Tư duy sáng tạo (TDST) biểu hiện trình độ của con người trong quá trình nhận thức nhằm tìm ra bản chất, quy luật, nội dung, hình thức, phương thức hành động mới trên cơ sở tri thức, kinh nghiệm đã có, phù hợp với hiện thực khách quan và yêu cầu giải quyết những nhiệm vụ đặt ra. Nói cách khác, TDST nhằm tìm ra các phương án, biện pháp thích hợp để kích hoạt khả năng sáng tạo và để tăng cường khả năng tư duy của một cá nhân hay một tập thể cộng đồng làm việc chung về một vấn đề hay lĩnh vực. TDST có khả năng phản ánh đúng đắn sự vận động, phát triển của hiện thực khách quan, tạo ra tri thức mới về tự nhiên, xã hội và bản thân con người. Do đó, TDST sẽ là công cụ nhận thức khoa học và chỉ đạo, cải tạo hoạt động thực tiễn có hiệu quả nhất.
1. Vai trò TDST trong học tập
Đối với học viên đang học tập trong các nhà trường quân đội, TDST đặt cơ sở phương pháp luận khoa học để học viên không ngừng nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt để giải quyết tốt các vấn đề đặt ra, đồng thời giúp họ có phương pháp tư duy khoa học trong tiếp thu, lĩnh hội hệ thống tri thức quân sự, rèn luyện kỹ xảo, hình thành kỹ năng và biết cách tạo ra cách thức hoạt động, giải quyết những vấn đề mới có hiệu quả trong quá trình học tập cũng như hoạt động thực tiễn. Mục đích việc phát huy vai trò TDST trong quá trình học tập của học viên là giúp họ phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong lĩnh hội tri thức và rèn luyện phương pháp tư duy khoa học; biết vận dụng hệ thống tri thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn vào giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình học tập, qua đó góp phần hoàn thiện nhân cách học viên theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo của mỗi trường.
Vai trò TDST trong quá trình học tập của học viên được biểu hiện trên những nội dung sau:
Thứ nhất, TDST góp phần định hướng, điều chỉnh, nâng cao trình độ nhận thức và rèn luyện phương pháp tư duy khoa học của học viên. Quá trình học tập, học viên được trang bị những tri thức toàn diện như: tri thức khoa học cơ bản, tri thức khoa học cơ sở, tri thức khoa học xã hội và nhân văn, tri thức khoa học chuyên ngành quân sự… Những tri thức này trực tiếp góp phần hình thành và cũng cố kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, chuyên môn nghiệp vụ quân sự để họ có thể thực hiện tốt nhiệm vụ trên cương vị, chức trách được giao. Tuy nhiên, trong quá trình học tập để người học lĩnh hội, tiếp thu tri thức có hiệu quả, cần hình thành cho học viên phương pháp TDST, tức là người học phải vừa tư duy bằng trực quan, cụ thể, cảm tính và vừa phải tư duy bằng tư duy trừu tượng mang tính khái quát cao.
Với tư cách là một công cụ nhận thức khoa học, TDST có vai trò to lớn trong nâng cao trình độ nhận thức, lĩnh hội tri thức của học viên thông qua tiếp nhận và củng cố tri thức khoa học, trình độ chuyên môn, kỹ thuật quân sự, cũng như hoạt động thực tiễn sau này. Hơn nữa, TDST còn giúp học viên củng cố và phát triển thế giới quan duy vật, niềm tin cộng sản, phương pháp luận khoa học, nâng cao trình độ nhận thức chính trị, phát triển phẩm chất, năng lực ngay trong quá trình học tập một cách sâu sắc, bền vững. Do đó, việc phát huy vai trò TDST trong quá trình học tập sẽ góp phần rèn luyện phương pháp tư duy khoa học cho học viên một cách linh hoạt và sắc bén.
Thứ hai, TDST giúp học viên phát triển tư duy độc lập, nâng cao năng lực sáng tạo trong xử trí và giải quyết các tình huống đặt ra trong quá trình học tập. Hiện nay, do trình độ phát triển của thực tiễn quân sự luôn có sự vận động, biến đổi nhanh chóng và phức tạp, đòi hỏi mỗi học viên phải có kiến thức toàn diện, biết tích lũy kinh nghiệm; có sức mạnh của ý chí và óc sáng tạo; có trình độ tư duy khoa học, hiểu biết các quy luật vận động của chiến tranh và quân đội; có khả năng dự báo khoa học, linh hoạt, nhạy cảm với cái mới, biết ứng biến, phân tích, tổng hợp, phán đoán, suy luận để có quyết định đưa ra phương án xử trí chính xác, kịp thời các tình huống chiến thuật...
Thứ ba, TDST góp phần hình thành ở học viên phản xạ linh hoạt, mau lẹ, quyết đoán, kịp thời, chính xác trước những vấn đề thực tiễn quân sự đặt ra. Quá trình học tập và rèn luyện tại các nhà trường học viên phải thường xuyên tiếp xúc và giải quyết các tình huống cấp bách, những tình huống này luôn chứa đựng những mâu thuẫn và luôn vận động, biến đổi không ngừng. Thực tế cho thấy, môi trường sư phạm quân sự luôn diễn ra vừa nhân ái, vừa nghiêm khắc trong điều kiện khó khăn, căng thẳng và phức tạp buộc học viên phải thích ứng. Thực tế đó, có tác dụng xây dựng nhân cách và hình thành TDST, “giúp cho mỗi người kiểm soát được tình cảm của mình trong những tình huống phức tạp nhất”, đồng thời góp phần tạo ra sự thống nhất giữa ý chí và hành động, tạo ra những thế hệ học viên có trình độ chuyên môn giỏi, có phẩm chất đạo đức, lý tưởng và năng lực TDST cao, luôn hướng tới cái mới, biết giải quyết vấn đề bằng cách thức mới.
Như vậy, TDST có vai trò rất quan trọng đối với học viên giúp họ xác định đúng bản chất của TDST, vừa nâng cao kết quả học tập, rèn luyện; hình thành phẩm chất, tác phong công tác, sáng tạo trong xử trí các tình huống ngay trong quá trình học tập và thực tiễn công tác sau này. Do đó có thể nói, phát huy vai trò TDST của học viên trong quá trình học tập chính là “làm cho cái hay, cái tốt, cái đúng tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở thêm”.
Nhận thức đúng đắn vai trò TDST đối với việc phát triển, hoàn thiện nhân cách người sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong tương lai, những năm qua các nhà trường quân đội đã rất chú trọng phát huy vai trò TDST của học viên trong quá trình giáo dục, đào tạo, thông qua việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp sư phạm, nâng cao chất lượng giảng dạy, gắn lý thuyết với thực hành, kết hợp trang bị kiến thức với kinh nghiệm thực tiễn, tích cực ứng dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại.
Tuy nhiên, quá trình đào tạo hiện nay cho thấy, việc phát huy vai trò TDST trong quá trình học tập của học viên còn tồn tại những bất cập cần nhận thức và giải quyết. Không ít học viên còn thụ động, đối phó, thể hiện sự thiếu tích cực, chủ động, sáng tạo; tư duy giáo điều, dập khuôn theo tri thức có sẵn; tính linh hoạt, sáng tạo trong tư duy chưa rõ nét; hiện tượng học cầm chừng, học thuộc nhưng không hiểu bản chất, liên hệ vận dụng kiến thức vào thực tiễn còn hạn chế. Một bộ phận học viên tốt nghiệp về đơn vị cơ sở công tác chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong chỉ huy quản lý còn dập khuôn, máy móc, sách vở dẫn đến hiệu quả giải quyết công việc chưa cao. Việc đổi mới phương thức đào tạo ở một số nhà trường còn nặng về hình thức, nội dung chưa sâu, chưa sát với thực tiễn, cứng nhắc về phương pháp. Trong khi đó, thực tiễn ở các đơn vị cơ sở hiện nay đang đòi hỏi năng lực TDST của đội ngũ sĩ quan, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ở mức độ cao hơn. Do đó, cần phải có giải pháp để phát huy vai trò TDST của học viên ngay trong quá trình học tập, chú trọng chất lượng đào tạo gắn với phát triển trí tuệ, hình thành nền tảng tri thức, xây dựng năng lực tư duy trừu tượng, năng lực thích ứng, sáng tạo, chuẩn bị các kỹ năng, kỹ xảo và phát triển toàn diện nhân cách.
2. Phát huy vai trò TDST trong học tập
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các nhân tố của quá trình đào tạo, chủ động phát huy vai trò TDST của học viên trong quá trình học tập. Đây là giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát huy vai trò TDST trong quá trình học tập của học viên. Bởi lẽ, hiệu quả của giáo dục, đào tạo trước hết là quá trình tác động có mục đích của các tổ chức và các lực lượng nhằm phát triển phẩm chất, nhân cách quân nhân theo mô hình và mục tiêu, yêu cầu đào tạo đặt ra. Thực hiện giải pháp này, trước tiên cần tăng cường đổi mới sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp và các cơ quan chức năng trong việc phát huy vai trò TDST của học viên trong quá trình học tập; thực hiện chuẩn hóa các phương thức giáo dục theo quy chế, kế hoạch thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên nghiên cứu, mở rộng tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo... phát triển toàn diện và bảo đảm cho họ có đủ điều kiện, khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ khi ra trường.
Thực hiện giải pháp này, một mặt cần chú trọng mục tiêu chiến lược phát huy TDST của học viên vào xây dựng con người và tập thể quân nhân có văn hóa, tạo ra nếp sống văn minh, chính quy trong từng môi trường, từng đơn vị; mặt khác, cần thường xuyên coi trọng giáo dục, xây dựng ý thức tự giác, tích cực cho học viên; làm cho quá trình phát huy TDST của học viên hướng đích vào xây dựng các chuẩn mực trong học tập, rèn luyện, xây dựng đạo đức cách mạng, lối sống cao đẹp của cán bộ, giảng viên và học viên. Đồng thời, phải làm cho quá trình phấn đấu, tu dưỡng, tự giáo dục, rèn luyện TDST của mỗi cá nhân hướng theo những chuẩn mực thẩm mỹ, phẩm chất cao đẹp bộ đội cụ Hồ. Quá trình phát huy vai trò TDST của học viên cần chuyển hóa những gương điển hình tiên tiến về đạo đức, lối sống, về học tập và sáng tạo của cán bộ, giảng viên, học viên thành những giá trị văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, từ đó giúp học viên bồi bổ cảm xúc, nâng cao năng lực thẩm mỹ, phát huy năng lực sáng tạo trong học tập, rèn luyện, quyết tâm xây dựng “quân đội ta thành một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”.
Thứ hai, nâng cao tính tự giác, tích cực của học viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Chất lượng giáo dục, đào tạo của các nhà trường quân đội chính là kết quả tác động biện chứng giữa điều kiện khách quan của quá trình giáo dục, đào tạo với phát huy nhân tố sáng tạo chủ quan của học viên. Trong đó, các điều kiện khách quan của quá trình đào tạo dù tác động mạnh mẽ đến đâu cũng không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự “cộng hưởng” từ “nội lực” chủ quan của người học. Tự học tập, tự rèn luyện, tự đào tạo được coi là “chìa khóa vàng” của giáo dục, đào tạo, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích học viên tích cực, tự giác trong học tập, nghiên cứu khoa học, hình thành ở họ TDST và tác phong làm việc thẳng thắn, dám phê phán những thói hư, tật xấu trong học tập, rèn luyện...
Để thực hiện giải pháp này, cần coi trọng hoàn thiện, phát triển đa dạng hóa môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho học viên phát triển toàn diện cả về thể lực, trí tuệ, đạo đức, năng lực thẩm mỹ, kỹ năng, năng lực hoạt động thực tiễn quân sự, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trên cương vị được giao, luôn phát huy năng lực sáng tạo, say mê, nhiệt tình học tập, nghiên cứu khoa học, khắc phục mọi khó khăn vươn lên chiếm lĩnh tri thức mới, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo và những phẩm chất nhân cách cần thiết cho sự phát triển năng lực TDST của họ.
Việc phát huy TDST của học viên không chỉ dừng lại ở việc trang bị cho họ kiến thức, trình độ, năng lực sáng tạo, mà còn giúp họ biết sử dụng các sáng tạo đó vào quá trình suy nghĩ, giải quyết các mối quan hệ, vào các hoạt động hàng ngày và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Phát huy vai trò TDST trong quá trình học tập phải làm cho học viên hướng tới những giá trị tiến bộ, làm cho họ dám vạch trần, lên án, phê phán và đấu tranh chống lại những tư tưởng, hành động tiêu cực trong học và rèn như: lười học, học đối phó ngại rèn luyện, vô tổ chức, vô kỷ luật, sa vào cám dỗ của tệ nạn xã hội… Từ đó biến quá trình phát huy TDST thành quá trình tự giác, thành động cơ, thái độ đúng đắn trong tâm thức của cán bộ, giảng viên và học viên.
Để làm tốt nội dung này, cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ giảng viên phải thực sự quan tâm tổ chức giáo dục, tuyên truyền cho học viên; không ngừng tự nâng cao TDST để có đủ khả năng giáo dục, thuyết phục và uốn nắn học viên, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Các giảng viên phải liên tục đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, tạo sức hấp dẫn và khả năng chinh phục, lôi cuốn, làm cho học viên luôn hào hứng, say mê tìm kiếm, khám phá, sáng tạo cái mới… ngay trong quá trình học tập của mình. Đối với học viên, mỗi cá nhân phải tích cực học tập, nâng cao hơn nữa khả năng TDST, từ đó xác định thái độ, động cơ, trách nhiệm đúng đắn, khắc phục mọi khó khăn, chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, tích cực TDST góp phần xây dựng bản lĩnh chính trị và trí tuệ khoa học với ý nghĩa là một quá trình nhập thân văn hóa.
Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường sư phạm quân sự, tạo điều kiện thuận lợi để học viên phát huy vai trò TDST trong quá trình học tập. Xây dựng môi trường văn hóa, môi trường sư phạm sẽ góp phần phát huy vai trò TDST của học viên trong quá trình học tập, nhằm chuyển hóa hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo cần đào tạo thành các phẩm chất bên trong của người quân nhân cách mạng. Làm cho việc phát huy TDST không những thấm sâu vào chiều sâu nhân cách của học viên cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhận thức, tình cảm, ý chí, cũng như vào chiều sâu các quan hệ văn hóa như: tình đồng chí, đồng đội, quan hệ giữa cấp trên - cấp dưới, giáo viên - học viên, mà còn thấm vào hoạt động giáo dục, đào tạo và các mặt hoạt động khác; làm cho học viên được sống trong bầu không khí tươi vui, phong phú, đa dạng, được hưởng thụ cái đẹp từ chính môi trường văn hóa, môi trường sư phạm quân sự của nhà trường mang lại và từ chính những hoạt động sáng tạo mà họ tạo ra. Do đó, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của chủ thể giáo dục về vai trò, tầm quan trọng hai môi trường này đối với việc phát huy vai trò TDST trong quá trình học tập của học viên. Cần xác định xây dựng môi trường văn hóa, môi trường sư phạm là góp phần bồi dưỡng cho học viên “khả năng và trình độ… góp phần làm đẹp hơn lên cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập, sinh hoạt”, hình thành ở họ thái độ, tình cảm, niềm tin, đạo đức, thôi thúc ngọn lửa nhiệt tình và khát vọng được học tập, rèn luyện, nghiên cứu - sáng tạo, hoạt động - cống hiến và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
Thực hiện giải pháp này chính là đưa cái đẹp vào đời sống quân sự, xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh, giúp học viên vững vàng, kiên định trước mọi cám dỗ, cạm bẫy trong xã hội và sự lôi kéo của các thế lực thù địch, không sa vào lối sống buông thả, tự do, thực dụng, cơ hội, vị kỷ, cá nhân. Để thực hiện nội dung này cần làm cho phát huy vai trò TDST của học viên trở thành yếu tố bên trong điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mỗi học viên phù hợp với mục tiêu, lý tưởng; phù hợp với yêu cầu của quân đội và xã hội, từ đó giúp họ có ý thức, thái độ, động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, rèn đức, luyện tài, lập thân, lập nghiệp “để phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ là người làm chủ nước nhà”. Đây cũng là nội dung quan trọng để xây dựng nhà trường, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị - nhân tố tạo nên sức mạnh chiến đấu và bản chất cách mạng của quân đội, qua đó phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường của cán bộ, giảng viên, học viên trong dạy và học.
Phát huy vai trò TDST trong quá trình học tập của học viên hiện nay là một yêu cầu khách quan, một nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết, nhằm đào tạo ra những sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có đủ tri thức, phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, phát huy vai trò TDST trong quá trình học tập của học viên hiện nay là sự nghiệp chung của các nhà trường, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy thường xuyên quan tâm phát huy vai trò TDST của học viên trong quá trình học tập, xây đắp những giá trị văn hóa quân sự bền vững, cốt lõi trong nhân cách, hướng học viên tới các giá trị chân - thiện - mỹ, phát triển về trí tuệ, tinh thần, thể chất, gắn với phát triển TDST ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội, góp phần tạo ra sự đồng bộ cùng hướng tới phục vụ sự nghiệp xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại”, làm cho “bản chất cách mạng của quân đội thấm vào trong từng trái tim khối óc… của mọi quân nhân, biểu hiện ở sự giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội, ở hành động thực tiễn của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ”, quyết tâm học tập, rèn luyện, không ngừng hoàn thiện nhân cách, đạo đức lối sống, thực sự xứng đáng là bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 - 2017
Tác giả : PHẠM VĂN XÂY