Tối 31-5, tại rạp Hồng Hà (Hà Nội), Nhà hát Tuồng Việt Nam ra mắt vở diễn “Thiếu phụ Nam Xương”. Khai thác đề tài dân gian, với câu chuyện về hình ảnh người phụ nữ vượt lên mọi khó khăn, trở ngại để khẳng định bản thân… vở diễn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả và nhận được nhiều tràng pháo tay ròn rã.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly tặng hoa, chúc mừng thành công của buổi diễn
PGS, TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, NSND Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tham dự buổi ra mắt vở diễn và chúc mừng ê-kíp sáng tạo và các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Vở tuồng dân gian Thiếu phụ Nam Xương dựa trên kịch bản của cố NSND Doãn Hoàng Giang; tác giả chuyển thể: Nguyễn Khắc Duyên; đạo diễn: NSND Lê Tiến Thọ; phụ trách âm nhạc: nhạc sĩ NSND Cao Đình Lưu; thiết kế mỹ thuật: họa sĩ, NSND Đỗ Doãn Bằng; họa sĩ thực hiện: Đăng Khoa; dàn dựng múa: biên đạo Đỗ Thị Thanh Nga; chỉ đạo nghệ thuật: Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn; các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện.
Vở diễn là câu chuyện về Mai Hương, một thiếu phụ có tấm lòng thủy chung son sắt. Nàng tần tảo nuôi con để chồng yên lòng ra chiến trận. Vì nhớ chồng, thương con, đêm đêm bên ngọn đèn, nàng lấy bóng mình in trên vách, để thay chồng an ủi con thơ. Có ngờ đâu, khi người chồng trở về, đứa con không nhận cha, vì cha không giống người như hình, như bóng. Cho rằng vợ không chung thủy, người chồng đã ghen tuông mù quáng và đuổi Mai Hương ra khỏi nhà. Đau khổ vì bị oan uổng, Mai Hương đã đến hồ nước bên chùa để giải nỗi oan khiên, nhưng nàng được Thiền sư Thiện Tâm cứu vớt và truyền cho võ đạo. Với lời khuyên của Thiền sư, Mai Hương hóa thân thành đấng nam nhi, lấy tên của chồng là Trịnh Lang, gia nhập đội quân của tổng trấn Lê Trung bảo vệ đất nước. Với tài thao lược của mình, nàng đã trở thành phó tướng tài ba.
NSƯT Lộc Huyền đã thể hiện thành công vai diễn Mai Hương - một người thiếu phụ hết lòng vì chồng, vì con, vì nước
Dẹp yên giặc nơi biên cương, phó tướng Trịnh Lang phải đối mặt với sự đố kỵ, đổi trắng thay đen của Trần Mỹ - người đã phản bội và đầu độc Tổng trấn Lê Trung. Mai Hương đã được minh oan khi có sự bảo vệ của các bậc tôi trung là Thiền sư Thiện Tâm, lão tướng Trần Dinh. Đồng thời, được nhà vua tín nhiệm và giao cho nàng chức quan Tổng trấn.
Khi biết bản thân đã hàm oan cho người vợ kiên trinh, trong trắng của mình, Trịnh Lang đã hối hận, cùng con là Trịnh Đồng rong ruổi, phiêu bạt khắp nơi đi tìm Mai Hương. Sau 10 năm xa cách, nỗi oan khiên của thiếu phụ Nam Xương đã được hóa giải, gia đình họ đã được hội ngộ và đoàn viên. Bởi Mai Hương luôn tin rằng: gia đình có êm ấm thì đất nước mới bình yên, hạnh phúc.
Dưới bàn tay tài hoa của Đạo diễn, NSND Tiến Thọ, vở tuồng đã có nhiều mảng miếng, trò diễn cho các diễn viên thể hiện
Hơn 2 tiếng thưởng thức tác phẩm, dưới bàn tay “khéo léo” của đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ và diễn xuất tài năng của các nghệ sĩ, người xem được hòa mình vào thế giới của các nhân vật, cùng trải qua từng sự kiện với các cung bậc cảm xúc thăng trầm trong từng lớp lang của tác phẩm. Ở đó là hình ảnh người mẹ dịu hiền của Mai Hương (do NSƯT Lộc Huyền đảm nhận) phải chịu đau khổ khi bị chồng hàm oan, là nỗi nhớ nhung con trẻ, và sự kiên cường, dũng cảm trong vai trò là một đấng nam nhi…; Là hóa thân của Mạnh Linh vào vai người chồng – Trịnh Lang, với sự ghen tuông mù quáng, sự ăn năn giằng xé và hối hận khi biết đổi lỗi oan cho người vợ yêu thương của mình; hay sự trong sáng, hồn nhiên nhưng cũng đầy nhớ nhung mẹ của Trịnh Đồng do diễn viên Hiền Phúc thể hiện; sự phản bội, ghen ghét, hận thù của Trần Mỹ được thể hiện bởi nghệ sĩ trẻ Đình Thuận…
Trước giờ biểu diễn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn đã chia sẻ: “Trong sân khấu tuồng truyền thống Việt Nam, ngoài các vở đề tài quân, quốc, chúng ta không thể không nhắc tới các vở tuồng về đề tài dân gian. Các vở tuồng này luôn có sức mạnh, sự hấp dẫn và là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ tuồng thể hiện tài năng và sự sáng tạo làm nên các tác phẩm nghệ thuật vô cùng hấp dẫn, trong đó phải kể đến các vở tuồng dân gian hay tuồng hài như: Nghêu sò ốc hến, Trương Ngáo đúc chuông… Lần này, Nhà hát Tuồng Việt Nam khai thác và dàn dựng từ câu chuyện dân gian Truyền kỳ mạn lục của danh sĩ Nguyễn Dữ và cho ra mắt vở tuồng: Thiếu phụ Nam Xương”.
Chất liệu văn học dân gian với những bài hát đồng dao được khai thác và đưa vào vở tuồng, tạo nên sức hấp dẫn mới lạ
Vào những năm 1980-1990, kịch bản Chiếc bóng oan khiên hay Thiếu phụ Nam Xương đã tạo nên “cơn sốt” đối với khán giả yêu sân khấu. Hồi đó có nhiều đoàn chèo, tuồng, cải lương, dân ca kịch toàn quốc đã dựng kịch bản này và rất “ăn khách”. Vào lúc đó, dù Nhà hát Tuồng Việt Nam không có chủ trương nhưng Chi đoàn Thanh niên Nhà hát Tuồng Việt Nam vẫn quyết dựng vở Chiếc bóng oan khiên, do tác giả Khắc Duyên chuyển thể, NSND Lê Tiến Thọ làm đạo diễn. Dù vở diễn lúc đó chưa được đầu tư kỹ lưỡng nhưng bất ngờ lại trở thành một vở diễn thành công, thu hút nhiều khán giả. Và lần này, Nhà hát Tuồng Việt Nam chính thức phục dựng lại vở diễn với tên Thiếu phụ Nam Xương với cách đầu tư kỹ càng hơn, công phu hơn, để trở thành một vở diễn hay hơn, hấp dẫn hơn đối với khán giả tuồng ngày nay.
Đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Sân khấu quốc tế Việt Nam - ITI Việt Nam, đã từng thành công trong nhiều vở tuồng, không chỉ xuất sắc với vai trò diễn viên trong các vở tuồng: Suối đất hoa, Hoàng hôn đen, Lý Phụng Đình… mà còn gặt hái nhiều thành công trong vai trò đạo diễn các vở tuồng Lý Chiêu Hoàng, Dũng khí Đặng Đại Độ, Thoại Khanh - Châu Tuấn… và với vở diễn Thiếu phụ Nam Xương vừa ra mắt đã được đạo diễn làm mới mẻ hơn, cuốn hút hơn và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của đông đảo khán giả yêu nghệ thuật tuồng tại Hà Nội.
Nhiều phân cảnh trong vở diễn thể hiện sự dũng cảm của nhân vật Mai Hương, luôn dám đương đầu với mọi khó khăn, thách thức
Đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ đã mạnh dạn lược bỏ các chi tiết rườm rà, bớt chất thần thoại và bi lụy. Lần này, đạo diễn đã đưa ra nhiều mảng miếng, trò diễn để diễn viên có đất thể hiện. Trong quá trình tập luyện, khi diễn viên diễn chưa đạt, đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ chỉnh sửa ngay và thêm lời hát cho diễn viên nhiều hơn. Chính vì vậy, vở Thiếu phụ Nam Xương được đưa nhiều câu hát cũng như vũ đạo tuồng. Điều đặc biệt của vở diễn còn ở cách bài trí sân khấu, khán giả thực sự ấn tượng với những bức tranh Đông Hồ, đèn kéo quân được sắp xếp khéo léo trên sân khấu. Họa sĩ, NSND Doãn Bằng đã tạo nên một không gian sân khấu ước lệ luôn chuyển động làm hấp dẫn khán giả.
Trong vở diễn, “cái bóng” là yếu tố then chốt, dẫn tới những hiểu lầm, mâu thuẫn nối tiếp nhau. Bởi vậy, nghệ thuật múa rối bóng được khai thác hiệu quả trong suốt vở diễn. Vở tuồng cũng có những giây phút tươi vui như khi những bài hát đồng dao cất lên, cảnh múa mặt nạ được đan xen…
Cái bóng đã khởi nguồn của mọi hiểu lầm, mâu thuẫn trong vở diễn nên nghệ thuật múa rối bóng được khai thác hiệu quả
Chia sẻ về vở diễn, đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, “với vở diễn này, tôi vẫn bám chắc vào kịch bản của cố NSND Doãn Hoàng Giang viết cách đây 30 năm. Trong đó đề cao hình ảnh người phụ nữ đã vượt lên số phận và định kiến xã hội để khẳng định bản thân. Đồng thời, thông qua tác phẩm, chúng tôi muốn người xem nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề gia đình, cũng là chủ đề mà tôi muốn truyền tải đó là, gia đình có êm ấm thì đất nước mới bình yên và phát triển”.
Nói về vai diễn xuyên suốt của tác phẩm - Mai Hương do NSƯT Lộc Huyền đảm nhiệm, NSND Lê Tiến Thọ cũng đã dành nhiều lời khen tặng, “Lộc Huyền là một nghệ sĩ tài năng, cô đã vào vai nhuần nhuyễn với nhiều lớp diễn, làm nổi bật tính cách nhân vật. NSƯT Lộc Huyền đã nắm bắt, lột tả được các tình huống, cũng như diễn biến tâm lý của vai diễn. Lộc Huyền đã rất cố gắng và thể hiện tốt nhất, đạt được yêu cầu của đạo diễn đề ra”.
Cách dàn dựng vở tuồng với phong cách mới lạ mang lại nhiều ấn tượng, tiếng cười cho người xem
NSƯT Lộc Huyền - Trưởng đoàn Đoàn thể nghiệm Nhà hát Tuồng Việt Nam, đã có hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, đảm nhiệm rất nhiều vai chính tại Nhà hát như: vai cô Lý trong vở Tình mẹ, vai Huyền Trân trong vở Huyền Trân công chúa, vai Thoại Khanh trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn. Chia sẻ về vở diễn này, NSƯT Lộc Huyền cho biết: “Khi thực hiện vở diễn Thiếu phụ Nam Xương, Đoàn thể nghiệm Nhà hát Tuồng gặp phải một số khó khăn. Vở này Đoàn tập trong hơn 1 tháng nhưng không liên tục vì trong quá trình tập, các bạn trẻ còn tham gia lớp tập huấn diễn viên, nhạc công tuồng truyền thống tại Đà Nẵng. Về cá nhân tôi, khi vào vai Mai Hương trong vở diễn này, tôi cảm thấy cũng có nhiều khó khăn. Vì vai này đã được các thế hệ nghệ sĩ đi trước như nghệ sĩ Thu Hương (con của NSND Mẫn Thu), NSND Minh Gái, NSND Hương Thơm thể hiện vai này rất thành công nên khi thực hiện vai diễn này, tôi cũng có một chút áp lực. Tuy nhiên, khi tập luyện, hóa thân vào vai diễn, được trải qua từng sự kiện cũng như diễn biến tâm lý của nhân vật đã làm cho tôi thích thú. Bởi, đối với nghệ thuật Tuồng, được hát, múa, diễn, đặc biệt được thể hiện những màn vũ đạo khó là điều mà mỗi nghệ sĩ đều mong muốn”.
NSƯT Lộc Huyền cũng cho biết, để vai diễn thành công, cô đã có được sự hướng dẫn tận tình của đạo diễn. “Tôi đã vượt qua được mọi khó khăn, luôn cố gắng truyền đến khán giả cảm xúc hay nhất về nhân vật này. Rất may mắn là qua buổi tổng duyệt, vở diễn cũng như nhân vật Mai Hương được đồng nghiệp và đông đảo khán giả đón nhận. Chính những tràng pháo tay, những lời động viên và có những khán giả đã khóc khi xem vở diễn này đã truyền thêm cho tôi động lực để tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt vai diễn” – Nghệ sĩ bày tỏ.
LIÊN HƯƠNG - NGỌC BÍCH - Ảnh: LH