THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Ở QUẢNG NINH

Phát triển nguồn nhân lực (NNL) trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một trong ba khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, xã hội; là nền tảng để phát triển bền vững, tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia của đất nước nói chung, từng địa phương nói riêng. Điều đó đòi hỏi, việc phát triển NNL ở tỉnh Quảng Ninh một mặt phải có tầm nhìn chiến lược tổng thể, lâu dài; mặt khác, cần có những định hướng, mục tiêu, biện pháp cụ thể, phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước trong mỗi giai đoạn nhất định.

1. Thực trạng NNL ở tỉnh Quảng Ninh trước năm 2010

Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của địa phương, NNL tỉnh Quảng Ninh không chỉ duy trì được tốc độ phát triển hợp lý về mặt số lượng mà còn được cải thiện khá rõ rệt về mặt chất lượng và tình trạng việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những thành tựu, NNL của tỉnh Quảng Ninh vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế: trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như chất lượng cuộc sống có sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, cơ cấu lao động chưa hợp lý. Năng suất lao động thấp so với một số tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong các ngành kinh tế quốc dân, số có trình độ đại học trở lên được phân bố chủ yếu vào các lĩnh vực quản lý nhà nước và an ninh, quốc phòng (18,8%), giáo dục và đào tạo (16,9%), công nghiệp khai thác mỏ (16,9%), công nghiệp chế biến (7,5 %), y tế và hoạt động cứu trợ xã hội (6,7%). Nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh như như nông, lâm nghiệp 3,2%, thủy sản 0,4%, thương nghiệp 1,1%, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng... tỷ lệ số có trình độ đại học trở lên còn rất thấp, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Năm 2010, nhân lực du lịch trực tiếp của Quảng Ninh có khoảng 16.000 người. Trong đó chỉ có 13% được đào tạo trình độ đại học trở lên, 22% có trình độ cao đẳng và trung cấp, 40% có trình độ sơ cấp nghề, chứng chỉ bồi dưỡng ngắn hạn. Trong số nhân lực được đào tạo chỉ có khoảng 42% được đào tạo về du lịch. Ngoài ra, nhiều ngành kinh tế quan trọng thiếu những người có trình độ học vấn cao. Thực tế này cho thấy tình trạng mất cân đối trong đào tạo và bố trí sử dụng NNL có trình độ đại học trở lên trên địa bàn của tỉnh.

Công tác đào tạo, phát triển NNL khoa học công nghệ của tỉnh còn thụ động, trông chờ vào các nguồn cung cấp từ các trường đại học và di chuyển từ tỉnh ngoài vào. Nguồn đào tạo tại tỉnh chủ yếu là đại học hệ tại chức, chất lượng hạn chế do đào tạo không cơ bản, thiếu hệ thống và ẩn chứa nhiều nhược điểm. Vấn đề đào tạo sau đại học cũng trong tình trạng tự phát, thiếu quy hoạch và chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu sử dụng. Công tác đào tạo nghề theo phương châm xã hội hóa tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, mới chỉ tập trung đào tạo đại trà, ngắn hạn chưa đủ điều kiện đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu thị trường lao động, cơ cấu ngành, nghề đào tạo lao động còn nhiều bất cập với yêu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động. Số lao động được giải quyết việc làm hàng năm liên tục tăng nhưng chưa bền vững. Lực lượng lao động tác phong làm việc không chuyên nghiệp, còn thụ động và thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Đánh giá về NNL trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của tỉnh cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém đó là: “Chất lượng NNL chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thiếu nhân lực chất lượng cao: chuyên gia, nghệ nhân, công nhân lành nghề, công nhân kỹ thuật, còn có khoảng cách lớn về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật giữa miền núi, nông thôn, hải đảo với thành thị. Năng suất lao động thấp so với một số tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...”. Từ thực trạng NNL trước năm 2010, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh hết sức quan tâm tới việc xây dựng và nâng cao chất lượng NNL nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời chuẩn bị một lực lượng lao động có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, đảm bảo cho công cuộc xây dựng Quảng Ninh trở thành một tỉnh dịch vụ, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công trong tương lai.

 
 
 Ảnh Thanh Sơn
 

2. Định hướng phát triển NNL của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2015

Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen để xây dựng tỉnh Quảng Ninh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII năm 2010 đã xác định mục tiêu: “Phát triển văn hóa, xã hội tương xứng với phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thực sự trở thành một địa bàn động lực, năng động của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế, đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”. Và để phát huy tiềm năng, thế mạnh, từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế là chuyển từ tăng trưởng nâu sang tăng trưởng xanh, từ tăng trưởng chưa bền vững sang tăng trưởng bền vững, từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu.

Để chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh, tạo nền tảng vững chắc phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020 thì việc phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh là vấn đề quan trọng và có tính quyết định. Ngày 5-5-2012 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TƯ Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề nâng cao chất lượng NNL, nhất là NNL khoa học và công nghệ; ưu tiên giành kinh phí cho đào tạo NNL khoa học chất lượng cao (tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư, phó giáo sư), tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ khoa học nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đảm bảo thu nhập và quyền sở hữu trí tuệ cho cán bộ khoa học và công nghệ nhằm phát huy mạnh mẽ tiềm năng của đội ngũ khoa học và công nghệ hiện có. Mỗi năm tỉnh dành nguồn kinh phí cho đào tạo từ 15 đến 25 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Du lịch là ngành tiềm năng và thế mạnh nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, cho nên, ngày 24-5-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TƯ về Phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh, phát triển từ bề rộng sang phát triển theo chiều sâu và xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại. Một trong những giải pháp được xác định đó là đào tạo, nâng cao chất lượng NNL du lịch trên cơ sở đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại để thực hiện chuẩn hóa về mặt chất lượng lao động du lịch trong từng lĩnh vực. Thường xuyên tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng lao động tại các cơ sở kinh doanh… Phấn đấu sau 2015, đội ngũ lao động của ngành du lịch Quảng Ninh được trang bị kiến thức cơ bản về du lịch. Quy hoạch và phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo về du lịch tại các trung tâm du lịch của tỉnh. Phấn đấu sau 2020, Quảng Ninh là một trung tâm đào tạo nhân lực về du lịch cho khu vực và quốc tế.

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo, ngày 5-3-2014, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 26-Ctr/TƯ nhằm thực hiện “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” với quan điểm chỉ đạo: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phải gắn liền với yêu cầu phát triển NNL phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh. Bên cạnh đó chú trọng “mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo; tăng cường thúc đẩy và tranh thủ tối đa các chương trình hợp tác song phương, đa phương của nhà nước về đào tạo NNL; mở rộng liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín trong nước; hợp tác với các đối tác nước ngoài trong đào tạo NNL và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục”.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh, cũng như đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư vào tỉnh, nhằm đóng góp vào phát triển bền vững chung của đất nước, ngày 31-12-2013, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 2622/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó tỉnh sẽ chú trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học. Các cấp chính quyền tỉnh cần phải tập trung ưu tiên đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ nhân lực tỉnh Quảng Ninh có quy mô, cơ cấu, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập và phát triển mạnh mẽ giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.

Nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển NNL của tỉnh, ngày 9-6-2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết Số 15-NQ/TU về Đẩy mạnh cải cách hành chỉnh và phát triển NNL chât lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó đánh giá một cách toàn diện về thực trạng NNL của tỉnh: “Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động tiếp tục được nâng cao. Đa số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo cả về chuyên môn, lý luận chính trí, quản lý nhà nước, quản lý kỉnh tế; có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, từng bước trưởng thành, tiến bộ về trình độ, nhận thức, năng lực thực tiễn, phương pháp, tác phong, lề lối làm việc. NNL của tỉnh cơ bản duy trì được tốc độ phát triển hợp lý về số lượng, chú trọng về chất lượng và tạo việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị liên tục giảm và là một trong số ít tỉnh có tỷ lệ thất nghiệp thấp so với tỷ lệ chung của cả nước (tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh: năm 2012, 1,44%; năm 2013, 1,20%; so với trung bình cả nước là 1,96% và 2,18%)”.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, nghị quyết chỉ ra những tồn tại, yếu kém của NNL và công tác phát triển NNL trên địa bàn đó là: NNL chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Thiếu nhân lực chất lượng cao: chuyên gia, nghệ nhân, công nhân lành nghề, công nhân kỹ thuật, còn có khoảng cách lớn về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật giữa miền núi, nông thôn, hải đảo với thành thị. Năng suất lao động thấp so với một số tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Quy hoạch phát triển NNL chưa được quan tâm đúng mức; công tác đào tạo, phát triển NNL, nhất là NNL chất lượng cao và nguồn nhân lực khoa học công nghệ còn thụ động. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo lao động chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế; chưa có sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động, bộ máy, biên chế một số đơn vị, cơ quan cấp tỉnh và NNL cấp huyện, xã còn chưa tinh gọn, hiệu quả.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, với những hạn chế của NNL và công tác phát triển NNL trong những năm qua cho thấy đây là khó khăn và thách thức không nhỏ của Đảng bộ tỉnh trong việc đề ra chủ trương và chính sách trong giai đoạn tới về tất cả các lĩnh vực của tỉnh, đặc biệt là phát triển NNL. Dựa vào kết quả đánh giá thực trạng NNL một cách khách quan, khoa học, Nghị quyết xác định phương hướng phát triển NNL, nhất là NNL chất lượng cao là một khâu đột phá quyết định nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh để đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại và đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp. Phát triển NNL phải đảm bảo hài hòa về cơ cấu và cân đối theo ngành, vùng, miền, nhất là ngành (lĩnh vực) trọng điểm, có lợi thế và những vùng, miền là động lực phát triển của tỉnh. Xây dựng mục tiêu “phát triển NNL, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo nhu cầu nhân lực cho phát triển nhanh ở những ngành (lĩnh vực) có lợi thế cạnh tranh để tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững và tích cực chủ động hội nhập quốc tế. Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, đặc biệt ưu tiên những lĩnh vực trọng điểm và có thế mạnh của tỉnh gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo chuẩn khu vực và từng bước tiến tới chuẩn quốc tế. Xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực có trình độ cho tỉnh”.

Quá trình thực hiện chủ trương phát triển NNL mang lại những kết quả nhất định đã nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong tỉnh cho công tác này. Chất lượng dân số của tỉnh Quảng Ninh ngày càng được cải thiện cả về thể chất và tinh thần. Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động tiếp tục được nâng cao. Đa số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo cả về chuyên môn, lý luận, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế; có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, từng bước trưởng thành, tiến bộ về trình độ, nhận thức, năng lực thực tiễn, phương pháp, tác phong, lề lối làm việc. NNL của tỉnh cơ bản duy trì được tốc độ phát triển hợp lý về số lượng, chú trọng về chất lượng và tạo việc làm… Những thành tựu trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển NNL mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong những năm qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển NNL trong các giai đoạn tiếp theo. Tạo thành động lực để tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017

Tác giả : LÊ HỒ HIẾU

;