh nghiệp. Ví dụ như Giỗ Tổ Hùng Vương, do đổi mới cách làm đã thu hút được hơn 7 triệu lượt khách trong dịp Giỗ Tổ..."- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ VHTTDL là cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035. Sau khi có Nghị quyết từ Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức 2 hội thảo với sự tham dự của 63 tỉnh, thành cùng sự tham gia của các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chương trình Mục tiêu quốc gia  về văn hóa tập trung vào 9 nhóm vấn đề

“Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ bám sát và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công và được thực hiện trong 10 năm tới, trong đó có mục tiêu tổng quát, và cả mục tiêu cụ thể. Tương thích với mục tiêu cụ thể có 9 nhóm vấn đề cần phải làm để khắc phục những điểm nghẽn, như: phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, chủ yếu đi vào công tác giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa; rồi chương trình tôn tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, từ đó là nơi để quảng bá hình ảnh đất nước, bao gồm cả nguồn lực của Nhà nước và của xã hội...” - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, cả nước có 128 di tích quốc gia đặc biệt và nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Nhiều di tích ở địa phương bị xuống cấp, chưa được quan tâm bởi nguồn lực ở địa phương còn có hạn, vì thế cần được chăm lo, đưa vào Chương trình Mục tiêu quốc gia để thực hiện. Hay các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc, như Tuồng, Chèo, Cải lương… cũng  rất cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa, để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới là hết sức cần thiết. Tại các quốc gia, đều có các Trung tâm văn hóa của đất nước họ tại nước ngoài và sức ảnh hưởng của các Trung tâm này rất lớn. Ngay tại Việt Nam cũng có rất nhiều Trung tâm văn hóa các nước. Trong khi đó, do điều kiện kinh tế của đất nước ta còn khó khăn nên hiện tại chỉ có 2 Trung tâm văn hóa đặt tại Lào và Pháp.

Theo Bộ trưởng, qua tổng hợp từ nhu cầu của các địa phương thì chúng ta mới có được con số đề xuất 350 nghìn tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, và "đây là con số khái toán, chúng ta vẫn còn phải lượng hóa  trong ngân sách của từng giai đoạn". Khi được thông qua với những mục tiêu cụ thể gắn với các dự án thành phần, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội  bổ sung, đóng góp ý kiến để Bộ hoàn thiện tiếp chương trình này. 

"Văn hóa là lĩnh vực rộng, phải làm lâu dài và có lộ trình, như Bác Hồ từng nói: "Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, 100 năm thì phải trồng người", mà văn hóa là trồng người, vì thế cũng cần quỹ thời gian và công cụ để đo đếm. Nếu chỉ nhìn vào một vài hiện tượng mà cho rằng văn hóa đang xuống cấp, báo động... thì nhiều khi chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng. Vì thế rất mong các đại biểu tiếp tục quan tâm, ủng hộ" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

NGỌC BÍCH lược ghi - Ảnh: THẾ CÔNG

;