Vài nét về những cuộc thi violin, piano và âm nhạc cổ điển tại Việt Nam đầu thế kỷ XXI

     Trước đây, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam chúng ta đã từng tổ chức ba lần Cuộc thi quốc gia Mùa thu. Những nghệ sĩ đã từng đoạt giải tại Cuộc thi quốc gia Mùa thu này không thể không nhắc đến một số tên tuổi như: Đào Trọng Tuyên, Lê Hồ Hải, Văn Hùng Cường, Hoàng Tuấn Cương, Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Công Thắng, Tăng Thành Nam, Bùi Công Duy... Họ đều thành danh, đã và đang tiếp tục đóng góp rất nhiều cho sự phát triển nền âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay. Rất tiếc, Cuộc thi quốc gia Mùa thu lần cuối cùng được tổ chức vào năm 2007, tính đến thời điểm này cũng đã là 12 năm.

     Giai đoạn 12 năm vừa qua, có thể thấy, là một giai đoạn hội nhập và phát triển mạnh mẽ âm nhạc cổ điển tại Việt Nam nói riêng cũng như khu vực Đông Nam Á nói chung. Ở Việt Nam, từ năm 2010, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã tổ chức được Cuộc thi Hanoi Piano Competition với quy mô chuyên nghiệp cao trong khu vực với 3 bảng thi cho 3 lứa tuổi khác nhau. Điều đặc biệt góp phần thu hút thí sinh quốc tế đến tham dự cuộc thi này chính là tên tuổi của NSND Đặng Thái Sơn, Chủ tịch danh dự của Cuộc thi và sự tham gia của dàn nhạc Hanoi Philharmonic Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đệm concertos cho các thí sinh ở vòng chung kết của Bảng C, lứa tuổi từ 18 - 25. Cuộc thi này đã được tổ chức 4 lần cho đến thời điểm này và năm 2020, dự kiến sẽ là lần thứ 5. Có thể nói, đây là một thành quả không hề nhỏ đối với ngành đào tạo piano nói riêng cũng như cho ngành đào tạo âm nhạc nói chung ở Việt Nam. Sự kiện này ít nhiều đã phản ánh được sự vươn lên và hướng tới hội nhập quốc tế của nghệ thuật âm nhạc cũng như của đất nước và con người Việt Nam.

     Giai đoạn 15 - 20 năm trở lại đây, các nước khu vực Đông Nam Á cũng đã có sự chuyển mình rõ rệt trong hội nhập văn hóa và âm nhạc. Các nước như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay đại diện Steinway ở các nước khu vực cũng đã tổ chức được nhiều cuộc thi vừa và nhỏ với nhiều thể loại, mô hình và yêu cầu khác nhau về chuyên môn nhằm quảng bá giá trị văn hóa âm nhạc và tạo một sân chơi chuyên nghiệp giúp cho các nghệ sĩ trẻ sớm được làm quen với áp lực để rèn luyện bản lĩnh sân khấu. Đối với ngành đào tạo dây nói chung và violin nói riêng, trong 10 năm qua, Việt Nam đã gặt hái được không ít những thành công, giành được nhiều chiến thắng tại các cuộc thi quốc tế, khu vực và một số giải thưởng cao hơn mang tầm quốc tế tại châu Âu như: Arthur Grumiaux International Violin Competition, Kazakhstan International Violin Competition, Tchaikovsky International Violin Competition for young musicians…

      Sự ngắt quãng khá lâu của Cuộc thi quốc gia Mùa thu và việc chưa có đủ điều kiện để tổ chức được Cuộc thi quốc tế cho chuyên ngành violin, hòa tấu thính phòng như piano là một sự thiệt thòi cho các học sinh, sinh viên violin và chuyên ngành dây nói chung. Họ bị hạn chế và khó khăn hơn trong việc phát triển đồng bộ và trên diện rộng tri thức và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, mỗi một chuyến đi thi ở nước ngoài đòi hỏi sự đầu tư và chi phí không hề nhỏ. Đơn cử để một học sinh, sinh viên đi thi chuyên nghiệp thì cần có thày giáo, người đệm đàn và phụ huynh đi cùng. Như vậy một chuyến đi quốc tế đã phải cần đến 4 chiếc vé máy bay quốc tế, chưa kể đến chi phí khách sạn, chi phí thuê phòng tập, sinh hoạt phí... Do vậy, từ sau khi khánh thành Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và sự ra đời của Liên hoan Âm nhạc Vietnam Connection năm 2015, ý tưởng tổ chức Cuộc thi âm nhạc quốc tế cho violin và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 (VIMC) đã được ấp ủ.

     Ở đây, tôi muốn được nói đôi lời về Liên hoan âm nhạc Vietnam Connection. Tuy hoạt động của Liên hoan âm nhạc Vietnam Connection không phải là cuộc thi nhưng nó đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển môi trường âm nhạc thông qua các hoạt động biểu diễn gắn kết các nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên của 3 miền đất nước cùng các nghệ sĩ danh tiếng quốc tế ở khắp 5 châu. Hoạt động của Liên hoan âm nhạc Vietnam Connection không chỉ dừng lại ở việc biểu diễn và hội thảo khoa học, mà còn phát triển cả về đào tạo thông qua việc tạo ra sân khấu biểu diễn cho các học sinh, sinh viên nhỏ tuổi, tạo điều kiện để các em được học và biểu diễn cùng các nghệ sĩ quốc tế. Có thể nói, tính đến thời điểm này số lượng nghệ sĩ tham gia Liên hoan âm nhạc đã lên tới hơn 100 nghệ sĩ và gần 50 buổi hòa nhạc đã được diễn ra trong suốt 4 mùa qua. Có thể khẳng định rằng, các hoạt động biểu diễn, đào tạo trong giai đoạn vừa qua được nhắm và hướng tới chuẩn bị cho sự ra đời của Cuộc thi quốc tế âm nhạc cho violin và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 lần đầu tiên sẽ diễn ra đầu tháng 8 - 2019, một sự kiện được mong chờ từ lâu của ngành violon nói riêng và ngành dây nói chung.

     Chứng kiến sự hội nhập vươn lên với thành quả ấn tượng của ngành piano, cùng với sự chuẩn bị trong hơn 10 năm qua với các hoạt động sôi nổi của ngành dây thông qua các hoạt động đào tạo, biểu diễn hay tổ chức Liên hoan âm nhạc, giao lưu nghệ sĩ là một sự khẳng định cho việc quyết tâm hướng tới một sân chơi lớn tầm quốc tế. Sự ra đời của Cuộc thi âm nhạc quốc tế cho violin và Hòa tấu thính phòng Việt Nam 2019 vào tháng 8 năm nay sẽ là một dấu mốc quan trọng đối với ngành violin nói riêng và ngành dây nói chung. Đây cũng là hoạt động để kỷ niệm cho mùa thứ 5 năm của Liên hoan Âm nhạc Vietnam Connection và hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - là đơn vị và thương hiệu đào tạo uy tín số một của Việt Nam, đánh dấu một chặng đường đào tạo dài lâu của ngành violin, hòa tấu thính phòng nói riêng và ngành dây nói chung. Sự kiện cuộc thi này sẽ giúp chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các thí sinh thế giới, giúp cho chúng ta thêm động lực trên con đường phát triển âm nhạc nói riêng và văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung, là cơ hội để các nước trên thế giới hiểu biết thêm về đất nước Việt Nam thông qua nghệ thuật âm nhạc. Hy vọng những Cuộc thi âm nhạc quốc tế piano, violin và Hòa tấu thính phòng tại Việt Nam sẽ góp phần không nhỏ cho sự phát triển nền âm nhạc cổ điển Việt Nam TK XXI và xa hơn nữa.

Tác giả: Bùi Công Duy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

;