Mô hình phát triển du lịch bền vững (PTDLBV) dựa trên các yếu tố văn hóa truyền thống được xem là sự cứu vãn trong bối cảnh thế giới đang suy giảm về mọi mặt, khủng hoảng từ niềm tin, sự phát triển kinh tế đến trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu. Phát triển bền vững ở một số nước trên thế giới được mang lại từ nền tảng văn hóa, sinh thái và du lịch. Đặc biệt, mô hình đó được xây dựng từ các yếu tố văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đã được chú trọng trong thời gian qua, như ở đất nước Trung Quốc. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích SWOT: là phương pháp phân tích điểm mạnh (strengths), điểm yếu (weaknesses), cơ hội (opportunities) và thách thức (threats) của vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản cộng đồng các dân tộc thiểu số gắn với PTDLBV. Phương pháp này được sử dụng để phân tích, đánh giá tiềm năng, hiện trạng và cơ hội, thách thức đối với mô hình bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với PTDLBV tại Trung Quốc. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm ở Việt Nam.
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn
Trong xã hội hiện đại, sự phát triển của mỗi lĩnh vực trong đời sống xã hội phụ thuộc rất lớn vào hệ thống chính sách của nhà nước. Việc xây dựng, định hình mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản cộng đồng dân tộc thiểu số gắn với phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, dân tộc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Từ các hệ thống chính sách lớn của Nhà nước, sẽ giúp cho quá trình vận hành của các sự vật, hiện tượng trở nên thông suốt. Bởi “chính sách là sự can thiệp hay không can thiệp của Nhà nước nhưng là các tác động mang tính định hướng cho sự phát triển, là khung thể chế cho các hoạt động trong thực tiễn” (1). Chính sách văn hóa cũng có tầm ảnh hưởng sâu rộng như vậy cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam hiện đại.
Về mặt lịch sử, cụm từ “dân tộc thiểu số” xuất hiện cùng với sự hình thành các quốc gia đa dân tộc, khi các dân tộc cầm quyền ban phát cho các dân tộc khác một quy chế cũng như những vị trí xã hội - văn hóa, kinh tế và chính trị khác nhau (2). Để hiện thực hóa mô hình bảo tồn, phát huy giá trị di sản cộng đồng các dân tộc thiểu số gắn với phát triển bền vững, ngoài các biện pháp về mặt chính sách và thể chế, cần thiết phải xây dựng, phát triển song hành với du lịch, cụ thể là mô hình du lịch cộng đồng. Bởi du lịch cộng đồng sẽ phát triển dựa trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Đồng thời, cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
Có nhiều định nghĩa về “du lịch dân tộc” hay du lịch di sản, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Có quan điểm cho rằng, du lịch dân tộc hay du lịch di sản, du lịch văn hóa được tiếp thị cho công chúng theo các phong tục “kỳ lạ” của người bản địa và thường là người ngoại lai. Có ý kiến cho rằng, nó là việc tìm kiếm những cuộc gặp gỡ đích thực với các dân tộc khác. Theo Lý Dương: “Du lịch dân tộc được thúc đẩy bởi việc khách du lịch tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa kỳ lạ thông qua sự tương tác với các nhóm thiểu số đặc biệt và mong muốn của các nhóm đó sử dụng các khía cạnh văn hóa của họ để tạo ra các cơ hội kinh tế. Nó tạo cơ hội cho khách du lịch trải nghiệm các khía cạnh của nền văn hóa, phong cảnh và lối sống độc đáo. Nó đã được áp dụng và quảng bá rộng rãi như một chiến lược phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là khi nhiều nhóm thiểu số như vậy tương đối thiệt thòi khi so sánh với đa số dân số và văn hóa của họ có thể được coi là một trong những tài sản mạnh nhất của họ” (3).
Trên thế giới, du lịch cộng đồng đang là trào lưu được ưa chuộng. Tại nhiều quốc gia, du lịch cộng đồng được quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển để mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế.
Theo quan điểm của GS,TS Lương Văn Hy (4): phát triển là tăng của cải vật chất (đo bằng tổng sản lượng bình quân đầu người), hay là phát triển con người nói chung - theo nghĩa của UNDP (5) là một tiến trình mở rộng sự lựa chọn của con người cũng như mức an sinh đạt được. Dẫn theo GS,TS Lương Văn Hy, bền vững theo nghĩa là đáp ứng “những nhu cầu hiện nay mà không làm giảm khả năng của những thế hệ sau đáp ứng được nhu cầu của những thế hệ này” (6).
2. Mô hình phát triển du lịch bền vững của Trung Quốc
Bối cảnh đất nước Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia lớn nhất ở Đông Á và là nước đông dân nhất thế giới với dân số hơn 1,3 tỷ người (bằng 1/5 dân số thế giới). Trung Quốc là một trong những “cái nôi” văn minh của nhân loại, một trong những nền văn minh cổ nhất trên thế giới. Lịch sử hơn 5.000 năm của Trung Quốc đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ và phong phú. Bên cạnh đó, Trung Quốc được tạo nên từ 56 tộc người khác nhau nên bản sắc văn hóa của các dân tộc đã tạo thành bức tranh văn hóa quốc gia đa dạng.
Năm 1949, Trung Quốc lựa chọn con đường đi theo chủ nghĩa xã hội và hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước XHCN. Lịch sử phát triển văn hóa của Trung Quốc đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa thời kỳ 1966-1976. Đến năm 1990, với nhiều cải cách mang tính cách mạng, kinh tế Trung Quốc đã có bước phát triển nhảy vọt. Hiện nay, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh, đồng thời là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đứng thứ hai về xuất khẩu và đứng thứ ba về nhập khẩu hàng hóa.
Mô hình quản lý văn hóa của Trung Quốc
Bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa
Mô hình quản lý văn hóa của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với mô hình quản lý văn hóa ở Việt Nam. “Đặc trưng thể chế tổ chức quản lý sự nghiệp văn hóa đó là Nhà nước là chủ thể. Nhà nước lấy việc quản lý sự nghiệp văn hóa làm một chức năng quản lý quan trọng của chính quyền các cấp. Từ chính quyền trung ương đến chính quyền các tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc), thành phố, huyện đến các cơ sở xã, thị trấn đều có cơ cấu tổ chức chuyên môn thay mặt nhà nước làm công việc quản lý sự nghiệp văn hóa… cơ cấu quản lý đó lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan tuyên truyền đảng ủy cùng cấp” (7).
Mô hình quản lý văn hóa ở Trung Quốc do nhà nước là chủ thể quản lý và giữ vai trò trung tâm trong đời sống văn hóa quốc gia. Sự quản lý về văn hóa của nhà nước đi liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhà nước xây dựng bộ máy quản lý về văn hóa một cách hệ thống và rộng khắp theo bốn cấp từ trung ương đến cơ sở. Ở cấp chính phủ trung ương có Bộ Văn hóa, cấp chính quyền các tỉnh/ thành phố có Sở Văn hóa, cấp huyện có Phòng Văn hóa và xuống đến cấp xã có Ban Văn hóa. Các cơ quan này quản lý hoạt động văn hóa gồm biểu diễn nghệ thuật, giáo dục nghệ thuật, di sản, bảo tàng, nghiên cứu văn hóa, trao đổi văn hóa, thị trường văn hóa, thư viện, văn hóa xã hội và văn hóa các dân tộc thiểu số (8).
Trung Quốc đã vạch ra phương hướng cho phát triển văn hóa nghệ thuật XHCN: văn hóa nghệ thuật theo định hướng “phục vụ nhân dân và phục vụ XHCN”; vận dụng nguyên tắc “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”; đa dạng các nguồn tài trợ cho văn hóa; kế thừa văn hóa cổ xưa và chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài (9).
Về phương pháp quản lý
Trong quản lý văn hóa, Trung Quốc sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp như quản lý hành chính, chính trị, pháp luật, kinh tế, dư luận xã hội… Các biện pháp này với những công cụ và điểm mạnh riêng được phối hợp, tác động qua lại và bổ sung cho nhau. Phương pháp quản lý này cũng góp phần điều hòa các mối quan hệ trong quá trình xây dựng, phát triển chính sách văn hóa và quản lý hoạt động văn hóa. Hiện nay, Trung Quốc coi biện pháp quản lý bằng pháp luật và biện pháp kinh tế là những biện pháp trọng tâm.
Phân cấp quản lý văn hóa
Trung Quốc phân chia hoạt động quản lý văn hóa thành ba cấp: quản lý vĩ mô, quản lý trung mô và quản lý vi mô. Ba cấp độ quản lý này có khác biệt về đối tượng quản lý, chủ thể quản lý, chức năng và phương thức quản lý.
Quản lý vĩ mô do Quốc vụ viện thực hiện, có chức năng xác định chiến lược chung, quy hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách chung về phát triển sự nghiệp văn hóa cho cả quốc gia.
Quản lý trung mô do các bộ, ủy ban, cục chức năng trực thuộc Quốc vụ viện đảm nhiệm như: Bộ Văn hóa, Ủy ban giáo dục, Ủy ban khoa học kỹ thuật, Bộ Phát thanh - điện ảnh - truyền hình, Cục xuất bản báo chí… Quản lý trung mô cũng do chính quyền nhân dân các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc thực hiện.
Cấp quản lý vi mô được thực hiện bởi các cơ quan hành chính và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật. Các chủ thể này hướng tới việc quản lý hoạt động văn hóa của các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp. Cấp độ quản lý này trực tiếp thực hiện việc tổ chức, điều hành, thực thi các chính sách, pháp luật, kế hoạch của các cấp trên.
Như vậy, có thể thấy các cấp độ quản lý văn hóa ở Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Cấp quản lý vĩ mô tương đương với việc quản lý của Quốc hội (hoặc Trung ương Đảng), quản lý trung mô là Bộ Văn hóa và UBND các tỉnh/ thành phố, quản lý vi mô là quản lý của các đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hóa, các tổ chức và doanh nghiệp văn hóa (10).
Mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa làng cổ ở Trung Quốc
Tiềm năng du lịch văn hóa
Trung Quốc với nhiều địa phương như tỉnh Hồ Nam, Vân Nam… có những làng cổ với hàng trăm năm lịch sử, còn lưu giữ nhiều nét truyền thống mang đậm văn hóa bản địa. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương đã phát huy hiệu quả mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa để thoát nghèo và phát triển bền vững.
Các thôn làng của người dân tộc thiểu số ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc nằm trên núi cao hàng trăm mét so với mực nước biển, bao quanh là non xanh nước biếc, mây mù giăng phủ, càng trở nên nổi bật với kiểu kiến trúc độc đáo nhà gỗ mái ngói đen viền trắng. Làng cổ Nhạn Nga Giới ở huyện Tự Phố, thành phố Hoài Hóa với lịch sử hơn 360 năm, hiện vẫn bảo tồn được hơn 20 ngôi nhà gỗ cổ xưa với diện tích khoảng 6.000m2, đường làng được lát đá hoa cương màu xanh. Làng cổ Kinh Bình, huyện Trung Phương đã có hoạt động của con người từ thời kỳ đồ đá cách đây hơn 50.000 năm trước. Hiện nay, ngôi làng này vẫn bảo tồn được hơn 20 điểm di tích khảo cổ như: di chỉ thời kỳ đồ đá, tường thành thời Chiến quốc, quần thể mộ cổ thời Chiến quốc, giếng cổ thời Đường... Không chỉ bảo tồn các điểm di tích lịch sử - văn hóa, các làng cổ còn lưu giữ các phong tục, tập quán từ xa xưa và phát triển các nghề thủ công như: thêu, làm nón, chế tác đồ bạc trang sức, nấu rượu...
Khai thác sản phẩm du lịch văn hóa
Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã kêu gọi các doanh nhân là những người dân làng lập nghiệp ở xa trở về quê hương đầu tư phát triển du lịch. Với mục tiêu vừa bảo tồn và phát huy giá trị những di tích lịch sử, nghề thủ công truyền thống, vừa giúp cho người dân làm giàu ngay tại thôn làng của mình, nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đã được hình thành và phát triển.
Làng cổ Nhạn Nga Giới chú trọng mô hình du lịch trải nghiệm với điểm nhấn là giới thiệu các nghề truyền thống như nấu rượu, bật bông, thêu... tổ chức chợ phiên giới thiệu sản phẩm văn hóa, món ăn truyền thống... Ngoài ra, người dân không chỉ trực tiếp giới thiệu sản phẩm văn hóa - du lịch cho du khách đến tham quan, mà còn giới thiệu sản phẩm trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội và bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như Taobao, Jingdong, Tianmao...
Các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng hạ tầng du lịch tạo điểm nhấn, thiết kế các tuyến tham quan, sản phẩm du lịch, tổ chức quảng bá thương hiệu điểm đến, nâng tầm và tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm truyền thống, bảo đảm sự bền vững của chuỗi ngành nghề du lịch. Mô hình văn hóa và du lịch đã trở thành chìa khóa giải quyết bài toán bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống người dân, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
(Còn tiếp)
TS HOÀNG THỊ BÌNH - Ths NGUYỄN THỊ HẠNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023