Phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, xuất phát từ cuộc vận động xây dựng đời sống mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng tới công tác vận động nhân dân xây dựng đời sống mới, để xóa bỏ dần những tàn dư lạc hậu, đồng thời giáo dục nhân dân tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, cũng là giáo dục nhân dân về tính ưu việt của chế độ xã hội mới và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng, đối với xã hội. Ngày 3-4-1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập; ngày 20-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương đã xuất bản tác phẩm này và coi đây là tài liệu tuyên truyền học tập của các cấp chỉ đạo và của toàn dân về xây dựng đời sống mới.
Trên cơ sở đó và để thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 3-5-1995, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tri 04 hướng dẫn triển khai cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sau này đổi thành Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xác định: phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào.
Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc phát động và tổ chức hiệp thương cùng các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện đã đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt của đời sống xã hội, thể hiện tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Cuộc vận động đã được các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể quan tâm hưởng ứng và thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tạo nên sự thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những năm qua, việc thực hiện cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong thực tiễn: đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn khu dân cư; đã khơi dậy truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh… Kết quả của cuộc vận động đã góp phần quan trọng cùng Nhà nước thực hiện đường lối của Đảng về công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019, đã chỉ rõ: Cả nước đã có 17.168.976 gia đình đạt chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ trên 60%; 66.801/105.366 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 63,34%. Tỉnh Quảng Nam triển khai mô hình tộc văn hóa, 5 đoàn kết, 3 trong sạch. Tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch 3 không (khu dân cư: không có tội phạm, không ô nhiêm môi trường, không vi phạm hương ước xây dựng nếp sống văn hóa). Thành phố Đà Nẵng tổ chức phong trào xây dựng thành phố 5 không và 3 có. Tỉnh Quảng Ngãi xây dựng điểm sáng khu dân cư 6 không, họ tộc 3 không, mô hình 3 giảm, 4 giữ. Các mô hình tự quản về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội được nhân rộng ở nhiều địa phương như tổ liên gia, tổ tự quản, trong đó tiêu biểu là mô hình gia đình, dòng họ tự quản. Thành phố Hà Nội với phong trào vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; tỉnh Bình Phước với chương trình 5 giảm; tỉnh Đồng Nai với chương trình 4 giảm (tội phạm, ma túy, mại dâm, tai nạn giao thông); tỉnh Hưng Yên phát động phong trào thi đua xây dựng khu dân cư 3 không (không tội phạm, ma túy, mại dâm) gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tỉnh Bình Dương thực hiện mô hình chủ nhà trọ văn hóa; 50% phường xã ở Bắc Giang có mô hình tự quản về trật tự an toàn xã hội…
Cuộc vận động cũng đã góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng các dân tộc; khơi dậy tình yêu thương, giúp đỡ của người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng chăm lo, giúp đỡ người nghèo, tạo điều kiện người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Cùng với các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ quỹ Vì người nghèo và hoạt động an sinh xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp đã vận động nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, vùng kinh tế khó khăn một cách thiết thực, góp phần chia sẻ trách nhiệm với các cấp chính quyền và thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm lo giúp đỡ người nghèo. Cuộc vận động còn thể hiện sự hưởng ứng tích cực mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về xóa đói, giảm nghèo, đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế thông qua các hoạt động, dự án giúp cho người nghèo, vùng khó khăn. Kết quả cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển bền vững của đất nước.
Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; ngày 15-11-2015, tại lễ Kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Một là, toàn dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng
Toàn dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp; thực hiện quy hoạch và chỉnh trang khu dân cư; hiến đất, góp công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và đường bê tông trong khu phố. Các hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Vận động người thân ở xa quê đóng góp xây dựng quê hương. Từ hỗ trợ của quỹ Vì người nghèo, các chương trình, dự án và hỗ trợ từ cộng đồng giúp các hộ nghèo nâng cấp nhà ở, cải thiện đời sống.
Ở nông thôn, nhân dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; tham gia liên kết với hợp tác xã và với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh và hiệu quả cao; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phát huy nghề truyền thống của địa phương; tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Ở đô thị, nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch đô thị; phát triển, đa dạng hóa ngành nghề dịch vụ và sản xuất kinh doanh, bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống; xây dựng văn minh và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không bán hàng không có xuất xứ theo quy định của pháp luật, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hai là, toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái
Thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các vùng, miền, bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; tích cực học nghề và phát triển nguồn nhân lực, tích cực xây dựng xã hội học tập. Tích cực tập luyện thể dục, thể thao; phòng chống các dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe; mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Ba là, toàn dân đoàn kết, tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp
Tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; trồng cây xanh; xây dựng các mô hình cổng nhà sân vườn, đường làng ngõ xóm, khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp.
Bốn là, toàn dân đoàn kết, chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội
Thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng; sống và làm việc theo pháp luật, tích cực phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, không vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, về an toàn thực phẩm. Phát huy vai trò các tổ hòa giải, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ nhân dân, tạo không khí hòa thuận ở khu dân cư.
Năm là, toàn dân đoàn kết, phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tích cực tham gia góp ý với cán bộ đảng viên, với chi bộ, chi đoàn, chi hội các đoàn thể trong các cuộc họp khu dân cư và sinh hoạt đoàn thể; giám sát chính quyền xã, phường trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tích cực đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên; đấu tranh với các phần tử lợi dụng dân chủ, có hành vi gây rối trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018
Tác giả : NGUYỄN HỮU TUẤN