Văn hóa ẩm thực của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh thành tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mang đặc trưng của vùng cư dân hỗn hợp và đa dạng. Sự cộng cư của các tộc người Việt, Hoa, Khmer nơi đây đã tạo nên một vùng văn hóa vừa đa dạng vừa thống nhất, vừa mang những nét chung vừa thể hiện những đặc trưng riêng biệt về bản sắc văn hóa tộc người. Trong các giá trị văn hóa ấy, không thể không nói đến văn hóa ẩm thực, một phương diện đặc thù trong bản sắc văn hóa dân tộc. Bài viết của chúng tôi, trên cơ sở phân tích những đặc trưng văn hóa ẩm thực của người Khmer, bài viết khẳng định những lớp văn hóa trầm tích về giá trị vật chất và tinh thần của vùng đất Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Thức cúng chủ yếu trong lễ hội Ok om bok của người Khmer tỉnh Sóc Trăng, thường là các loại bánh làm từ bột gạo, bột nếp, các loại khoai (khoai mì, khoai môn, khoai lang, củ từ, củ dong), dừa tươi, chuối xiêm chín, các loại trái cây (bưởi, quýt, mãng cầu, xoài…) - Ảnh: sovhttdl.soctrang.gov.vn

1. Vài nét về cộng đồng người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng

Theo các tài liệu khảo cổ học, người Khmer đến sinh sống, lập nghiệp ở ĐBSCL vào khoảng TK XI. Đến thời Nguyễn, người Khmer đã có mặt ở nhiều nơi ở ĐBSCL, trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Họ lập phum sóc, xây dựng chùa và chọn nơi sinh sống chủ yếu ở các vùng đất giồng ven sông rạch và biển. Ở Sóc Trăng, người Khmer xếp thứ hai sau người Việt về dân số. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số người Khmer chiếm 30,7% dân số toàn tỉnh Sóc Trăng và 31,5% tổng số người Khmer ở Việt Nam.

Cộng đồng người Khmer còn có một kho tàng văn hóa, văn học dân gian độc đáo. Âm nhạc, múa dân gian, nghệ thuật sân khấu rôbăm, dù kê cùng với nghệ thuật kiến trúc và trang trí độc đáo đã tạo nên những giá trị văn hóa, mang những đặc trưng riêng biệt, góp phần vào bức tranh văn hóa đa tộc người ở tỉnh Sóc Trăng.

Nhìn chung, “Gia đình - dòng họ - phum sóc - chùa chiền luôn có mối quan hệ tương tác qua lại và gắn bó mật thiết đến với mỗi cá nhân và toàn cộng đồng” (1) người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung. Mặc dù cộng cư lâu dài với các dân tộc Việt, Hoa nhưng cộng đồng người Khmer vẫn luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa ẩm thực.

2. Đặc trưng văn hóa ẩm thực của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng

Văn hóa ẩm thực thường ngày

Cơ cấu bữa ăn hằng ngày của người Khmer hiện nay khá tương đồng với người Việt ở Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung với cơm, rau, cá. Cơm là thành phần chính. Ăn cùng với cơm thường có các món mặn, món xào như cá kho, tép kho, thịt kho, mắm kho, tép rang, thịt heo ram mặn, ba khía trộn, khổ qua xào trứng, khô cá chiên, rau muống xào tép, đậu que xào... Ngoài ra, còn có các loại thức ăn được chế biến từ chim, lươn, ếch, nhái, chuột, rắn, rùa, đuông… là các loài động vật khá phổ biến ở Sóc Trăng và ĐBSCL với các món ăn phổ biến như lươn kho nghệ, lươn xào sả ớt, chuột xào lá cách, ếch xào lá cách, ếch xào gừng, rùa rang muối, rùa xé phay, đuông ram mặn, đuông xiên que nướng…

Canh đóng vai trò quan trọng trong bữa ăn hằng ngày của người Khmer. Món canh đặc trưng của người Khmer là somlo (somlo chomro - canh thập cẩm); somlo proho (canh nấu với thịt hoặc cá, cơm mẻ (2) và các loại gia vị như mắm bò hóc, sả, ớt…), somlo pha au (canh nấu với thịt nướng hoặc cá nướng và quả mật cật non), somlo mít, somlo bầu, somlo chuối xiêm xanh… Người Khmer đặc biệt thích các loại canh chua (somlo mò chu) được nấu từ các loại cá lóc, cá tra phi lê cắt miếng mỏng nhúng vào nồi canh đang sôi trên lò than, lò củi ăn kèm cùng rau muống và các loại rau đồng. Canh chua ếch nấu lá me non, canh chua chuột nấu cơm mẻ, canh chua lươn, canh chua cá chạch… cũng là những món canh phổ biến của người Khmer. Ngoài ra còn có các loại canh chua khô cá rún, khô cá sặc, khô cá lóc, khô cá dứa… Trong đó, canh chua khô cá rún là món ăn được nhiều người Khmer cũng như người dân ở ĐBSCL ưa chuộng. Cá rún là loại cá biển da trơn, nhiều thịt. Khô cá rún có thể làm được nhiều món, trong đó có món canh chua nấu cùng cơm mẻ, bắp chuối, món ăn dân dã trong bữa ăn gia đình ở Sóc Trăng. Có thể thấy, vị chua xuất hiện với tần suất cao trong bữa ăn của người Khmer. Các thức tạo độ chua vì vậy cũng rất phong phú, phần nhiều là các loại rau củ tự nhiên như lá me non, trái me, xoài, khế rừng…

Trong văn hóa ẩm thực Khmer, không thể không nhắc đến mắm, một loại thức ăn, gia vị chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong khẩu vị của cộng đồng cư dân này. Loại mắm phổ biến nhất của người Khmer là mắm bò hóc (pro-hok) được làm từ các loại cá lớn như cá lóc, cá bông được ủ trong thời gian 4-6 tháng. Khác với cách làm mắm của người Việt, người Khmer không sử dụng thính trong quá trình làm mắm. Cá được đánh sạch vảy, rửa kỹ, bỏ ruột, bỏ đầu rồi đem ướp muối trong vài tiếng sau đó vớt ra để ráo và dằn cá cho rỏ nước. Tiếp tục rửa cá bằng nước muối rồi ướp cá với gia vị như tỏi, ớt, tiêu, đường và cơm nguội. Sau đó, người ta bỏ cá vào lu khạp, gài kỹ phía trên để lớp mắm trên bề mặt không bị hư. Món ăn truyền thống này, cho đến nay vẫn trở thành niềm tự hào của người Khmer, không chỉ dùng trong ăn uống hằng ngày mà còn được nêm vào hầu hết các món ăn, tạo nên khẩu vị rất đặc trưng của người Khmer. Mắm bò hóc cũng là món được dùng để đãi khách quý.

Ngoài mắm pro-hok, danh sách mắm của người Khmer còn có mắm bò ót (pro-ok) được làm từ các loại cá nhỏ như cá chốt, cá lòng tong hoặc tép đồng được ủ trong vài ngày; mắm chua… Đặc biệt, người Khmer rất thích mắm pro-hok op là loại mắm được làm từ cá trê vàng (cá đồng chứ không phải cá nuôi). Trong ngôn ngữ Khmer, “op” có nghĩa là “nước hoa”, ngụ ý mùi thơm đặc biệt của loại mắm này. Cách ăn mắm của người Khmer cũng rất đa dạng: kho, chiên, chưng, ăn sống, dùng để chấm rau, ăn cùng cá nướng… Có thể xem mắm là một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Khmer.

Một trong những món ăn đặc trưng của người Khmer có sự đóng góp quan trọng của mắm là món bún nước lèo (somlo nung mờ chót). Nước lèo được nấu từ tôm, cá nấu nhừ, bỏ xương, nêm mắm bò hóc và các gia vị sả, ớt, củ ngải bún giã nhuyễn. Tô bún nước lèo là sự tổng hòa của nước lèo cùng những sợi bún trắng, rau ghém (rau quế, bắp chuối, húng nhủi, hẹ, giá...) với đầy đủ thịt cá, huyết heo, nấm và các loại gia vị sả, ớt, chanh… kích thích cả vị giác, thị giác và thính giác. Hiện nay, món ăn này được bày bán ở hầu khắp các tỉnh ĐBSCL, tuy nhiên, bún nước lèo Sóc Trăng vẫn được được nhiều người biết đến như một trong những món ăn tiêu biểu làm nên thương hiệu ẩm thực ĐBSCL: Đi xa có nhớ quê nghèo/ Nhớ bún nước lèo nhớ mắm Ba Xuyên (3) (ca dao Nam Bộ).

Gia vị phổ biến trong các món ăn Khmer là riềng, nghệ (củ nghệ, lá nghệ), sả, ớt, tiêu, củ ngải bún (loại củ có hình dáng gần giống củ nghệ, màu vàng nhạt, thứ gia vị mang tính bắt buộc trong món bún nước lèo của người Khmer), hành, tỏi, cari… Đặc biệt, dừa là loại quả được người Khmer sử dụng trong hầu hết các món ăn, cả những món mặn và ngọt, tạo nên vị béo, ngọt thanh rất đặc trưng trong ẩm thực Khmer.

Trong văn hóa ẩm thực của người Khmer, bánh giữ một vai trò quan trọng. Dọc con đường đi vào chợ Đại Tâm huyện Mỹ Xuyên, nơi có hơn 85% người Khmer sinh sống (4), các loại bánh được bày bán rất phong phú. Mỗi loại bánh có một hình thù khác nhau và đều gắn với một truyền thuyết về nguồn gốc xuất xứ của nó: bánh tét, bánh tét cốm dẹp, bánh ít, bánh xèo, bánh chuối hấp, bánh kẹp, bánh ú tro, bánh da lợn, bánh dứa, bánh dừa, bánh ống, bánh củ gừng, bánh tai yến, bánh thốt nốt, bánh trôi, bánh ớt, bánh bông lan, bánh rế, bánh ghế, bánh rây, bánh bột báng, bánh ướt cuốn đậu xanh và dừa… Bánh ghế được làm từ gạo nếp và đậu xanh bỏ vỏ. Sau khi xay nhuyễn và trộn hai nguyên liệu này với nhau, dùng nước thắng đường và cốt dừa để nhồi bột, bột sẽ nở mềm. Người Khmer bắt đầu tạo hình cho bánh giống chiếc ghế có bốn chân xung quanh, sau đó bao bột áo bên ngoài rồi chiên lên. Loại bánh này, phần nguyên liệu khá đơn giản, nhưng người làm bánh lại tốn nhiều thời gian cho công đoạn tạo hình. Bánh gừng được làm từ bột nếp, bột nang mực, trứng gà, đường cát trắng, nước cốt chanh, khi ăn có vị ngọt của đường, vị béo thơm của trứng gà, vị giòn của vỏ bánh sau khi được chiên trong chảo ngập dầu. Nhiều loại bánh Khmer có thể bảo quản hằng tháng, để dành ăn dần. Bánh có mặt gần như trong tất cả các dịp lễ, Tết và phong tục cúng bái, cho thấy ẩm thực đối với người Khmer không chỉ có ý nghĩa với cuộc sống hằng ngày mà còn mang tính tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc.

Dụng cụ nấu nướng đặc trưng của người Khmer là bếp cà ràng. Kết quả khảo cổ di chỉ Óc Eo ở một số địa phương vùng ĐBSCL cho thấy bếp cà ràng ra đời từ hàng ngàn năm trước. Nhiều ý kiến cho rằng từ cà ràng xuất phát từ tiếng Khmer là kran hay karan, sau đó đọc trại thành cà ràng. Đây là loại bếp được làm từ đất sét, có hình dạng như số 8 nằm ngang, rất thuận tiện cho việc nấu nướng trong điều kiện thường xuyên di chuyển trên vùng sông nước của người Khmer ở ĐBSCL nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng.

Thức uống hằng ngày mang đặc trưng của người Khmer là nước thốt nốt. Nước thốt nốt được lấy từ trái cây thốt nốt, một loại cây thuộc họ cau, nhìn xa giống cây dừa ở miền Bắc. Để làm nước thốt nốt, đàn ông Khmer phải leo thân cây re cột chặt vào thân cây thốt nốt, sau đó cắt đầu vòi bông, kẹp lại để nước thốt nốt từ vòi chảy vào ống tre hứng phía dưới. Loại thức uống này thường chỉ có trong những tháng mùa khô (tháng 4-11 hằng năm), mùa mưa gần như không có. Có những gia đình chuyên nghề lấy nước thốt nốt để mang đi bán ở chợ hoặc gánh đi rao bán ở các làng có đông người Khmer sinh sống. Ngoài làm nước giải khát thốt nốt, cư dân Khmer còn làm đường thốt nốt, thạch thốt nốt, bánh thốt nốt, bánh bò thốt nốt, nước lên men thốt nốt. Thốt nốt vì vậy được xem là biểu tượng của văn hóa Khmer, dù sinh sống trong môi trường đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ, đơm hoa kết trái và tạo nên những sản phẩm ngọt ngào, thơm mát.

Có thể thấy, từ nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên, người Khmer chế biến và sáng tạo ra nhiều món ăn khác nhau, tạo nên một nền ẩm thực phong phú, đa dạng mang yếu tố tộc người rất đặc trưng ở tỉnh Sóc Trăng.

Văn hóa ẩm thực vào các dịp lễ, Tết          

Trong một năm, người Khmer có các dịp lễ tết quan trọng: Tết Chol Chnam Thmay (Tết năm mới), Sen Dolta (lễ Cúng ông bà); Ok om bok (lễ Tạ ơn mặt trăng). Vào các dịp này, ngoài những món ăn thức uống thường ngày, còn có thêm các món ăn thức uống mang đặc trưng tộc người Khmer.

Chol Chnam Thmay là Tết quan trọng nhất của người Khmer, diễn ra vào khoảng trung tuần tháng 4 dương lịch hằng năm. Theo quan niệm của người Khmer, tháng 4 là dịp gặt hái mùa màng đã xong, mọi người có thể thảnh thơi nghỉ ngơi sau những tháng ngày lao động vất vả. Đây cũng là thời điểm giao mùa (kết thúc mùa khô, bước sang mùa mưa), cây cối, thiên nhiên như bừng lên sức sống, khởi đầu một năm mưa thuận gió hòa, sung túc, nhiều may mắn. Trong tiếng Khmer, Chol nghĩa vào, Chnam Thmaynăm mới. Vào những ngày này, phum sóc, chùa chiền náo nhiệt, rộn ràng đón chào một năm mới đơm hoa kết trái. Mọi người sắm sửa, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ, chuẩn bị đồ ăn thức uống đủ đầy cho năm mới. Họ cũng tự nguyện góp tiền, góp của để sửa sang, tu bổ ngôi chùa, nơi gắn liền với những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc của cộng đồng. Dịp này, người Khmer không quá coi trọng về ẩm thực. Họ quan niệm “mình ăn gì thì ông bà ăn đó”, vì vậy, các món ăn không quá khác biệt so với thường ngày: thịt heo kho trứng, canh súp, khổ qua dồn thịt, thịt xào hủ tíu… Đặc trưng ẩm thực trong Tết Chol Chnam Thmay nói riêng và Tết Khmer nói chung là các loại bánh như: bánh tét, bánh chuối, bánh ít, bánh gừng, bánh ghế… Người Khmer thường làm nhiều bánh không chỉ để cúng mà còn tặng họ hàng lối xóm và đem vào chùa dâng cho sư sãi. Đây là một nét văn hóa rất đặc trưng của người Khmer. Trong gia đình, họ có thể ăn uống đơn sơ đạm bạc, nhưng khi dâng lên chùa phải là những thứ tươi ngon nhất.

Sen Dolta cũng là một trong những dịp lễ quan trọng của người Khmer, diễn ra vào 3 ngày, từ 29-8 đến 1-9 âm lịch. Theo quan niệm của người Khmer, nếu như Tết Chol Chnam Thmay là Tết lo cho người sống thì Sen Dolta là Tết lo cho người chết, là dịp để tri ân, tỏ lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên. Vào dịp này, mỗi gia đình cử 1-2 thành viên lên chùa để lo các công việc chuẩn bị cho ngày lễ như quét dọn công viên, treo cờ phướn… Ở gia đình thì người Khmer dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ tổ tiên và dâng lên bàn thờ các loại trà, bánh như: bánh gừng, bánh tét. Một lễ vật quen thuộc trong lễ Sen Dolta của người Khmer ở Sóc Trăng là cơm vắt được tạo hình nhọn như chiếc nón lá. Theo nghi thức Khmer truyền thống, vào lễ cúng đưa ông bà (ngày thứ 3), gia đình nào cũng nấu cơm, thức ăn, làm bánh, chuẩn bị hoa quả, nhang, đèn rồi cho thức ăn vào chiếc thuyền được làm bằng bẹ chuối (hoặc mo cau) thả xuống sông, kênh rạch gần nhà. Ngày nay, các nghi thức dần được giản lược, lễ vật cúng cũng không quá cầu kỳ, phức tạp, chủ yếu là mọi người lên chùa gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau vừa tỏ lòng thành kính với tổ tiên, vừa thắt chặt tình cảm gia đình, lối xóm.

Ok om bok diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Đối với người Khmer, mặt trăng là vị thần cai quản mùa màng, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, vì vậy, rất được người dân tôn thờ, sùng kính. Thức cúng chủ yếu trong lễ hội này thường là các loại bánh làm từ bột gạo, bột nếp, các loại khoai (khoai mì, khoai môn, khoai lang, củ từ, củ dong), dừa tươi, chuối xiêm chín, các loại trái cây (bưởi, quýt, mãng cầu, xoài…). Đây là những sản vật gắn liền với người dân Khmer ngay từ những ngày đầu định cư, lập nghiệp, vì vậy, họ trân quý hạt lúa, hạt gạo và những sản phẩm của nền nông nghiệp do chính bàn tay, sự cần cù chịu khó của họ làm nên. Đặc biệt, cốm dẹp là thức cúng mang tính nghi lễ bắt buộc trong lễ hội này. Nguyên liệu làm cốm dẹp là loại lúa nếp giống ngon, được thu hoạch sớm vào đầu vụ mùa, đem rang lên, đổ vào cối giã. Sau khi được giã, hạt nếp tróc vỏ, thành những cánh cốm mỏng, dẻo, óng màu vàng xanh, tỏa hương thơm. Khi ăn, trộn đều cốm với nước dừa, thêm đường và vắt dừa khô nạo, có thể thêm đậu xanh, chút đậu phộng giã nhỏ. Ok om bok cũng được gọi là lễ đút cốm dẹp, xuất phát từ nghi lễ đút cốm dẹp rất đặc trưng của người Khmer (trong tiếng Khmer, Om bok nghĩa là cốm dẹp, Ok là động tác dùng tay đút vào miệng). Nghi thức này thường được thực hiện tại chùa, trong sân nhà hoặc địa điểm có thể nhìn thấy rõ mặt trăng. Khi hành lễ, mọi người cùng hướng về mặt trăng cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu, sức khỏe dồi dào. Sau khi cúng xong, chủ lễ hoặc vị sãi cả lần lượt đút cho mỗi em bé một vắt cốm dẹp (có thể kèm với chuối) và hỏi chúng ước điều gì. Từ điều ước của con trẻ, người Khmer có thể đoán định những gì tốt, xấu cho tương lai. Sau đó, mọi người quây quần bên nhau trong tiếng nhạc rộn ràng, cùng thưởng thức cốm dẹp và các loại bánh trái, chúc phúc cho nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện về lòng biết ơn các vị thần linh, tổ tiên ông bà đã mang đến cho con người một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thắt chặt tình thân, tình đoàn kết trong cộng đồng Khmer.

Đối với người Khmer, hôn nhân có ý nghĩa rất lớn trong nghi lễ vòng đời của con người, thậm chí đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc thân tộc của cộng đồng. Lễ cưới theo phong tục truyền thống của người Khmer thường tránh tổ chức vào mùa mưa, trải qua 10 lễ với nhiều nghi thức cầu kỳ. Ngày nay, lễ cưới dần được tiết giảm, gói gọn trong ba lễ chính: lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ cột chỉ tay. Trong lễ cưới, bún nước lèo và canh som lo là hai món ăn phổ biến. Ngoài ra, các món ăn phổ biến của người Khmer là thịt gà, thịt vịt, thịt heo ram, kho, thịt luộc, củ cải hầm xương… Khác với ngày thường, các món ăn vào các dịp lễ, Tết người Khmer thường ưu tiên thịt (thịt gà, thịt heo) hơn cá, tôm và các loài thủy hải sản. Đặc biệt, trong lễ cưới nói riêng và trong các dịp lễ, Tết nói chung của người Khmer gần như không thể thiếu bánh củ gừng, một loại bánh đặc trưng của cộng đồng này. Họ thường xếp bánh củ gừng thành ngôi tháp nhiều tầng rất cầu kỳ và đẹp mắt. Theo quan niệm của người Khmer, bánh củ gừng có nhiều nhánh, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, ngụ ý chúc cô dâu chú rể sinh nhiều con cái, gia đình đề huề, mang đến sự may mắn và hạnh phúc.

3. Kết luận

Cùng với người Việt, người Hoa, cộng đồng người Khmer ở Sóc Trăng đã cùng nhau khai phá, bồi đắp thêm các tầng văn hóa ở Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung. Về phương diện ẩm thực, người Khmer là một trong những tộc người vẫn giữ được những yếu tố mang tính bản sắc, cả trong ăn uống thường ngày cũng như các dịp lễ Tết. Đây chính là những giá trị được hình thành từ sự tác động qua lại lẫn nhau giữa thiên nhiên, kinh tế, xã hội và con người trên nền tảng những giá trị văn hóa chung của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử, cùng với những đặc trưng văn hóa tộc người, kiến tạo nên một nền văn hóa ẩm thực thống nhất trong đa dạng ở vùng đất Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung.

________________________

1. Tỉnh ủy - UBND tỉnh Sóc Trăng, Địa chí tỉnh Sóc Trăng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.299.

2. Người dân ở Nam Bộ nói chung gọi là cơm mẻ chứ không gọi mẻ như người miền Bắc.

3. Ba Xuyên: tên gọi trước đây của tỉnh Sóc Trăng.

4. Số liệu do UBND xã Đại Tâm cung cấp.

Tài liệu tham khảo

1. Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2019.

2. Nguyễn Nghĩa Dân, Văn hóa ẩm thực trong tục ngữ ca dao Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 2011.

3. Trần Phỏng Diều, Văn hóa ẩm thực người Việt Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Mỹ thuật, 2014.

4. Trần Phỏng Diều, Ẩm thực đồng bằng sông Cửu Long - những thích nghi và biến đổi, Tạp chí Văn nghệ dân gian, số 1, 2014.

5. Trần Hồng Liên (chủ biên), Vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Sóc Trăng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.

6. Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2017.

7. Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2017.

8. Nhiều tác giả, Người Khmer ở Nam Bộ, Việt Nam, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2012.

9. Vương Hồng Sển, Chuyện cũ ở Sốc - Trăng, tập 1, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2020.

10. Vương Hồng Sển, Chuyện cũ ở Sốc - Trăng, tập 2, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2022.

11. Phan Thị Yến Tuyết, Nhà ở - Trang phục-Ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

12. Viện Văn hóa, Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Tổng hợp Hậu Giang, 1987.

Ths LÊ THỊ HỒNG QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;