Bài viết nghiên cứu và phân tích thực trạng phát triển và sử dụng sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật tại cồn Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang đồng thời tập trung vào việc đánh giá hiệu quả của việc đưa âm nhạc đờn ca tài tử vào phục vụ trong thời gian qua và xác định những tồn tại trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật này. Bên cạnh các nội dung về tận dụng lợi thế và năng lực cạnh tranh của cồn Thới Sơn, bài viết còn đề xuất các giải pháp phù hợp để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, nghệ thuật tại địa phương, đặc biệt là ứng dụng và phát huy nghệ thuật hát chặp cải lương với ca hát kết hợp diễn xướng phục vụ du lịch.
1. Nhu cầu xây dựng sản phẩm mới - hát chặp cải lương phục vụ hoạt động du lịch tại cồn Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang
Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nội dung Nghị quyết này đã nêu rõ tầm quan trọng của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO công nhận; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển văn hóa, cũng như việc sử dụng văn hóa là một đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, cũng có sự chú trọng vào việc xúc tiến và quảng bá du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam. Tại Mục 4 - Phần I, trong Kế hoạch hành động theo Nghị quyết số 1595/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL cũng có ghi rõ: Tăng cường triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đẩy mạnh và đổi mới mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tiếp tục đề xuất xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật để phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được UNESCO công nhận, ghi danh nhằm phát triển du lịch, kinh tế địa phương và đất nước.
Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới dừng lại ở việc khai thác giá trị văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trong hoạt động du lịch, tuy nhiên, sự hấp dẫn của các tour đang dần giảm đi do nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, để làm mới điểm đến và đáp ứng nhu cầu của du khách, cần phải phát triển một sản phẩm du lịch mang màu sắc và nội dung thu hút hơn. Chính vì vậy, chúng tôi nghiên cứu việc khai thác giá trị văn hóa của nghệ thuật hát chặp cải lương trong hoạt động du lịch tại cồn Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang. Qua đó, chúng tôi mong muốn hướng tới một trải nghiệm du lịch sáng tạo, góp phần nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến cho du khách, qua đó tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương và đất nước.
Trong 16 kết quả khảo sát các chuyên gia, chúng tôi đã thu thập nhiều nội dung đánh giá trọng tâm liên quan hát chặp cải lương. Trong đó, khi nói đến yếu tố bản sắc ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch trải nghiệm, tham quan văn hóa; 93,8% các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng: yếu tố cơ hội trải nghiệm thú vị về sinh hoạt đời sống của người dân trong cách ăn ở, đi lại, tín ngưỡng ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch; 75% cho rằng cảnh quan hữu tình phù hợp không gian thưởng thức đờn ca tài tử và hát chặp ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch; 62,5% chuyên gia, nhà khoa học cho rằng sự độc đáo về tài nguyên du lịch của cồn Thới Sơn và 56,2% chuyên gia nhà khoa học cho rằng yếu tố văn hóa nông nghiệp của điểm du lịch ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch. Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa và sự gắn bó điểm đến cũng ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách, các chuyên gia cho rằng: sự thu hút về hát chặp cải lương của điểm đến du lịch văn hóa với 87,5% trả lời; các chuyên gia đánh giá việc du khách biết điểm đến qua thông điệp của điểm du lịch văn hóa miệt vườn ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách với 68,8% trả lời; kế đến là khách biết thông tin qua công ty lữ hành, qua mạng internet và qua người thân, bạn bè với 56,2% trả lời và một số yếu tố khác ảnh hưởng sự hài lòng của khách du lịch. Cụ thể, các chuyên gia đã chỉ ra những ưu điểm và khuyết điểm của điểm đến cồn Thới Sơn như sau:
Những ưu điểm
Ưu điểm của du lịch ở cồn Thới Sơn: về sinh hoạt truyền thống còn lưu giữ (87,5%); đời sống bình dị, con người hiền hòa, thân thiện (87,5%); cảnh quan thiên nhiên xanh tươi, yên bình (81,2%), Giá trị đặc biệt khác (25,0 %).
Những hạn chế
Những tồn tại, hạn chế của du lịch ở cồn Thới Sơn: không có sự giải thích về ý nghĩa nghệ thuật truyền thống đang phục vụ trong tour (81,2%); bến bãi cho ghe và xuồng chưa đảm bảo an toàn (75%); phương tiện hiện đại như xe máy lưu thông ngày càng nhiều, tốc độ đô thị hóa quá lớn (62,5%); tính thương mại hóa quá cao (56,2%).
Khi phỏng vấn 234 khách du lịch từng đến tham quan cồn Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang, 150 khách là nam, chiếm 64,1% số khách du lịch và 84 khách là nữ, chiếm 35,92% số khách du lịch trả lời phỏng vấn. Khách du lịch biết đến hát chặp cải lương du lịch tại cồn Thới Sơn: có 64 người, chiếm 27,5% khách du lịch trả lời có biết đến nghệ thuật hát chặp cải lương ở cồn Thới Sơn; 40 người trả lời không biết, chiếm 17,2% và 129 trả lời không nắm rõ, chiếm 55,4% số khách trả lời. Các du khách từng đến cồn Thới Sơn cũng cho rằng, sẽ có khá nhiều khó khăn trong việc đưa hát chặp cải lương vào phục vụ du lịch: đa số ý kiến cho biết khó khăn do thiếu sự đầu tư vào cơ sở vật chất và thiết bị âm thanh, ánh sáng; số khác lại cho biết do thiếu nhân lực có kỹ năng về nghệ thuật hát chặp; ngoài ra là các ý kiến về khó khăn trong sưu tầm bài hát, về kinh phí, về phối hợp với tour và phối hợp với các dịch vụ khác.
Đặc biệt, thông qua các kết quả khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, du khách đã đánh giá cao vai trò của hát chặp tạo ra sự tương tác và gắn kết du khách với cộng đồng, địa phương là 90,60%; hát chặp cải lương mang đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc và truyền thống là 86,70%; hát chặp đóng vai trò quan trọng nâng cao vị thế ngành Du lịch tỉnh 66,50%. Tuy nhiên, hát chặp cải lương thu hút khách du lịch và tạo ra lợi ích kinh tế chỉ có 18,90%, đây là con số khá khiêm tốn.
2. Giải pháp phát triển bền vững cho sản phẩm du lịch hát chặp cải lương
Để phát triển sản phẩm du lịch hát chặp cải lương tại cồn Thới Sơn, cần tìm hiểu và khai thác các đặc điểm lợi thế của địa phương, bao gồm văn hóa, di sản, cảnh quan và nguồn nhân lực. Nắm bắt và tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo, như truyền thống biểu diễn cải lương, câu chuyện và hình ảnh địa phương để tạo ra trải nghiệm và thu hút khách du lịch. Từ đó tiến hành xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng cho phù hợp, đa dạng hóa sản phẩm và trải nghiệm du lịch hát chặp cải lương, xây dựng mối quan hệ đối tác và quảng bá sản phẩm du lịch hát chặp cải lương. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững cho sản phẩm du lịch hát chặp cải lương:
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch hát chặp cải lương
Tạo ra một loạt các trải nghiệm du lịch hát chặp cải lương để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Ví dụ, tổ chức các buổi biểu diễn tại nhiều địa điểm khác nhau, tổ chức các tour du lịch kết hợp với hoạt động thực tế và tham gia vào quá trình biểu diễn cải lương. Đồng thời, phát triển các gói du lịch kết hợp với các hoạt động khác như tham quan danh lam thắng cảnh, trải nghiệm văn hóa địa phương, hay thưởng thức ẩm thực đặc sản để tăng tính hấp dẫn và sự đa dạng cho khách du lịch trong nước và quốc tế.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật hát chặp cải lương
Để đảm bảo việc bảo tồn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật hát chặp cải lương thông qua việc hỗ trợ và đào tạo cho các nghệ nhân cải lương trẻ tuổi, đồng thời tạo cơ hội cho họ biểu diễn và truyền dạy truyền thống nghệ thuật này.
Xây dựng các trung tâm, nhà hát, hay các không gian biểu diễn đáng tin cậy để duy trì và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật hát chặp cải lương. Đồng thời, tổ chức các hoạt động như: hội thảo, triển lãm, cuộc thi… để tăng cường nhận thức và khám phá về hát chặp cải lương Việt Nam.
Thúc đẩy tương tác tích cực với cộng đồng địa phương
Xây dựng và duy trì một mối quan hệ tương tác tích cực, bền vững với cộng đồng địa phương như tham gia vào các hoạt động làm ruộng, thăm làng nghề, trò chuyện với người dân địa phương.
Tạo ra các cơ hội hợp tác và trao đổi với cộng đồng, tuyển dụng nguồn nhân lực địa phương cho các hoạt động du lịch, mua sắm sản phẩm và dịch vụ; hỗ trợ các dự án vì cộng đồng.
Đảm bảo sự tham gia và hưởng ứng tích cực của cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển và quản lý sản phẩm du lịch hát chặp cải lương.
Bảo vệ tài nguyên môi trường
Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong việc phát triển và vận hành sản phẩm du lịch hát chặp cải lương, quản lý chất thải, sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm và khuyến khích du khách thực hiện các hoạt động du lịch bền vững.
Giáo dục và tạo ra nhận thức
Tăng cường giáo dục và tạo ra nhận thức về giá trị của du lịch hát chặp cải lương bền vững đối với du khách và cộng đồng địa phương. Điều này có thể được thực hiện thông qua các chiến dịch truyền thông, hướng dẫn viên du lịch, cũng như việc đưa vào chương trình giáo dục tại trường học.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có một số khuyến nghị đối với chính quyền địa phương và các tổ chức làm du lịch trong hoạt động du lịch tại cồn Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang:
Thứ nhất, xây dựng và mở rộng sản phẩm du lịch hát chặp cải lương với các yếu tố đặc thù và độc đáo của cồn Thới Sơn.
Thứ hai, tăng cường sự hợp tác giữa các nghệ nhân cải lương và các chuyên gia du lịch để phát triển nội dung sản phẩm.
Thứ ba, khuyến nghị về chính sách và chủ trương từ chính quyền địa phương. Trong đó, các vấn đề quan trọng cần tập trung là truyền thông và quảng bá sản phẩm du lịch, tạo ra chiến dịch truyền thông và quảng bá rộng rãi để nâng cao nhận thức và sự quan tâm đến sản phẩm du lịch hát chặp cải lương tại cồn Thới Sơn; thiết lập các chính sách và quy định để bảo vệ môi trường và di sản văn hóa tại cồn Thới Sơn; tăng cường giám sát và đánh giá hiệu quả của hoạt động du lịch để đảm bảo sự bền vững và tương tác tích cực với cộng đồng địa phương.
Quan trọng nhất, việc thực hiện các khuyến nghị này cần sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương, các tổ chức du lịch, cộng đồng địa phương và du khách. Sự cộng tác và thực hiện các biện pháp quản lý sẽ đảm bảo hoạt động du lịch tại cồn Thới Sơn được thực hiện một cách bền vững và tạo lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
3. Kết luận
Việc đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào hoạt động du lịch có thể mang lại nhiều lợi ích văn hóa và kinh tế cho các khu vực địa phương nói riêng và quốc gia nói chung. Hát chặp cải lương là một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống hội tụ giá trị của đờn ca tài tử và sân khấu cải lương của miền Nam, kết hợp giữa hát, diễn xuất và vũ đạo. Việc sử dụng nghệ thuật này để phục vụ hoạt động du lịch tại cồn Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang, có thể mang lại nhiều lợi ích: góp phần giới thiệu và giữ gìn văn hóa truyền thống đặc trưng của miền Nam; tạo ra một trải nghiệm độc đáo cho du khách và tạo ra cơ hội phát triển kinh tế địa phương... Việc thúc đẩy và phát triển sản phẩm du lịch hát chặp cải lương tại cồn Thới Sơn đòi hỏi sự đa dạng hóa sản phẩm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật, tương tác tích cực với cộng đồng địa phương và gắn liền với việc bảo vệ môi trường. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng hy vọng việc khai thác đưa các buổi diễn hát chặp cải lương vào các tour ngày càng được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều thành tựu hơn nữa.
_______________________
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Khánh, “Đờn ca tài tử Nam Bộ” - Nam Bộ Xưa và Nay, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
2. Trần Văn Khê, Âm nhạc và Dân tộc, Nxb Trẻ, 2000.
3. Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp, Hát bội, Đờn ca tài tử và cải lương cuối TK19 đầu TK20, Nxb Văn hóa - Văn Nghệ, 2013.
4. Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Nxb Xuân Thu, 1986.
5. Vương Hồng Sển, Năm mươi năm mê hát cải lương, Nxb Trẻ, 2007.
6. Đào Duy Anh, Văn hóa là gì, Nxb Tân Việt, 1943.
7. Nguyễn Thụy Loan, Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006, tr.255.
8. Nguyễn Anh Việt, Một số vấn đề cảm thụ âm nhạc của trẻ, Tạp chí Du lịch, số 12, 2017, tr.67-70.
9. Nguyễn Thu Nghĩa, Triệu Thị Linh, Vai trò của tình cảm thẩm mỹ đối với hoạt động âm nhạc, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10, 2017.
10. Phan Võ Thu Tâm, Khai thác các giá trị văn hóa nghệ thuật của đờn ca tài tử Nam Bộ - Việt Nam phục vụ phát triển du lịch, Luận văn thạc sĩ Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
11. Sơn Ngọc Hoàng, Âm nhạc nghi lễ dân gian trong văn hóa của người Khmer ở Sóc Trăng, Luận văn tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa dân gian, Học viện Khoa học xã hội, 2016.
12. Nguyễn Phúc An, Tuồng hát cải lương - Khảo & Luận -10 năm bổn tuồng đề yếu (1922-1931), Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2022.
13. Nguyễn Phúc An, Đờn ca tài tử Nam Bộ: Khảo & luận, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2019.
14. Nguyễn Tuấn Khanh, Bước đường của cải lương, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2019.
15. Hugo Frey và Suzanne Joinson (Hội đồng Anh), 2019, Cải lương Thật và Đẹp, Nxb Tổng hợp, 2019.
HỒ NHỰT QUANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024