Dưới góc độ triết học mácxít, sự hình thành và phát triển nhân cách cá nhân thường do nhân tố bên ngoài - những yếu tố xã hội và nhân tố bên trong - tính tích cực của cá nhân. Một nhân tố xã hội cơ bản có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người chính là văn hóa. Văn hóa ứng xử làm cho sự phát triển nhân cách điều dưỡng chứa đựng nét đẹp giá trị văn hóa trong môi trường bệnh viện: điều trị chữa bệnh cứu người.
Quá trình phát triển của cá nhân cũng đồng thời là sự hoàn thiện bản chất xã hội bằng việc hoàn thiện nhân cách. Nhân cách được hình thành và phát triển trong quá trình sống, lao động và trong các quan hệ giao tiếp của cá nhân. Mỗi cá nhân luôn tiếp nhận và chủ thể hóa các giá trị văn hóa vào phát triển nhân cách. Văn hóa ứng xử là tổng thể những lối ứng xử mang giá trị văn hóa, có tính ổn định, được tạo ra trong mối quan hệ giữa các cá nhân, cộng đồng người với thế giới bên ngoài trên cơ sở phù hợp với chuẩn mực văn hóa xã hội. Văn hóa ứng xử được biểu hiện ở thái độ, tình cảm, ngôn ngữ, hành vi ứng xử và tác phong làm việc có văn hóa của cá nhân, cộng đồng trước đối tượng ứng xử.
Thực tiễn phát triển nhân cách của chủ thể ở mỗi ngành nghề, lĩnh vực hoạt động đều tiếp nhận và chủ thể hóa giá trị văn hóa ứng xử nhất định. Thông qua nhân tố chủ quan, văn hóa ứng xử biểu hiện vai trò, giá trị đối với phát triển nhân cách của chủ thể ứng xử. Phát triển nhân cách của điều dưỡng các bệnh viện cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa ứng xử nói chung, văn hóa ứng xử ngành và ở các bệnh viện nói riêng. Khi bàn về vấn đề con người, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đặc biệt chú ý đến bản chất xã hội của con người, lý giải ảnh hưởng của bản sắc văn hóa đến sự hình thành bản chất, nhân cách con người. Theo C.Mác: “Nếu như con người bẩm sinh đã là sinh vật có tính xã hội thì do đó con người chỉ có thể phát triển bản tính chân chính của mình trong xã hội” (1). Do đó, trong môi trường bệnh viện, với thực tiễn chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mà điều dưỡng tiếp nhận, chủ thể hóa giá trị văn hóa ứng xử và hoàn thiện nhân cách của mình. Tiếp cận mối quan hệ giữa văn hóa ứng xử đối với phát triển nhân cách điều dưỡng, có thể thấy biểu hiện và tác động qua lại trên một số khía cạnh sau:
Một là, văn hóa ứng xử tạo bước chuyển về chất giá trị nhân cách điều dưỡng bệnh viện trước đối tượng ứng xử
Văn hóa ứng xử của cá nhân là một tổ hợp các yếu tố nhận thức, tình cảm thái độ, hành vi ứng xử và tác phong làm việc có văn hóa trước đối tượng, là bộ phận hợp thành văn hóa ứng xử của tập thể. Sự phát triển nhân cách điều dưỡng là sự tích lũy về lượng các mặt, các phẩm chất cấu thành nhân cách. Văn hóa ứng xử của điều dưỡng với cốt lõi là giá trị chuẩn mực y đức điều dưỡng sẽ từng bước làm chuyển hóa về chất bản tính cá nhân họ theo hướng nhân văn, nhân đạo với người bệnh. Nhân cách điều dưỡng khi phát triển dựa trên cơ sở giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp, lành mạnh sẽ làm cho nhân cách đó toát lên giá trị văn hóa. Trong nhân cách điều dưỡng có tình cảm nhân hậu; thái độ thân thiện, ân cần, cởi mở; lời nói, hành vi chuẩn mực, tôn trọng. Bằng nhân cách đó, điều dưỡng sẽ giúp bệnh nhân yên tâm điều trị đẩy lùi bệnh tật. Bởi trong môi trường bệnh viện, trước nỗi đau bệnh tật, việc điều trị giành giật sự sống cho bệnh nhân thì tấm lòng nhân ái, yêu thương bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tình cảm, tinh thần của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Vai trò của văn hóa ứng xử đối với phát triển nhân cách điều dưỡng được xem xét không chỉ dưới góc độ một nhân tố thuộc về môi trường xã hội mà còn là yêu cầu, phẩm chất cần phải đạt được trong nhân cách điều dưỡng bệnh viện. Nhân cách có cả năng lực chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức, văn hóa ứng xử. Nhân cách đó ngày càng hoàn thiện, mang tính mẫu mực “lương y như từ mẫu” hay không phụ thuộc nhiều vào việc họ tiếp nhận, vận dụng, thực hành đúng những giá trị, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong thực hiện y vụ, chăm sóc bệnh nhân hằng ngày. Văn hóa ứng xử tạo dựng giá trị niềm tin của người bệnh vào tay nghề, nhân cách điều dưỡng bệnh viện. Sự tương tác giữa yêu cầu khách quan và chủ quan điều dưỡng biểu hiện vai trò văn hóa ứng xử, tạo bước chuyển về chất, phát triển nhân cách điều dưỡng bệnh viện. Nó biểu hiện sức mạnh tổng hợp của giá trị văn hóa ứng xử cá nhân và xã hội, trong việc tham gia giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân - xã hội, giữa người bệnh và điều dưỡng trong môi trường bệnh viện. Văn hóa ứng xử trong bệnh viện là biểu hiện sinh động sự kết hợp giữa văn hóa ứng xử, đạo đức truyền thống “nhân ái, thương người như thể thương thân…” của con người Việt Nam và văn hóa, đạo đức “lương y như từ mẫu” của người thày thuốc. Do đó, mỗi cá nhân điều dưỡng khi gia nhập vào nghề điều dưỡng, làm việc ở môi trường bệnh viện là họ đã được sống trong không gian văn hóa ứng xử. Họ được tiếp nhận một hệ các giá trị, chuẩn mực văn hóa ứng xử xã hội trong môi trường bệnh viện. Những giá trị, chuẩn mực này được phản chiếu trong những chuẩn mực về y lý, y đức của điều dưỡng bệnh viện.
Hai là, văn hóa ứng xử tạo động lực tinh thần để điều dưỡng vượt qua lực cản tiêu cực phát triển nhân cách
Trong hiện thực cuộc sống, sự hình thành và phát triển nhân cách của một cá nhân luôn chịu ảnh hưởng của điều kiện kinh tế xã hội, môi trường giáo dục, sống và làm việc. Sự ảnh hưởng đó đến phát triển nhân cách cá nhân luôn theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Với bản tính chủ thể xã hội, chủ thể hành vi trong lao động sáng tạo, cải tạo thế giới hiện thực, mỗi cá nhân sẽ không ngừng hướng đến những điều tốt đẹp, đến giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Tạo ra những điều kiện môi trường xã hội, làm lành mạnh hóa các mối quan hệ ứng xử, thúc đẩy phát triển hoàn thiện nhân cách cá nhân (2). Tuy nhiên, quá trình cá nhân hóa xã hội trong mỗi chủ thể hoạt động mang nhân cách đó, bên cạnh sự tác động tích cực từ điều kiện môi trường sống còn có những tác động tiêu cực, lực cản phát triển nhân cách. Văn hóa ứng xử với những giá trị ứng xử nhân văn, hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ; giải quyết quan hệ ứng xử khoan hòa, cầu đồng tôn dị sẽ tạo dựng sức mạnh tinh thần để điều dưỡng vượt qua lực cản tiêu cực, phát triển hoàn thiện nhân cách (3). Tạo động lực thúc đẩy họ kiên trì, bền bỉ trong rèn luyện phẩm chất nhân cách người điều dưỡng; thực hành ứng xử văn hóa, tôn trọng danh dự bản thân và người bệnh, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Khi vượt qua lực cản tiêu cực, điều dưỡng sẽ làm lan tỏa giá trị văn hóa ứng xử mới từ đó có thái độ, hành vi ứng xử chuẩn mực, tác phong làm việc chuyên nghiệp, mang tính ổn định hằng ngày trong thực hành y vụ. Nhân cách điều dưỡng khi có văn hóa ứng xử định hướng, điều tiết sẽ bảo đảm cho giá trị nhân cách cá nhân phát triển lành mạnh, tự khẳng định nhân cách “lương y như từ mẫu” trước đối tượng ứng xử, trước tập thể, đồng nghiệp.
Ba là, văn hóa ứng xử bảo đảm phát triển nhân cách nghề nghiệp điều dưỡng hoàn thành nhiệm vụ, chức năng được giao
Xây dựng văn hóa ứng xử của điều dưỡng nhằm nâng cao lối xử xự, thích ứng cao của họ trong môi trường bệnh viện, hình thành nền nếp ứng xử nhân văn, tích cực với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Văn hóa ứng xử là một căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, chức năng của điều dưỡng. Bởi, trong các chuẩn mực đạo đức điều dưỡng viên đã quy định: điều 4 “Tôn trọng người bệnh và người nhà người bệnh”; điều 5 “Thân thiện với người bệnh và người nhà người bệnh”; điều 8 “Tự tôn nghề nghiệp”. Do đó, việc xây dựng văn hóa ứng xử của điều dưỡng ở các bệnh viện là biện pháp xây dựng phẩm chất nhân cách, đạo đức điều dưỡng viên.
Điều dưỡng bệnh viện đứng trước những yêu cầu về chuyên môn, chuẩn văn hóa bệnh viện, các yêu cầu hướng đến sự hài lòng của người bệnh luôn cần có sự chuyển hóa về tri thức, thái độ, trách nhiệm, hành vi ứng xử và tác phong làm việc với chính đối tượng chăm sóc. Điều đó làm cho họ có thêm động lực và cơ sở để quán triệt những nhiệm vụ được giao, hoàn thành tốt hơn chức năng, công việc của mình hằng ngày. Thông qua rèn luyện, điều chỉnh, xây dựng văn hóa ứng xử, điều dưỡng bệnh viện nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn những yêu cầu nghề nghiệp, phẩm chất, văn hóa ứng xử mà họ cần phải có trong quá trình điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Họ không chỉ bằng lòng với những gì mình có mà còn tích cực, nỗ lực hơn trong quá trình thực hiện y vụ điều dưỡng, chấp hành nghiêm các quy định, chuẩn mực ứng xử với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Văn hóa ứng xử được coi là sợi dây gắn kết, phát triển tinh thần đoàn kết, yêu thương giữa điều dưỡng và bệnh nhân trong bệnh viện. Thực tế, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân của điều dưỡng cho thấy, khi nào họ ứng xử đúng chuẩn mực, hài hòa nhân ái, có trách nhiệm tình thương yêu sâu sắc thì tự nhiên giữa họ và người bệnh trở nên thân thiện, gắn bó chân thành. Nhiều bệnh nhân khi kết thúc khám, điều trị ra viện vẫn có những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp về điều dưỡng bệnh viện.
Văn hóa ứng xử trong bệnh viện được xây dựng tốt, sẽ tăng cường hơn mối quan hệ gắn bó giữa bệnh viện và bệnh nhân, giúp bệnh viện quản lý nắm chắc tiền sử bệnh, có giải pháp ngăn ngừa tầm soát và điều trị bệnh tật một cách có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.
___________
1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.200.
2. Vũ Thị Hạnh, Hành vi văn hóa trong giao tiếp của sinh viên ở trường đại học hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 6 (45), 2009, tr.51-54.
3. Lê Thi, Văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11(96), 2015, tr.89-92.
Tác giả: Mai Thị Minh Nghĩa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019