Từ khi hình thành đến này, lễ hội thành Tuyên luôn gắn liền với tết trung thu của đất nước. Lễ hội này được người dân thành phố Tuyên Quang chuẩn bị trước hàng tháng với niềm háo hức cho những đêm hội trăng rằm với nhiều hoạt động trình diễn sôi nổi. Chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân luôn quan tâm để tham gia vào các hoạt động chuẩn bị các mô hình đèn, trình diễn nghệ thuật, hay đăng tải các thông tin, hình ảnh về lễ hội trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… để người dân trong cả nước quan tâm, tìm đọc. Vào ngày hội, người dân sinh sống ở thành phố Tuyên Quang sẵn sàng gác lại mọi công việc để đến với lễ hội thành Tuyên, hòa mình vào sắc màu đường phố… làm cho sức sống của lễ hội lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.
1. Cộng đồng cư dân trong việc tạo nên lễ hội thành Tuyên
Do khởi phát từ mong muốn đem đến cho thiếu nhi một đêm rằm trung thu vui tươi, ý nghĩa, người dân trên địa bàn phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang đã cùng nhau góp công sức, tài chính để tạo ra những mô hình đèn thật to, thật đẹp để mọi người, đặc biệt là trẻ em trong phường được vui chơi trong đêm hội trung thu. Nhiều gia đình ở thành phố Tuyên Quang đã trang trí, cắt dán hình các con thú, kéo dọc theo các tuyến phố để phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em. Qua mỗi năm, các mô hình đèn trung thu với những hình thù đa dạng lại lan rộng tới các phường, xã của thành phố. Hình thức tổ chức vui tết trung thu ngày càng mở rộng và quy mô hơn. Các tổ, xóm đua nhau, sức sáng tạo của người dân cũng vì thế được phát huy không ngừng... Về số lượng mô hình đèn, từ khoảng gần 20 mô hình được làm trong những năm đầu, cho đến nay con số đã lên đến khoảng 150 mô hình. Theo bà Nguyễn Thị Hòe, Bí thư Chi bộ tổ 21 cho biết: hàng năm, trước khi diễn ra lễ hội này, chúng tôi họp tổ dân phố thông báo về nội dung làm mô hình, các hộ dân đều nhất trí ủng hộ. Mọi người cùng bàn bạc về mức đóng góp, ủng hộ kinh phí, rồi nhanh chóng bắt tay vào làm mô hình để các cháu được đi chơi trong các ngày trước, trong và sau hội. Ngoài mức đóng góp tối thiểu là 150 nghìn đồng/hộ đối với mỗi gia đình là Đảng viên gương mẫu đóng góp tối thiểu là 200 nghìn đồng. Nhiều hộ còn tự nguyện đóng góp từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.
Theo khảo sát, tại tổ 19, phường Phan Thiết, mỗi đoàn thể được phân công nhiệm vụ cụ thể: phụ nữ phụ trách việc hậu cần, Đoàn Thanh niên phụ trách việc khuân vác, hàn, xì, các bác trong Chi hội Người cao tuổi thường xuyên đến động viên tinh thần, đóng góp ý kiến để mô hình được hoàn thiện hơn... Theo ông Dương Công Thành, Bí thư Chi bộ tổ 19: có những đêm thấy mọi người làm vất vả, các chị em phụ nữ lại cùng nhau nấu nước chè, chuẩn bị hoa quả động viên tinh thần mọi người. Những việc làm như vậy đã khiến mọi người trong tổ dân phố xích lại gần nhau hơn.
Trong ba năm trở lại đây (từ 2015 đến nay) có trên 100 mô hình đèn trung thu của các tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang tham gia, kinh phí đều do người dân đóng góp và ủng hộ. Theo ông Trương Đức Tiến, Trưởng phòng VHTT thành phố Tuyên Quang cho biết: lễ hội Thành Tuyên hiện nay có được kết quả trên là bởi người dân luôn đóng vai trò là chủ thể sáng tạo. Mỗi mô hình là một sự sáng tạo độc đáo mà các bậc cha mẹ của các em thiếu nhi gửi gắm tất cả tâm huyết, trí tuệ để làm nên một lễ hội Thành Tuyên lộng lẫy, lung linh sắc màu.
Những chiếc xe mô hình đèn Trung Thu trong lễ hội Thành Tuyên. Ảnh Tuấn Minh
2. Cộng đồng cư dân góp phần tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ của lễ hội thành Tuyên
Từ năm 2014, lễ hội Thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến với thành phố Tuyên Quang. Lễ hội độc đáo này được sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam. Từ năm 2015 đến năm 2017, lễ hội được tổ chức gắn với nhiều sự kiện văn hóa lớn như: Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính của các tộc người Tày, Nùng, Thái toàn quốc; chương trình hợp tác phát triển du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc, chương trình Liên hoan văn hóa văn nghệ, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16… Các chương trình này thu hút đông đảo cộng đồng cư dân và khách du lịch tham dự, tạo ra không khí đông vui, tấp nập trong ngày hội.
Năm 2017, cùng với các hoạt động của Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc, lễ hội Thành Tuyên còn có thêm nhiều hoạt động như trưng bày, giới thiệu nét ẩm thực đa dạng, phong phú của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; trình diễn giới thiệu trang phục tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt; biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động vui đón trung thu; các hoạt động thể thao như: giải quần vợt Tân Trào mở rộng, giải bóng bàn tỉnh Tuyên Quang; các hoạt động du lịch, tour tham quan danh lam thắng cảnh, di tích và điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Đêm hội Thành Tuyên có nhiều hoạt động được các em thiếu nhi và du khách mong đợi nhất của lễ hội Thành Tuyên tổ chức vào tối ngày 30-09-2017 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang. Trong đêm hội có khoảng 100 xe mô hình đèn Trung thu đẹp nhất, ý nghĩa nhất được chọn lọc từ hàng trăm xe mô hình của thành phố Tuyên Quang cùng với xe mô hình đại diện của các huyện tham gia theo lộ trình từ Quảng trường Nguyễn Tất Thành đến các tuyến phố chính của thành phố Tuyên Quang. Theo chị Phan Thị Trung Kiên (huyện Lục Yên, Yên Bái) cho biết: các mô hình đèn được mô phỏng theo nhiều hình tượng đặc sắc của quê hương. Đẹp và ấn tượng hơn cả là hình ảnh Bác Hồ kính yêu bên bà con dân tộc thiểu số, hình tượng chú bộ đội, chú hải quân hiên ngang canh giữ đất trời…
Theo khảo sát, từ năm 2015 đến 2017, lễ hội còn có mô hình của cộng đồng cư dân sinh sống ở các huyện khác trong tỉnh Tuyên Quang cùng tham gia. Điển hình như huyện Hàm Yên với mô hình cam sành - một đặc sản của huyện đã lọt vào top 10 loại trái cây ngon nhất Việt Nam; huyện Nà Hang với mô hình hũ rượu ngô đã đạt kỷ lục Guiness Việt Nam; huyện Chiêm Hóa với mô hình chiếc cọn nước khổng lồ… Lễ hội là dịp giới thiệu với du khách thế mạnh phát triển kinh tế, cũng như cơ hội để quảng bá những tiềm năng du lịch, những sản phẩm độc đáo mà địa phương đang có.
3. Cộng đồng cư dân khai thác du lịch trong lễ hội thành Tuyên
Theo khảo sát về khai thác địa điểm lưu trú, phục vụ khách du lịch đến với lễ hội Thành Tuyên cho thấy, tại thời điểm cách một tháng trước đó hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn đều trong tình trạng cháy phòng. Ngoài ra, tỉnh còn có thêm loại hình du lịch homestay, tour du lịch trải nghiệm Trung thu Tuyên Quang tại vùng ven thành phố.
Hiện nay, các công ty du lịch đã đưa lễ hội Thành Tuyên vào trong lịch trình tour du lịch khám phá cho du khách. Trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… đều công bố các thông tin du lịch về lễ hội Thành Tuyên, nhận được sự quan tâm của cộng đồng cư dân trong cả nước. Ngoài ra, các thông tin đăng tải trong các trang web như Vietvisiontour.com, Vietrantour.com, Vietnamdulich.com, Vietnamtourism.go.com, hdtour.com… đều đề xuất các tour du lịch khám phá đêm hội trung thu Tuyên Quang cho du khách nghiên cứu và lựa chọn. Theo lãnh đạo Sở TTDL, thành phố Tuyên Quang đã đón một lượng khách lớn mỗi dịp lễ hội Trung thu Tuyên Quang, thu hút sự quan tâm của đông đảo báo giới, nhân dân trong nước và quốc tế... Ước tính trung thu năm 2017, thành phố Tuyên Quang đón 70 nghìn lượt du khách, trong đó có nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Pháp...
Trong những năm qua, việc tổ chức thành công lễ hội Thành Tuyên có vai trò to lớn của cộng đồng cư dân thành phố Tuyên Quang và các huyện quanh thành phố. Cộng đồng đóng vai trò là chủ thể sáng tạo và cùng với người dân trong cả nước hưởng thụ các giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của lễ hội này. Lễ hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, quần chúng gặp gỡ, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Dao trong thời kỳ mới của đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, lễ hội còn là dịp để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về truyền thống văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch; hình ảnh đất và người Tuyên Quang - thủ đô khu giải phóng, thủ đô kháng chiến tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Tác giả: Nguyễn Thị Thương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018