Vùng đất người Nghệ Tĩnh đứng chân trên đường tìm chân lý giải phóng dân tộc

Mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan trong dòng chảy lịch sử dựng nước, giữ nước nói chung, sự hiện diện của cộng đồng người Việt trên địa bàn vương quốc Thái Lan từ nhiều thế kỷ trước nói riêng đã thu hút không ít nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài suốt thời gian qua. Kết quả là có không ít luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, sách, bài viết… lần lượt được công bố cả ở Việt Nam, Thái Lan và một số nước khác. Chẳng hạn, năm 1973, Vichan Champsari bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Thamasat với đề tài Người Việt Nam tản cư và an ninh của Thái Lan. Tác giả luận án đề cập đến quá trình di cư, định cư của người Việt vào Thái Lan qua các thời kỳ lịch sử, vấn đề người Việt ở Thái Lan hồi hương trong những năm 1960-1964 hay một số chính sách của chính phủ Thái Lan lúc bấy giờ đối với người Việt đang định cư trên đất nước Thái Lan.

Tác giả Pussade Chandavimol hoàn thành công trình Người Việt ở Thái Lan vào năm 1998, đề cập đến quá trình hình thành cộng đồng người Việt quanh khu vực thủ đô Bangkok. Bức tranh về đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người Việt sinh sống quanh thủ đôBangkok được tác giả trình bày một cách khá chi tiết và sinh động. Đáng tiếc là tác giả lại không đi sâu trình bày về lịch sử định cư cũng như đời sống kinh tế của cộng đồng người Việt ở những tỉnh thành khác của Thái Lan.

Tháng 9-2000, Tạp chí Văn hóa xã hội (của người Việt ở Thái Lan) xuất bản số 1, đăng bài viết Người Việt sang Thái Lan từ bao giờ của tác giả Lea Dilokdhyarat, đề cập khái quát về lịch sử nhập cư, định cư của cộng đồng người Việt trên đất Thái Lan. Năm 2002, Trungtâm nghiên cứu Việt Nam của Trường Đại học Rajabat Sakon Nakhon công bố công trình Chương trình thu thập thông tin về dân số người Việt Nam tại tỉnh Sakon Nakhon và đặc điểm tộc người Việt Nam tỉnh Sakon Nakhon, đi sâu nghiên cứu về cộng đồng người Việt Nam ở tỉnh Sakon Nakhon thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan trên nhiều phương diện như: số lượng, giới tính, địa bàn phân bố… Tuy nhiên, trong công trình này lại không đề cập nhiều đến những hoạt động yêu nước của những người Việt Nam nói chung và người Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng trong khoảng thời gian đầu TK XX trên địa bàn tỉnh Sakon Nakhon và toàn bộ lãnh thổ Thái Lan.

Năm 2006, tác giả Thanyathip Sripana và Trịnh Diệu Thìn công bố cuốn sách Việt kiều Thái Lan trong mối quan hệ Thái Lan - Việt Nam gồm 6 chương, đi sâu trình bày những vấn đề: công cuộc di cư của người Việt Nam vào Thái Lan; phong trào yêu nước của người Việt Nam ở Thái Lan cuối TK XIX đầu TK XX; chính sách của chính phủ Thái Lan đối với Việt kiều… Tuy không tập trung vào nội dung mà chúng tôi quan tâm, song đây là một trong những công trình nghiên cứu công phu, bước đầu làm rõ vai trò, vị trí của các thế hệ Việt kiều trong mối quan hệ Thái Lan - Việt Nam (1).

Một số bộ phim tư liệu do Đài truyền hình Thái Lan thực hiện cung cấp nhiều tư liệu về cộng đồng người Việt ở Thái Lan hoặc những tư liệu quý về những ngày tháng hoạt động gian khổ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên đất Thái Lan (2).

Tuy có nhiều công trình nghiên cứu từ những góc độ khác nhau về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan trong tiến trình lịch sử, cũng như lịch sử định cư, phát triển, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng người Việt trên đất Thái Lan suốt nhiều thế kỷ qua. Song tựu trung lại cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu về việc những người sinh ra và lớn lên trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chọn Thái Lan làm địa bàn hoạt động cứu nước trong suốt 30 năm đầu TK XX.

Thành công của những người Việt Nam yêu nước đầu TK XX trên đất Thái Lan gắn liền với những đóng góp to lớn, toàn diện của những gia đình Việt Nam, nhất là những gia đình có nguồn gốc từ Nghệ An, Hà Tĩnh vì những lý do khác nhau đến định cư ở Thái Lan, đặc biệt ở các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan trong những thời điểm lịch sử khác nhau. Đó là chưa kể tới những thế hệ tiếp nối người Nghệ Tĩnh ở vùng Đông Bắc Thái Lan và một số tỉnh thành khác còn có nhiều đóng góp trên nhiều phương diện khác nhau đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc suốt 88 năm qua (1930-2018). Tiếc rằng, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống những đóng góp của cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh sinh sống trên đất Thái Lan đối với lịch sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực và từ các góc độ tiếp cận khác nhau.

Những khoảng trống trong hướng nghiên cứu về hoạt động cứu nước của người Việt Nam nói chung, người Nghệ - Tĩnh nói riêng đầu TK XX trên đất Thái Lan cần được nhanh chóng khỏa lấp. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ tập trung làm rõ những nhân tố cơ bản tác động đến việc có nhiều người Nghệ An, Hà Tĩnh, rộng hơn là người Việt Nam yêu nước đầu TK XX lựa chọn vùng Đông Bắc Thái Lan và biến vùng đất này thành một trong những địa bàn hoạt động cứu nước đầy hiệu quả trong suốt một thời gian dài.

Trước hết, xét từ góc độ vị thế và địa lý, việc người Việt Nam nói chung, người Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, ngay từ đầu TK XX, tìm đến vùng đất Thái Lan để hoạt động cách mạng không phải là tìm kiếm một vùng đất hoàn toàn mới lạ, mà chỉ là sự tiếp nối con đường từ những thế kỷ trước, nhiều thế hệ người Việt Nam vì những lý do khác nhau đã từng đi. Bởi, vương quốc Thái Lan nằm trên bán đảo Trung Ấn, có tọa độ địa lý 50,30’ tới 260 vĩ Bắc và 970,30’ tới 1050,30’ kinh độ Đông, với diện tích tự nhiên 513.520km2; phía Đông và Đông Bắc giáp Lào, phía Tây và Tây Bắc giáp Myanmar, phíaĐông Nam giáp biển Andama, phía Nam giáp Malaysia; vịnh Thái Lan nằm sâu trong đất liền, là tuyến đường biển tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Thái Lan thông thương với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Nếu tính từ đảo Phú Quốc hay vùng đất mũi Cà Mau hoặc xa hơn là các tỉnh duyên hải ở Nam Trung Bộ và cả Bắc Trung Bộ việc giao thương, buôn bán bằng đường biển đến Xiêm (từ Xiêm đến lãnh thổ Đại Việt, lãnh thổ Đàng Trong, Đại Nam theo chiều ngược lại) từng diễn ra một cách liên tục suốt nhiều thế kỷ trước. Những ghi chép của Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê trong Đại Việt sử ký toàn thư (3), hay của Quốc sử quán nhà Nguyễn khi biên soạn các bộ sử ở TK XIX như: Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (4)… đã khẳng định điều đó.

Còn nếu theo đường bộ, những người ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh Nam Trung Bộ chỉ cần vượt qua dãy Trường Sơn và sông Mê Công với cung đường từ 400 - 500km là đến được Thái Lan. Trên thực tế, nhân dân sống dọc theo hai bên sườn Đông và sườn Tây dãy Trường Sơn đã hình thành nhiều tuyến đường bộ để phục vụ cho việc giao lưu, buôn bán, trao đổi từ trước. Từ năm 1897 đến khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc (1919), người Pháp đã đầu tư các tuyến đường thâm nhập nối các thành phố, đô thị ở nước ta với Lào như: đường số 7, số 8, số 9,… thì việc sử dụng tuyến đường bộ để đi qua Lào sang Xiêm càng thuận lợi hơn.

Thứ hai, xét từ góc độ địa lịch sử văn hóa, từ TK VII đã có nhà sư Đại Thừa Đăng, tiếng Phạn là Mạc ha da dạ na bát địa dĩ ba (Mahaynapradivpa) người Ái Châu từng đến vùng đất Xiêm để tu hành (5).

Đặc biệt theo Đường ThưDương Tư húc truyện, từ năm 713, khi dựng cờ khởi nghĩa ở Vạn An, Mai Thúc Loan đã liên kết với các nước Xảo Oa, Ja Va, Chân Lạp, Kim Lân,… xây dựng cả một đạo quân đông tới 30 - 40 vạn người nhằm loại bỏ ách thống trị của nhà Đường, giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc (713-723). Đây được xem là một trong những liên minh chính trị - quân sự đầu tiên của các quốc gia cổ đại ở khu vực Đông Nam Á nhằm chống lại sự bành trướng của phong kiến phương Bắc. Điều đó càng góp phần khẳng định thêm về mối quan hệ mật thiết, lâu đời giữa các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á nói chung và giữa Việt Nam - Thái Lan nói riêng trên nhiều phương diện (6).

Đặc biệt, từ khi họ Khúc dựng nền tự chủ (905) cho đến TK XIX, trải qua 9 thế kỷ, lịch sử quốc gia Đại Việt - Đại Nam và Xiêm trải qua nhiều thăng trầm biến đổi, song mối quan hệ giao thương, buôn bán, giao thoa văn hóa, tôn giáo,… tiếp tục được củng cố, mở rộng. Đặc biệt, từ TK XVII đến TK XVIII, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, số người Việt Nam sang định cư trên lãnh thổ Thái Lan ngày càng tăng và địa bàn phân bố của họ ngày càng rộng (7). Nửa sau TK XVIII, trong cuộc chiến với Tây Sơn (1771-1800) con cháu trong dòng họ Nguyễn Phúc và những người trung thành với Nguyễn Ánh vì những lý do khác nhau từng đến nhiều vùng miền của Xiêm để nương náu, chờ thời. Đáng kể nhất là cuộc di cư của gia quyến và thuộc hạ chúa Nguyễn Phúc Xuân, từ Quảng Nam chạy vào Hà Tiên, cùng với tàn quân và gia quyến của Mạc Thiên Tứ (Mạc Thiên Tích) theo đường biển sang Xiêm, sau khi bị Tây Sơn đánh bại. Người đứng đầu triều đình Thonburi là nhà vua Taksin cho số người này định cư ở Xiêm và gọi là gia đình hoàng tộc lưu vong (8). Tiếp đó, từ 1782 đến 1784, sau thất bại trong cuộc chiến tại thành Gia Định với quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh bỏ trốn ra đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu,… rồi sau đó theo đường biển sang Xiêm. Năm 1785, sau khi cùng 5 vạn quân Xiêm kéo về vùng đất Gia Định và bị quân Tây Sơn đánh tan tác trong trận quyết chiến chiến lược tại Rạch Gầm - Xoài Mút (1785), Nguyễn Ánh lại tháo chạy sang Xiêm và sử dụng vùng đất này để tập hợp lực lượng cho đến tháng 7-1787 mới kéo quân về trở lại Gia Định để chống Tây Sơn. Một bộ phận binh lính và dân cư chạy theo Nguyễn Ánh đã không trở về Gia Định mà ở lại định cư tại Bang Pho và Sam Sen (9).

Sau khi đánh bại Tây Sơn (1801), xác lập quyền thống trị của dòng họ Nguyễn trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ Đại Việt cũ và cả xứ Đàng Trong cùng toàn bộ các đảo, quần đảo, thềm lục địa với diện tích hơn 1 triệu km2, Gia Long xác lập quan hệ ngoại giao với nhà Thanh và các nước láng giềng, trong đó có Xiêm. Nhưng chính sách cấm đạo, sát đạo mà Gia Long và các vị vua nhà Nguyễn tiếp nối thực hiện đã đẩy hàng vạn giáo dân trên khắp lãnh thổ vương quốc Đại Nam vào tình thế khốn cùng. Hàng ngàn gia đình giáo dân từ đồng bằng Bắc Bộ vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vào các tỉnh Nam Trung Bộ buộc phải bỏ quê hương làng xóm chạy sang Lào sau đó sang Xiêm để lánh nạn.

Từ năm 1802 đến trước khi người Pháp nổ súng xâm lược Đại Nam (1-9-1858), trên lãnh thổ nước ta có tới hàng ngàn cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ khác nhau nổ ra. Nhà Nguyễn loay hoay đem quân đánh dẹp. Không ít tướng lĩnh và những người ủng hộ các cuộc khởi nghĩa buộc phải bỏ chạy sang Lào rồi vượt sông Mê Công sang Xiêm để tránh họa tru di. Đặc biệt, năm 1874, ở Nghệ An, Hà Tĩnh nổ ra cuộc khởi nghĩa lớn do Trần Tấn, Đặng Như Mai, Bùi Danh Thiềm, Bùi Danh Mậu… tổ chức lãnh đạo. Triều đình Tự Đức điều Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đưa binh ra đánh dẹp. Hậu quả là hàng trăm làng mạc ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị đốt trụi. Trong tình thế đó, nhiều gia đình có người tham gia và ủng hộ cuộc khởi nghĩa buộc phải bỏ quê hương, làng xóm tìm đường sang Lào rồi sang Xiêm để tránh họa diệt vong (10).

Đặc biệt, từ năm 1885-1895, phong trào Cần Vương kháng Pháp bùng nổ từ Bình Thuận đến đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ An, Hà Tĩnh là một trong những địa bàn diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, khởi nghĩa Nguyễn Xuân Ôn… là điển hình nhất. Khi triều đình nhà Nguyễn cùng thực dân Pháp huy động quân đội đàn áp nhằm dập tắt hoàn toàn phong trào Cần Vương từ Bình Thuận đến tận đồng bằng Bắc Bộ, hàng vạn gia đình tham gia và ủng hộ phong trào chống Pháp đứng trước nguy cơ bị thảm sát hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, không ít gia đình từ Bình Thuận đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ buộc phải rời quê hương bản xứ. Vùng đất gồm 19 tỉnh ở Đông Bắc của vương quốc Xiêm, tiếp giáp với Lào, thực sự trở thành nơi tránh trú thích hợp cho những người Việt Nam yêu nước chống Pháp lánh nạn trong tình thế lịch sử đầy khó khăn đó. Không chỉ vậy, sau thất bại của phong trào Đông Du (1905-1908), phong trào Duy Tân (1906-1908), khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913),… rất nhiều văn thân, sĩ phu, các chí sĩ yêu nước và cả binh lính là người Nghệ An, Hà Tĩnh cũng bí mật sang Lào rồi tìm đến Xiêm để nương nhờ cộng đồng người Việt tại đây che chở.

Có thể thấy, việc có cả một cộng đồng cư dân người Việt định cư khá tập trung từ 3-5 thế hệ, gần nhất là vào cuối TK XIX, đầu TK XX, thực sự là điều kiện thuận lợi để những người Nghệ An, Hà Tĩnh, rộng hơn là người Việt Nam yêu nước lựa chọn vùng Đông Bắc Thái Lan làm địa bàn hoạt động cứu nước vào những thập kỷ đầu của TK XX. Điều này được giải thích bởi giữa những người đến định cư ở vùng Đông Bắc Thái Lan trước đó với những người Nghệ An, Hà Tĩnh yêu nước đầu TK XX sang Xiêm đều có chung một nỗi nhục mất nước, một khát vọng cháy bỏng là giải phóng dân tộc thoát khỏi họa ngoại xâm. Đó là chưa tính đến mối quan hệ đồng hương, thậm chí là mối quan hệ huyết thống giữa cộng đồng người Việt định cư tại đây và những người yêu nước vừa rời quê hương sang Xiêm để tìm con đường giải phóng dân tộc mà lâu nay, trong các công trình nghiên cứu đã công bố chưa có đủ tư liệu để làm sáng tỏ.

Thứ ba, xét từ phương diện địa chính trị, việc người Nghệ Tĩnh tìm đến vùng Đông Bắc Thái Lan để hoạt động cứu nước là một sự lựa chọn khéo léo và chính xác. Bởi, việc chính phủ Pháp gấp rút thành lập Liên bang Đông Dương, gồm 5 xứ với 5 thể chế chính trị khác nhau vào cuối TK XIX, đặt toàn bộ bán đảo Đông Dương nằm dưới quyền thống trị của Pháp. Do đó, người Việt Nam yêu nước, không còn cơ hội để xây dựng căn cứ hoạt động cách mạng trong nước hay trên lãnh thổ của Ai Lao, Cam pốt. Đông Bắc Thái Lan là địa bàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ thuộc địa ở Đông Dương. Bởi theo Hiệp ước Pháp - Xiêm ký vào năm 1893 và năm 1904, toàn bộ vùng Đông Bắc Thái Lan ngày nay thuộc Xiêm. Mặt khác toàn bộ 19 tỉnh thành thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan là một khu vực nằm biệt lập so với các khu vực trung tâm của Thái Lan và bị ngăn cách bởi các dãy núi cao trùng điệp cùng sông Mê Công. Đến TK XVIII - XIX, đây vẫn được xem là vùng biên viễn của Xiêm, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với toàn bộ vùng đất này khá lỏng lẻo, dân cư ở đây chủ yếu là người Lào (còn gọi là người Thái Đông Bắc), có ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán gần như tương đồng với cư dân vùng Trung Lào và Hạ Lào. Bởi vậy, chọn vùng đất này làm địa bàn để hoạt động cách mạng vừa thoát khỏi sự kiểm soát của Pháp, vừa có thể cùng cộng đồng cư dân người Việt ở đây khai phá đất đai để tự túc lương thực, thực phẩm và khi cần về nước thì khoảng cách không quá xa. Mặt khác, từ vùng Đông Bắc Thái Lan đến Quảng Châu - Trung Quốc bằng đường bộ hay đường biển - nơi có nhiều người Việt Nam yêu nước đang hoạt động cũng có những thuận lợi nhất định.

Việc những người Nghệ An, Hà Tĩnh và đông đảo những người Việt Nam yêu nước ở những tỉnh thành khác lựa chọn vùng đất Đông Bắc Thái Lan và biến vùng đất này trở thành một trong những địa bàn hoạt động cách mạng nổi tiếng từ đầu TK XX cho đến khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời thực sự là một lựa chọn đúng đắn đáp ứng được nhiều vấn đề trong tình thế lịch sử đầy khó khăn. Trong số những người Nghệ An, Hà Tĩnh từng hoạt động ở vùng Đông Bắc Thái Lan đầu TK XX, có nhiều nhân vật nổi tiếng như: Phan Bội Châu, Đặc Thúc Hứa, Đặng Tử Kính, Ngô Quảng, Đặng Quỳnh Anh, Trần Bá Giao, Trương Văn Lịnh, Đặng Thái Thuyến, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng, Lê Mạnh Trinh, Võ Trọng Đài, Vương Thúc Oánh, Phùng Chí Kiên, Võ Trọng Ân,… Đặc biệt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng hoạt động ở Xiêm trong thời gian từ năm 1928 đến năm 1929, trước khi Người bí mật rời Thái Lan về Hương Cảng, triệu tập, chủ trì Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

Nguyên nhân đầu TK XX, có cả một thế hệ người Việt Nam yêu nước, trong đó có nhiều người sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, Hà Tĩnh lựa chọn vùng đất Thái Lan làm địa bàn hoạt động cách mạng, trong hành trình đầy khó khăn gian khổ, hy sinh để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc đã phần nào được làm sáng tỏ. Nhưng, vẫn còn đó không ít vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, trong đó có vấn đề đóng góp của cộng đồng cư dân người Việt, người Thái, người Hoa… sinh sống ở Thái Lan.

________________

1, 2. Hà Nguyên Khoa, Quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người Việt ở Thái Lan, luận án tiến sĩ lịch sử, bảo vệ tại trường Đại học Vinh, 2016, tr.6-16.

3. Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, 4 tập, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, 2 tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.

5. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật học Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1999, tr.112.

6. Nguyễn Quang Hồng, Thêm một số ý kiến về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm Nhâm Tuất (722), Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 7+8 - 2001, tr.54-57.

7. Trần Văn Giàu,Trần Bạch Đằng, Địa chí Văn hóa TP.HCM, Nxb TP.HCM, 1987, tr.145.

8, 9. Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Sài Gòn Văn Sử học, 1973, tr.173-179.

10. Hoàng Văn Lân, Nguyễn Quang Hồng, Thêm một số ý kiến về nội dung, diễn biến, tính chất của khởi nghĩa Giáp Tuất năm 1874, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 11 +12, 1998, tr.43-51.

Tác giả : Phạm Thị Kim Loan

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

;