XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CHÍNH ỦY, CHÍNH TRỊ VIÊN QUÂN ĐỘI

Đội ngũ chính ủy, chính trị viên (CU, CTV) đóng vai trò là người chủ trì về chính trị, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức các hoạt động công tác Đảng, chính trị ở các cơ quan, đơn vị trong quân đội. Đây là đội ngũ cán bộ giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng quân đội về chính trị, yếu tố hàng đầu quyết định sức mạnh chiến đấu của quân đội cách mạng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, quân đội đang được xác định là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch. Quan tâm xây dựng đội ngũ CU, CTV vững mạnh toàn diện; hiện thực hóa quan điểm Đại hội XII của Đảng về lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các cương vị lãnh đạo, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng chính trị là cơ sở là yêu cầu tất yếu, cấp bách.

Khi đề cập đến vai trò của đội ngũ CU, CTV quân đội nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt” (1). Trong những năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, ngày 20-7-2005 về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ CU, CTV trong quân đội nhân dân Việt Nam, đội ngũ CU, CTV các cấp được quan tâm xây dựng, kiện toàn về mọi mặt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, chi bộ, hiệu lực chế độ một người chỉ huy, mối quan hệ giữa người chỉ huy với chính ủy, chính trị viên tiếp tục được tăng cường, củng cố vững chắc. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị được nâng lên, giữ vững định hướng chính trị trong xây dựng, thực hiện nhiệm vụ của quân đội.

Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ CU, CTV vẫn còn những bất cập, hạn chế nhất định; chất lượng xây dựng đội ngũ CU, CTV có mặt còn hạn chế; nguồn cán bộ chủ trì về chính trị các cấp còn mỏng; chính trị viên phó nhiều nơi chưa đủ theo biên chế. Một số CU, CTV thiếu kiến thức, kinh nghiệm, năng lực toàn diện; chưa khẳng định được rõ vai trò chủ trì về chính trị, có đồng chí chưa thực sự yên tâm với nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng đội ngũ CU, CTV trong quân đội hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các lực lượng, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CU, CTV trong giai đoạn hiện nay. Nâng cao nhận thức trách nhiệm, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ CU, CTV có vai trò quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của công tác đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn tồn tại nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ chủ trì đơn vị, cơ quan chức năng các cấp về Nghị quyết 51 có nội dung chưa đúng, chưa đầy đủ, sâu sắc; việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ đối với công tác cán bộ vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân cần tiếp tục tổ chức tốt việc quán triệt, học tập, tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến vững chắc hơn nữa về nhận thức trách nhiệm chính trị của các tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của đội ngũ CU, CTV trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội. Nhận rõ yêu cầu, những tác động của yếu tố khách quan, nhất là âm mưu chống phá của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo, chuyển hóa đội ngũ cán bộ quân đội để xác định trách nhiệm, thái độ phù hợp với công tác xây dựng đội ngũ CU, CTV.

Triển khai nghiên cứu, biên soạn, bổ sung hệ thống tài liệu về kinh nghiệm thực hiện chế độ CU, CTV trong lịch sử quân đội các nước XHCN, quân đội nhân dân Việt Nam; đặc biệt là những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân trong quá trình quán triệt, thực hiện nội dung nghị quyết 51 những năm vừa qua để phổ biến rộng rãi trong toàn quân. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những quan điểm, nhận thức lệch lạc; chủ động đấu tranh kiên quyết với âm mưu của kẻ thù. Không để xảy ra tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Giữ vững đoàn kết nội bộ, định hướng chính trị trong mọi hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định, các chế độ chính sách đối với đội ngũ CU, CTV.  Quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ CU, CTV trong quân đội được xác định từ rất sớm; ngay trong Nghị quyết về đội tự vệ được thông qua tại Đại hội lần thứ nhất (năm 1935), Đảng ta đã chỉ rõ rằng trung đội phải có một người chính, một người phó trung đội trưởng, một người đại biểu của Đảng Cộng sản chỉ huy trong các đội tự vệ. Cùng với đó, đã có nhiều bài học kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ CU, CTV được đúc kết trong quá trình hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng với quân đội, nhất là thực tiễn hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị vừa qua. “Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy định chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của người chỉ huy, CU, CTV có nội dung chưa đầy đủ, chưa rõ, chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, thống nhất hoặc chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn” (2). Biên chế, tên gọi chức danh, nhóm chức vụ, trần quân hàm ở một số loại hình cơ quan, đơn vị chưa phù hợp.

Trong thời gian tiếp theo, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Tổng cục chính trị tiếp tục chỉ đạo, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định, kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các văn bản hiện hành có liên quan đến đội ngũ CU, CTV. Tập trung làm rõ các nội dung như: sắp xếp chức danh, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của CU, CTV ở một số loại hình đơn vị đặc thù; phân công nhiệm vụ của CU, CTV, các cấp phó nhằm phát huy cao nhất khả năng, ảnh hưởng của mỗi chức danh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh những bất cập về chế độ, chính sách đối với từng chức danh CU, CTV ở mỗi cấp, mỗi loại hình đơn vị theo hướng vừa phù hợp với chế độ hiện hành của Nhà nước, vừa đáp yêu cầu thực tiễn hoạt động quân sự trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ tạo ra sự động viên rất lớn đối với đội ngũ CU, CTV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, chủ động tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng đội ngũ chính ủy, chính trị viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nghị quyết 513/NQ-ĐUQSTW ngày 17-11- 2005 của Đảng ủy quân sự trung ương (nay là Quân ủy trung ương) đã chỉ rõ: “Cán bộ được bổ nhiệm CU, CTV phải là những đồng chí đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; có tính đảng, nguyên tắc cao, thực sự là tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết trong đảng bộ, đơn vị, có đủ điều kiện, tín nhiệm là bí thư cấp ủy” (3). Đây là yêu cầu rất cao, do đó công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng là khâu hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ CU, CTV hiện nay.

Trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt, vận dụng thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ CU, CTV nói riêng. Làm tốt công tác tạo nguồn đào tạo cán bộ chính trị từ nhiều hướng; ưu tiên lựa chọn những đối tượng có trình độ, kinh nghiệm, năng khiếu, đặc biệt là phẩm chất chính trị. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, chuẩn hóa, chuyên sâu, có sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp học, bậc học. Trong toàn bộ quá trình đào tạo cần chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực thực hành, đáp ứng yêu cầu làm chủ vũ khí trang bị hiện đại, chiến tranh công nghệ cao; bảo đảm cân đối, hợp lý giữa tỉ lệ kiến thức quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa…

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thông qua nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo; chú trọng bồi dưỡng năng lực thực hành thông qua thực tiễn công tác tại đơn vị với các nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp. Thực hiện tốt phương châm gắn nhà trường với đơn vị, gắn lý thuyết với thực hành để không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Quan tâm xây dựng hệ thống các nhà trường, các trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị về mọi mặt. Luôn quán triệt, thực hiện đúng quan điểm thông qua thực tiễn để đánh giá, tuyển chọn, tạo nguồn, phát triển tài năng của cán bộ.

Cấp ủy các cấp, cơ quan chuyên môn đã chú trọng công tác quy hoạch; bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức lực lượng của quân đội để tiến hành đánh giá toàn diện đội ngũ CU, CTV hiện có. Đồng thời, bảo đảm sự kết hợp tốt giữa cán bộ trưởng thành trong chiến đấu, công tác với lớp cán bộ, được đào tạo cơ bản, trưởng thành trong thời bình, giữa các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa, phát triển của toàn đội ngũ cán bộ. Từng bước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, bảo đảm cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt, lâu dài.

Thứ tư, phát huy tốt vị trí, vai trò của đội ngũ CU, CTV trong thực tiễn công tác trên cương vị chức trách được giao.

Đội ngũ CU, CTV là người trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của đơn vị; là hạt nhân đoàn kết trong các tổ chức, đặc biệt là tổ chức đảng các cấp. Trong mọi hoàn cảnh, người CU, CTV luôn đề cao ý thức chính trị; nắm chắc phương châm, phương hướng tác chiến, nhiệm vụ, tình hình mọi mặt của đơn vị; tích cực đề xuất nội dung, biện pháp lãnh đạo. Trên cơ sở thống nhất cao với người chỉ huy, CU, CTV là người châm ngòi để phát huy dân chủ quân sự, tiếp thu các ý kiến, kết luận chính xác phương án chiến đấu.

Vì vậy, cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ CU, CTV trên mọi lĩnh vực công tác, mọi nhiệm vụ của đơn vị. Tạo điều kiện để đội ngũ CU, CTV phát huy hết tài năng, nhiệt huyết của mình cho đơn vị, quân đội; ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng thể hiện rõ ý chí sắt đá của người cán bộ, đảng viên; luôn quán triệt, thực hiện đúng lời dạy của Hồ Chí Minh: thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn, thực sự là chỗ dựa tin cậy về tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Cùng với đề ra các yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực cần quan tâm giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là những lĩnh vực công tác mới, khó khăn, phức tạp của đội ngũ CU, CTV.

Thực hiện tốt những nội dung, biên pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng xây dựng đội ngũ CU, CTV, trực tiếp góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, thực sự là công cụ sắc bén của Nhà nước, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, của chế độ, nhân dân. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới.

_____________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.484.

2. Quân ủy trung ương, Báo cáo số 567-BC/QUTƯ, Hà Nội, 2014, tr.7.

3. Đảng ủy Quân sự trung ương, Nghị quyết số 513/NQ-ĐUQSTƯ, ngày 17-11-2005, tr.4.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Tác giả : NGUYỄN VĂN TRƯỜNG

;