Hiện nay, nước ta đang bước vào giai đoạn mới. Những thách thức đặt ra đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao văn hóa trong hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội là không hề nhỏ. Văn kiện Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và đoàn thể, cán bộ, đảng viên là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Vì vậy, việc quán triệt, học tập văn hóa chính trị Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết.
Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị thiên tài mà còn là nhà văn hóa kiệt xuất. Người đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chính trị và văn hóa, tạo nên nghệ thuật lãnh đạo Hồ Chí Minh, có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh bao gồm các giá trị về trí thức, lý tưởng, niềm tin, phẩm chất, năng lực và hành vi chính trị mang tính chân – thiện – mỹ mà Người sáng tạo ra trong suốt quá trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người trên lập trường giai cấp công nhân.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh phản ánh mối quan hệ giữa các yếu tốt có tính chỉnh thể về tư tưởng và hành vi chính trị gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp chính trị của Người, được biểu hiện qua nhân cách và các di sản chính trị mà Người để lại trong đời sống chính trị hiện thực. Mọi hoạt động cách mạng của Người, từ học tập, lao động, nhận thức tư tưởng hay ứng xử với các vấn đề chính trị đều hướng vào một lý tưởng cao cả là các dân tộc trên thế giới đều được bình đẳng, đoàn kết và cùng chung sống hòa bình trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng về bản sắc văn hóa; trong xã hội không còn tình trạng áp bức, bóc lột, bất công; con người được giải phóng khỏi mọi sự ràng buộc, có điều kiện phát triển toàn diện và được hưởng mọi thành quả văn hóa do chính con người tạo ra. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh thuộc phạm trù văn hóa chính trị mác xít, được phản ánh trong toàn bộ hệ thống tư tưởng, sự nghiệp chính trị do Người tạo dựng; định hướng cho đường lối, chủ trương và hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức quần chúng và con người chính trị Việt Nam.
Nền văn hóa chính trị mà chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chỉ đỏ xuyên suốt trường kỳ lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất của giá trị văn hóa Việt Nam và đặt cơ sở cho văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam mà sau này Hồ Chí Minh đã đúc kết thành một nguyên lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập, tự do là cái quý nhất ở đời, là giá trị của mọi giá trị, là điều kiện đầu tiên để tồn tại với tư cách là một con người và cao hơn là của một dân tộc. Cũng từ nền tảng văn hóa chính trị đó mà Hồ Chí Minh trở thành một nhà văn hóa chính trị, yêu chính nghĩa, đấu tranh kiên quyết cho độc lập, tự do dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Nền văn hóa chính trị lấy dân làm gốc. Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, sĩ, nông, công, thương là những thành phần cơ bản, đông nhất là nông. Nông tức là nông dân, là bách tính, là thứ dân, nhưng dân lại được ví như nước và nước có thể chở thuyền cũng có thể lật thuyền. Nguyễn Trãi từng nói thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như nước. Tiếp nối giá trị ấy, Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” (1). Vì thế, ý trí và niềm tin chính trị suốt cuộc đời của Người là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (2).
Nền văn hóa chính trị với cộng đồng, thực hành dân chủ. Hồ Chí Minh là con người của lý tưởng dân chủ, là tấm gương mẫu mực về thực hành dân chủ trong ứng xử với nhân dân, cán bộ, đảng viên, cộng đồng xã hội. Người khẳng định:“Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra” (3). Trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, ứng xử với cộng đồng, thực hành dân chủ tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay. Đúng như, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không là ai chói ngợp, mới gặp lần đầu mà ai cũng cảm thấy thân thiết từ lâu” (4). Hồ Chí Minh là người suốt đời tranh đấu để đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội chủ nghĩa.
Nền văn hóa thống nhất giữa tư duy và hành động, nói đi đôi với làm. Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của lý luận đối với thực tiễn. Người khẳng định: thực tiễn mà không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng, khi đó thực tiễn không biết đi theo hướng nào, không biết đi về đâu, giống như con tàu giữa đại dương bao la lại không có la bàn. Người cho rằng, do kém lý luận, khinh lý luận hoặc lý luận suông mà nhiều cán bộ, đảng viên đã mắc phải bệnh chủ quan, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa. Vì thế, Đảng Cộng sản phải có một lý luận tiên phong, cán bộ, đảng viên phải nói đúng và làm theo đúng đường lối, chính sách của Đảng. Thống nhất giữa tư duy và hành động, giữa lời nói và việc làm trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh đã tạo nên “một lối làm việc mới, một phong cách làm việc mới, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức của một đảng cách mạng chân chính, của những người cán bộ, đảng viên thật sự vì nước, vì dân” (5).
Trong bối cảnh trên thế giới, khu vực, trong nước đang đặt ra nhiều thời cơ và thách thức đối với đất nước ta; các thế lực, thù địch ra sức chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống; cán bộ, đảng viên còn nhận thức mơ hồ, lệch lạc, phiến diện về chủ nghĩa Mác - Lênin; hoài nghi về đường lối đổi mới của Đảng. Văn hóa đạo đức, văn hóa lãnh đạo, quản lý chưa đạt chất lượng khoa học cách mạng của nền chính trị hiện đại. Đại hội XII của Đảng xác định: “Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn còn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Nhà nước” (6). Cho nên, việc quán triệt nội dung văn hóa chính trị của Người cho cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa có tính chiến lược lâu dài. Vì vậy, cần tập trung làm tốt một số yêu cầu sau:
Một là, xây dựng văn hóa Đảng, văn hóa lãnh đạo, quản lý. Theo Hồ Chí Minh, lãnh đạo có văn hóa tức là lãnh đạo theo lối dân chủ, bằng cái tâm, cái đức, bằng trí tuệ; lãnh đạo phi văn hóa là lãnh đạo theo lối quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Xây dựng văn hóa lãnh đạo là thực hiện được cùng một lúc hai nhiệm vụ: vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Mỗi chủ thể phải làm chủ được mình, phải ứng xử có văn hóa trong các mối quan hệ: đối với mọi người, đối với công việc và đối với bản thân. Ứng xử có lý, có tình, hài hòa, không nịnh hót cấp trên, không coi thường cấp dưới. Trong ba mối quan hệ đó, mỗi quan hệ đối với mình là khó nhất. Dưới góc độ Nhà nước, xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý là mỗi chủ thể phải tự ý thức được một cách đúng đắn nguồn gốc của vị thế quyền lực của bản thân mình. Bởi vì, quyền lực có tính chất hai mặt: văn hóa và phản văn hóa. Văn hóa là ở chỗ nó tạo nên sức mạnh để chuyên chính với kẻ thù của cách mạng, giữ vững và phát huy thành quả cách mạng. Phản văn hóa là ở chỗ nó làm cho chủ thể dễ bị tha hóa, lạm dụng quyền lực mà trở thành độc tài, mất dân chủ, quên đi cả cội nguồn quyền lực mà bản thân mình có.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên định và nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây không chỉ là mục tiêu chính trị đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với quy luật phát triển khách quan và xu thế thời đại đã được thực tiễn kiểm nghiệm mà còn là lý tưởng chính trị và là giá trị tư tưởng của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Xây dựng CNXH là quá trình lâu dài, nhưng là con đường và mục tiêu tất yếu nhân loại sẽ tiến đến. Ở Việt Nam, xây dựng CNXH là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của nhà nước. Do vậy, để sự nghiệp này đi đến đích, trước hết phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Đảng, nhà nước, lợi ích của nhân dân.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức cách mạng. Đây là cơ sở hàng đầu để người cán bộ, đảng viên suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc, là động lực để tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên quán triệt yêu cầu này rất cấp thiết để cán bộ, đảng viên phải là những biểu tượng về nhân cách văn hóa của sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc và là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Như Hồ Chí Minh đã dạy đạo đức là gốc của người cán bộ, có tài mà không có đức thì vô dụng, còn làm hại dân, hại nước.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, phương pháp và phong cách chính trị đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của thực tiễn cách mạng đặt ra. Yêu cầu này, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên có năng lực toàn diện, có phương pháp và phong cách công tác phù hợp, có khả năng nhận thức đúng đắn những vấn đề chính trị quốc tế và trong nước; có khả năng dự báo tình hình để trên cơ sở đó đưa ra các chủ trương, đường lối, các quyết sách chính trị đúng đắn, khoa học; có khả năng vận động, thuyết phục, đoàn kết, tập hợp, tổ chức thực tiễn và phát huy sức mạnh nội lực kết hợp với sức mạnh ngoại lực để hiện thực hóa các mục tiêu chính trị; có khả năng bao quát, nắm bắt và giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề chính trị cụ thể, các điểm nóng về chính trị và các xung đột xã hội.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo nâng cao trí tuệ, năng lực lãnh đạo của Đảng. Văn hóa không phải lĩnh vực đứng ngoài chính trị mà còn quan hệ mật thiết, phục vụ, thấm sâu, làm cho chính trị trở thành khoa học, cách mạng và nhân văn. Do đó, học tập và làm theo văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một yêu cầu cấp bách, sẽ là những yếu tố quan trọng để nâng cao hơn nữa tính văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay.
_____________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.276.
2. Hồ Chí Minh, sđd, tập 8, tr.161.
3, 5. Hồ Chí Minh, sđd, tập 5, tr.245, 698.
4. Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.17.
6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.74.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018
Tác giả : KHUẤT TRỌNG NAM