Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Trung ương Đảng đã xác định: giáo dục đại học phải “tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học” (1). Đây là tư tưởng quan trọng, đặt ra những yêu cầu mới cho việc củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong bối cảnh mới. Kết quả điều tra thực trạng động cơ học tập (ĐCHT) của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (trường) (2) đã khẳng định tầm quan trọng của ĐCHT trong việc phát huy tính tích cực, tự giác, giữ vững định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của các trường cao đẳng, đại học.
1. Vai trò của ĐCHT trong quá trình học tập của sinh viên
Có thể hiểu khái quát ĐCHT của sinh viên chính là sức mạnh tinh thần nảy sinh từ nhu cầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện, là điều thôi thúc tính tích cực hoạt động, giúp sinh viên khắc phục khó khăn để đạt được kết quả cao nhất trong khả năng của mình. Những kết quả mà sinh viên đạt được phải phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội và được thừa nhận (3). Không chỉ vậy, ĐCHT còn đòi hỏi cá nhân phải hoàn thành xuất sắc, thậm chí vượt mức những mục tiêu đã đề ra và để hoàn thành mục tiêu học tập đó, sinh viên cần cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, ĐCHT của sinh viên không chỉ phục vụ lợi ích cá nhân mà còn phải phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội; hay nói cách khác, lợi ích của việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân người học mà còn mang ý nghĩa xã hội. ĐCHT của sinh viên khi được hiện thực hóa bằng những thành tích xuất sắc trong học tập, phải được sự đánh giá và thừa nhận của xã hội. ĐCHT của sinh viên là cái thúc đẩy, kích thích và hướng dẫn sinh viên học tập nhằm lĩnh hội tri thức khoa học mà loài người tích lũy được (4).
Có thể nói, ĐCHT có tác động quan trọng đối với hoạt động học tập của sinh viên, là động lực thúc đẩy sinh viên học tập. ĐCHT đúng đắn hay lệch lạc có ý nghĩa quyết định sự thành bại của hoạt động và chiều hướng phát triển nhân cách của con người. Để tìm hiểu ảnh hưởng của các yếu tố khách quan và chủ quan đến ĐCHT của sinh viên, trong năm học 2018-2019, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 300 sinh viên năm thứ hai của trường, thuộc các ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Quản trị văn phòng, Truyền thông đa phương tiện và nhận được sự trả lời của 289 sinh viên.
2. Thực trạng ĐCHT của sinh viên
Động cơ thi đại học
Tìm hiểu động cơ đăng ký vào học tại trường, chúng tôi nhận được kết quả: Đa số sinh viên chọn trường để dự thi vì họ cho rằng đây là một trường có chất lượng đào tạo tốt, có nhiều thành tích cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ giảng dạy ngày càng có trình độ cao và giàu kinh nghiệm. Chất lượng đào tạo và phương pháp giảng dạy không ngừng được cải thiện. Chính điều này tạo cho xã hội một sự tin tưởng, và các bậc phụ huynh hy vọng con cái họ sẽ được vào học một trường uy tín như vậy.
80,7% sinh viên đăng ký thi vào trường vì nơi đây có nhiều khoa, đồng nghĩa với nhiều cơ hội để lựa chọn. Trong số 289 sinh viên, rất nhiều bạn chọn trường vì có khoa mà họ yêu thích. Trong những năm gần đây, trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu để cho các học sinh khi đăng ký tham gia là theo đúng nguyện vọng, sở thích để có được Đ C H T đúng đắn sau khi đỗ vào trường.
Việc chọn trường để thi với lý do đây là một trường có nhiều cơ hội học bổng được 46,71% số sinh viên lựa chọn. Hằng năm, ngoài học bổng chính thức do Bộ GDĐT cung cấp, số sinh viên có kết quả học tập tốt có rất nhiều cơ hội học bổng từ các doanh nghiệp.
Mục đích học tập
Có 88,6% sinh viên cho rằng, một trong những mục đích học tập quan trọng nhất sau khi ra trường, dễ xin việc và hầu hết số sinh viên được hỏi xác định mục đích học tập để ra trường kiếm được tiền. Đây là một trong những mục đích học tập chính đáng, chứng tỏ tâm lý thực tế của sinh viên hiện nay. Nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân là mục đích quan trọng thứ ba mà sinh viên đặt ra. Từ xưa đến nay, người Việt Nam có đặc điểm tâm lý nổi bật là hiếu học, khiêm nhường, luôn luôn trau dồi kiến thức để làm giàu vốn hiểu biết của bản thân (5). Điều này được khẳng định một lần nữa khi có đến 59,9% số sinh viên trả lời, mục đích học tập là để nâng cao hiểu biết.
ĐCHT của sinh viên năm thứ nhất tại trường
Mỗi sinh viên có một hệ thống nhu cầu và tương ứng với nó là hệ thống động cơ được ý thức một cách rõ ràng. Vậy, với những sinh viên năm thứ nhất, đâu là động cơ thúc đẩy họ học tập? Với câu hỏi Yếu tố nào trong những yếu tố sau thúc đẩy bạn học tập, chúng tôi thu được kết quả sau:
Trong 289 sinh viên được hỏi, hầu hết đều trả lời động cơ thúc đẩy họ học tập chính là để chuẩn bị cho một cuộc sống đầy đủ nhờ kiếm được một công việc tốt. Có 63,3% số sinh viên xác định được mục đích là để nâng cao hiểu biết của bản thân. Đa số những sinh viên này có ĐCHT rõ ràng và tinh thần cầu tiến. Tuy nhiên, có thể thấy, tỉ lệ sinh viên thực sự muốn hoàn thiện bản thân qua môi trường đại học không phải lớn, chính vì thế dẫn đến ý thức tự giác, tự rèn luyện bản thân của một bộ phận các bạn sinh viên năm thứ nhất ngay từ đầu đã chưa cao.
Thông qua số liệu thống kê từ Phòng Đào tạo và khảo sát nghiên cứu cũng như thực tế giảng dạy của bản thân, chúng tôi nhận thấy điểm cuối kỳ của sinh viên năm thứ nhất thường không cao, thậm chí có môn mà gần 50% số sinh viên phải học lại và thi lại, một số sinh viên đã xin rút hồ sơ để thôi học hoặc chuyển trường khác. Điều đó cho thấy từ việc xác định được ĐCHT đến khi hành động để thỏa mãn và đạt được nhu cầu là một quá trình rất khó. Xác định được đâu là ĐCHT đã khó, nhưng hiện thực hóa, là biến động cơ trở thành cái đích của mình còn khó hơn.
3. Những yếu tố tác động đến ĐCHT của sinh viên
Yếu tố khách quan
Có thể nói, các yếu tố tâm lý khách quan ảnh hưởng rất nhiều tới ĐCHT của sinh viên. Cụ thể:
Sự đòi hỏi của xã hội về trình độ, năng lực, kỹ năng... đáp ứng yêu cầu công việc là yếu tố khách quan ảnh hưởng mạnh nhất tới ĐCHT, xếp vị trí thứ 1. Điều này cho thấy sự tác động của nền kinh tế thị trường trong xã hội hiện nay đã và đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với sinh viên. Kết quả này cho thấy, sinh viên đã ý thức được những đòi hỏi, yêu cầu mới của xã hội về nguồn nhân lực. Có được việc làm đúng chuyên ngành, lương cao là mong muốn của sinh viên và cũng là động lực để sinh viên cố gắng phấn đấu. Vì vậy, yếu tố này được sinh viên đánh giá là có mức độ ảnh hưởng nhiều nhất đến ĐCHT của họ.
Nhóm các yếu tố từ nhà trường (trình độ, năng lực của giảng viên; đạo đức, uy tín, tác phong của giảng viên; cơ sở vật chất, kỹ thuật; uy tín của khoa, ngành; phong trào nghiên cứu khoa học, hỗ trợ việc làm, tổ chức Đoàn - Hội sinh viên ) cũng ảnh hưởng nhiều tới ĐCHT bởi nhà trường chính là môi trường gần gũi nhất trong quá trình học tập, phần lớn thời gian và hoạt động của sinh viên diễn ra ở đây. Trong nhóm này, có hai yếu tố: trình độ, năng lực của giảng viên và đạo đức, uy tín, tác phong của giảng viên được sinh viên đánh giá ở các mức ảnh hưởng nhiều, xếp vị trí thứ 2 và thứ 4. Các yếu tố còn lại chỉ ở mức độ bình thường.
Nhóm các yếu tố từ gia đình: sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ; định hướng nghề nghiệp từ gia đình; sự trách phạt của cha mẹ và truyền thống học tập của gia đình, dòng họ. Mặc dù gia đình được coi là môi trường giáo dục đầu tiên và suốt đời của mỗi con người, nhưng đối với sinh viên, sự ảnh hưởng của gia đình đối với ĐCHT của họ lại không được đánh giá cao, chỉ ở mức bình thường hoặc ít. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến ĐCHT của sinh viên là khác nhau; trong đó, sự quan tâm, chăm sóc, động viên của cha mẹ có ý nghĩa đặc biệt đối với họ. Yếu tố này có ảnh hưởng nhiều nhất trong nhóm yếu tố gia đình và xếp thứ 3 trong tất cả các yếu tố khách quan ảnh hưởng tới ĐCHT của sinh viên. Các yếu tố khác như: định hướng nghề nghiệp của gia đình, sự trách phạt của cha mẹ có mức ảnh hưởng bình thường tới ĐCHT của sinh viên. Đặc biệt, yếu tố truyền thống học tập của gia đình, dòng họ được sinh viên cho rằng hầu như không ảnh hưởng đến ĐCHT của họ.
Yếu tố ảnh hưởng từ bạn bè: sự động viên, giúp đỡ của bạn bè và sự cạnh tranh của các cá nhân trong lớp cũng có ảnh hưởng nhất định đối với ĐCHT của sinh viên và xếp hạng ở vị trí trung bình. Trong hai yếu tố trên, sự giúp đỡ của bạn bè có ảnh hưởng lớn hơn đối với sự cạnh tranh của các cá nhân trong lớp. Như vậy, có thể thấy, ĐCHT của sinh viên tại trường chịu tác động bởi nhiều yếu tố tâm lý chủ quan và khách quan, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là không giống nhau. Theo kết quả điều tra, các yếu tố tâm lý chủ quan có tác động mạnh mẽ đến ĐCHT của sinh viên hơn các yếu tố khách quan.
4. Kết luận
Trên cơ sở xác định được vai trò, thực trạng ĐCHT, các yếu tố ảnh hưởng đến ĐCHT hiện nay của sinh viên, vấn đề giáo dục ĐCHT là việc làm vô cùng quan trọng. Theo chúng tôi, ba biện pháp chính cần được quan tâm là: giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu ngành học, ý thức, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và nhà trường; nâng cao năng lực chuyên môn, đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy của giảng viên; hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt một số biện pháp thúc đẩy ĐCHT của sinh viên tại trường:
Một là, trường cùng các khoa bộ môn cần tiến hành giới thiệu về nội dung, chương trình, mục tiêu, mục đích đào tạo của khoa, công việc mà sinh viên tốt nghiệp sẽ làm cũng như các yêu cầu về phẩm chất, nhân cách, năng lực của người học… ngay từ khi các em còn là học sinh phổ thông, để tạo cơ hội tìm hiểu và lựa chọn ngành nghề phù hợp với mình.
Hai là, sinh viên năm thứ nhất còn rất lạ lẫm và bỡ ngỡ về khoa, trường mà mình theo học, do đó, việc tăng cường các buổi nói chuyện với các chuyên gia, hay những người đã tốt nghiệp, với các giảng viên trong và ngoài trường… sẽ giúp cho các sinh viên xác định được ĐCHT sớm và đúng đắn. Đồng thời, tạo ra cơ hội để sinh viên mở rộng kiến thức.
Ba là, cần phối hợp với các tổ chức đoàn, hội giới thiệu, tuyên truyền cho sinh viên về mục tiêu, vai trò của quá trình học đại học. Như vậy sinh viên sẽ nhận thức được rõ ràng về vai trò của quá trình học đại học và từ đó xây dựng được cho mình được những cơ hội học tập cụ thể, đồng thời phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình (6).
______________
1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Trường thuộc Đại học Thái Nguyên, chuyên đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là trường đầu tiên và duy nhất, tính đến 2017 trong khu vực trung du miền núi phía Bắc (trường thứ 16 trên toàn quốc), đạt chuẩn chất lượng giáo dục đại học. Hiện tại, trường có 399 cán bộ, giảng viên, trong đó có 43 GS, PGS, TSKH, TS, 40 nghiên cứu sinh, đa số còn lại là thạc sĩ, hơn 100 cán bộ giảng viên đã và đang học tập tại nước ngoài.
3. Vũ Dũng (chủ biên), Tâm lý học xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
4. Lê Phước Lượng, Định hướng, lựa chọn ngành nghề đào tạo, thúc đẩy động cơ học tập của sinh viên thông qua chuẩn đầu ra ở các trường đại học, Tạp chí Giáo dục, số 279, 2012, tr.13.
5. Phạm Quang Tiệp, Một số vấn đề lý luận về tạo động cơ học tập cho người học, Tạp chí Giáo dục, số 292, 2012, tr.20.
6. Bài báo là sản phẩm của đề tài có mã số T2019-07- 17, được tài trợ bởi kinh phí của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Tác giả: Đặng Thị Kim Dung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019