Với mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đáp ứng xu thế phát triển chung của thế giới, trước hết, cần phải có một nguồn nhân lực vừa có kiến thức, kỹ năng làm việc hiệu quả vừa mang phẩm chất đạo đức tốt, tức là phải có văn hóa nghề (VHN).
Hiện nay, vấn đề văn hóa nói chung và VHN nói riêng được nghiên cứu nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Hai nhà nhân loại học người Hoa Kỳ A.L.Kroeber và Clyde Kluckhohn đã thống kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa. UNESCO định nghĩa văn hóa như một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin. Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (1). Như vậy, có thể thấy rằng tuy còn nhiều điểm khác biệt nhưng văn hóa thường được xem xét ở sự gắn bó chặt chẽ với hoạt động lao động sản xuất, cảm thụ và sáng tạo. Hoạt động lao động của con người vừa tạo ra điều kiện để họ tồn tại vừa tạo ra điều kiện để họ phát triển, sáng tạo, thể hiện ra bản chất người. Vì vậy mới có khái niệm VHN.
VHN là một phương thức tiếp cận văn hóa ở một phạm vi hẹp, tương tự như các thuật ngữ: văn hóa công sở, văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp... VHN là khái niệm dùng để chỉ tổng hòa sự nhận thức nghề, thái độ đối với nghề, hành vi ứng xử của con người cùng nghề trong quá trình lao động sản xuất. Cái cốt lõi của VHN là đạo đức nghề nghiệp. Cần khẳng định rằng, VHN là việc người lao động có thể nhận thức và tiến hành những hoạt động thuộc về nghề nghiệp vừa có giá trị văn hóa lại vừa đạt được hiệu quả cao nhất.
VHN có vai trò rất quan trọng, là một trong những động lực giúp cho người lao động làm việc có kỷ luật, sáng tạo, năng suất cao. VHN là cơ sở để người lao động tự giác hoạt động, chủ động tích lũy những kinh nghiệm trong lao động. Mặt khác, VHN giúp cho họ tuân thủ những chuẩn mực trong quan hệ lao động với cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp. Đây là cơ sở để người lao động giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong tập thể, giải quyết hài hòa giữa lợi ích của tập thể và cá nhân. VHN không chỉ tồn tại ở phạm vi cá nhân mà còn được đề cập ở một phạm vi rộng lớn hơn là không gian VHN.
Hiện nay, vấn đề xây dựng VHN cho nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung và cho sinh viên nói riêng đã và đang đặt ra rất cấp bách. Sinh viên là nguồn bổ sung chủ yếu và trực tiếp cho lực lượng lao động xã hội trong tương lai. Họ sẽ phải đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không chỉ về kiến thức, kỹ năng mà còn là VHN. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức và thực hiện hoạt động nghề nghiệp của sinh viên còn bộc lộ nhiều hạn chế: không đam mê nghề nghiệp mình đang học, thờ ơ hoặc lựa chọn ngành nghề có tính thực tế cao với động cơ khá thực dụng nhưng lại không có sự đam mê và không phù hợp với tiềm năng... Thực trạng đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng một bộ phận sinh viên khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, dẫn tới thất nghiệp hoặc buộc phải làm trái ngành, trái nghề, ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp phát triển đất nước.
Có thể thấy, phần nhiều học sinh cuối cấp 3 chưa được quan tâm, định hướng đúng mức của gia đình, nhà trường về sự lựa chọn nghề nghiệp. Các em chưa có đầy đủ thông tin về xu hướng phát triển của từng ngành nghề trong tương lai, chưa có sự đánh giá về tiềm năng của bản thân, về điều kiện kinh tế đáp ứng cho việc hoạt động tốt của từng ngành nghề... Cùng với đó, cách thức tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay đã và sẽ tiếp tục xuất hiện một bộ phận sinh viên dường như chưa có một ý niệm gì đối với nghề nghiệp trong tương lai, học để lấp chỗ trống, để lấy bằng cấp chứ không có tình cảm với nghề nghiệp. Do đó, còn khó khăn khi đề cập đến xây dựng VHN cho bộ phận này. Còn trong các trường đại học, cao đẳng, sự quan tâm của nhà trường nhìn chung chưa tương xứng với yêu cầu mà sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay và trong tương lai gần đặt ra. Phần lớn hoạt động giáo dục đạo đức nghề nghiệp chỉ được thực hiện thông qua các phong trào của Đoàn, Hội Sinh viên bằng các hình thức giáo dục gián tiếp như Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên, các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên... Các trường chưa có kế hoạch, nội dung, chương trình chính thức nhằm xây dựng, bồi dưỡng VHN cho sinh viên.
Để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng VHN cho sinh viên hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các vấn đề sau:
Trước hết, để VHN có điều kiện hình thành và phát triển vững chắc trong môi trường đại học, cao đẳng cần phải được bắt đầu từ những cấp học trước đó như trung học cơ sở và phổ thông trung học. Ở các cấp học này cần nâng cao hiệu quả giáo dục các chuẩn mực và định hướng giá trị lao động mới. Trong các chương trình học phổ thông, cần lồng ghép hoặc đưa môn hướng nghiệp về đúng vị trí vốn có của nó, tương xứng với những môn học khác. Đồng thời cần có sự khảo sát, đánh giá khách quan để cung cấp thông tin, dự báo có độ chính xác cao về thị trường lao động, xu hướng phát triển các ngành, nghề trong tương lai gần cho học sinh và gia đình. Đây là cơ sở quan trọng để họ có sự lựa chọn đúng đắn trước khi bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề từ gốc.
Mặt khác, trong các trường đại học, cao đẳng cần nâng cao và thống nhất trong nhận thức về công tác xây dựng VHN cho sinh viên. Tổ chức đảng và ban giám hiệu cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, thống nhất trong các hoạt động giáo dục để tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, củng cố và không ngừng phát triển môi trường văn hóa giáo dục, định hướng hành vi đạo đức, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng VHN cho sinh viên. Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên... trong xây dựng VHN. Các tổ chức đoàn, hội cần tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên để kịp thời xử lý hoặc báo cáo lên cấp trên để có phương hướng xây dựng VHN cho phù hợp với đặc điểm của từng khóa học, ngành học. Đồng thời các tổ chức này cần thiết kế các hoạt động phong phú với những hình thức phù hợp, thu hút sự tham gia của sinh viên nhằm chuẩn bị cho họ những kỹ năng cần thiết của nghề nghiệp trong tương lai, từng bước xây dựng và củng cố tình yêu nghề nghiệp cho họ.
Bên cạnh đó, cần đưa nội dung VHN vào chương trình chính khóa cùng với các môn học cần thiết khác như đạo đức học, mỹ học và quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng... Đây là những nội dung rất quan trọng để hình thành đạo đức nghề nghiệp, nền tảng của VHN. Phương thức tiến hành xây dựng VHN cần thực hiện linh hoạt bằng cách lồng ghép các nội dung VHN trong mỗi phần, mỗi môn học cùng chính hoạt động của giảng viên dần dần sẽ tạo nên VHN cho sinh viên một cách tự nhiên và bền vững. Điều này rất cần thiết bởi việc giáo dục VHN không chỉ bằng lý thuyết mà còn bằng hành động có văn hóa của mỗi giảng viên là những tấm gương sinh động về lòng yêu nghề để sinh viên học tập và noi theo.
Bên cạnh đó, ban giám hiệu ở các trường cần tăng cường hiệu quả hoạt động kiến tập, thực tập của sinh viên. Đây là nội dung rất quan trọng để không ngừng củng cố VHN cho người học. Trong quá trình này, sinh viên không chỉ nắm được những yêu cầu của thực tế công việc sẽ tiến hành trong tương lai gần cả về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và những tiêu chuẩn văn hóa công sở, đồng thời đánh giá được triển vọng nghề nghiệp của mình. Những thông tin bổ ích đó sẽ trở thành động lực cho họ trong quá trình học tập tiếp theo tại trường. Vì vậy, việc lựa chọn cơ sở cho sinh viên đi kiến tập, thực tập cần cân nhắc, lựa chọn những nơi có môi trường văn hóa, có tính mô phạm để sinh viên nhìn nhận đúng đắn, là tiêu chí để tự điều chỉnh thái độ, hành vi của mình trong quá trình học tập tại trường.
Như vậy, để đạt được mục tiêu “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (2), cần đẩy mạnh hoạt động xây dựng VHN cho sinh viên. Đây được coi như hoạt động căn bản nhằm tạo ra nguồn nhân lực vừa có tri thức, ý thức kỷ luật vừa có tinh thần đam mê nghề nghiệp và tính sáng tạo.
_____________
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.431.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.89.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017
Tác giả : TRẦN THỊ LÊ