THÔNG TIN BIỂN ĐẢO TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC

Biển đảo ngày càng có vai trò quan trọng về nhiều mặt kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhiệm vụ bảo vệ biển đảo luôn là nhiệm vụ hàng đầu đối với mỗi quốc gia. Từ hàng ngàn năm nay, biển luôn gắn bó và giữ vai trò quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt Nam, đưa dân tộc thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Biển, đảo Việt Nam là bộ phận không thể tách rời lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu tổng quát của chiến lược biển Việt Nam là: “đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh” (1).

Biển, đảo Việt Nam có giá trị thực hiện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Tài liệu về biển, đảo là bằng chứng, phương tiện cực kỳ quan trọng trong đấu tranh chính trị, ngoại giao; đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của tổ quốc, nhất là trong điều kiện bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên đất liền, trên biển của Việt Nam ngày càng trở lên gay gắt. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của khối tài liệu lưu trữ liên quan đến biên giới, hải đảo trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói riêng và công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc nói chung, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã tổ chức rà soát, thống kê và lập danh mục tài liệu lưu trữ liên quan đến biên giới, hải đảo Việt Nam hiện đang bảo quản tại Trung tâm để báo cáo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Bản sao danh mục tài liệu hành chính về biên giới, hải đảo đã được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cung cấp cho Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao(2). Nhiều tài liệu biển, đảo đã được trưng bày, triển lãm công khai để tố cáo âm mưu của bọn đế quốc và phản động. Không ít tài liệu biển, đảo đã được sử dụng để biên soạn cuốn sách trắng của Bộ Ngoại giao về chủ quyền của nước ta (3).

Việt Nam trước sau như một khẳng định nhất quán chủ quyền đối với vùng biển, đảo của mình trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường này thể hiện trong Tuyên bố năm 1977 về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Tuyên bố năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của Việt Nam, nghị quyết của Quốc hội năm 1994 phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 cũng như trong các tuyên bố chính thức khác của Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển năm 2011... Điều này phù hợp với luật pháp quốc tế và được dư luận thế giới hoàn toàn ủng hộ.

Nguồn lực thông tin về biển, đảo có giá trị phục vụ chủ quyền an ninh biên giới và xây dựng bảo vệ tổ quốc bởi vì qua đó người dùng thông tin thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu nội dung liên quan đến Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, các hiệp định về phân định vùng biển, hiệp định hợp tác nghề cá ký với các nước liên quan, trong đó nắm vững tính chất pháp lý của từng vùng biển; từng đường phân định và các vùng nước quy định trong Hiệp định Hợp tác nghề cá... Trên cơ sở đó nắm, hiểu được các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan để phục vụ cho công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên biển đạt hiệu quả cao, đặc biệt vận dụng trong xử lý các vụ việc vi phạm xảy ra có liên quan đến yếu tố chủ quyền vùng biển; phục vụ tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân ven biển biết, chấp hành đúng các quy định của pháp luật, tích cực tham gia trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của tổ quốc.

Nguồn lực thông tin về biển, đảo có giá trị ngoại giao

Nguồn lực thông tin (NLTT) biển, đảo là căn cứ giúp cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước chính xác hơn. Bên cạnh đó, NLTT biển, đảo có giá trị ngoại giao vì nó luôn mang tính chính trị sâu sắc, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, là chứng cứ lịch sử trong đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ngày nay. Nó chứa đựng những thông tin quá khứ về công tác đối ngoại, giúp cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước chính xác, có tầm nhìn xa hơn.

Ngày 23 - 6 - 1994, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 5 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có nghị quyết nêu rõ: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982…

Việt Nam có chung đường biên giới trên biển với nhiều quốc gia. Cho đến nay, ta đã ký một số thỏa thuận trên biển với các nước: Hiệp định vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia (1982), Thỏa thuận khai thác chung vùng chống lấn thềm lục địa Việt Nam - Malaysia (1992), Hiệp định về phân định ranh giới biển Việt Nam - Thái Lan (1997), Hiệp định phân vịnh lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc (2004) và Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam - Inđônêxia (2003). Ngoài ra, gần đây chúng ta đã cùng với Trung Quốc thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc (2011)...

Năm 2011, Quốc hội đã thông qua Luật Biển với 55 điều nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, do đó có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại.

Cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp trên biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình, Luật Biển Việt Nam đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực, trên thế giới. Luật cũng đã đề cập tới nguyên tắc phát triển kinh tế biển: “Phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước; gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn trên biển; phù hợp với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; gắn với phát triển kinh tế xã hội của các địa phương ven biển và hải đảo” (4).

Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ to lớn, quan trọng, nước ta có thể vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức liên quan tới an ninh trên biển. Vì vậy, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài là xác lập chủ quyền đầy đủ, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam; giữ vững hòa bình, an ninh trên biển, góp phần phát triển kinh tế biển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây thực sự là trách nhiệm thiêng liêng của toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

NLTT biển, đảo có giá trị lịch sử, văn hóa

NLTT biển, đảo Việt Nam có giá trị độc đáo về nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Đã có nhiều tài liệu không chỉ là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam mà còn là di sản văn hóa thế giới. Chẳng hạn như tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.

Với nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam đã được sưu tập trong thời gian qua, theo thống kê sơ bộ, đến nay có khá nhiều tài liệu về biên giới, hải đảo. Đơn cử như tài liệu về Châu bản của triều Nguyễn có liên quan đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia và những mộc bản cùng nội dung nói trên tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt) và nhiều tài liệu khác từ thời phong kiến đến chế độ Sài Gòn cũ hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP.HCM).

NLTT về biển, đảo có tính giá trị sử liệu độc đáo, vô giá. Những giá trị sử liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của một quốc gia biển theo thông lệ quốc tế. Là nguồn sử liệu quý giá và quan trọng trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử, bởi những đặc thù riêng so với các nguồn sử liệu khác. thông tin trong tài liệu lưu trữ là thông tin có độ xác thực, tin cậy cao, là cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để phục vụ tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, những thông tin trong tài liệu mộc bản, châu bản triều Nguyễn và những tài liệu lưu trữ khác đã minh chứng hùng hồn, có giá trị pháp lý, lịch sử đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của dân tộc, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nguồn lực thông tin biển, đảo có giá trị xây dựng và phát triển kinh tế

Nhận thức rõ vị trí chiến lược của biển, đảo đối với quốc phòng - an ninh và bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển, Đảng ta đã sớm có những chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán về vấn đề này.

Gần đây, để phát huy các tiềm năng của biển trong TK XXI, Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9 - 2 - 2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định mục tiêu quan trọng là đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.

Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành và tổ chức triển khai nhiều luật, nghị định, quyết định, thông tư, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế biển, trong đó đặc biệt quan trọng là Luật Biển 2012 - bước tiến quan trọng trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước Luật Biển vào pháp luật Việt Nam, tạo thuận lợi cho nhà nước quản lý thống nhất về biển và phát triển nền kinh tế biển của Việt Nam.

NLTT biển, đảo Việt Nam có giá trị quan trọng để phát triển kinh tế đặc biệt là kinh tế biển, đảo. Nó cung cấp những thông tin, bằng chứng kịp thời đầy đủ, chính xác, thích hợp cho các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà kinh tế đưa ra những hoạch địch, quyết định đúng đắn về phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, đảo và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trên các vùng ven biển, hải đảo.

NLTT biển, đảo được sử dụng để phân tích, xác định vấn đề ưu tiên, lựa chọn chiến lược, lập kế hoạch, chương trình, hoạt động kinh tế, thực hiện và điều hành việc phát triển các mô hình kinh tế biển, đảo, giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả phát triển kinh tế vùng, miền; có giá trị cần thiết, được sử dụng thường xuyên cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cho các tỉnh, thành phố đặc biệt là 28 tỉnh, thành có biển, đảo; là cơ sở cho việc quản lý, kiểm tra theo dõi thực hiện kế hoạch và mô hình phát triển kinh tế biển, đảo; giúp cho việc đánh giá thực trạng việc phát triển kinh tế biển, đảo hiện nay, đồng thời dự đoán được quy mô, xu hướng phát triển kinh tế biển, đảo, mô hình hướng biển, bảo tồn các loại hải sản, sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển, đảo bền vững.

Biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn về kinh tế. Vì vậy, để khai thác, sử dụng hiệu quả và biến các tiềm năng ấy thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, Đảng và Nhà nước cần tập trung đầu tư nguồn lực thích đáng cho các ngành kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh ở các vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo. Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; tập trung nguồn vốn, khoa học, công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của biển; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ sản xuất của nhân dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo.

Phát triển kinh tế biển phải gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, coi đó như một vấn đề then chốt trong xây dựng thế trận lòng dân trên biển. Lịch sử đã chứng minh, ở bất cứ thời đại, chế độ nào, nguyện vọng sâu xa của nhân dân vẫn là đời sống vật chất và tinh thần được đảm bảo. Thời gian qua Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân các vùng ven biển và hải đảo, nhất là ở các vùng biển, đảo giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tóm lại, trong những năm qua, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc xây dựng và khai thác NLTT về biển, đảo ở Việt Nam vẫn chưa được các cơ quan từ trung ương tới địa phương coi trọng. Nhà nước đã bước đầu tổ chức các đoàn đi khảo sát tài liệu lưu trữ quý, hiếm ở trong, ngoài nước và đã đạt được một số thành tựu nhất định, đã có một số hướng dẫn mang tính định hướng nhằm từng bước sưu tầm nguồn tài liệu lưu trữ quý hiếm trong đó có NLTT về biển, đảo Việt Nam đang được bảo quản phân tán, khắc phục dần hiện tượng mất mát, hư hại. Xây dựng NLTT về biển, đảo là một nguồn lực quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Để làm tốt công tác xây dựng và khai thác NLTT về biển đảo, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của xã hội và người dân về tầm quan trọng NLTT về biển, đảo; đồng thời tăng cường giáo dục sâu rộng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách phát triển NLTT về biển, đảo bao gồm các vấn đề như chính sách, phương thức, cơ chế xây dựng nguồn tài liệu... Trong đó, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần hệ thống, đánh giá và điều chỉnh những văn bản, quy chế pháp lý về sưu tầm tài liệu quý, hiếm giữa các ngành hiện nay như bảo tàng, thư viện và lưu trữ để tránh ban hành các văn bản trùng lặp, chồng chéo, gây khó khăn cho các địa phương trong việc sưu tầm, thu thập.

Thứ ba, cần tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật để phát triển nguồn tài liệu về biên giới, biển, đảo thông qua các hình thức như: Nhà nước cấp kinh phí theo kế hoạch hàng năm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có điều kiện sưu tầm tài liệu quý, hiếm thuộc diện được sưu tầm, bao gồm cả kinh phí mua bản gốc hoặc bản sao tài liệu lưu trữ; xã hội hóa trong việc huy động các NLTT về biển đảo, vận động hiến tặng tài liệu của cá nhân, gia đình, dòng họ, trao đổi nguồn tài liệu...; ngoài ra, còn cần thúc đẩy sự hỗ trợ tích cực của các các cấp lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể ở địa phương đối với công tác xây dựng và khai thác phát huy giá trị NLTT về biển, đảo.

_____________

1, 4. Chiến lược biển Việt Nam từ quan điểm đến thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.

2. Phạm Thị Huệ, Nguyễn Thị Thúy Bình, Tài liệu lưu trữ về biên giới, hải đảo Việt Nam đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV và sưu tầm được tại Lưu trữ Pháp, Kỷ yếu hội thảo khoa học Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm và phát huy giá trị nguồn sử liệu về biên giới, hải đảo của Việt Nam, TP.HCM, tr.155-159.

3. Ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr.204.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : PHẠM THỊ THU HƯƠNG

;