Ban đầu, thư viện chỉ có tài liệu và bạn đọc đến để học qua sách. Sau đó, thư viện phát triển thành trung tâm đa phương tiện, tạo điều kiện cho quá trình học qua internet. Thời gian gần đây, thư viện đang có xu hướng tích hợp không gian sáng tạo - Makerspace (xưởng STEM), phục vụ nhu cầu học và chia sẻ kiến thức qua thực hành.
Từ yêu cầu thực tế…
Không gian sáng tạo (Makerspace), có thể hiểu đơn giản là một dạng không gian thực hành, mang đến văn hóa tự làm thực sự, là cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết khoa học với các kỹ năng thực tế - một yêu cầu đang rất cần thiết trong thực tiễn. Không gian sáng tạo là một trong những giải pháp đáp ứng tốt nhu cầu giáo dục STEM - phương thức đào tạo tích hợp theo cách tiếp cận liên môn (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học) và thông qua thực hành, ứng dụng theo hướng giáo dục 4.0.
Các không gian sáng tạo ngày càng trở nên phổ biến, xuất phát từ nhu cầu học thông qua thực hành ngày càng tăng. Nó giống như một xưởng STEM (hoặc lab STEM) với các trang thiết bị từ thô sơ tới hiện đại như dụng cụ mộc, cơ khí, điện, điện tử, robot, máy in 3D, máy cắt laser, máy khắc CNC... đã thay đổi cách học tập của thế hệ trẻ. Không gian sáng tạo giúp người học có thể sử dụng công cụ và vật liệu tái chế để làm ra những đồ chơi thú vị, có thể trải nghiệm làm đồ gỗ hay những mô hình điện tử hoặc lập trình cho robot…
Một góc không gian sáng tạo Thư viện Văn hóa Thiếu nhi tại Thư viện Quốc gia Việt Nam - Ảnh: Hồng Vân
Thư viện là nơi sinh hoạt của cộng đồng tự học qua sách, qua internet và việc tích hợp thêm không gian sáng tạo làm cho thư viện hấp dẫn hơn và tăng tính tiện ích. Bởi vì, trong khi làm sản phẩm STEM ở không gian sáng tạo, nếu thiếu kiến thức hoặc muốn tìm hiểu rõ vấn đề, bạn đọc có thể kết hợp việc đọc sách trong thư viện với sử dụng trung tâm đa phương tiện để tra cứu hay nêu vấn đề đang gặp phải để nhờ cộng đồng mạng cho lời khuyên hoặc chỉ dẫn thêm… Như vậy, cách tổ chức thư viện 3 trong 1 chính là phương án tối ưu để tăng quy mô của cộng đồng bạn đọc trong nền kinh tế chia sẻ tri thức và tiện ích.
Đến mô hình không gian sáng tạo ứng dụng tại hệ thống thư viện trường học ở Hà Nội
Bắt đầu từ năm học 2016-2017, các không gian sáng tạo đầu tiên trong trường phổ thông ở Hà Nội đã ra đời và đến năm học 2018-2019, một số trường trung học công lập trên địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm đã tích hợp không gian sáng tạo vào thư viện để học sinh có thể sinh hoạt câu lạc bộ STEM theo lịch, trong đó nổi bật nhất là FabLab Bách Khoa - Tạ Quang Bửu của Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Tạ Quang Bửu thuộc mạng lưới FabLab Toàn cầu và câu lạc bộ GART 6520 của Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam thuộc hệ thống các câu lạc bộ tham gia cuộc thi chế tạo robot vào loại lớn nhất thế giới có tên FIRST Robotics Competition (FRC). Hai không gian sáng tạo này được đầu tư bài bản và đều có điểm nhấn là kết nối với cộng đồng quốc tế theo hệ thống riêng với các kho dữ liệu, sân chơi, cuộc thi riêng.
Sự vào cuộc của ngành Thư viện
Hiện thực hóa Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ dịp hè năm 2019, trong đợt tập huấn về kỹ năng tổ chức các hoạt động, mô hình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng cho lãnh đạo và cán bộ của 63 thư viện tỉnh/thành phố, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) đã mời Liên minh STEM tập huấn riêng về STEM và không gian sáng tạo, đặc biệt là các nội dung về sử dụng không gian sáng tạo trong việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho người dân và học sinh học thông qua thực hành, học tập suốt đời tại các thư viện truyền thống. Lãnh đạo các thư viện tỉnh Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Kiên Giang... đã học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để triển khai mô hình tích hợp giữa thư viện với không gian sáng tạo.
Từ đầu năm 2016, Vụ Thư viện với sự tài trợ của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) đã triển khai mô hình “Xe thư viện lưu động đa phương tiện” và đến nay, những chuyến xe “Ánh sáng tri thức” này gần như đã “phủ sóng” hầu hết các địa bàn đặc thù trong phạm vi cả nước (47/63 tỉnh thành có xe thư viện lưu động). Hiện mỗi xe được trang bị 4.500 cuốn sách và tài liệu điện tử, 6 laptop kết nối internet, 1 máy chủ và phần mềm ứng dụng cùng máy chiếu, tivi, máy phát điện và các thiết bị cần thiết khác... Chuyến xe đã mang ánh sáng tri thức, góp phần “xóa đói” thông tin, “xóa mù” công nghệ, tạo ra một luồng sinh khí mới cho các thư viện tỉnh trong việc triển khai các hoạt động phục vụ cộng đồng... Trong tương lai, nếu trên mỗi xe được trang bị thêm không gian sáng tạo với 7-10 robot giáo dục, 1 máy in 3D, 1 máy khắc CNC và được các thầy cô đam mê STEM giúp đỡ, việc triển khai Ngày hội Đọc sách và Ngày hội STEM ở các vùng quê nhằm giúp học sinh nông thôn được làm quen với việc học theo hướng tiếp cận 3 trong 1 - qua sách, qua internet và qua thực hành - sẽ trở nên khả thi. Tuy nhiên, khó khăn của ngành Thư viện hiện nay là thiếu các chuyên gia về giáo dục STEM, song nếu kết hợp với ngành Giáo dục thì điểm yếu này sẽ được khắc phục bởi trên thực tế, đội ngũ thầy cô có thể dạy các tiết học theo tiếp cận STEM ở nhiều tỉnh đến nay đã lên đến hàng trăm người.
Không gian sáng tạo tại Thư viện Văn hóa Thiếu nhi, Thư viện Quốc gia Việt Nam
Trên thực tế, các không gian sáng tạo hiện nay mới tập trung chủ yếu đến nhóm đối tượng thanh thiếu niên, và gần như bỏ ngỏ đối tượng các em thiếu nhi trong khi việc phát triển thói quen đọc, sở thích đọc ngay từ khi còn nhỏ là nền tảng phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng học, kỹ năng thực hành trong cuộc sống sau này khi trẻ trưởng thành và chỉ khi hình thành văn hóa đọc thì các không gian sáng tạo với không gian thực làm mới có thể “tỏa sáng”.
Thấu hiểu điều này, Thư viện Văn hóa Thiếu nhi tại Thư viện Quốc gia Việt Nam được thiết kế theo ý tưởng về cây điều ước của trẻ em với hàm ý hướng tới tương lai tươi sáng, chính thức ra đời ngày 16-11-2017. Đây là một không gian phức hợp kết hợp 3 trong 1 giữa học qua sách, học qua mạng và học qua thực hành với các hoạt động trải nghiệm phong phú… dành cho thiếu nhi Việt Nam
Tại Lễ khai trương Thư viện Văn hóa Thiếu nhi, bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh rằng, trong xã hội tri thức, dịch vụ thư viện dành cho thiếu nhi đang ngày càng trở nên quan trọng đối với trẻ em và các gia đình. Tiếp cận tri thức và sự đa dạng văn hóa cũng như các kỹ năng đọc, viết và việc học tập suốt đời đã trở thành sự ưu tiên trong xã hội. Thư viện thiếu nhi hoạt động hiệu quả sẽ giúp các em thiếu nhi hình thành thói quen đọc sách, được trang bị kiến thức thông tin và kỹ năng học tập suốt đời cũng như thông qua những trải nghiệm và kết nối đa dạng, tạo cơ hội để các em trở thành những công dân toàn cầu đầy bản lĩnh.
Thư viện Văn hóa Thiếu nhi được xây dựng bao gồm 3 yếu tố: không gian thư viện hiện đại với các trang thiết bị tiên tiến hỗ trợ hoạt động đọc và trải nghiệm văn hóa; tài nguyên sách phong phú, cập nhật bằng 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn cùng các loại đồ chơi, nhạc cụ, thiết bị học tập hiện đại; các hoạt động trải nghiệm văn hóa đa dạng - thực hành âm nhạc, xem phim, phát triển tài năng... Mặc dù, Thư viện Văn hóa Thiếu nhi chưa chính thức có câu lạc bộ STEM dành cho thiếu nhi song 3 năm qua, Thư viện đã định kỳ hằng tháng tổ chức sinh hoạt chuyên đề cho các cháu mẫu giáo “sáng tạo” đồ chơi từ các vật liệu có sẵn và dễ kiếm. Thư viện Văn hóa Thiếu nhi có thể coi là mô hình tổ chức thư viện 3 trong 1 đầu tiên cho trẻ em Việt Nam. Trong thời gian tới, Thư viện Văn hóa Thiếu nhi sẽ nghiên cứu phát triển không gian sáng tạo với các nội dung về thí nghiệm khoa học, trình diễn ảo thuật khoa học hay lập trình cơ bản dành cho đối tượng thiếu nhi.
Có thể nói, Thư viện Văn hóa Thiếu nhi là một trong những chiếc nôi khơi gợi “đam mê” tìm tòi, sáng tạo cái mới thông qua thực hành ở trẻ em cũng như đảm nhận trách nhiệm duy trì và đẩy mạnh trào lưu tạo nên các maker tương lai ở Việt Nam. Hệ thống thư viện của Việt Nam có thể tạo ra những đứa trẻ thân thiết với các dịch vụ thư viện, có nghĩa là chương trình khuyến khích văn hóa đọc của thư viện đã đầu tư nuôi dưỡng nhân tài cho các thế hệ mai sau.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hà
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020