Cùng với tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần cư dân Tây Nam Bộ. Qua tìm hiểu, có thể nhận thấy khá nhiều công trình xây dựng tôn giáo đã được chuyển hóa vào vị trí của các yếu tố địa danh mang dấu ấn các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Cao Đài... cả ở địa hình tự nhiên hay các công trình xây dựng.
1. Tôn giáo ở Tây Nam Bộ qua địa danh
Phật giáo
Dấu ấn rõ nét của Phật giáo trong địa danh, trước hết là các địa danh phản ánh tên gọi của tôn giáo. Tên cầu Phật Đá (Châu Thành-Tiền Giang) là địa danh được định danh theo tên một ngôi chùa nổi tiếng ở huyện Tân Phước: chùa Phật Đá “Chùa Phật Đá là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào năm Giáp Thìn (1784). Ngôi chùa mang tên Linh Phước, dân gian gọi là chùa Phật Đá. Người ta gọi như vậy vì trong chùa có thờ một tượng thần Vishnu, đạo Bà La Môn của người Phù Nam bằng đá sa thạch, nhưng hiện nay không còn di tích” (1). Năm 1986, tại một địa điểm ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), người ta đào được 2 pho tượng phật. Từ đó, hình thành nên tên gọi địa điểm này là gò Phật. Tương tự, khu di chỉ thuộc huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) mang tên đìa Phật do năm 1970 đào được dưới đìa 10 pho tượng phật bằng gỗ.
Kinh chảy từ Bạc Liêu qua Cà Mau, rồi đổ ra biển Đông, dài 11km, rộng 20m có tên gọi chùa Phật hiện chưa có lý giải cụ thể về tên gọi này. Nhưng có thể khẳng định địa danh này có mối liên hệ với Phật giáo trên vùng đất. Không liên quan đến hoạt động tôn giáo nhưng sự liên tưởng dựa trên sự tương đồng về hình dáng tượng phật đã khiến hang trong núi Thạch Động (Hà Tiên - Kiên Giang) được gọi là hang Phật Nổi theo như cách giải thích: vì trên vòm phía tây, thạch nhũ tạo thành một hình khối giống pho tượng phật.
Các địa danh gắn liền với đội ngũ những người hoạt động tôn giáo này như thày tu (còn gọi thày chùa, nhà sư) cũng khá phong phú như rạch Thày Chùa Kỉnh (Bình Minh - Vĩnh Long), giồng Sư Cụm (Cầu Ngang - Trà Vinh), kinh Sư Đậu (Phú Tân - Cà Mau), cầu Sư Thiện Ân (Rạch Giá - Kiên Giang), cầu Sư Son (Bạc Liêu)... Bên cạnh đó còn có những địa danh liên quan đến các nhà sư như: ấp Lục Cu ở Long Hồ (Vĩnh Long) được lý giải: lục có dạng gốc Khơme là Luk, từ gọi chung các sư sãi trong chùa, cu có lẽ là tên người; hay như núi Trà Sư (Tịnh Biên - An Giang), kinh Trà Sư (Tri Tôn - An Giang) xuất phát từ âm tà sư (nghĩa là ông sư vì Tà Môn) cũng gọi Trà Môn; tên gọi một khu vực ở huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) là Lục Tà Tham cũng có cách giải thích: vùng đất này là quê của một vị lục cả đạo cao đức trọng, tu hành ở chùa Ôchum. Tên ông là Tham, lục là tiếng gọi người Khơme tu hành, tà nghĩa là ông gọi một cách kính trọng (2); tên gọi quận Sóc Sãi của tỉnh Kiến Hòa lập trước năm 1945, gồm 4 tổng: Bảo Đức, Bảo Hựu, Bảo Ngãi, Bảo Thành với 27 làng, sau đổi tên là quận Hàm Long ngày 16-10-1958 cũng đồng thời là tên gọi một chợ, một huyện gồm 11 xã ở tỉnh Bến Tre lập trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được giải thích: Sóc Sãi nửa Khơme nửa tiếng Việt. Sóc do từ Khơme srôk nghĩa là xứ, sãi là người đàn ông giữ chùa hoặc sư ông. Sóc Sãi là xứ có nhiều ông sãi... các cách lý giải này đều liên quan tới người Khơme. Bởi đối với cư dân Khơme, Phật giáo chiếm một vai trò quan trọng. “Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể nói rằng, tổ chức xã hội cổ truyền của người Khơme nương dựa trên tổ chức nhà chùa và văn hóa Khơme là nền văn hóa mang đậm màu sắc Phật giáo”(3).
Với Phật giáo, không thể không nhắc đến cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo là chùa. Có lẽ sự xuất hiện của nhiều ngôi chùa tại vùng đất Tây Nam Bộ đã in dấu trong nhiều địa danh gắn với từ chùa. Tính riêng ở thị xã Bình Minh và huyện Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long đã có tới 4 con rạch có tên gọi rạch Chùa, nguồn gốc nhìn chung cũng đều gắn với Phật giáo: tên rạch Chùa ở xã Mỹ Hòa (Bình Minh - Vĩnh Long) chùa ở đây là An Hòa tự do ông Năm Tánh, pháp danh Thích Thiện Chơn đến xây cất trong thập niên 1930; gò Chùa Tám Ấu (Tân Hồng - Đồng Tháp) là tên gọi gò nằm cạnh ngôi chùa do ông Tám Ấu xây năm 1973; tên gọi núi Chùa Vàng (Hà Tiên - Kiên Giang) xuất phát từ tên ngôi chùa xây trên núi; địa điểm Nền Chùa do L.Malleret phát hiện tháng 2-1944 (Tân Hiệp - Kiên Giang) là di tích cư trú có nhiều cọc gỗ, sàn gỗ, đồ gốm, di tích kiến trúc nền móng công trình bằng đá có diện tích 120m2. Sở dĩ có tên gọi này là do qua các di vật tìm được, người ta đoán là nền của một ngôi chùa cổ ở đây; ngọn núi ở Hà Tiên (Kiên Giang) có tên Địa Tạng vì trên núi có chùa thờ Phật Địa Tạng, một trong 6 vị bồ tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa.
Ngoài ra, còn có hàng loạt địa danh trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với Phật giáo như rạch Chùa Cây Cồng (Mang Thít - Vĩnh Long), giồng Chùa Chim (Duyên Hải - Trà Vinh), kênh Chùa Mới (Trà Ôn - Vĩnh Long), núi Chùa Hang (Kiên Lương - Kiên Giang), rạch/sông Ba Chùa (Trà Ôn - Vĩnh Long), gò Chùa (Tân Hồng - Đồng Tháp), rạch Chùa (Cao Lãnh, Châu Thành - Đồng Tháp), rạch Chùa Cái Đôi (Lai Vung - Đồng Tháp), rạch Chùa Giác Đạo (Châu Thành - Đồng Tháp), rạch Chùa Sâu (Lấp Vò - Đồng Tháp), xẻo Mương Chùa (Sa Đéc - Đồng Tháp), chợ Rạch Chùa (Lấp Vò - Đồng Tháp)...
Công giáo
Du nhập vào Tây Nam Bộ cùng với quá trình khai hoang mở cõi của các lưu dân trên dưới 300 năm qua, thời gian không dài nhưng có thể thấy Công giáo nhanh chóng ăn sâu bám rễ và để lại dấu ấn trong đời sống văn hóa cư dân trên vùng đất. Cùng với Phật giáo, Công giáo đã làm phong phú thêm đời sống tâm linh, tạo thêm chỗ dựa tinh thần giúp người dân miền Tây vượt qua những khó khăn của cuộc sống mưu sinh vốn thuận lợi nhưng cũng ẩn chứa nhiều thử thách. Đứng từ góc độ địa danh, khá nhiều địa danh có bóng dáng của tôn giáo này.
Đầu tiên là các địa danh liên quan đến nhà thờ. Nhà thờ là cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Công giáo. Địa danh mang tên Nhà Thờ khá phổ biến, đó là tên của cầu (Châu Thành - Bến Tre, Long Hồ - Vĩnh Long, Mang Thít - Vĩnh Long), chợ (Chợ Mới - An Giang), rạch (Bình Minh - Vĩnh Long, Tam Bình - Vĩnh Long), mương (Bình Đại - Bến Tre, Châu Thành - Đồng Tháp), sông (Vũng Liêm - Vĩnh Long), cống (Mang Thít - Vĩnh Long), bến đò (Tam Bình - Vĩnh Long)... Như vậy, số lượng địa danh gắn với yếu tố nhà thờ khá dày đặc và đa dạng. Có thể mượn cách lý giải nhà thờ xuất hiện trong địa danh là do tập quán các giáo dân phải đi lễ hàng tuần đến các nhà thờ để được rửa tội, nghe lời giáo huấn sống tốt đời đẹp đạo... lâu dần hình thành nên các địa danh gắn với các cơ sở thờ tự của đạo. Bên cạnh đó, có những địa danh gắn với cách gọi linh mục Công giáo, những người đứng đầu thực hiện các lễ nghi tôn giáo trực tiếp cho giáo dân như vàm kênh Ông Cha (Châu Thành - Bến Tre), kênh Ông Cha (Trà Ôn - Vĩnh Long). Cũng có địa danh liên quan đến vị thánh trong Công giáo là Thánh Phaolô (còn gọi Thánh Phaolô Tông đồ, Thánh Phaolồ hoặc Sứ đồ Phaolô, được xem là một trong những cột trụ của Hội Thánh Kitô giáo tiên khởi, là một nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển Kitô giáo thời kỳ sơ khai, Phaolô được sùng kính như một vị thánh bởi các nhóm khác nhau, trong đó có Công giáo). Đó là lý do có dòng kinh được gọi tên Kinh Phao Lồ, cùng với đó là cầu Kinh Phao Lồ (Mang Thít - Vĩnh Long). Tên gọi kênh Dì Phước (Vũng Liêm - Vĩnh Long) là cách gọi để chỉ các nữ tu ở một nhà thờ Công giáo gần con kênh (xơ là tên hay gọi, có nghĩa là chị, Việt Nam hay gọi là dì; hay làm việc phước đức, nên người dân thường gọi là dì phước). Chúng tôi cho rằng cách gọi các nữ tu là dì phước cũng có cơ sở nhất định như lý giải của linh mục Phan Tấn Thành: “Thực ra, ở Việt Nam, các nữ tu không phải chỉ được gọi là bà xơ, mà còn có nhiều từ khác nữa: bà phước, dì phước, bà mụ. Từ đâu có những tiếng đó? Chúng ta bắt đầu bằng tiếng bà xơ. Trong tự điển tiếng Việt do Trung tâm từ điển ngôn ngữ xuất bản ở Hà Nội năm 1992, bà xơ được định nghĩa là bà phước, còn bà phước thì được định nghĩa là nữ tu sĩ đạo Thiên Chúa, thường làm việc trong các bệnh viện hoặc trại nuôi trẻ mồ côi”(4). Ngoài ra, còn có một số địa danh có mối liên hệ với Công giáo như rạch (Châu Thành - Bến Tre), kênh Thày Chúa (Long Hồ - Vĩnh Long)...
Các tôn giáo khác
Đạo Cao Đài: là tôn giáo nội sinh ra đời năm 1926 tại Tây Ninh, đáp ứng được nhu cầu tâm linh một bộ phận người Việt Nam Bộ nên phát triển rất nhanh ở giai đoạn khai đạo. Đến nay dù chưa được 100 năm hình thành và phát triển, đạo Cao Đài đã thể hiện là một tôn giáo mới, có tính dung hợp các tôn giáo lớn tại Việt Nam. Tôn giáo này để lại dấu ấn qua một số địa danh ở Tây Nam Bộ như chợ Thất Cao Đài (Hội An Đông - Lấp Vò - Đồng Tháp), kinh Cao Đài (Lấp Vò - Đồng Tháp), đặc biệt ở Vĩnh Long có xóm Bót Cao Đài (Long Hồ - Vĩnh Long) trong thời thuộc Pháp, cầu Ngọc Sơn Quang, cầu Ngọc Sơn Quang Nhỏ (Mang Thít - Vĩnh Long) lấy hiệu danh từ cơ sở thờ tự Thánh Tịnh Ngọc Sơn Quang thuộc ấp Tân Thiềng, xã Tân An Hội (Mang Thít - Vĩnh Long).
Đạo giáo (tên gọi khác là Lão giáo, đạo Lão, Tiên giáo): là tôn giáo có nguồn gốc ở Trung Quốc, xuất hiện rất sớm, người ta thường coi thủy tổ là Lão Tử. Nguyên gốc ở thời cổ đại là đạo Thần Tiên. Đạo giáo vào Việt Nam từ rất sớm, có lẽ phái thần tiên là phái được chú ý nhất (5). Phái Đạo giáo thần tiên ở Việt Nam thờ Chử Đồng Tử làm ông tổ và nhiều tiên thánh khác như thần Tản Viên. Đồng thời, họ có những câu chuyện về sự tích các đạo sĩ hoặc người thường tu thành tiên, có nhiều phép lạ. Đặc biệt, Đạo giáo đã đem sang Việt Nam phương pháp cầu tiên. Nhìn chung, thế giới thần tiên trong văn hóa Việt có mối liên hệ và chịu sự ảnh hưởng nhất định của Đạo giáo. Với những người dân ở vùng đất Tây Nam Bộ, tôn giáo này không cụ thể, rõ ràng như Phật giáo, Công giáo bởi sự hòa trộn với tín ngưỡng dân gian và cả tôn giáo nội sinh (như đạo Cao Đài), nhưng niềm tin, bóng dáng thần tiên và thế giới thần tiên trong đời sống cư dân trên vùng đất lại thể hiện khá rõ, cụ thể qua các địa danh. Trước hết, là tên gọi hang Bồng Lai (còn gọi hang Đại Đồng, hang số 3) ở trên núi Đá Dựng, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Ngoài ra là các địa danh gắn với yếu tố tiên. Có thể kể đến địa danh có tên gọi Hà Tiên. Đó là tên một huyện thành lập năm 1951 thuộc tỉnh Long Châu Hà, sau là huyện của Kiên Giang. Từ 1999 đổi thành huyện Kiên Lương. Hà Tiên ban đầu rất rộng nên cũng được gọi là Hà Tiên quốc hoặc Cảng Khẩu quốc. Đồng thời cũng là tên một trong bảy làng do Mạc Cửu dâng cho chúa Nguyễn ở thời điểm 1708; tên quận của Kiên Giang lập năm1957, quận lỵ Mỹ Đức; gồm 2 tổng Hà Thanh Bình (7 xã) và An Thành (5 xã) (1958); thị xã (Kiên Giang), thành lập ngày 8-7-1998 gồm 4 phường Bình San, Đông Hồ, Pháo Đài, Tô Châu và 3 xã: Mỹ Đức, Thuận Yên, Tiên Hải; tỉnh từ năm 1832, một trong Nam Kỳ lục tỉnh. Năm 1889, đổi thành hạt, gồm 4 quận: Châu Thành, Hòn Chông, Thanh Giang, Phú Quốc… Đến sau Cách mạng tháng 8, tên tỉnh này vẫn duy trì. Năm 1950, sáp nhập hai tỉnh Hà Tiên với Long Châu Hậu thành 1 tỉnh là Long Châu Hậu; trấn ở Nam Bộ (1802-1832), gồm 2 đạo: Kiên Giang, Long Xuyên và 2 huyện Kiên Giang, Long Xuyên. Hà Tiên vốn có nghĩa là tiên ở dưới sông. Có ba cách giải thích nguồn gốc, một trong số đó cho rằng: tương truyền địa danh này do Mạc Cửu đặt vì ông nói rằng đã thấy nhiều tiên nữ tụ hội ở khúc sông giữa Đông Hồ và Kim Dữ. Một địa danh khác gắn với yếu tố tiên là quần đảo Tiên Hải cách Hà Tiên (Kiên Giang) 18km, gồm 12 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích là 2,15km2. Tiên Hải cũng đồng thời là tên gọi một xã cũng thuộc Hà Tiên (Kiên Giang). Ngoài ra, tại một địa điểm ở Vũng Thơm (Sóc Trăng) người ta gọi là Giáng Tiên. Tại đây, có một giếng rộng mà cạn, gọi là giếng Tiên Ông và một giếng hẹp mà sâu gọi là giếng Tiên Bà. Nhờ hai giếng này mà người địa phương có nước ngọt dùng. Giếng Tiên là cách nghĩ huyễn hoặc của người bình dân cho rằng nhờ phép tiên mới có hai giếng này. Hay Giếng Tiên ở núi Cấm (An Giang) với giả thuyết ra đời của địa danh này cũng lung linh huyền thoại. Tương truyền ngày xưa, khi tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn lên đây một thời gian, ba quân tướng sĩ bị kiệt sức vì khô hạn, vua Gia Long đã khấn nguyện rồi dùng kiếm đâm sâu vào lòng phiến đá khổng lồ dưới chân. Kỳ lạ thay, dù ngay giữa mùa khô hạn, nhưng khi mũi kiếm vừa rút lên, từ lòng đá cũng phụt lên dòng nước ngọt mát lành. Nhờ đó mà tướng sĩ vượt qua cơn khát và để ghi nhận sự kiện thần kỳ này, vua Gia Long gọi đây là giếng do tiên ban tặng. Từ đó nguồn nước giữa phiến đá này có tên là Giếng Tiên. Trải qua hàng trăm năm, đến nay Giếng Tiên vẫn bốn mùa đầy ắp nước ngọt. Bên cạnh đó, cách lý giải tên gọi sông Đạo Cung ở Long Hồ (Vĩnh Long): Đạo Cung có lẽ là đạo sĩ tên Cung (đạo sĩ là người tu hành theo Đạo giáo) phần nào cũng cho thấy dấu ấn tôn giáo này tồn tại trong đời sống cư dân Tây Nam Bộ.
Nghiên cứu từ góc độ địa danh, có thể nhận thấy văn hóa tâm linh của cư dân Tây Nam Bộ thể hiện khá rõ:
Về tín ngưỡng, người Việt trong quá trình di cư từ Bắc và Trung Bộ đã đem theo những tín ngưỡng truyền thống đến vùng đất mới. Đồng thời là sự giao thoa, tích hợp với tín ngưỡng của cư dân các dân tộc như Khơme, Hoa, Chăm để tạo nên những dấu ấn riêng. Với người Việt, có thể kể đến tín ngưỡng thờ đa thần, bao gồm cả thiên, nhiên và nhân thần. Các vị thần này thường được thờ tự trong các đình, đền, miếu (miễu). Thật ra, các cơ sở thờ tự này ở miền Tây Nam Bộ nhiều lúc không chỉ thờ một vị thần của người Việt mà còn có các thần của cư dân Hoa, Khơme, Chăm. Tên gọi các con sông, rạch, kênh, cầu, ngã ba, cồn, kinh, ấp, giồng... gắn với các cơ sở thờ tự đình, đền, miếu là minh chứng rõ nét nhất cho tín ngưỡng thờ đa thần. Đồng thời là các địa danh phản ánh tập tục thờ ông Táo, ông Địa trong văn hóa của người Việt. Bên cạnh tín ngưỡng thờ đa thần, các địa danh còn phản ánh tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, cụ thể ở đây là động vật như tứ linh long lân quy phụng, thờ cá voi, thờ hổ.
Việc thờ cúng Ông Tà ăn sâu vào tâm thức, quan niệm của người dân Nam Bộ trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Xét về góc độ lịch sử, văn hóa, tính cộng đồng dân tộc thì tục thờ trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần người Việt - Khơme Nam Bộ, kết quả quá trình cộng cư, giao thoa văn hóa thời khai hoang mở cõi. Với người Khơme, tín ngưỡng thờ ông Tà (Neak Ta), các vị thần có quyền năng cai quản trong phạm vi phum sóc hoặc một khu vực rộng lớn hơn, rất phổ biến. Cùng với đó là việc thờ các vị thần khác như Me Sar, Bassac hay tín ngưỡng cổ xưa thờ cá sấu. Tín ngưỡng thờ ông Bổn (người Hoa) cùng tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ, Thủy Long thần nữ (người Chăm) bước đầu cũng được nhận diện dù chưa thật sự phổ quát.
Về tôn giáo, Phật giáo in dấu trong nhiều địa danh ở Tây Nam Bộ. Điều này thể hiện qua các địa danh gắn với tên gọi tôn giáo (phật), tên cơ sở thờ tự (chùa) và những người hoạt động trong tôn giáo (sư, sãi, lục, thày chùa). Bên cạnh đó, Công giáo cũng được phản ánh cụ thể qua các địa danh liên quan đến nhà thờ, linh mục (cha), dì phước... Ngoài ra còn bóng dáng của các tôn giáo khác như Cao Đài, Đạo giáo.
Tóm lại, có thể thấy đời sống tâm linh, trong đó có tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo một chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần để giúp các dân tộc cư trú trên vùng đất có sức mạnh đối diện với thiên nhiên hoang hóa và cuộc sống còn nhiều bất trắc. Tìm hiểu tín ngưỡng, tôn giáo, các kiêng kỵ... của người Tây Nam Bộ qua địa danh góp phần nhận chân giá trị văn hóa vùng miền nói chung và văn hóa tâm linh nói riêng; đồng thời, tạo cơ sở lý luận giúp phát huy bản sắc văn hóa tinh thần các tộc người Việt, Khơme, Hoa, Chăm nhằm đảm bảo mục tiêu hòa nhập mà không hòa tan của cư dân các dân tộc trên vùng đất Tây Nam Bộ.
_______________
1. Nguyễn Văn Diệp, Khía cạnh văn hóa của địa danh ở tỉnh Tiền Giang, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Đại học KHXHNV TP.HCM, 2010.
2. Trần Minh Thương, Văn hóa dân gian phi vật thể huyện Ngã Năm - Sóc Trăng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015.
3. Hội khoa học lịch sử TP.HCM, Nam Bộ đất và người, tập IV, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2006.
4. daminhvn.net.
5. bachkhoatrithuc.vn.
Tác giả: Võ Nữ Hạnh Trang
Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018