Vai trò của hương ước làng, xã trong tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

     Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, nhiều nền văn hóa đã thâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, hình thức, biện pháp khác nhau, làm cho một số giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị ảnh hưởng, lợi dụng. Song, có những giá trị văn hóa cốt lõi, không dễ lợi dụng hay chịu sự tác động từ bên ngoài, đó là những hương ước, quy ước của làng, xã, thôn, ấp đã được cộng đồng xây dựng dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

 

     Hương ước hiểu theo nghĩa chung nhất là những quy ước, điều lệ của một cộng đồng người chung sống trong một khu vực, được hình thành, phát triển từ thực tiễn cuộc sống lao động sản xuất, từ những mối quan hệ trong xã hội, từ yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các hương ước làng, xã, thôn, bản, ấp xuất hiện từ TK XV, dưới triều đại phong kiến nhà Lê. Các triều đại sau đó tiếp tục sử dụng, khai thác các hương ước đó một cách hiệu quả, triệt để nhằm duy trì, quản lý mọi hoạt động của đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, các quy phạm xã hội không mang tính cưỡng chế cao như quy phạm pháp luật, song nó vẫn có giá trị bởi có sự kết hợp giữa cưỡng chế với sự tự nguyện, xử phạt với giáo dục, răn đe với thuyết phục. Trong bản hương ước làng Hùng Nhĩ - tổng Cự Thắng Châu Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ở phần đầu mở đầu đã nêu rõ mục đích: “Làng có hương ước cũng như nước có luật lệ không giữ được hòa bình cho nước trong mọi làng không có khoán ước không giữ được nền trật tự cho làng. Cho nên đã có nước phải có luật, đã có làng phải có khoán ước, làng từ cổ phong tục khoán lệ đã có rồi nhưng phần lớn là truyền miệng, không có điều gì làm quy định, làm chuẩn đích vả lại nay phong hóa ngày một thay đổi lại cho hợp trình độ nhân tình, vì vậy đồng xã hội hợp tác công đình châm chước những tục lệ cổ, điều nào nên theo thì để, điều nào dở thì sửa lại”.

     Ngày nay, có thể khái quát vai trò của hương ước làng, xã trong tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên những vấn đề chính yếu cơ bản sau:

     Thứ nhất, đó là một trong những hình thức để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Để duy trì, quản lý xã hội có hiệu quả thì ngoài hệ thống pháp luật, đòi hỏi chúng ta cần có sự kết hợp chặt chẽ với hệ thống các thiết chế xã hội khác trong đó có những hương ước, quy ước. Nó thể hiện ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội, có tác dụng sâu sắc trong việc khơi dậy tình yêu thương giữa con người với nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đồng thời, tham gia giám sát mọi hoạt động của chính quyền địa phương. Những ý kiến, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân sẽ được phát huy thông qua sinh hoạt, hội họp nếu phù hợp với hương ước của làng, xã. Nhân dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến về xây dựng, tu bổ, tôn tạo đình làng, chùa chiền, hệ thống đường liên thôn, liên xã, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa.

     Trong giai đoạn hiện nay, hương ước, quy ước đã trở thành công cụ quan trọng để nhân dân có thể tham gia vào việc giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở về thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nó góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, đấu tranh đẩy lùi những hiện tượng áp đặt chủ quan, cá nhân chủ nghĩa, không mang tính cộng đồng làng. Ở nhiều địa phương, các thôn, làng, khu dân cư đã chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa, như: thanh niên nam, nữ kết hôn đúng tuổi quy định; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; vận động nhân dân xây dựng các quỹ Đền ơn, đáp nghĩa, Vì người nghèo, Khuyến học… Một số quy định của hương ước cũng đã được lồng ghép vào các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới” thu hút được số đông nhân dân hưởng ứng tham gia…

     Thứ hai, hương ước góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và dân tộc. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống, nền nếp gia phong của gia đình, dòng họ luôn được đặt lên hàng đầu. Theo đó, ông bà phải sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con cháu trở thành người có ích cho xã hội; còn con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ… Hàng xóm láng giềng đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất. Tại nhiều địa phương, đám cưới, đám tang, mừng thọ đã tổ chức tiết kiệm, đơn giản, không phô trương, hình thức. Vệ sinh môi trường ở các địa phương, nhất là khu vực nông thôn và miền núi được quan tâm triển khai thực hiện nên đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ, có rãnh thoát nước đảm bảo hợp vệ sinh. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đưa vào nội dung quy ước, hương ước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều thôn, làng, khu phố không có người sinh con thứ ba; trẻ em được đến trường học tập đúng độ tuổi; hạn chế tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng…

     Thứ ba, hương ước góp phần bài trừ các hủ tục lạc hậu, hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương. Nhiều hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người như tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; lăn huyệt, gọi hồn, yểm bùa khi tổ chức đám tang… đã được loại bỏ. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cùng với việc giao lưu văn hóa là quá trình gìn giữ những nét văn hóa riêng của dân tộc. Hương ước được xây dựng lên còn có vai trò như một lá chắn để thanh lọc những mặt tiêu cực của văn hóa ngoại lai khi du nhập vào Việt Nam.

     Để phát huy vai trò của hương ước làng, xã trong tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở hiện nay cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản như:

     Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy những hương ước, quy ước làng, xã. Quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra những tục lệ, quy định trở thành những hương ước, quy ước thì họ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ nó. Tuy nhiên, sự bảo vệ này đặt trong xu thế phát triển của thời đại, phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán của địa phương, vùng, miền, chứ không phải là bảo thủ, cố chấp, bất di bất dịch. Các cơ quan, ban, ngành có liên quan và quần chúng nhân dân cần nhận thức rõ giá trị của hương ước để duy trì, quản lý trật tự xã hội, khôi phục, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

     Nhà nước, đặc biệt là của cơ quan chuyên trách của Bộ VHTTDL, Bộ Tư pháp cần phải tăng cường quản lý đối với hương ước làng xã. Có những quy định cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng đối với những hương ước văn minh, tiến bộ vì sự phát triển của cộng đồng dân cư. Đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với quy định đã trở nên quá lỗi thời, lạc hậu không phù hợp với xã hội, kìm hãm sự phát triển của con người, không đem lại lợi ích cho cộng đồng dân cư, có biểu hiện của mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Sự quản lý của Nhà nước cần được cụ thể hóa, thể chế hóa thành những văn bản, chỉ thị, hướng dẫn đối với từng hương ước ở những địa bàn, khu vực, vùng, miền khác nhau. Trên cơ sở đó, các địa phương tiến hành rà soát, đối chiếu đối với những hương ước đang tồn tại hoạt động có đúng với quy định, hướng dẫn của cơ quan, chức năng không, nếu đúng thì tiếp tục duy trì, phát triển, nếu chưa đúng thì chấn chỉnh từng bước loại bỏ.

     Có cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý, hiệu quả đối với các hương ước, quy ước làng, xã bằng cả vật chất, tinh thần để động viên, khích lệ bô lão, già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia bảo tồn, phát triển. Nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn, nhất là việc nắm giữ, hướng dẫn tổ chức thực hiện mỗi khi có sự kiện, tình huống xảy ra một cách chặt chẽ, nghiêm túc.

     Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã khẳng định: “Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng”. Vì thế, giữ gìn và phát huy vai trò của hương ước làng, xã đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, những giá trị tốt đẹp của hương ước cần được hòa thuận, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

 

Tác giả: Ngô Văn Sỹ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

 

;