VĂN HÓA BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Văn hóa bảo vệ tổ quốc (VHBVTQ) là nguồn lực nội sinh để hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo vệ quyền sống, quyền bình đẳng, hạnh phúc của con người, bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia. Trong điều kiện hiện nay, VHBVTQ có nội hàm rất rộng, được phát triển, mở rộng cả về nội dung, tính chất. Đó là sự gặp gỡ, hòa quyện, kết tụ giữa truyền thống và hiện đại, ngày càng được nâng cao, phát triển, sáng tạo không ngừng, hình thành nên những giá trị VHBVTQ trong giai đoạn mới như: truyền thống yêu nước, tự lực tự cường, anh dũng bất khuất, quyết chiến quyết thắng; sự đoàn kết thống nhất ý chí, hành động của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Hiện nay, toàn cầu hóa kinh tế là xu thế tất yếu, không một quốc gia nào muốn phát triển lại có thể đứng ngoài quá trình đó. Tiếp cận theo góc độ VHBVTQ, toàn cầu hóa kinh tế là quá trình có tính hai mặt. Một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng không gian, đẩy nhanh quá trình giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, qua đó làm phong phú thêm nội dung và tính chất VHBVTQ. Mặt khác, toàn cầu hóa kinh tế đang bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chi phối lợi dụng, tạo điều kiện cho các cuộc hòa nhập văn hóa, xung đột giữa giá trị VHBVTQ với giá trị văn hóa phương Tây; giữa các giá trị độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, ý thức tự lực tự cường dân tộc với chủ nghĩa tự do, dân chủ, nhân quyền tư sản, làm ảnh hưởng đến tư tưởng, chính trị, quân sự, quan niệm bảo vệ tổ quốc. Cho nên, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để bảo tồn, phát huy những giá trị VHBVTQ là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Trước sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là về quân sự, làm thay đổi cơ bản tư duy về phương thức tiến hành chiến tranh. Chủ nghĩa đế quốc lợi dụng sự phát triển của khoa học và công nghệ để chế tạo và phát triển nhiều loại vũ khí mới, dẫn đến sự thay đổi về phương thức, phương tiện, sử dựng lực lượng, quan niệm giành thắng lợi trong tiến trình và kết thúc chiến tranh... Chủ nghĩa đế quốc có thể mở rộng quy mô chiến tranh, phạm vi xâm lược, làm thay đổi các trình tự chiến tranh, buộc đối phương phải huy động sức mạnh tổng hợp về kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa... Do đó, việc thay đổi quan niệm về phương thức bảo vệ tổ quốc, phải gắn liền với việc giữ gìn bổ sung, phát triển VHBVTQ.

Âm mưu diễn biến hòa bình thực chất là một quá trình làm biến dạng, phủ nhận các giá trị VHBVTQ. Sự tác động của nó chủ yếu bằng các biện pháp phi vũ trang, lấy sức mạnh mềm, bằng sự len lỏi vào từng lĩnh vực của đối phương để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, từng bước đưa hệ giá trị văn hóa phương Tây vào đời sống chính trị, tinh thần của nhân dân, buộc con người và xã hội đối phương phải chấp nhận hệ giá trị mới đó. Quá trình thực hiện diễn biến hòa bình, chủ nghĩa đế quốc có thể phá vỡ kết cấu, nội dung của các giá trị VHBVTQ của Việt Nam, tạo ra sự khác biệt và xung đột giá trị ngay trong hệ thống giá trị văn hóa của dân tộc, từ đó loại bỏ giá trị VHBVTQ. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta phải luôn đề cao cảnh giác, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới cũng đã và đang tác động mạnh tới VHBVTQ. Sự tác động này bao hàm cả mặt tích cực và tiêu cực. Đất nước qua 30 năm đổi mới, đã tạo điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần cho VHBVTQ phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình này đã xuất hiện một bộ phận nhân dân có nhận thức chưa đầy đủ về mối quan hệ giữa nhiệm vụ xây dựng đất nước với bảo vệ tổ quốc; giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng; giữa hội nhập kinh tế quốc tế với giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc; giữa nghĩa vụ và quyền lợi của công dân trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của nền văn hóa dân tộc nói chung và giá trị VHBVTQ trong giai đoạn cách mạng mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, lòng tự hào, vinh dự, trách nhiệm bảo vệ tổ quốc trong nhân dân

Các giá trị VHBVTQ muốn thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong mỗi gia đình, từng tập thể, trường học, các hoạt động kinh tế xã hội và trở thành lực lượng vật chất tham gia trực tiếp vào xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đòi hỏi trong công tác giáo dục, tuyên truyền cũng phải được đổi mới. Trước hết, cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nhất là các quan điểm của Nghị quyết Trung ương (khóa VIII), Nghị quyết Trung ương (khóa XI) về công tác văn hóa.

Giáo dục chủ nghĩa yêu nước để mọi người nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc kế thừa và phát triển chủ nghĩa yêu nước của dân tộc; xây dựng chủ nghĩa yêu nước trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản, phát huy bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân; kết hợp hài hòa giữa giáo dục lòng yêu nước với giáo dục ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết toàn dân. Nội dung giáo dục phải toàn diện, phong phú, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân, chủ động phòng ngừa, đánh bại diễn biến hòa bình và chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Thông qua việc giáo dục tạo ra bước phát triển mới về phẩm chất nhân cách của mỗi người, phát huy vai trò động lực của văn hóa trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Hai là, xây dựng môi trường văn hóa  xã hội lành mạnh trong các cộng đồng dân cư

Là một bộ phận trong chỉnh thể văn hóa  dân tộc, VHBVTQ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Do đó, để giữ gìn và phát huy giá trị VHBVTQ, phải đặt nó trong chỉnh thể của quá trình xã hội, quan tâm tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Ngày nay, xu thế mới của thời đại đòi hỏi chúng ta phải xây dựng tốt môi trường văn hóa, có chiến lược mới đúng đắn trong tiếp thu tinh hoa văn hóa trên thế giới để bổ sung, làm phong phú nền văn hóa dân tộc, trong đó có VHBVTQ; khai thác tốt các thành tựu khoa học và công nghệ, chủ động giao lưu và hội nhập văn hóa, không bị mất gốc, bị đồng hóa về văn hóa. Bởi lẽ, chính xu hướng toàn cầu hóa có thể gây phương hại tới tính sáng tạo, đa dạng của thế giới, tạo ra sự nhất thể văn hóa.

Để định hướng đúng đắn trong xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, tạo nền tảng văn hóa vật chất cho giữ vững độc lập dân tộc phải chống tụt hậu về kinh tế, lạc hậu về văn hóa; chống xu hướng tăng trưởng kinh tế thuần túy, không coi trọng đúng mức các mặt văn hóa xã hội; giữ vững định hướng trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa, chính trị, đạo đức, pháp luật...; khảo sát, đánh giá, phân loại có hệ thống các giá trị VHBVTQ gắn với nhu cầu cuộc sống; xác lập hệ thống các mối quan hệ xã hội tốt đẹp giữa các thành viên trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo; xây dựng và triển khai hệ thống các chương trình hoạt động văn hóa rộng khắp trong xã hội; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của môi trường văn hóa  phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Ba là, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, động viên toàn dân tham gia sáng tạo, phát huy giá trị VHBVTQ

Quần chúng nhân dân có vai trò to lớn trong sáng tạo ra các giá trị văn hóa. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (1). Do đó trong điều kiện hiện nay để giữ gìn và phát huy giá trị VHBVTQ cần phải quán triệt quan điểm nước lấy dân là gốc (2). Mở rộng dân chủ, nâng cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy ưu thế về nhân tố chính trị tinh thần, chủ động trong công tác giáo dục, tuyên truyền, cổ động, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc. Đảng ta khẳng định “kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân. Đó là đường lối chiến lược và nguồn sức mạnh, động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” (3).

Hiện nay, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc đặt ra nhiều yêu cầu mới. Để tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị VHBVTQ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đòi hỏi phải thấy được tính phức tạp, khó khăn của quá trình phát triển văn hóa bảo vệ tổ quốc; nhận rõ được âm mưu thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc lợi dụng phá hoại nền văn hóa dân tộc, tấn công ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó tư tương, văn hóa là trọng điểm để reo rắc quan điểm chính trị, tư tưởng, lối sống tư sản, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, truyền bá văn hóa đồi trụy, kích động bạo lực, tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm... Vì vậy, bảo vệ tổ quốc hiện nay phải bảo vệ các giá trị tốt đẹp trong nền văn hóa dân tộc, chống lại âm mưu xóa bỏ bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy sức mạnh đấu tranh tiềm tàng trong nhân dân.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn và phát huy giá trị VHBVTQ

Sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quyết định trong phát triển VHBVTQ của dân tộc. Đại hội XII khẳng định: “Phát triển bền vững văn hóa, xã hội gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân” (4), “phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Chủ động hợp tác giao lưu quốc tế về văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển” (5). Vai trò này được thể hiện thông qua việc Đảng định ra đường lối bảo vệ tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện. Nội dung của các đường lối là cơ sở để xác định tính chất và nội dung của VHBVTQ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, văn hóa bảo vệ tổ quốc Việt Nam thời kỳ mới, phản ánh quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của dân tộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Do đó, mục tiêu, tính chất, nội dung của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc do Đảng lãnh đạo quyết định mục tiêu, tính chất, nội dung VHBVTQ hiện nay.

VHBVTQ chỉ có thể phát huy được khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước thì mới có điều kiện bổ sung, tiếp biến và sáng tạo ra nhiều giá trị, được nâng lên một trình độ mới về chất đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Do đó, phải kết hợp chặt chẽ và đồng bộ các giải pháp để giữ gìn và phát huy tốt các giá trị văn hóa bảo vệ tổ quốc; thường xuyên giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức giác ngộ cách mạng của toàn dân, các tổ chức, ban ngành đoàn thể; chủ động xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh tạo tiền đề cho VHBVTQ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; khơi dậy sức mạnh toàn dân đoàn kết, tạo thành phong trào thi đua tích cực, chủ động giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn VHBVTQ trong điều kiện hiện nay.

_______________

1, 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.409, 276.

3. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.123.

4. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.

5. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.299, 303.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 - 2017

Tác giả : NGUYỄN DUY PHƯƠNG

;