Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lấy tước hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, Đại Việt sử ký toàn thư chép sự kiện: “Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế”, “Vua mở nước, lập đô, đổi xưng Hoàng đế”. Ông đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, niên hiệu là Thái Bình. Đây chính là vị Hoàng đế đầu tiên của nước ta trong chính sử, mở ra triều đại quân chủ phong kiến trong lịch sử Việt Nam, đẩy lùi hơn 1000 năm Bắc thuộc vào dĩ vãng, khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc, xây dựng các thiết chế, kỷ cương…, trong đó có nêu việc xây dựng đàn xã tắc ở kinh đô Hoa Lư (1).
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi năm Mậu Tý (1048) - thời Lý Thái Tông có dựng đàn xã tắc ngoài cổng Trường Quảng. Việc tế xã tắc còn giữ đến các triều đại sau. Ngoài ra, tài liệu cũng đề cập tới đàn xã tắc dười triều Trần Nhân Tông (1284), Lê Thánh Tông (1434-1442), Tây Sơn (1788-1801)… Đàn ở địa phương không thấy nói đến, nhưng với thiết chế của chế độ quân chủ phong kiến và nền tảng nông nghiệp lúa nước, việc tồn tại đàn xã tắc là có cơ sở.
Theo một số sử liệu khác, năm 1010, nhà Lý rời đô về Thăng Long nhưng chưa xây dựng đàn xã tắc. Lê Văn Hưu trách rằng: “Lý Thái tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa…”, mãi đến thời Lý Thái Tông mới cho lập đàn xã tắc ngoài cổng Trưởng Quảng, 4 mùa cầu đảo cho mùa màng (2). Triều đình còn quy định vật phẩm: tế xã tắc thì dâng cổ thái bảo (trâu, dê, lợn mỗi thứ một con), cúng thần sông núi thì dâng cổ thiếu lao (dê, lợn, mỗi thứ một con).
Đại Việt sử ký toàn thư cũng có ghi chép về đàn xã tắc vào năm Giáp Thân, Thiệu Bảo năm thứ 6 (1284); năm Ất Mão, Thiệu Bình năm thứ 2 - nhà Lê (1435)... Dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1775), ở thủ phủ đô thành Phú Xuân chưa có đàn tế.
Thời Tây Sơn (1788-1801), ngoài việc chọn núi Bân để xây dựng đàn tế trời thì cũng chọn địa điểm ở chùa Thiên Mụ làm nền đàn tế xã tắc. Sách viết rằng: “Quân Trịnh lại bị Tây Sơn đánh cho thất trận (Bính Ngọ - 1786), chùa Thiên Mụ đi vào giai đoạn hoang tàn đến tột cùng: nhà cửa sập nát, nền chùa bị san phẳng để đắp thành đàn cúng tế, ngày hạ chí vua ngự ra tế thần xã tắc, chỉ còn lại một tòa phật đường thì lại biến thành chỗ hành tại để vua ngự” (3).
Ngọn nguồn của lễ tế xã tắc
Theo sử liệu cổ của Trung Quốc và Việt Nam thì xã là chúa thần đất, tắc là tên một loại lúa. Theo Phong tục thông nghĩa, ngũ cốc quá nhiều loại nên chọn tắc để tế chung cho ngũ cốc, vì thế mà tắc còn gọi là thần ngũ cốc. Việc tế xã vốn có từ xưa, vì xã là thần của ngũ thổ (4) sinh ra muôn vật, nên ngày xưa cho là có công lớn, lại phối thờ con của họ Cung Công (5) là Câu Long (6) làm quan hậu thổ (7) có công bình định được Cửu Châu (8), cho nên việc thờ mà gọi là xã. Vì thế người đời gọi xã là hậu thổ. Thiên Thiệu Cáo trong Kinh Thư có chép việc xây dựng kinh đô ở Lạc Ấp của Chu Công (9) với mô hình Hữu xã tắc tả tông miếu tức trước vương cung là triều đình, bên trái là miếu thờ tổ tiên, bên phải là đàn tế xã. Trong phần tế pháp của lễ kinh xã được phân: “Vương giả vì thiên hạ mà lập xã gọi là thái xã, vì mình mà lập xã gọi là vương xã; chư hầu vì trăm họ mà lập xã gọi là quốc xã…”.
Vào đầu thời nhà Minh (1368), vua Thái tổ còn phân tế riêng xã và tắc, chưa có hợp tế, ra lệnh cho các quan nghị bàn, Thượng thư Trương Đẳng tâu: “Theo sách Thông điển, vua Chuyên Húc thờ Câu Long, con của họ Cung Công làm hậu thổ, hậu thổ là xã, con của Học Liệt Sơn là Trụ làm tắc, tắc là trưởng quan coi về ruộng”. Các triều Đường, Ngu, Hạ đều noi theo. Nguồn gốc của xã tắc khởi từ đó. Trong sách Lễ thư của họ Trần nói xã là tế thần của ngũ thổ, tắc là tế thần của ngũ cốc. Câu Long có công định thủy thổ, nên phối vào tế xã, hậu tắc (10) có công gieo cấy nên phối vào tế tắc. Từ niên hiệu Nguyên Thủ đời Hán (năm thứ nhất sau CN) dùng vua Hạ Vũ phối với xã, hậu tắc phối với tắc. Đời Đường, Tống và Nguyên lại lấy Câu Long phối với xã, khí tổ nhà Chu phối với tắc, đó là phép tắc phối thờ, ban đầu không thống nhất.
Theo giải thích của Lễ thư: “Tắc không có thổ thì không sinh trưởng được, thổ mà không có tắc thì lấy gì mà có được kết quả của sinh trưởng, vì vậy tế xã tất phải có tắc”. Sách Sơn đường khảo tác viết: “Xã là tôn đường của cửu thổ, tắc là trưởng thượng của ngũ cốc. Tắc sinh từ thổ, nên thổ và tắc cố nhiên không thể phân ra được… cho nên phải hợp tế, đã có minh chứng từ xưa, xin làm một đàn chung cho xã tắc”. Từ đó nhà Minh làm một đàn tế chung xã và tắc. Việc tế từ Kinh Đô cho đến các châu, huyện nơi nào cũng có. Ở làng xã chừng 100 hộ dân lập một đàn tế thần ngũ thổ, ngũ cốc.
Đàn tế
Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, đã cho xây dựng đàn xã tắc ở phía Tây Nam kinh thành Huế (1806), phỏng theo mô hình đàn xã tắc của Trung Quốc. Hiện nay, đàn xã tắc thuộc phường Thuận Hòa, thành phố Huế. Đàn quay mặt hướng Bắc, gồm hai tầng hình vuông chồng lên nhau:
Tầng thứ nhất cao 1,6m có dạng hình vuông 30x30m, thành cao 0,9m, dày 0,3m, bốn phía đều có 4 bậc cấp lên xuống, được quét vôi màu vàng.
Tầng thứ hai được quét vôi màu đỏ, chiều cao 1,2m, có dạng hình vuông 74x74m, tường thành cao 0,9 m, dày 0,3 m.
Mặt nền của đàn xã tắc được quét 5 màu ứng với ngũ hành: hướng Đông màu xanh thuộc Mộc, hướng Tây màu trắng thuộc Kim, hướng Nam màu đỏ thuộc Hỏa, hướng Bắc màu đen thuộc Thủy, trung tâm màu vàng thuộc Thổ.
Dưới triều Nguyễn, các lễ cúng tế của triều đình được chia làm ba bậc: đại tự, trung tự và quần tự. Lễ tế xã tắc thuộc hàng đại tự (11), như vậy lễ tế xã tắc là một trong những tế lễ lớn và quan trọng của triều đình, đặc biệt là thời các vua đầu triều Nguyễn. Năm Gia Long thứ 8 (1809), nhà vua đã xuống chỉ: “Từ nay về sau đàn xã tắc cứ 3 năm một kỳ, vua thân đến làm lễ, lấy các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu làm chuẩn, còn thì chọn phái các đại thần ban võ làm lễ”. Tuy nhiên, lệ này còn thay đổi theo từng thời kỳ.
Hằng năm, tế xã tắc diễn ra hai lần, vào mùa Xuân và mùa Thu. Trước khi tế một ngày, tất cả các công việc liên quan phải được chuẩn bị chu đáo. Nếu tế giao vua phải ăn chay trước ba ngày tại Trai cung ở đàn Nam Giao, thì tế xã tắc nhà vua chỉ chay tịnh một ngày tại Hoàng Cung. Trước ngày tế, Thái thường tự đã dâng tượng đồng nhân (12) lên để vua giữ mình. Từ Hoàng thân cho đến văn võ bá quan tham dự vào lễ tế xã tắc đều phải trai giới, tắm gội, thay quần áo, không uống rượu, không ăn đồ mặn, không thăm người ốm, không viếng đám ma, không xử án… Bộ Lễ và Nội vụ đến đàn sửa soạn đồ thờ và hương án đầy đủ chuẩn bị cho lễ tế: giữa trung tâm tầng một (tầng trên cùng), bên phải đặt án thờ thờ bài vị của thần thái xã, bên trái đặt án thờ thờ bài vị của thần thái tắc, hai bàn thờ này đặt đối diện nhau. Ngoài ra, bên phải của tầng này còn thờ Hậu thổ Câu Long Thị và phía trái thờ Hậu Tắc Thị (13). Chuẩn bị chỗ nghỉ của vua tại tầng hai.
Đầu buổi chiều, Thái Thường tự rước văn tế đến điện Cần Chánh xin phê duyệt. Hộ vệ Ty loan nghi sắp đủ long đình, tán lọng, nghi trượng đem đến đàn xã tắc. Tam sinh (14) và vật phẩm dùng làm tế thần cũng được các quan kiểm tra kỹ lưỡng. Từ 3-4 giờ chiều, lễ tổng duyệt bắt đầu tiến hành, quan lại, binh lính, bày hàng, cờ, giáo… từ cửa Ngọ Môn chạy dọc hai bên đường đến xã đàn. Hàng quân dẹp đường ở trong tư thế sẵn sàng, hàng đèn được thắp sáng suốt đêm, còn nhân viên Bộ Lễ và Hàn Lâm viện đều có mặt để viết bài vị. 8 quản vệ và các doanh thân binh, cấm vệ đều mang gươm, đuốc chờ ở dưới bốn cửa đàn của tầng thứ nhất, tám lính khác mang gươm đứng chờ ở tầng thứ hai.
Sáng sớm, cờ ở kỳ đài được kéo lên. Ở điện Cần Chánh các loại cờ: bạch mao, hoàng việt, cờ mao tiết dát vàng, giáo đuôi báo, tán quạt, đồ lô, phất trần được bày thành hàng. Các quan tham gia dự lễ đều mặc triều phục chỉnh tề. Các thân phiên, Hoàng thân công bồi tế và các quan văn ngũ phẩm, quan võ tứ phẩm trở lên đến đứng ngoài cửa hữu đón vua. Các quan phẩm trật nhỏ hơn đứng phía nam cầu Kim Thủy trước cửa Ngọ Môn để đón và tiễn vua.
Sau khi đồ ngự giá, lễ bộ đã bày trước Đại Cung môn, đúng giờ, các quan Bộ Lễ tâu mời vua xuất cung, nhà vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bảo, đai ngọc, cầm trấn ngọc khuê từ điện Cần Chánh ra ngồi trên ngai. Vị quản vệ ty loan giá mời vua lên ngự liễn, quan quân thị vệ dàn đi trước, một số theo hầu sau. Nhã nhạc bày ra nhưng không nổi nhạc, khi vua ra khỏi Đại Cung môn thì bảy phát súng lệnh ở kỳ đài bắn lên, lầu Ngọ Môn nổi chuông, trống. Ngự giá rẽ phải theo hông điện Thái Hòa, sau đó rẽ trái qua cầu Trung Đạo ra cửa Ngọ Môn. Các quan văn lục phẩm, võ ngũ phẩm trở xuống lần lượt quỳ tiễn vua, Ngự liễn rẽ hướng Tây rồi sang hướng Bắc, chuông trống Ngọ Môn ngừng đánh. Ngự liễn đến đàn tế, các quan túc trực ở đây từ trước quỳ đón, ngự liễn đi qua mới đứng dậy, ngự giá đến đàn.
Lễ tế bắt đầu theo các nghi tiết quy định: lễ quán tẩy; lễ tế mao huyết; lễ thượng hương; lễ nghinh thần; lễ điện ngọc bạch, hành sơ hiến lễ; lễ truyền chúc; lễ á hiến; lễ chung hiến; lễ tứ phúc tộ; lễ tống thần; lễ triệt soạn.
Trong các triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam, việc lễ tế đối với trời, đất, tiên tổ, thần linh đều lấy lòng thành của mình làm đầu, nhằm mục đích giáo dục mọi người dân trong xã hội. Ở Việt Nam, một nước sản xuất nông nghiệp đóng vai trò trọng yếu, việc mong cầu dân chúng no đủ, hằng năm được mùa lại càng vô cùng quan trọng. Vì thế, việc tế đất không chỉ triều đình lo liệu, mà ở mỗi địa phương, quan sở tại cũng phải tế hằng năm.
Trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa sâu rộng như ngày nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, âm nhạc của lễ tế xã tắc Huế thông qua các kỳ festival là việc làm hết sức cấp bách và chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lễ tế xã tắc không chỉ là cội nguồn văn hóa tâm linh mà còn là ước mơ, khát vọng hòa bình, là đời sống ấm no của muôn dân. Ngày nay, đàn xã tắc còn là điểm đến về du lịch văn hóa, tín ngưỡng của người dân xứ Huế và bạn bè quốc tế.
_________________
1. Đại Việt sử lược, Nxb TP.HCM, 1993, tr.26.
2. Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, dịch giả: Viện Sử học Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993 tr.102.
3. Hà Xuân Liêm, Những ngôi chùa Huế, Nxb Thuận Hóa, 2000 Huế, tr.31.
4. Tức đất của tứ phương và trung ương.
5. Là chức quan trị thủy bên Trung Quốc, sau con cháu lấy chức làm họ, thời Hoàng Đế. Họ này nằm ở vùng giữa hai con sông Giang và sông Hoài, rồi nắm quyền coi cả Cửu Châu.
6. Cháu đời thứ 11 của Viêm Đế.
7. Tên một chức quan coi về đất đai và sông nước.
8. Chỉ đất của Trung Quốc ngày xưa.
9. Con của Văn Vương và em của Võ Vương nhà Chu.
10. Hậu tắc là chức quan coi nông nghiệp vào thời vua Thuấn.
11. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb Thuận Hóa, 2005 tr.338.
12. Tượng bằng đồng dùng trong nghi thức trai giới trước khi vua tế lễ.
13. Thần đất và thần lúa.
14. Gồm: trâu, dê, lợn.
Tác giả: Nguyễn Thị Việt Thảo
Nguồn: Tạp chí VHNT số 426, tháng 12-2019