TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC GIỮ GÌN VĂN HÓA TÀY Ở THÁI NGUYÊN

Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào Tày là vấn đề quan trọng, đóng vai trò cốt lõi trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người. Từ đó hình thành ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của họ một cách chủ động, tích cực và tự giác. Chỉ có như vậy cốt cách và lòng tự tôn dân tộc mới luôn giữ vai trò hạt nhân trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Đồng bào Tày chiếm vị trí thứ 2 trong tổng dân số của Thái Nguyên và có vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế  xã hội của tỉnh. Trước sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nhiều nét văn hóa truyền thống của tộc người Tày đang bị mai một, pha trộn, lai căng. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào cần chú trọng đến vai trò công tác tuyên truyền, giáo dục. Đây là quá trình không thể nóng vội, cần được thực hiện qua nhiều biện pháp.

Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử và truyền thống cách mạng tộc người Tày

Thực trạng diễn ra không thể phủ nhận sự phát triển của các phương tiện nghe, nhìn hiện đại và ở một mức nào đó là sự không kiểm soát về nội dung chuyển tải, ít nhiều đã ảnh hưởng đến nhận thức giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tuyên truyền lối sống phương Tây. Không ít người bị lợi ích vật chất cám dỗ, làm tha hóa, biến chất, chạy theo lối sống hưởng thụ, không quan tâm đến truyền thống văn hóa dân tộc.

Do vậy, việc nhận thức sự tích cực hay hạn chế của giá trị văn hóa truyền thống là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Với những nét giá trị truyền thống mang bản sắc của tộc người đã được kiểm nghiệm, đánh giá của lịch sử, thời gian, được cộng đồng thừa nhận cần kế thừa và phát huy. Trái lại, đối với những mặt lạc hậu, lỗi thời, cản trở sự tiến bộ phải khắc phục hoặc kiên quyết loại bỏ. Việc xác định trên phương diện khoa học các yếu tố giá trị văn hóa truyền thống của tộc người là vấn đề quan trọng trong quá trình giữ gìn và phát huy. Bởi lẽ, chỉ khi xác định được một quy chuẩn thì mới có căn cứ hợp lý để tuyên truyền và đạt hiệu quả cao. Để thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cần sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống giáo dục quốc dân và thiết chế gia đình.

Về hệ thống phương tiện thông tin đại chúng: đây là hệ thống có sự lan tỏa nhanh và hiệu quả trong quá trình truyền tải thông tin. Hệ thống thông tin này bao gồm các phương tiện như phát thanh, truyền hình, báo chí, sách vở, internet… Với sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp nhiều nội dung giải trí, thời sự, khoa học, kỹ thuật… góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường sự liên kết, hiểu biết giữa người dân các vùng miền trong và ngoài nước. Do vậy, để đạt được hiệu quả trong quá trình phát huy vai trò của hệ thống thông tin, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, cần có sự kiểm soát về nội dung thông tin đăng tải.

Quá trình tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên cần có sự thay đổi trong phương thức. Việc tuyên truyền không chỉ dừng lại ở những bài viết trên báo chí, phát thanh, mà còn được tiến hành lồng ghép vào hình ảnh sinh động trên các áp phích, trang mạng xã hội.

Về hệ thống giáo dục quốc dân: đối tượng quan trọng của việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên là thanh thiếu niên. Do vậy, giáo dục qua nhà trường là biện pháp hữu hiệu nhất. Sở GDĐT Thái Nguyên nên kết hợp với Sở VHTTDL xây dựng bài giảng về các giá trị văn hóa truyền thống tộc người đưa vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, nhà trường nên tổ chức những buổi học ngoại khóa đến bản làng người Tày cho học sinh, sinh viên sinh sống ở khu vực thành phố, thị xã Sông Công, Phổ Yên tới thăm quan tìm hiểu. Hiện nay, có một số doanh nhân trong tỉnh đã xây dựng nhiều nhà hàng kết hợp với du lịch sinh thái nhằm khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách. Đây là hoạt động có ý nghĩa, thu hút đông đảo người Tày tham gia, góp phần gìn giữ và bảo lưu những giá trị truyền thống.

Thiết chế gia đình: tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân thông qua thiết chế gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình giữ gìn và phát huy các yếu tố truyền thống. Trước hết cha mẹ trong gia đình phải là tấm gương mẫu mực trong việc thực hành thường xuyên giá trị văn hóa truyền thống tộc người. Họ có thể lồng ghép vào các câu chuyện trong sinh hoạt gia đình để nhắc nhở, dạy dỗ con cháu theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, với các gia đình ở khu vực thành thị, việc giáo dục theo cách này không đơn giản, vì lối sống, nếp sống đô thị hóa khác với nông thôn. Do vậy, đối với khu vực này, các bậc cha mẹ nên dành thời gian cùng con cháu tham gia vào lễ hội, tết của tộc người Tày tại các vùng nông thôn… Làm được như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục người dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mới đạt hiệu quả cao.

Xác định giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền là công việc tự thân của chính cộng đồng người Tày ở Thái Nguyên

Khi đã nhận thức được các yếu tố thuộc về nội dung trong hệ thống giá trị văn hóa truyền thống tộc người, bản thân những người Tày đang sinh sống phải nhận thức và hành động để bảo vệ những giá trị đó.

Cộng đồng tộc người Tày ở Thái Nguyên được hình thành trên cơ sở xuất phát từ lợi ích cũng như trách nhiệm chung, có sự ràng buộc và liên kết với nhau thông qua đặc điểm chung về không gian sinh tồn, điều kiện lịch sử cụ thể, được thiết lập thông qua tương tác và trao đổi giữa các thành viên trong quá trình cộng sinh và phát triển.

 
 
 
Rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng. Ảnh Hùng Việt 
 

Trong bối cảnh hội nhập mở cửa diễn ra mạnh, vai trò của cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo của văn hóa được đề cao, thể hiện trong việc tiếp thu, lĩnh hội, bổ sung, làm giàu các yếu tố bên ngoài vào phù hợp với văn hóa của cộng đồng mình. Do đó, muốn phát huy được vai trò của cộng đồng tộc người cần thực hiện một số việc:

Tăng cường ý thức bảo vệ văn hóa tộc người. Để người Tày thể hiện được vai trò chủ thể văn hóa cần có biện pháp tuyên truyền, cổ động thông qua các hoạt động văn hóa gắn với lễ tết. Chẳng hạn như lễ hội Lồng Tồng được tổ chức vào mùng 9, mùng 10 tháng giêng âm lịch tại Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa... Qua đó, khơi dậy ý thức của từng cá nhân để bản thân họ có sự định hướng đúng đắn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.

 Nội dung giáo dục ý thức tự giác bảo vệ văn hóa tộc người cần thay đổi theo thực tiễn. Truyền thống không phải là cái cũ, đúng đắn hoàn toàn, mà nó cần có sự bổ sung và làm giàu. Đồng bào phải thấy được sự cần thiết khi hội nhập với thế giới để không bị lạc hậu, song cũng cần biết biến đổi cho phù hợp và không làm mất bản chất của mình.

 Tăng cường lưu giữ các yếu tố truyền thống qua công tác sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu lịch sử văn hóa thông qua việc biên soạn công trình khoa học, sưu tầm hiện vật giới thiệu trong bảo tàng các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, xây dựng sách phổ thông theo phương thức song ngữ (tiếng Kinh và tiếng Tày) để giảng dạy trong trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Thêm nữa, cũng cần chú trọng đến công tác sưu tầm và lưu giữ các tri thức văn hóa dân gian như cách xem bệnh, chữa bệnh bằng thuốc nam, trồng trọt… tránh nguy cơ bị mai một khi không có người theo nghề.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Tày ở tỉnh Thái Nguyên phải được thiết kế theo hệ thống thiết chế mang tính đặc thù phù hợp với từng khu vực đồng bào sinh sống. 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, thành tựu đạt được đã góp phần thúc đẩy phát triển đất nước trong những chặng đường tiếp. Song, những hạn chế của công cuộc đổi mới, đã làm suy giảm nhiều yếu tố truyền thống. Đứng trước vấn đề này, Đảng ta đã đưa ra các chủ trương, đường lối phù hợp với thực tại phát triển của đất nước. Coi văn hóa là trụ cột trong quá trình phát triển xã hội, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ra đời đã trở thành kim chỉ nam, phương hướng chỉ đạo chiến lược, đã đặt văn hóa ngang tầm với các vấn đề phát triển khác của đất nước: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừamục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Theo tinh thần Nghị quyết này, Thái Nguyên đã thực hiện sâu sắc phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, huy động đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham gia. Việc tuyên truyền, giáo dục được tiến hành trong các buổi hội họp, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng… Cơ quan nòng cốt trong việc thực hiện này là cơ quan Văn hóa và Mặt trận tổ quốc các cấp. Với nhiều hình thức, thời điểm, đối tượng khác nhau… tất cả, đều nhằm mục đích đạt hiệu quả cao trong quá trình phát triển xã hội.

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tộc người. Các cán bộ làm công tác văn hóa tại địa phương phải là người có sự hiểu biết về nguồn gốc, lịch sử văn hóa tộc người. Hơn nữa, họ phải có sự gắn bó với các đối tượng họ phục vụ. Chỉ có như vậy, họ mới có sự nhiệt tình, say sưa trong công việc. Muốn vậy, cần có những chế độ thích đáng để khuyến khích họ trong quá trình công tác.

Ngoài ra, cần nâng cao trình độ dân trí, khoa học, kỹ thuật, công nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức và nhà quản lý người dân tộc, khuyến khích họ công tác tại địa phương. Tăng cường công tác điều tra, sưu tầm, tôn tạo, bảo vệ và phát huy các công trình văn hóa mới, xây dựng lối sống, tác phong, phong tục và tập quán phục vụ yêu cầu phát triển hiện nay. Mở rộng hợp tác giao lưu, hỗ trợ giúp đỡ nhau giữa các dân tộc để cùng tiến bộ.

Tóm lại, để phát huy vai trò của hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tộc người Tày ở Thái Nguyên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách, nội dung và quan trọng nhất là chính bản thân đồng bào, những chủ thể trực tiếp của quá trình giữ gìn và phát huy.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ NỘI

;