Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa là mảnh đất lưu lại những dấu ấn đậm nét về lịch sử và văn hóa. Người Thanh Hóa dũng cảm, kiên cường, cần cù và sáng tạo đã hun đúc, bồi đắp, tạo dựng nên nền văn hóa truyền thống xứ Thanh phong phú nhiều sắc màu, dáng vẻ, hương vị… Trong đó phải kể tới những sản vật có giá trị.
Trước hết phải kể tới sản phẩm truyền thống bằng đá. Thanh Hóa có nguồn nguyên liệu đá quý, mà đặc biệt là đá ở núi Nhồi (thuộc xã Đông Hưng, Đông Tân, huyện Đông Sơn). Chất đá ở núi Nhồi nổi tiếng là quý hiếm, không nơi nào có được. Sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh biếc như khói nhạt, tiếng đá vang trong. Đá núi Nhồi làm khánh kêu ngân vang như tiếng chuông và tiềm ẩn cả niềm thiêng vì hình sông thế núi, cảnh vật thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Trên đỉnh núi Nhồi lại có hòn Đá Vọng Phu: “Vọng Phu trẻ mãi không già/ Thủy chung đứng đó biết là chờ ai?”. Đại thi hào Nguyễn Du còn hoài nghi và trải lòng mình cùng Vọng Phu: “Đá chăng? Người đó? Chí đây?/ Một mình trên ngọn núi này ngàn năm…”. Quần thể cảnh vật núi Nhồi đã lay động hồn người: “Nhìn núi Nhồi bồi hồi trong dạ”.
Những bàn tay tài hoa của người thợ đục, chạm khắc đá làng Nhồi đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bằng đá tuyệt mỹ, mang hơi thở của cuộc sống và dấu ấn của lịch sử. Sử sách đã ghi lại rằng: xưa kia dưới chân núi Nhồi đã từng diễn ra cảnh trên bến dưới thuyền, tấp nập kẻ mua người bán các sản phẩm chế tác từ đá núi Nhồi. Những sản phẩm bia ký, tượng đá… nay đã đi muôn nơi, có mặt ở rất nhiều công trình kiến trúc lăng tẩm đền đài nổi tiếng từ thời Lý, Trần. Đặc biệt, Thanh Hóa có bia đá cổ nhất Việt Nam, khắc năm 618 - bia Trường Xuân (Đông Ninh, Đông Sơn).
Bên cạnh đó, nghề đúc đồng ở Thanh Hóa có từ rất sớm, với trống đồng cổ - đền thờ Thần trống đồng, là cơ sở cho sự ra đời văn minh Đông Sơn, là yếu tố quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc trên địa bàn gốc xứ Thanh. Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm tiêu biểu cho tài năng và trí sáng tạo của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Lưu vực sông Mã chẳng những là địa bàn gốc của văn hóa Đông Sơn mà còn là nơi phát hiện ra nhiều trống đồng nhất. Trống đồng Đông Sơn còn được âm vang lưu truyền trong tâm thức của người dân xứ Thanh qua các lễ hội, tín ngưỡng và hệ thống đền miếu; trong việc tiếp nối truyền thống đúc nên nhiều trống đồng để gửi âm vang của niềm thiêng và niềm kiêu hãnh đến muôn nơi. Việc trống đồng Đông Sơn được trân trọng đặt tại trụ sở Liên hợp quốc đã khẳng định đóng góp của tổ tiên người xứ Thanh nói riêng, người Việt Nam nói chung vào kho tàng văn hóa nhân loại.
“Chè, Rỵ đúc nồi” là câu nói mà nhiều người xứ Thanh đều biết. Thuở xưa, cho mãi tới nửa đầu TK XX, đồ gia dụng bằng đồng là tài sản quý của gia đình: nồi, sanh, mâm, chậu đồng. Đó cũng là niềm tự hào của gia đình giàu có, bề thế. Xưa có câu ca dao: “Ăn cơm mỗi bữa một năng/ Bao giờ kéo đá ông Đăng cho rồi…”. Nhà nghèo chỉ có nồi đồng loại nhỏ (cái năng), nên người dân thường mơ ước có “sanh lớn vo gạo, nồi to nấu cơm”.
Ngày nay, đồ gia dụng bằng đồng không còn phù hợp nữa, những người thợ đúc đồng tài hoa xứ Thanh đã sáng tạo, đúc nên những đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có giá trị cao. Họ lập những kỷ lục mới về đúc trồng đồng, đồ thờ và đồ mỹ nghệ khác. Những sản phẩm của nghề đúc đồng là thứ hàng hóa, là món quà độc đáo, đặc biệt của quê Thanh đối với du khách…
Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Thanh có nhiều tre, nứa… Người dân đã biết tận dụng loại cây này để phục vụ cuộc sống của mình, trong đó phải kể tới đan lát đồ gia dụng. Vùng quê nào cũng biết đan đồ dùng như cót, bồ, dần, sàng, cái dón…: “Tay vay vo anh chẻ lạt dón/ Chờ buổi chăn trâu anh mang theo đan/ Anh đã cài chín lượt hoa ngang/ Anh lại đan chín lượt hoa dọc”.
Đến Nga Sơn, chắc hẳn người ta không thể không biết đến nghề trồng cói và dệt chiếu. Chiếu Nga Sơn đã được ưa chuộng và nổi tiếng cả nước, được sánh cùng gạch Bát Tràng… và được người dùng yêu thích: “Chiếu Tam Tổng vừa rộng, vừa bền/ Mùa hè mát lưng, mùa đông ấm cật”. Thời hiện đại đã có nhiều loại chiếu khác như chiếu nhựa, chiếu tre trúc, nhưng chiếu cói vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống. Đặc biệt, người làm nghề cói còn sáng tạo nên những sản phẩm khác có giá trị như mũ cói, làn cói…; đồ mỹ nghệ bằng cói, thứ hàng hóa rất tốt phục vụ du lịch, quảng bá hình ảnh Thanh Hóa với bè bạn gần xa.
Nghề nuôi tằm, quay tơ, trồng bông dệt vải cũng là một nghề người xứ Thanh khéo tay hay làm, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp nổi tiếng. Ví như tơ lụa Hồng Đô nổi tiếng không chỉ ở trong tỉnh mà còn trên cả nước: “Tơ làng Hồng, bông làng Vạc” hoặc “Chè xanh làng Núi, tằm tơ làng Hồng”.
Suốt một thời gian dài, cuộc sống tự cấp tự túc, vườn nhà thường có cây dâu trồng thành bờ rào, mà đặc biệt bãi bồi ven sông là đất lý tưởng để trồng dâu nuôi tằm, phục vụ cuộc sống. Người dân Don Thượng (Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc) rất tự hào khi điều kiện tự nhiên quê mình phù hợp để trồng dâu nuôi tằm: “Đừng đi đường ấy mà xa/ Có về Don Thượng với ta thì về/ Don Thượng có sập nằm kề/ Có sông tắm mát lại kề bãi dâu/ Cùng về Don Thượng với nhau/ Vui nghề canh cửi, hái dâu chăn tằm”.
Mặc cho nghề tằm tang rất bận rộn, nhưng người nuôi tằm vẫn say mê với hiệu quả lao động của mình: “Một nong tằm là năm nong kén/ Một nong kén là chín nén tơ”. Con người thời đại công nghiệp lại rất thích lụa tơ tằm, vải bông tự nhiên, mặc dù phải mua với giá rất cao. Đó là cơ hội lớn để chúng ta phát triển nghề tằm tơ, dệt lụa…
Không chỉ cái mặc mới cần đẹp, mà cái ở cũng vậy. Thợ mộc Thanh Hóa cũng rất tài hoa, góp phần rất lớn để tạo nên các công trình kiến trúc gỗ và đồ gỗ nội thất của hệ thống đình, chùa, nơi thờ tự… và nhà ở truyền thống. Ví như câu phương ngôn: đình huyện Tống, trống huyện Nga, nhà huyện Hậu. Chính vì vậy mà thợ mộc, đặc biệt là thợ mộc tài năng xứ Thanh rất tự hào về nghề của mình: “Anh là thợ mộc Thanh Hoa/ Làm kèo làm cột, làm nhà khéo thay”.
Hệ thống kiến trúc gỗ truyền thống xứ Thanh như đình, chùa, đền, nhà truyền thống cũng là những điểm du lịch để tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh rất có giá trị mà chúng ta cần tu bổ, giữ gìn và quảng bá.
Thanh Hóa cũng có rất nhiều sản phẩm ẩm thực độc đáo, ngon nổi tiếng. Du khách về vùng biển quê Thanh nghỉ dưỡng tắm mát, không thể không thưởng thức các món ăn hải sản luôn sẵn có ở các nhà hàng. Người xứ Thanh có câu: “Ăn mít đi chợ Bôn/ Ăn tôm đi chợ Ghép” hoặc “Mặc cho sóng vỗ ba cồn/ Tôm he bóc vỏ ăn ngon, khỏe người”. Bởi biển rộng, sông dài nên quê Thanh có nhiều thủy, hải sản mà đặc biệt là vùng Tĩnh Gia và Quảng Xương: “Cá bể đi chợ Cồng, cá đồng đi chợ Hội”.
Về vùng Thọ Xuân, ta lại được thưởng thức thứ bánh ngon mà cũng không đắt. Đó là bánh gai Tứ Trụ, bánh lá Thọ Xuân. Cái vị ngòn ngọt của mật mía, đường; vị thơm của bột nếp, đậu xanh, vừng; vị giòn của dừa… cho ta cảm giác ngon đậm đà, khó quên.
Đến Vĩnh Lộc, ta lại được thưởng thức món quà quê ngon và độc đáo: chè lam Phủ Quảng. Loại chè lam này rất cứng nhưng khi cắn vào lại giòn tan với vị thơm của gừng, bột nếp, lạc; vị ngọt của đường, mật. Còn rất nhiều các sản vật độc đáo của quê Thanh như: gỏi cá nhệch Nga Sơn, mía Kim Tân, cam Giàng, vải Dạch, bưởi Luận Văn, gà Sơn Môi, xôi Thạch Giản, xôi thập cẩm của người Mường, cá đồ của người Thái…
Kho tàng tục ngữ, ca dao, phương ngôn của Thanh Hóa giúp ta hiểu biết thật ngắn gọn mà sâu sắc về nền văn hóa truyền thống của một vùng quê trên đất nước Việt Nam để góp phần bảo lưu và phát huy vốn văn hóa truyền thống cho hiện tại và tương lai, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tác giả: Trịnh Thị Hậu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019