“Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” đợt 1 sẽ được tổ chức tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 7 đến 16-9, với sự tham gia của gần 1000 nghệ sĩ đến từ 13 đơn vị trong cả nước.
Theo Quyết định số 2388/QĐ-BVHTTDL ngày 16-8-2024 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc tổ chức “Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” đợt 1, Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VVHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức “Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc (đường Văn Cao, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
“Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2024” được tổ chức làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 7 đến 16-9-2024 tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc; Đợt 2 dự kiến cuối tháng 9-2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Dương.
Tiết mục tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 - đợt 1 (Ảnh minh họa)
Đối tượng tham gia là các các đơn vị nghệ thuật ca, múa, nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài công lập; các đơn vị nghệ thuật ca, múa, nhạc thuộc lực lượng vũ trang; các đơn vị nghệ thuật giao hưởng, nhạc, vũ kịch trong và ngoài công lập trên toàn quốc (Các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập là đơn vị được cơ quan có thẩm quyền ký quyết định thành lập; có trụ sở giao dịch, tư cách pháp nhân, có bộ máy, cơ cấu tổ chức, biên chế nhân sự quản lý, điều hành và các nghệ sĩ, có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thẩm quyền và thường xuyên hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật trên ít nhất 1 năm tính đến thời điểm tham gia Liên hoan).
Quy định đối với đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ tham gia Liên hoan: Mỗi đơn vị được tham gia 1 chương trình, vở diễn với thời lượng từ 60 phút đến 110 phút. Các loại hình tham gia Liên hoan: Ca múa nhạc tổng hợp; Các loại hình nghệ thuật phương Tây: Giao hưởng, Nhạc kịch, Vũ kịch, Thanh xướng kịch, Broadway, Opera… Các chương trình, tiết mục, vở diễn, vai diễn (trong nhạc kịch, vũ kịch…) đã đạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức không được tham gia Liên hoan. Các tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc, phần nhạc đệm cho hát, đệm cho độc tấu nhạc cụ phải được nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp tại sân khấu; riêng âm nhạc của múa có thể biểu diễn trực tiếp hoặc được thu thanh trước; các loại hình nghệ thuật phương Tây được sử dụng tác phẩm nước ngoài. Các chương trình, tiết mục, vở diễn, vai diễn… phải được cơ quan chức năng phê duyệt công diễn trước 15 ngày Khai mạc Liên hoan.
Quy định đối với chương trình nghệ thuật, về chủ đề nội dung: Các chương trình, tiết mục, vở diễn tham gia Liên hoan cần có chủ đề và nội dung rõ ràng; ca ngợi đất nước, con người Việt Nam; không trái với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khuyến khích xây dựng chương trình, tác phẩm mang bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng, miền, thể hiện sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật.
Về loại hình, thể loại chương trình, tác phẩm và hình thức biểu diễn. Âm nhạc: Giao hưởng, Nhạc kịch, Thanh xướng kịch, Broadway, Opera…; Ca nhạc tổng hợp, trong đó Thanh nhạc: Ca khúc, tổ khúc, trường ca, hợp xướng với các hình thức biểu diễn: đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca và hợp ca.
Khí nhạc: Các thể loại âm nhạc dành cho dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc, dàn nhạc điện tử hoặc phối hợp giữa các nhóm nhạc cụ khác nhau với các hình thức biểu diễn: độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu… và hòa tấu.
Múa: Các thể loại múa như: kịch múa (vũ kịch), thơ múa, tổ khúc múa và tác phẩm múa ngắn với các hình thức biểu diễn múa ít người và múa tập thể.
Bộ VHTTDL tặng thưởng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho chương trình, vở diễn gắn với các thành phần sáng tạo chương trình, vở diễn (Chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn chương trình ca múa nhạc, đạo diễn, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy dàn nhạc vũ kịch; nhạc sĩ, biên đạo, họa sĩ, thiết kế phục trang, đạo cụ…). Giải chương trình, vở diễn chỉ trao cho các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan đảm bảo thời lượng chương trình và loại hình nghệ thuật theo quy định. Chương trình ca múa nhạc tổng hợp phải đầy đủ 3 bộ môn: Ca, Múa, Nhạc.
Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho tiết mục, vai diễn (trong nhạc kịch, vũ kịch…) gắn với nhóm nghệ sĩ hoặc cá nhân nghệ sĩ biểu diễn. Giải thưởng chương trình, tiết mục, vở diễn, vai diễn tham gia Liên hoan gồm giấy chứng nhận Huy chương kèm theo tiền thưởng của Bộ VHTTDL. Ngoài các giải thưởng trên, theo đề nghị của Hội đồng Nghệ thuật, Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng xuất sắc cho chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn chương trình, vở diễn, chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ, biên đạo, họa sĩ, thiết kế phục trang, diễn viên hát chính, diễn viên múa chính, nhạc công chính... Mỗi thành phần sáng tạo chỉ trao 1 giải (nếu có).
Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển phù hợp. Đây chính là "sân chơi" lớn chờ đợi những tài năng, nơi để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, làm mới, đa dạng hóa hình thức trình diễn, mang dấu ấn vùng miền cũng như phong cách cá nhân.
BÍCH NGỌC