Thực thi văn hóa pháp luật trên biển đối với cảnh sát biển Việt Nam hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc; xây dựng lực lượng cảnh sát biển Việt Nam ngày càng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chất chuyên nghiệp cao. Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, an toàn, trật tự và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam cùng các điều ước quốc tế trên các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam, đòi hỏi lực lượng cảnh sát biển Việt Nam phải có đầy đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn, nhất là năng lực thực thi văn hóa pháp luật. Ngày nay, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã lớn mạnh về tổ chức và lực lượng, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, luôn có mặt trên các vùng biển chủ quyền xung yếu; đủ khả năng độc lập thực thi pháp luật, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và phối hợp có hiệu quả với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ duy trì an ninh trật tự, quyền chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo của tổ quốc.
Trong suốt quá trình thực thi văn hóa pháp luật trên biển, mỗi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển luôn đề cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, kiên quyết, khôn khéo, linh hoạt, vững vàng trước những âm mưu, thủ đoạn xâm phạm chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. Đồng thời, trong quá trình đấu tranh, phải quán triệt, chấp hành nghiêm chủ trương, quan điểm của Đảng, không để xảy ra xung đột, bất lợi. Trên cơ sở đó, kiên quyết giữ vững chủ quyền lãnh thổ và giải quyết đúng đắn, hài hòa các quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của lực lượng cảnh sát biển. Kết quả trong 20 năm, các cơ quan chức năng của cảnh sát biển đã chủ trì biên soạn, xây dựng hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật; tham gia cùng các cơ quan, đơn vị xây dựng nhiều văn bản của Bộ Quốc phòng và lực lượng cảnh sát biển tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ cho lực lượng hoạt động đúng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.
Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức trên hàng nghìn lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, tiến hành kiểm tra trên 10 nghìn lượt tàu thuyền các loại, xử phạt vi phạm hành chính trên 5.687 lượt tàu thuyền… Phối hợp với các lực lượng điều tra, bắt giữ và xử lý 170 vụ có dấu hiệu vi phạm; khởi tố 40 vụ hình sự; bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 200 vụ; tịch thu nhiều tang vật. Phối hợp và trực tiếp điều tra, khám phá 941 chuyên án, vụ án, bắt giữ 1.768 đối tượng. Tham gia tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân làm ăn sinh sống trên biển được xác định là một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh của trái tim, là phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cảnh sát biển. Tổ chức tuyên truyền về biển, đảo, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển cho nhân dân và các lực lượng hoạt động làm ăn trên biển. Thông qua hoạt động trên đã tác động tích cực đến nhận thức, tâm tư, tình cảm của của mỗi cấp, ngành và nhân dân đối với lực lượng cảnh sát biển, làm cho các tổ chức, cá nhân, nhất là bà con ngư dân yên tâm bám biển làm ăn sinh sống, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân trên biển.
Lực lượng cảnh sát biển tuyên truyền, phổ biến pháp luật biển cho ngư dân.
Ảnh Mạnh Thường
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực thi văn hóa pháp luật, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, nhất là năng lực đấu tranh chống gian lận thương mại trên biển và các biểu hiện xâm phạm chủ quyền quốc gia. Tình hình đó đặt ra vấn đề cấp thiết là phải nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cảnh sát biển nhất là trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình trên biển Đông. Các thế lực thù địch vẫn tiến hành các hoạt động ngăn chặn, chống phá, xâm lấn với nhiều thủ đoạn khác nhau. Tàu thuyền của một số nước trong khu vực tiếp tục có những hoạt động trái phép như xâm phạm vùng biển nước ta để thăm dò dầu khí, đánh bắt trộm hải sản, cướp biển... Do đó, việc xây dựng cảnh sát biển Việt Nam trở thành lực lượng chuyên trách, có hiệu quả trong thực thi pháp luật trên biển là yêu cầu tất yếu khách quan, là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng, cần đặt ra những phương hướng sau:
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng thực thi văn hóa pháp luật của cảnh sát biển Việt Nam
Hiện nay, lực lượng thực thi văn hóa pháp luật trên biển được đào tạo ở nhiểu loại hình khác nhau. Những năm gần đây, công tác đào tạo cán bộ cảnh sát biển đã có những bước phát triển mới. Thực tiễn đó đã làm tăng thêm sự liên kết, gắn bó giữa nhà trường với đơn vị, vì nếu kết quả đào tạo ở nhà trường hạn chế thì sẽ khó khăn cho đơn vị trong sử dụng và bồi dưỡng cán bộ, nhưng nếu đơn vị không chủ động bồi dưỡng thì chất lượng đội ngũ cán bộ cũng không nâng lên được. Do đó, nâng cao chất lượng toàn diện, trong đó có năng lực thực thi pháp luật cần đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo ở nhà trường và chất lượng bồi dưỡng ở đơn vị. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phải luôn quan tâm đến các nội dung, thông tin mới, bổ sung những tri thức mới về pháp luật với nhu cầu thực tiễn vào nội dung dạy học. Cấp ủy, người chỉ huy ở các đơn vị cảnh sát biển cần phải nhận thức đúng sự cần thiết của vấn đề bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi pháp luật là một yêu cầu khách quan, thường xuyên. Bồi dưỡng nâng cao năng lực nói chung, năng lực thực thi pháp luật nói riêng phải bồi dưỡng toàn diện, bao gồm các luật, pháp lệnh, quy chế, quy trình hoạt động, kinh nghiệm thực tiễn liên quan trực tiếp đến cương vị chức trách của họ. Thông qua tập huấn giúp lực lượng thực thi pháp luật tự phát hiện cái cũ cần loại bỏ, kịp thời bổ sung những vấn đề mới. Tập huấn là hình thức bồi dưỡng tập trung mang tính cơ bản và tương đối ổn định hàng năm ở các đơn vị cấp vùng, hải đội. Đồng thời thường xuyên coi trọng tổng kết rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn huấn luyện, mỗi nhiệm vụ để khắc phục kịp thời những sai sót, lệch lạc về nhận thức và hành động, giúp lực lượng thực thi pháp luật có thêm những kinh nghiệm hay, bài học quý.
Tăng cường đầu tư, bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho cảnh sát biển Việt Nam
Để lực lượng thực thi văn hóa pháp luật thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, có năng lực chỉ huy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; cán bộ, chiến sĩ phải được chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt: chính trị, tinh thần, tâm lý, thể chất, trình độ kỹ chiến thuật, kỷ luật, vũ khí trang bị… để không ngừng nâng cao trình độ, kịp thời đập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc và duy trì thực thi pháp luật trên biển. Tăng cường vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại cho cảnh sát biển phải theo quy luật và sự phát triển của khoa học nghệ thuật quân sự, an ninh; dự đoán đúng đối tượng tác chiến, âm mưu thủ đoạn, phương thức phá hoại của đối phương. Cảnh sát biển phải được khẩn trương hiện đại hóa về cơ sở vật chất kỹ thuật, trước hết là các trang bị, vũ khí, phương tiện tàu thuyền của các vùng để có thể hoạt động dài ngày, trong mọi điều kiện khí hậu, thời tiết trên vùng biển, đảo của tổ quốc.
Trang bị vũ khí, phương tiện là yếu tố cơ bản thể hiện sức mạnh của lực lượng đồng thời cũng là để bắt kịp xu thế phát triển, phù hợp, tương thích với trang bị của các lực lượng phối hợp trong nước và hợp tác quốc tế. Quan tâm, đầu tư xây dựng theo hướng tiến thẳng lên hiện đại, trang bị thêm nhiều tàu thuyền và máy bay, nhất là các gam tàu có độ giãn nước lớn, hiện đại, có thể hoạt động dài ngày trong điều kiện thời tiết phức tạp, có khả năng hiệp đồng tác chiến cao. Tăng cường hệ thống chỉ huy điều hành và giám sát hiện đại, được trang bị vũ khí sát thương và phi sát thương đủ mạnh để thực thi pháp luật trên biển. Hệ thống các phương tiện quan sát, thông tin liên lạc cũng cần được nâng cấp để phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ huy và tuần tra, kiểm soát, xử lý các tình huống đột xuất. Những phương tiện trinh sát, kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ; cho việc thực thi pháp luật trên biển; thiết bị bảo đảm an toàn, cứu hộ, cứu nạn, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường biển… cần tiếp tục được chuẩn hóa. Đồng thời, cần tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng các trang bị, phương tiện hiện có một cách hiệu quả.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách đối với lực lượng thực thi văn hóa pháp luật
Chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho lực lượng thực thi văn hóa pháp luật cảnh sát biển vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vừa tạo ra môi trường lành mạnh góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất, tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt, thế mới là dân chủ, là đoàn kết, là tất thắng. Chính vì vậy, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần là trực tiếp tạo động lực thúc đẩy lực lượng thực thi pháp luật cảnh sát biển ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý chí quyết tâm cống hiến sức lực và trí tuệ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Do tính chất đặc thù về công tác của lực lượng thực thi văn hóa pháp luật trên biển, các đơn vị cần đảm bảo tốt các chế độ, tiêu chuẩn, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các bộ phận, đặc biệt chú ý đến bộ phận chuyên môn nghiệp vụ để lực lượng này phát huy vai trò trách nhiệm, tích cực sáng tạo làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chăm lo tổ chức đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội. Duy trì nghiêm chế độ khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo vệ sinh môi trường; kiểm tra đôn đốc bộ phận nuôi quân thực hiện tốt chế độ vệ sinh, an toàn thực phẩm, thường xuyên cải tiến món ăn, đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ ăn hết tiêu chuẩn.
Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy có liên quan để thực hiện Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, tương lai là Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Mọi hoạt động của đất nước, cũng như hoạt động lực lượng cảnh sát biển đều phải tuân thủ đúng pháp luật, thực hiện chính sách, luật pháp sẽ tác động không nhỏ, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực tới việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cảnh sát biển Việt nam. Vì vậy, giáo dục về pháp luật, pháp lệnh liên quan cần được đẩy mạnh. Mục tiêu đề ra là tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển phải hiểu và nắm chắc pháp luật của nước ta và luật pháp quốc tế có liên quan. Những kiến thức mà họ có được sẽ tạo thành nền tảng nhận thức đúng đắn trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Bốn là, phát huy cao nhất nỗ lực chủ quan của các chủ thể trong lực lượng thực thi văn hóa pháp luật hiện nay
Để không ngừng nâng cao năng lực thực thi pháp luật cùng với sự tác động của các lực lượng, các điều kiện bên ngoài cần phải có sự nỗ lực cao trong việc tự rèn luyện, tự phấn đấu của chủ thể. Nâng cao năng lực nói chung, năng lực thực thi pháp luật nói riêng luôn gắn với chủ thể xác định, phụ thuộc trực tiếp vào trạng thái tâm sinh lý, động cơ, tình cảm, ý chí, kinh nghiệm, tri thức, trình độ và phương pháp nhận thức của chủ thể. Dù môi trường xã hội thuận lợi hay khó khăn thì vai trò của chủ thể vẫn đóng vai trò quyết định trực tiếp trong nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cảnh sát biển Việt Nam. Do vậy, nếu chủ thể không có động cơ đúng, ý chí lập trường vững vàng, không yêu ngành, mến nghề, thiếu tri thức thì không thể nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của cán bộ, chiến sĩ và sự cần thiết nâng cao năng lực thực thi pháp luật, sẽ tạo cho lực lượng thực thi pháp luật của cảnh sát biển Việt Nam ý thức, trách nhiệm cao và khả năng huy động cao nhất những phẩm chất tâm lý, ý chí, quyết tâm vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, cần sử dụng nhiều hình thức, biện pháp giáo dục giúp lực lượng thực thi pháp luật nhận thức đúng đắn đặc điểm, yêu cầu, làm cho họ thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ, từ đó không ngừng phấn đấu vươn lên. Trên cơ sở đó, xây dựng cho họ có thái độ đúng đắn đối với việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật, coi việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật là trách nhiệm của mỗi người, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Kiến thức tiếp thu được trong quá trình đào tạo ở trường, lớp chỉ là những kiến thức rất cơ bản ban đầu, là nền tảng, cơ sở để nghiên cứu vận dụng giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn. Song, thực tiễn luôn luôn vận động phát triển, vì thế tự học, tự rèn là cách tốt nhất để chủ thể không ngừng bổ sung, củng cố và phát triển nâng cao trình độ tri thức, năng lực thực thi pháp luật của mình.
Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, nếu không tự học tập, tự rèn luyện cán bộ, chiến sĩ sẽ tụt hậu so với sự phát triển, năng lực sẽ bị giảm sút theo thời gian. Tự học tập, tự rèn nâng cao trình độ đòi hỏi vừa phải củng cố kiến thức cơ bản cập nhật kiến thức hiện đại, mở rộng kiến thức đa ngành, vừa đi sâu kiến thức chuyên ngành. Do vậy, dù đã được đào tạo cơ bản nhưng lực lượng thực thi pháp luật cần tiếp tục nghiên cứu những nguyên lý, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực nghiên cứu nắm vững chức trách, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, pháp lệnh hiện hành. Tự học tập, tự rèn của lực lượng thực thi pháp luật phải đặc biệt coi trọng tiếp thu những kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, chỉ huy, giải quyết các vấn đề mới nảy sinh.
Chất lượng tự học tập, tự rèn của lực lượng thực thi văn hóa pháp luật không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực, trách nhiệm, tinh thần tự giác của họ mà còn phụ thuộc vào sự quan tâm và tạo điều kiện của các tổ chức. Vì thế, về phía đơn vị cần đảm bảo cung cấp nguồn tư liệu, định hướng nội dung tự học hàng năm, có chế độ kiểm tra việc tự học, có chính sách khen thưởng khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian, môi trường tự học. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải chủ động xây dựng kế hoạch tự học để đăng ký với đơn vị, tự giác thực hiện kế hoạch, biết tận dụng thời gian để tự học, không học đối phó, không chủ quan, tự mãn, biết vượt qua những mặc cảm, những khó khăn.
Các nội dung, biện pháp trên đây là một thể thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau, đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của cấp ủy đảng, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị quản lý lực lượng thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển. Có như vậy, mới đảm bảo phát huy được vai trò của lực lượng thực thi pháp luật với bề dày truyền thống, xứng đáng với truyền thống kiên quyết, dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật trong hoạt động chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc hiện nay.
Tác giả : Nguyễn Đức Độ
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018