VAI TRÒ NHÀ GIÁO TRONG XÂY DỰNG PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC HỌC VIÊN CÁC TRƯỜNG QUÂN ĐỘI

Trong các trường quân đội, đội ngũ giáo viên là bộ phận quan trọng, họ có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ cách mạng kế cận cho quân đội, cho Đảng. Họ góp phần trực tiếp, quyết định trong việc đào tạo những sĩ quan có sự phát triển toàn diện, nhân cách cao đẹp, trong sáng.

Cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh, phẩm chất đạo đức không phải là yếu tố bẩm sinh, không phải tự nhiên có sẵn; ngược lại, nó phải được xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên thông qua quá trình giáo dục. Như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (1). Bởi lẽ, quá trình giáo dục chính là quá trình tác động có mục đích, kế hoạch, định hướng, ảnh hưởng tích cực và chủ động đến sự hình thành, phát triển phẩm chất đạo đức của người học. Trong quá trình đó, người thày luôn đứng ở vị trí trung tâm và đạo đức nghề nghiệp của người thày có ảnh hưởng thường xuyên, trực tiếp nhất đến học viên.

Học viên trong các nhà trường quân đội là một bộ phận của thanh niên quân đội và thanh niên cả nước, có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới. Họ có những phẩm chất quý báu như: trẻ, khỏe, có trình độ nhận thức đồng đều, ham hiểu biết, cầu tiến, nhiệt tình, hăng say trong học tập, công tác; tích cực, tự giác trong rèn luyện; năng động, sáng tạo, nhạy bén với cái mới; có nhu cầu và động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, phấn đấu để trở thành người đảng viên, người sĩ quan phục vụ lâu dài trong quân đội. Đó thực sự là lực lượng có tiềm năng, bổ sung và kế tục cho đội ngũ cán bộ các cấp của quân đội, của Đảng; đóng vai trò xung kích trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quân đội.

Tuy nhiên, do đặc điểm tâm lý, lứa tuổi nên lực lượng này cũng có những mặt hạn chế nhất định, như: trình độ giác ngộ, ý thức tự giác chưa cao; tâm lý, bản lĩnh chưa ổn định; vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn quân sự còn ít… Nói cách khác, ở họ là những nhân cách chưa hoàn thiện. Trước những khó khăn, thách thức của cuộc sống, hoạt động quân sự; đặc biệt là trước những yêu cầu, đòi hỏi cao của các nhà trường quân đội… họ dễ bị dao động về lập trường, tư tưởng, dễ bị lôi kéo vào những thói hư tật xấu của xã hội. Những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của học viên. Điều này càng khẳng định rõ hơn, đầy đủ hơn vai trò của người thày trong việc định hướng, uốn nắn, giáo dục, bồi dưỡng nhằm bảo đảm cho sự hình thành đầy đủ, phát triển toàn diện phẩm chất đạo đức của học viên.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, đội ngũ trồng người trong các nhà trường quân đội đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình; cùng với các lực lượng làm công tác giáo dục trong toàn quân, đào tạo nên những thế hệ cán bộ, đảng viên ưu tú cho quân đội, cho Đảng; góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới. Hiện nay, để giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò to lớn đó, thiết nghĩ mỗi người thày giáo trong các nhà trường quân đội cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa truyền thụ kiến thức chuyên môn với giáo dục phẩm chất đạo đức của học viên

Mục tiêu giáo dục của các nhà trường quân đội là đào tạo nên những con người có sự phát triển toàn diện về cả phẩm chất và năng lực, cả đức và tài, trong đó lấy đức làm gốc. Do đó, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên cần kết hợp chặt chẽ giữa truyền thụ kiến thức chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn... với giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức cách mạng, tác phong, lối sống; giáo dục tinh thần yêu nước, lịch sử và truyền thống hào hùng của dân tộc, của quân đội và các quân - binh chủng. Mặt khác, xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho mỗi học viên, làm cơ sở để họ xem xét, đánh giá các vấn đề trong đời sống xã hội; xây dựng tình cảm trong sáng, thái độ và hành vi đúng đắn; tạo điều kiện cho họ rèn luyện, phấn đấu trở thành những con người sống có lý tưởng và hoài bão cao đẹp… đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Hai là, thường xuyên và tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để mỗi nhà giáo quân đội thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức cho học viên noi theo

Vị trí, vai trò và phẩm chất đạo đức của người thày đã được khẳng định và thừa nhận trong xã hội. Tuy nhiên, sự tôn vinh, kính trọng của xã hội đối với người thày không chỉ ở kiến thức hay tài nghệ sư phạm… mà quan trọng hơn cả là ở sự mô phạm về lòng yêu nghề, yêu trò và sự mẫu mực trong lối sống. Đối với đội ngũ trồng người trong các nhà trường quân đội, họ không những là người thày mà còn là người đồng chí, đồng đội, thậm chí là những đồng nghiệp với người học. Do đó, mỗi lời nói, việc làm, mỗi cách ứng xử và phương pháp truyền đạt; đặc biệt là sự gương mẫu trong tác phong, đạo đức, lối sống và nhân cách của người thày có ảnh hưởng rất sâu sắc đến sự hình thành, phát triển nhân cách của học viên. Thái độ ân cần, lời chỉ dẫn chân tình, ấm áp không những là một tấm gương giáo dục nghề nghiệp mà còn biểu lộ sự cảm hóa người học. Như Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (2). Vì vậy, với tư cách là nhà giáo dục, những “kỹ sư tâm hồn”, người đi xây dựng phẩm chất đạo đức, nhân cách của người khác thông qua đạo đức của chính mình, các thày giáo trong nhà trường quân đội cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, nhân cách, phẩm chất cao đẹp.

Ba là, mỗi nhà giáo quân đội phải không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt và năng lực quản lý, đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục đào tạo

Trong những năm qua, sự phát triển của các nhà trường quân đội cũng đồng nghĩa với sự phát triển và trưởng thành của đội ngũ giáo viên. Sự trưởng thành đó được biểu hiện ở sự vững vàng về bản lĩnh chính trị, có hệ thống kiến thức chuyên môn và trình độ lý luận, có niềm tin và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trước yêu cầu của nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà và sự nghiệp xây dựng quân đội trong thời kỳ mới; đặc biệt là trước những đòi hỏi ngày càng cao, những yêu cầu chính đáng của học viên, người thày phải không ngừng học tập và tự học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, phải luôn tìm tòi, sáng tạo và đổi mới trong nghiên cứu, giảng dạy. Bản thân họ phải luôn làm mới chính mình bằng những tri thức, thông tin mới; cần thuyết phục người học bằng chính sự uyên bác về kiến thức chuyên môn, bằng trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, nhất là thực tiễn quân sự. Chỉ có trên cơ sở đó mỗi học viên mới vững tin ở đội ngũ giáo viên, mới có khả năng biến những tri thức thành lý tưởng, niềm tin và lẽ sống của mình.

Bốn là, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục khác, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý học viên để có biện pháp định hướng, giáo dục và điều chỉnh kịp thời, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện phẩm chất đạo đức của học viên

Trong các nhà trường quân đội, tham gia vào công tác giáo dục đào tạo nói chung và công tác giáo dục, rèn luyện học viên nói riêng không chỉ có đội ngũ giáo viên, mà còn có sự tham gia, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ của các lực lượng như là cán bộ ở các phòng ban, hệ, tiểu đoàn…; trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý học viên giữ vai trò rất quan trọng. Đó là những người trực tiếp quản lý, rèn luyện học viên về mọi mặt (3); là lực lượng thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với học viên; do đó, họ cũng là những người có ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành và phát triển phẩm chất đạo đức của người học viên. Để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện phẩm chất đạo đức của học viên ở các nhà trường quân đội, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý học viên; gắn kết quả học tập với việc tu dưỡng, rèn luyện của học viên; gắn trách nhiệm của người học viên với trách nhiệm của người đảng viên, người đoàn viên. Phối hợp đưa học viên tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào, hoạt động tập thể như: xung kích tình nguyện, dân vận, kết nghĩa… Thông qua các hoạt động đó mỗi học viên sẽ có điều kiện giao lưu, học hỏi và thể hiện phẩm chất đạo đức cũng như năng lực cá nhân; đồng thời, cũng thông qua đó đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý có thể phát hiện ra những hạn chế, thiếu sót hay những lệch chuẩn trong phẩm chất đạo đức của học viên để kịp thời đưa ra những biện pháp uốn nắn, điều chỉnh. 

_____________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.612.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.284.

3. Bộ Quốc phòng, Điều lệ Nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.4. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : NGUYỄN ĐÌNH DƯƠNG

;