Xây dựng văn hóa dân chủ cho học viên đào tạo kỹ sư quân sự

Xây dựng văn hóa dân chủ (VHDC) cho học viên đào tạo kỹ sư quân sự ở Học viện Kỹ thuật quân sự là một nội dung quan trọng, nhằm tạo dựng bầu không khí cởi mở, đoàn kết, thân ái, tôn trọng lẫn nhau; đồng thời phê phán, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, mất dân chủ, dân chủ nửa vời, dân chủ hình thức. Đây còn là quá trình tiến tới hoàn thiện năng lực, phẩm chất, nhân cách của người sĩ quan, kỹ sư quân sự tương lai.

VHDC là sự thống nhất biện chứng giữa ý thức, năng lực thực hành dân chủ, thói quen, nếp sống và nhu cầu dân chủ của mỗi cá nhân, trở thành một giá trị của nhân cách con người. Đối với học viên đào tạo dài hạn ở Học viện Kỹ thuật quân sự, VHDC là hệ thống các giá trị dân chủ, bao gồm: ý thức, trình độ hiểu biết của mỗi học viên về các quan điểm, tư tưởng dân chủ được cụ thể hóa thành các nguyên tắc, quy chế, quy định về dân chủ trong quân đội; hoạt động thực hành dân chủ tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học viên trong sử dụng quyền dân chủ, vị thế làm chủ của mình, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các quân nhân, giữa quân nhân với tập thể đơn vị, xây dựng môi trường văn hóa đơn vị lành mạnh.

Việc xây dựng VHDC cho học viên đào tạo kỹ sư quân sự ở Học viện Kỹ thuật quân sự là sự tổng hợp các hoạt động có mục đích, định hướng, mang tính tích cực chủ động của cấp ủy, chỉ huy các cấp, các đơn vị, các tổ chức trong học viện và của mỗi cá nhân học viên. Về bản chất đây là một quá trình hình thành, phát triển ý thức VHDC, năng lực thực hiện dân chủ, phù hợp với các chuẩn mực dân chủ theo những quy chế, quy định dân chủ của quân đội, tiến tới hình thành thói quen, nếp sống, nhu cầu dân chủ của mỗi học viên và toàn đơn vị.

Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chỉ thị, hướng dẫn, quyết định, quy chế, quy định của Tổng cục Chính trị về dân chủ trên các mặt, các lĩnh vực công tác. Nhìn chung, VHDC của học viên đào tạo kỹ sư quân sự ở Học viện Kỹ thuật quân sự hiện nay khá tốt. Điều đó được biểu hiện ở sự hiểu biết quy chế, quy định về dân chủ, khả năng chuyển hóa từ lý luận thành thực tế thực hành dân chủ và ở khả năng tổ chức thực hiện các quyền dân chủ ngày càng toàn diện, triệt để hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc xây dựng VHDC của học viên đào tạo kỹ sư quân sự ở Học viện Kỹ thuật quân sự cũng đặt ra những vấn đề cần nhận thức và giải quyết, đó là:

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng VHDC trong môi trường quân đội với những tư tưởng lạc hậu của học viên trước khi vào quân đội. Phần lớn các học viên của Học viện đều đến từ các vùng quê Việt Nam, có tư tưởng, lối sống và các quan hệ xã hội khác nhau, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình xây dựng VHDC cho học viên. Nhiều học viên xuất thân từ các gia đình ở nông thôn, còn có phần cục bộ địa phương, một bộ phận có tâm lý dĩ hòa vi quý, thái độ cam chịu, dẫn đến thủ tiêu đấu tranh, không dám góp ý, phê bình… tất cả những nhân tố tiêu cực này đang trở thành lực cản hằng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng VHDC của từng đơn vị.

Thứ hai, mặc dù được giáo dục, tuyên truyền về dân chủ, nhưng một bộ phận học viên chưa hình thành được thói quen, nếp sống, nhu cầu dân chủ. Ý thức dân chủ, hành vi thực hành dân chủ của học viên chỉ mang ý nghĩa văn hóa thực sự đầy đủ khi trở thành thói quen, nếp sống và nhu cầu dân chủ của mỗi người. Thói quen, nếp sống dân chủ của học viên được hình thành khi lặp đi lặp lại, thấm sâu các giá trị VHDC vào trong học tập, rèn luyện, sinh hoạt hằng ngày, lâu dần cùng với thời gian hình thành nên truyền thống dân chủ, VHDC trong đơn vị quân đội. Nhu cầu dân chủ là sự phát triển cao nhất của VHDC, nhu cầu đó là động lực, thôi thúc mỗi học viên nhận thức và thực hành dân chủ.

Thực tế hiện nay, một bộ phận học viên có tâm lý chỉ đề cao việc học tập chuyên ngành hoặc bị thu hút bởi các kỹ năng hứng thú của giới trẻ nên không thực sự quan tâm tới việc xây dựng thói quen, nếp sống, nhu cầu dân chủ vốn là những giá trị không phải được hình thành một cách tự nhiên mà có được. Xây dựng VHDC đòi hỏi phải trải qua quá trình thực hành đấu tranh, phê phán, góp ý với những biểu hiện sai trái của chính những đồng chí, đồng đội, thậm chí là cấp trên của mình dựa trên những chuẩn mực, nguyên tắc quy định dân chủ.

Thứ ba, mâu thuẫn giữa thực hiện VHDC của học viên với điều kiện phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật, mệnh lệnh quân đội. Kỷ luật và dân chủ quan hệ chặt chẽ với nhau, kỷ luật phải dựa trên cơ sở dân chủ, dân chủ phải dưới sự chỉ đạo của tập trung, kỷ luật và dân chủ đều nhằm nâng cao trí tuệ, sức mạnh và sự thống nhất trong chiến đấu của quân đội. Tuy nhiên, trong mối quan hệ cụ thể, khi các học viên mới bước chân vào môi trường quân đội, nhận thức về các quyền làm chủ còn hạn chế; năng lực, bản lĩnh chính trị của người quân nhân mới ở giai đoạn đang hình thành, thì mệnh lệnh quân đội sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng, rèn luyện VHDC của học viên. Đôi khi, học viên thấy quyền dân chủ của mình bị vi phạm, nhưng một mặt do hạn chế về năng lực dân chủ, mặt khác vì kỷ luật quân đội, người học cũng không dám kháng lệnh; hoặc nếu có phản kháng chỉ diễn ra trong tư tưởng, trong một nhóm nhỏ mà không được thể hiện ra bên ngoài, trực tiếp với cấp trên, với tổ chức có thẩm quyền. Lâu dần, theo thời gian, phục tùng mệnh lệnh tuyệt đối trở thành một thứ quán tính, ảnh hưởng đến việc xây dựng, hình thành VHDC của học viên.

Trước những vấn đề đặt ra về VHDC của học viên đào tạo kỹ sư quân sự ở Học viện Kỹ thuật quân sự hiện nay đòi hỏi cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản như:

Một là, tiếp tục tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về VHDC cho học viên đào tạo dài hạn ở Học viện Kỹ thuật quân sự.

Sự hình thành ý thức VHDC, năng lực thực hành dân chủ không phải bằng con đường tự phát mà hình thành thông qua hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện lâu dài. Hơn nữa trong quá trình hình thành, nếu không thường xuyên quan tâm bồi dưỡng thì VHDC của học viên sẽ chỉ dừng lại ở nhận thức cảm tính, thường ngày, tản mạn, thiếu hệ thống. Tăng cường công tác giáo dục về dân chủ làm cho học viên nhận thức được đầy đủ quyền dân chủ của mình, biết dụng, khéo dùng và cùng nhau xây dựng bầu không khí VHDC trong đơn vị.

Kết hợp giáo dục nội dung bản chất, cơ chế, nguyên tắc, quy chế, quy định về dân chủ với giáo dục nếp sống văn minh và những giá trị thẩm mỹ xã hội để hình thành ý thức VHDC của học viên. Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các hình thức giáo dục đã được khẳng định có hiệu quả trong đơn vị như: lồng ghép việc giáo dục về dân chủ, VHDC thông qua các bài giảng của giảng viên các môn học khoa học xã hội nhân văn, thông qua chương trình giáo dục chính trị pháp luật hằng năm. Đổi mới các hình thức, phương pháp giáo dục thông qua các hội thi hiểu biết về pháp luật, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về dân chủ trên các mặt công tác, qua đó thu hút sự tham gia của cấp ủy, các tổ chức và đông đảo học viên trong đơn vị.

Thứ hai, gắn xây dựng môi trường VHDC gắn với việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Để xây dựng môi trường VHDC trong đơn vị cần xây dựng tập thể các cấp ủy, chỉ huy, các tổ chức trong đơn vị thực sự dân chủ, đảm bảo các quyền lợi ích chính đáng của học viên theo đúng quy chế dân chủ. Muốn vậy mỗi tổ chức trong đơn vị phải là những tập thể thực sự có dân chủ và VHDC, phải tôn trọng và thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, tôn trọng và bảo vệ học viên, thực hiện các quyền tự do dân chủ của học viên.

Trước hết cấp ủy Đảng, trực tiếp là Đảng ủy hệ, tiểu đoàn, chi ủy chi bộ đại đội, lớp quản lý học viên phải là tấm gương mẫu mực về VHDC, dân chủ trong nội bộ tổ chức và dân chủ cho mỗi đảng viên. Các tổ chức chính quyền như ban chỉ huy, tiểu đoàn, đại đội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền dân chủ cho học viên, coi đó là trách nhiệm trong công tác quản lý giáo dục. Cùng với việc phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong xây dựng VHDC, phải đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân theo hướng đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của học viên, thông qua đó, học viên thực hiện quyền làm chủ, đồng thời là môi trường giáo dục nâng cao trình độ VHDC của học viên.

Thứ ba, phát huy tinh thần tự học tập, nghiên cứu, rèn luyện để xây dựng VHDC của học viên

Quá trình xây dựng VHDC của học viên sẽ không mang lại hiệu quả nếu thiếu đi sự nỗ lực cố gắng tự học tập, tự nghiên cứu, tự rèn luyện của chính học viên. Dân chủ chỉ trở thành VHDC khi đó là thói quen, nếp sống, là nhu cầu thôi thúc bên trong của mỗi học viên.

Bản thân mỗi học viên phải tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu các quy chế, quy định về dân chủ, hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, thực hiện đúng đắn vai trò làm chủ của mình trong học tập, rèn luyện và các mặt công tác khác. Mỗi học viên phải khắc phục tình trạng thụ động, thái độ tự ti, ỷ lại, phải mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chỉ huy có thẩm quyền, các tổ chức đoàn thể, hội đồng quân nhân về nguyện vọng của mình để được xem xét, giải quyết; dám đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực trong đơn vị để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền lợi chính đáng và góp phần xây dựng bầu không khí đơn vị cởi mở, đoàn kết, thân ái, tôn trọng con người, hình thành những dư luận tích cực, tiến bộ ủng hộ cổ vũ cái tốt, lên án, phê phán cái xấu. Mỗi học viên không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những giá trị VHDC cho cá nhân mà phải biết cách tổ chức thực hành dân chủ, thu hút đông đảo các học viên cùng tham gia.

Như vậy, có thể khẳng định dân chủ và năng lực thực hành dân chủ của mỗi học viên chỉ được nâng lên thành VHDC khi vấn đề thực hành dân chủ trở thành thói quen, nếp sống, nhu cầu, hướng con người tới các giá trị tốt đẹp. Ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, rèn luyện, xây dựng VHDC là một yêu cầu quan trọng đối với mỗi học viên. Việc quán triệt, vận dụng sáng tạo và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ những phương hướng, giải pháp trên là con đường đúng đắn để xây dựng VHDC cho học viên đào tạo kỹ sư quân sự ở Học viện Kỹ thuật quân sự hiện nay.

Tác giả: Tô Thanh Tùng - Đặng Thị Thu Hiền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

 

;