Xây dựng nông thôn mới và vấn đề phát triển văn hóa gia đình ở Phú Xuyên (Hà Nội)

Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua cho thấy vai trò trung tâm của các gia đình trong việc thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia này. Trên nhiều phương diện, việc tìm hiểu quá trình “chinh phục” 2 tiêu chí văn hóa NTM gắn với vấn đề phát triển văn hóa gia đình sẽ góp phần phát huy các giá trị truyền thống, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Bài viết dưới đây nghiên cứu từ thực tiễn huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội.

Chương trình xây dựng NTM ở Phú Xuyên và việc thực hiện 2 tiêu chí văn hóa

Thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ huyện Phú Xuyên lần thứ XXIII, Huyện ủy Phú Xuyên đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 25-7-2010 về xây dựng NTM thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; HĐND huyện cũng ban hành Nghị quyết số 97, ngày 21-12-2010 về phê chuẩn Đề án xây dựng NTM huyện giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện còn ban hành các chương trình, đề án như: Chương trình số 08-CTr/HU, ngày 21-11-2011 của Huyện ủy về xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp huyện giai đoạn 2011-2015; Chương trình 04-CTr/HU, ngày 8-1-2016 về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”; Chương trình số 09-CTr/HU về xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống huyện giai đoạn 2011- 2015; Đề án số 01-ĐA/HU về phát triển rau an toàn, hoa, cây cảnh; Đề án số 579/ĐA-UBND, ngày 31-5-2012 của UBND huyện về cơ giới hóa khâu gieo cấy trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 (1).

Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, Phú Xuyên quyết định 2 nội dung đột phá trong công tác xây dựng NTM, gồm: một là, xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước NTM thay cho quy ước làng văn hóa; hai là, thực hiện Đề án cơ giới hóa nông nghiệp. Nội dung, hoạt động của Chương trình xây dựng NTM phải hướng tới mục tiêu thực hiện 19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí xây dựng NTM, đồng thời có sự kế thừa và lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ các mục tiêu, các chương trình, dự án khác được triển khai trên địa bàn nông thôn. Trong Bộ Tiêu chí quốc gia về NTM, có 2 tiêu chí về văn hóa: cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6); đời sống văn hóa (tiêu chí 16). Huyện Phú Xuyên thống nhất chủ trương, tập trung chỉ đạo 100% số thôn và cụm dân cư xây dựng quy ước NTM thay cho quy ước làng văn hóa trước đây.

Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6): Tính đến tháng 11-2020, huyện Phú Xuyên có 26/26 xã đạt tiêu chí này. Huyện đã xây dựng mới 5 sân vận động xã với tổng kinh phí 6,1 tỷ đồng; xây mới và nâng cấp 28 Nhà văn hóa (NVH) thôn với tổng kinh phí 37,950 tỷ đồng. Các xã đều có điểm bưu chính viễn thông và mạng truy cập internet đạt tiêu chí quốc gia. Hệ thống truyền thanh, sóng điện thoại được kết nối đến 100% các thôn, cụm dân cư. NVH các thôn/làng đều có mạng internet và hệ thống loa, đài, truyền thanh đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, cung cấp, tuyên truyền thông tin của nhân dân. Cùng với đó, người dân nông thôn có ý thức trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn làng xóm sạch, đẹp. Hầu hết NVH xã/thôn đều cơ bản bảo đảm các điều kiện cần thiết để tổ chức hội họp và các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí... Nhờ có NVH, sân chơi thể thao, người dân có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao (TDTT). Với phương châm “Mỗi người chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tập luyện hàng ngày”, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT ngày một phát triển. Võ thuật, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, xe đạp… là những môn thể thao hiện đại, phù hợp, được nhiều người dân lựa chọn.

Việc đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học. Chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện Phú Xuyên đã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và có 26/26 xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Từ năm 2010 đến nay, Phú Xuyên đã xây mới, sửa chữa cải tạo 16 trạm y tế với kinh phí là 68,2 tỷ đồng; 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn II (năm 2011-2020). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,7%. Trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách xã hội, người nghèo đều được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí từ tuyến xã. 100% trạm y tế xã có bác sĩ.

Về tiêu chí đời sống văn hóa (tiêu chí số 16): Toàn huyện Phú Xuyên có 109/141 Làng văn hóa, đạt tỷ lệ 77,3%; số gia đình được công nhận Gia đình văn hóa đạt 95,1%; hơn 90% số làng có quy ước làng văn hóa. Các hủ tục trong ma chay, cưới xin từng tồn tại dai dẳng cơ bản được loại bỏ. Đời sống người dân tăng lên rõ rệt với 90% số hộ có kinh tế ổn định. Giai đoạn 2016 - 2020, các xã đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân, khách thập phương chung tay xây dựng, sửa chữa đình, chùa ở địa phương. Các lễ hội dân gian được tổ chức hằng năm cùng với việc giữ gìn những làn điệu dân ca như: hò cửa đình, múa bài bông, chầu văn, ca trù... đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện.

Phát triển văn hóa gia đình ở Phú Xuyên trong quá trình xây dựng NTM

 “Văn hóa gia đình là những thực hành hằng ngày của các thành viên trong gia đình nhằm củng cố và phát triển các mối quan hệ tình cảm, đạo đức tạo nên một gia đình bền vững” (2). Văn hóa gia đình được hiểu theo một chiều cạnh là những thực hành trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái, ứng xử với cha mẹ, anh chị em trong gia đình, bà con trong dòng họ, ứng xử ngoài xã hội và cộng đồng làng xóm xung quanh… Bên cạnh sự duy trì các giá trị truyền thống, văn hóa gia đình ở huyện Phú Xuyên có sự chuyển biến nhất định trong quá trình xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra mạnh mẽ.

Trước hết, các gia đình ở huyện Phú Xuyên luôn coi trọng giáo dục con em kiến thức, hiểu biết và ứng xử nền nếp. Vốn được coi là trường học đầu tiên của mỗi cá nhân, gia đình là nơi dạy cho con người lòng nhân ái, tình yêu thương, tính thiện, lòng vị tha. Thời đại ngày nay, với sự phát triển của xã hội, cha mẹ phải có tri thức, hiểu biết về khoa học, kinh nghiệm sống phát huy trí tuệ năng lực cho trẻ nhỏ. Các gia đình ở Phú Xuyên đều có ý thức cao trong việc giáo dục đạo đức, chăm sóc sức khỏe cho con, thường xuyên quan tâm đến kết quả học tập của con cái, không hoàn toàn “ỷ lại” hoặc “khoán trắng” việc học tập, giáo dục con cái cho nhà trường, thầy cô như trước. Nhiều gia đình tuy ở nông thôn nhưng có truyền thống hiếu học, thi thư lễ nghĩa; truyền thống sáng tạo, sáng chế làm nên những sản phẩm thủ công đặc sắc.

Trong các thực hành văn hóa thường ngày, sự noi gương của cha mẹ đối với con cái trong gia đình ở Phú Xuyên được đề cao. Những nền nếp như “kính trên nhường dưới”, “biết ơn tổ tiên”, “kính trọng ông bà”… được duy trì. Ý thức về trách nhiệm bản thân, sự thông cảm và tôn trọng lẫn nhau, trật tự nền nếp trong gia đình… luôn là những nét văn hóa cao đẹp được coi trọng. Và dẫu cuộc sống hiện đại không thể như xưa thì các hộ vẫn cố gắng duy trì những “bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” một cách đều đặn.

Đặc biệt, bên cạnh những nét truyền thống, mối quan hệ vợ chồng trong mỗi gia đình ở huyện Phú Xuyên ngày càng bình đẳng. Xã hội ngày càng hiện đại, mối quan hệ vợ - chồng trong gia đình cũng có sự thay đổi, thể hiện ở việc người phụ nữ được quyền tham gia góp ý và quyết định các công việc quan trọng và phân công lao động trong gia đình. Sự thay đổi này do nỗ lực của người phụ nữ trong việc tham gia lao động có thu nhập và nâng cao trình độ học vấn nên tiếng nói của họ ngày càng được tôn trọng hơn.

Các gia đình thường xuyên tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp tại các địa phương, nhất là vào những dịp lễ Tết, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân khu vực nông thôn. Tại Phú Xuyên, phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố, cải thiện đời sống cho nhiều gia đình.

Bên cạnh những nét đẹp trong lệ làng, quy ước, hương ước… vốn đã tồn tại lâu đời ở các làng quê, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của các gia đình vừa góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa giúp cho quan hệ gia đình, hàng xóm ngày càng được gắn bó. Người dân đồng thuận, thống nhất xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy ước NTM của thôn/làng. Theo đó, quy ước cưới được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đăng ký hộ tịch và chỉ tiến hành sau khi UBND xã cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Việc tổ chức cưới của các gia đình được thực hiện theo phương châm: trang trọng - vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm. Hầu hết các đám cưới ở Phú Xuyên chỉ tiến hành trong một ngày, không kéo theo ăn uống tràn lan.

Từ khi có quy ước NTM, quy định việc tổ chức tang lễ ở huyện Phú Xuyên cơ bản đáp ứng được tinh thần: trang nghiêm - tiết kiệm - nghĩa tình. Các thôn, làng đã thành lập Ban tổ chức tang lễ, thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với tinh thần của quy ước, thể hiện mối quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn. Theo đó, việc tang lễ được tổ chức tại gia đình người quá cố do trưởng thôn làm trưởng ban, cấp ủy Đảng, tổ hội đồng các đoàn thể và gia đình tang chủ cùng tổ chức thực hiện. Các nghi thức cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày và giỗ đầu, cải táng chỉ làm trong 1 ngày, trong nội bộ gia đình và thân tộc.

Việc tổ chức lễ hội thực hiện trang trọng, tiết kiệm, lành mạnh, theo định kỳ 2 năm/lần. Việc tổ chức đón nhận khen thưởng, sắc phong, đề tài khoa học, vinh danh công đức, khánh thành công trình kiến trúc… phải có kế hoạch cụ thể và thông báo trước cho các tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức lễ mừng thọ vốn là nét đẹp truyền thống, thể hiện tình cảm tôn kính đối với người cao tuổi, được chính quyền phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi tổ chức cho các cụ 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 tuổi… vào Tết Nguyên đán hằng năm tại đình làng, không làm cỗ rình rang, gây tốn kém.

Một số vấn đề đặt ra

Theo đánh giá, công tác xây dựng NTM thời gian qua ở huyện Phú Xuyên mới chủ yếu tập trung vào các tiêu chí xây dựng hạ tầng, chưa chú trọng các tiêu chí khác. Đời sống và thu nhập của nông dân ở một số xã thuần nông còn thấp, chưa ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm. Quy ước NTM đã được xây dựng, song việc triển khai chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ.

Trong tiến trình phát triển, Phú Xuyên chịu những tác động mạnh mẽ, sâu sắc của quá trình đô thị hóa. Chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp đã làm thay đổi không ít làng xã cổ truyền, biến nhiều nông dân thành thị dân. Do ảnh hưởng của lối sống đô thị, mô hình gia đình đa thế hệ ở nông thôn cũng đang ít dần đi. Nhiều làng quê rơi vào cảnh đìu hiu, thiếu vắng người trẻ tuổi, phụ nữ; nhiều gia đình chỉ còn người già, trẻ con nương tựa vào nhau. Tệ nạn xã hội ngày đêm rình rập, chờ dịp tấn công các tầng lớp dân cư nông thôn.

Một thực tế nữa rất đáng lưu tâm là thế hệ trẻ ngày nay trình độ học vấn cao hơn trước và hầu hết người đi học, thành đạt đều có xu hướng bám trụ lại các đô thị lớn, không mặn mà với việc hồi hương hay nối nghiệp gia đình, theo nghề gia truyền. Do đó, tuy Phú Xuyên là “đất trăm nghề” nhưng nghề truyền thống đang dần bị mai một. Nhiều gia đình vì mải làm ăn buôn bán cũng xao nhãng việc dạy dỗ con cái - một trong những lý do khiến con trẻ sa đà vào các tệ nạn xã hội, dẫn đến hư hỏng. Bữa ăn gia đình dẫu vẫn gắng được duy trì như một nét đẹp truyền thống song không phải lúc nào cũng đầy đủ các thành viên (do người lớn bận việc, con trẻ bận học)…

5 năm tới đây (2021-2025), Phú Xuyên chủ trương tập trung xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại. Bước sang giai đoạn mới, các gia đình nông thôn cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thích ứng với văn hóa và lối sống đô thị. Văn hóa gia đình chính là điểm mấu chốt để hình thành, gìn giữ và phát triển, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam. Việc phát huy các giá trị văn hóa gia đình luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, cần triển khai thực hiện hiệu quả các tiêu chí văn hóa làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống từng gia đình; xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn hiện đại, văn minh, giàu bản sắc.

_________________

1. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Xuyên khóa XXIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Xuyên lần thứ XXV.

2. Lê Hồng Lý, Văn hóa gia đình - một giá trị cốt lõi của văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hdll.vn, 27-8-2018.

Tác giả: Nguyễn Thị Phương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;