Chiều ngày 31-8, tại Khu Thái Học, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã khai mạc Triển lãm thư pháp quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm”. Triển lãm là hoạt động nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và hướng tới ngày Di sản Việt Nam.
Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” giới thiệu và trình hiện nghệ thuật thư pháp Quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt cùng sự phối kết hợp với ánh sáng tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về Thư pháp quốc ngữ với công chúng yêu nghệ thuật nói chung và thư pháp nói riêng.
Triển lãm được tổ chức với mong muốn tạo ra tiền đề, một nền tảng giao lưu và hợp tác giữa các tác giả thư pháp Quốc ngữ hiện đại từ khắp mọi miền đất nước, đặc biệt hướng tới những cây bút trẻ.
Không gian trưng bày thư pháp
Tại Lễ khai mạc, Giám tuyển Vũ Thanh Tùng nhấn mạnh, chữ quốc ngữ có vai trò, vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc. Nếu như trước kia, chữ Hán, chữ Nôm đã tạo nên bề dày về văn hóa, lịch sử của dân tộc ta, thì chữ quốc ngữ ngày nay là công cụ viết tiếp những trang sử đó. Nếu như thư pháp Hán – Nôm đã để lại cho chúng ta đến biết bao hình ảnh gắn với bút tích của ông cha, thì thư pháp quốc ngữ ngày hôm nay là những nét chấm phá mới mà chúng tôi muốn gửi gắm trong cuộc triển lãm này…
“Triển lãm còn là định hướng sáng tác mới, tư duy nghệ thuật theo hướng mới, tân cổ điển - bán hiện đại, kết hợp giữa kiểu truyền thống và phong cách sáng tác hiện đại, cùng với cách thức tổ chức, trưng bày hiện đại, được định hình để làm tiền đề và chuẩn mực hơn từ nay về sau cho các triển lãm kế tiếp về thư pháp Quốc ngữ” – ông Vũ Thanh Tùng cho biết.
Ngoài lựa chọn trưng bày 70 tác phẩm chính thức với những nội dung, ý nghĩa, ý tưởng nghệ thuật cụ thể, còn có 41 “tác phẩm” nhỏ được chọn lựa riêng, ngẫu nhiên với tinh thần chắt lọc tinh hoa bút mực một cách ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác chuẩn bị cho triển lãm của các tác giả. Số lượng các tác phẩm nhỏ dùng để sắp đặt, trang trí, trưng bày kết hợp theo từng module theo từng vị trí tổng là 693 bức.
Nội dung các tác phẩm thư pháp, bao gồm các tác phẩm chính và các tác phẩm sắp đặt đều được lấy cảm hứng để viết và sáng tác từ những nội dung thơ văn Quốc âm (chữ Nôm) Quốc ngữ của các danh nhân trong lịch sử và văn học nước nhà như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân khác gắn bó hoặc có những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, các tác giả viết và sáng tác còn sử dụng những nội dung văn chương thời nay viết về Thăng Long, về Hà Nội.
Toàn bộ các tác phẩm chính và các tác phẩm nhỏ sắp đặt theo từng module trưng bày đều được soi sáng từ bên trong mang lại hiệu ứng xem - cảm mới cho công chúng thưởng thức nghệ thuật. Từng con chữ, từng nét bút, từng vết mực đều được làm nổi bật và soi rõ bằng ánh sáng. Người xem có thể cảm nhận, tương tác hai chiều một cách rõ ràng hơn, trực quan nhất vẻ đẹp của bút mực trên từng trang giấy. Các tác phẩm nhỏ trên mặt đất cùng với module chạy vòng xung quanh không gian trưng bày trên các ô cao mang hàm ý kết nối tác phẩm, kết nối tác giả, kết nối 3 miền Nam - Trung - Bắc, kết nối cộng đồng của mình, kết nối với công chúng trong một không gian thư pháp tràn ngập chữ và ánh sáng.
Triển lãm và kéo dài đến hết 25-9-2024.
AN NGỌC - Ảnh: TRUNG NGUYỄN