Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ "vững mạnh, rộng khắp" - một nét sáng tạo trong văn hóa quân sự Việt Nam

Dân quân tự vệ (DQTV) là lực lượng vũ trang không thoát ly sản xuất, một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước; là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương khi có chiến tranh. Đánh giá vai trò DQTV, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã” (1).

Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã hình thành, phát triển nghệ thuật quân sự rất Việt Nam - nghệ thuật toàn dân đánh giặc, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Mỗi khi có quân giặc đến xâm lăng, không chỉ có quân đội của các triều đại phong kiến, mà cả dân tộc, cả nước đứng lên chiến đấu. Mỗi làng, tổng, phủ, mỗi cụm dân cư là một pháo đài, mỗi người dân là một người lính, trực tiếp ngăn chặn quân xâm lược bảo vệ xóm làng, quê hương, đất nước. Phương thức tổ chức lực lượng quân sự trong thời bình gồm nhiều thứ quân, lập sổ hộ tịch, kiểm kê nhân đinh để nhà nước định quân hạng khi cần tuyển quân và gọi nhân đinh nhập ngũ. Quân trung ương chủ yếu là Cấm quân đóng ở kinh thành bảo vệ vua và triều đình, thời chiến là lực lượng nòng cốt, cơ động, chiến đấu. Các thứ quân khác trấn giữ ở các vùng, chủ yếu chiến đấu bảo vệ địa phương nhưng khi cần nhà nước có thể điều động kết hợp với quân triều đình thực hành tác chiến. Tổ chức quân sự như vậy bảo đảm vừa có lực lượng cơ động, vừa có lực lượng tại chỗ; vừa bảo vệ được kinh đô, vừa canh giữ được các địa phương, nhất là vùng trọng yếu. Các thành phần vũ trang “không độc lập riêng lẻ mà tạo thành một hệ thống tổ chức quân sự thống nhất, tồn tại và phát huy tác dụng trong một chỉnh thể từ trung ương đến cơ sở” (2).

Kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, dựa vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, ngay từ khi ra đời, Đảng đã trung thành và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về bạo lực của giai cấp vô sản. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc là bằng con đường bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu tất yếu phải tổ chức lực lượng vũ trang, “tổ chức ra quân đội công - nông” làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Luận cương chính trị tháng 10-1930 cũng chỉ ra nhiệm vụ “Vũ trang cho công nông”, lập quân đội công nông và tổ chức ra đội tự vệ công nông. Thực tế trong phong trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công - nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ đỏ) đã ra đời, đó là những hạt mầm đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng nói chung và DQTV Việt Nam nói riêng. Đảng đã xác định “cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân” (3), đồng thời hết sức coi trọng xây dựng và phát huy vai trò to lớn của ba thứ quân phù hợp với yêu cầu của chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân. Đối với lực lượng DQTV, Đảng ta xác định đây là lực lượng vũ trang quần chúng đông đảo ở cơ sở, không thoát ly sản xuất, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, kết hợp với lực lượng an ninh cơ sở giữ gìn trật tự xã hội, an ninh chính trị tại địa phương; là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc ở địa phương.

Ngày 28-3-1935, Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc), đã thông qua Nghị quyết về Đội tự vệ, đây là bước ngoặt quan trọng trong chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Nghị quyết đã nêu vấn đề thành lập các đội tự vệ công nông thường trực “đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, quân ủy của Đảng Cộng sản; lấy sản nghiệp và làng hay xã làm cơ sở tổ chức” (4). Nhiệm vụ của công nông cách mạng tự vệ đội là “Ủng hộ quần chúng hằng ngày; Ủng hộ quần chúng trong các cuộc tranh đấu; Ủng hộ các cơ quan cách mạng và chiến sĩ cách mạng của công nông; Quân sự huấn luyện cho lao động cách mạng. Chống quân thù giai cấp tấn công và làm cho vận động cách mạng phát triển thắng lợi” (5). Lần đầu tiên, những nguyên tắc về xây dựng lực lượng bán vũ trang cách mạng của Đảng được đề ra cơ bản và tương đối toàn diện, thể hiện được quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng và quan điểm thực tiễn của Đảng.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5-1941) đã vạch ra phương hướng và những biện pháp tập hợp các lực lượng quần chúng trong Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Đó là những người hăng hái, trung thành hơn trong các đoàn thể cứu quốc để tổ chức ra Tự vệ cứu quốc và Tiểu tổ dân quân. Tự vệ cứu quốc là “tổ chức để bảo vệ các tổ chức quần chúng trong khi đấu tranh và bảo vệ cách mạng, còn Tiểu tổ dân quân là một tổ chức cao hơn tự vệ đội và thấp hơn đội dân quân chính thức” (6). Trong những năm 1939-1945, lực lượng tự vệ được khẩn trương xây dựng trên khắp cả nước, nhất là ở Bắc Bộ, Trung Bộ. Phong trào đấu tranh của quần chúng từ đấu tranh chính trị đã từng bước tiến lên đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Các đội tự vệ chiến đấu và tự vệ phối hợp với các đơn vị Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân làm lực lượng nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa từng phần, tiến hành chiến tranh du kích cục bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa Việt Bắc, Đông Bắc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ba Tơ...

Chấp hành Nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (4-1945), lực lượng tự vệ và dân quân được phát triển nhanh chóng. Đó là lực lượng chủ yếu bảo vệ Đảng và quần chúng; hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh chính trị của nhân dân; tiến lên làm nòng cốt cho chiến tranh du kích, cùng với quần chúng nhân dân và quân chủ lực tiến hành khởi nghĩa từng phần, lập nên chính quyền của nhân dân. Trong khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lực lượng tự vệ và tự vệ chiến đấu khắp Trung, Nam, Bắc đã đóng vai trò xung kích, cùng Việt Nam giải phóng quân, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị của hàng triệu quần chúng vùng lên dùng bạo lực cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Từ chỗ là lực lượng xung kích cùng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, lực lượng DQTV đã trở thành công cụ bạo lực chuyên chính chủ yếu, nòng cốt bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền cách mạng non trẻ. Lực lượng DQTV đã trưởng thành, tham gia bảo vệ chính quyền và tạo cơ sở thuận lợi để các đơn vị giải phóng quân phát triển thành quân đội chính quy ngày càng lớn mạnh. Thực hiện chủ trương quân sự hóa toàn dân, vũ trang hóa toàn dân của Đảng, đặc biệt là chỉnh đốn Đội tự vệ chiến đấu và Tiểu tổ dân quân, DQTV được phát triển rộng khắp ở các làng xã, đường phố trong cả nước. Không có “một sản nghiệp nào, một làng nào có cơ sở của Đảng, của Đoàn, của các hội quần chúng cách mạng mà không có tổ chức Đội Tự vệ” (7). Số lượng DQTV có sự phát triển nhanh chóng, đầu năm 1945, từ khoảng chục vạn người, tới đầu năm 1946 đã lên gần một triệu, có quy mô rộng khắp cả nước, tạo thành một mạng lưới giăng khắp núi rừng, đồng bằng, đô thị” (8).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh du kích xuất hiện trước và trở thành cơ sở của chiến tranh chính quy, cùng với chiến tranh chính quy giành những thắng lợi to lớn trên chiến trường. Sự phát triển của chiến tranh nhân dân là thực tiễn chứng minh địa vị chiến lược của chiến tranh du kích và lực lượng DQTV. Trong những năm 1959 - 1960, các đội tự vệ và du kích đã hỗ trợ đắc lực cho phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam, góp phần làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ. Hình thức chiến tranh du kích phát triển ở khắp mọi nơi, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh quyết liệt chống địch dồn dân lập “ấp chiến lược”; độc lập hoặc phối hợp bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực trong mọi hoạt động, góp phần đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” “tát nước bắt cá”; thực hiện khởi nghĩa từng phần, lập ra các vùng giải phóng, đẩy ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Khi quân Mỹ trực tiếp vào tham chiến tại miền Nam, trong các đô thị, các đội du kích bí mật, tự vệ ngầm đi cùng đặc công, biệt động hoạt động mạnh mẽ. Ở nông thôn, cả đồng bằng và miền núi đã tổ chức du kích tập trung, du kích xã - ấp. Dân quân du kích miền Nam đã phát huy cao độ vị trí vai trò của mình và hoạt động có hiệu quả, từ hoạt động nhỏ lẻ, đến phối hợp cùng với lực lượng chính trị, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực phá vỡ hệ thống kìm kẹp, phá ấp chiến lược, chống càn quét bình định, đánh hậu cứ, đánh giao thông... tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Với lực lượng nòng cốt là DQTV và du kích, ta đã lập ra những vành đai diệt Mỹ, “một thứ trận địa bao vây hết sức linh hoạt của chiến tranh nhân dân nhằm cô lập, tiêu hao, quấy phá địch tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chủ lực hoạt động”, hình thành thế trận xen kẽ, cài răng lược, đưa chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương vào các thị trấn, thị xã, thành phố hậu phương của địch, làm cho quân địch bị sa lầy, lúng túng về chiến lược, khủng hoảng về chiến thuật. Từ đó, phải phân tán lực lượng đối phó tại chỗ, tạo thế, tạo lực, tạo sơ hở và thời cơ có lợi để các binh đoàn chủ lực của ta thực hành phản công lớn, tiến công, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở miền Bắc, DQTV được tổ chức phổ biến là trung, đại đội, có nơi thành lập tiểu đoàn, trung đoàn... được trang bị các loại vũ khí phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu của từng lực lượng, bộ phận, cùng với lực lượng công an nhân dân giữ vững trật tự trị an, lập nhiều thành tích trong công tác, là nòng cốt trong sản xuất và chiến đấu. Với tinh thần gan dạ, thông minh, lực lượng DQTV đã góp phần tăng cường sức mạnh của lưới lửa phòng không ba thứ quân gồm nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều hướng, vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, góp phần bắn rơi hơn 4 nghìn máy bay và nhiều tàu chiến của Mỹ, ngụy. DQTV đã góp phần quan trọng cùng quân dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, DQTV tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân nổ súng chặn địch ngay từ những giờ phút đầu tiên, thực hiện ngăn chặn, bao vây, tiêu diệt, giáng cho kẻ thù những đòn chí mạng, buộc kẻ thù phải rút chạy. Trong công cuộc đổi mới, DQTV tiếp tục phát huy vai trò chiến lược trong tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng khu vực phòng thủ ở địa phương cơ sở. Đồng thời, tích cực tham gia lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Quán triệt và vận dụng sáng tạo những lý luận của Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng tiếp tục chủ trương xây dựng DQTV “vững mạnh, rộng khắp”, coi trọng về chất lượng chính trị, lấy xây dựng về chính trị là chính, DQTV được tổ chức rộng khắp từ thôn, xóm, bản, làng, xã, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, ở đâu có dân, có tổ chức đảng đều tổ chức lực lượng DQTV. DQTV không chỉ giữ vai trò nòng cốt trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở mà còn tích cực tham gia phòng chống tội phạm, tham gia cứu hộ, cứu nạn, tham gia đấu tranh giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo của đất nước, tham gia vận động quần chúng, góp phần quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Từ thực tiễn hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ biên giới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay đã cho thấy vị trí, vai trò chiến lược của lực lượng DQTV. Đồng thời khẳng định chủ trương xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp” của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, hợp với quy luật khách quan, thể hiện sự vận dụng sáng tạo những quan điểm về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chính quyền cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này cho phép chuẩn bị một tiềm lực quân sự mạnh, một lực lượng vũ trang hùng hậu, tại chỗ, rộng khắp từ đồng bằng, đến miền núi, từ nông thôn đến đô thị, nhất là những vùng trọng điểm quốc phòng, an ninh, biên giới, hải đảo... ngay trong điều kiện thời bình, luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

_______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 (1947-1948), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.158.

2. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Binh chế Đại Việt thế kỷ XI-XV, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.281.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (1930-1945), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.539.

4, 5, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.94, 91, 96.

6, 8. Cục Dân quân Tự vệ, Lịch sử 65 năm ngành Dân quân tự vệ Việt Nam (1947-2012), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr.16, 19.

Tác giả: Nguyễn Vinh Phượng - Phạm Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

;