Thể lệ Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ ba - năm 2025

Vừa qua, Ban Tổ chức Giải Diên Hồng đã ban hành Thể lệ Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ ba – năm 2025. Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) là giải thưởng hằng năm được trao tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc về Quốc hội, HĐND do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức.

Theo đó, các tác phẩm tham dự Giải cần bám sát Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (Giải Diên Hồng) lần thứ ba - năm 2025 và tập trung phản ánh các nội dung chủ yếu sau: Ý nghĩa, kết quả các kỳ họp của Quốc hội, tập trung vào Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Quá trình, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; ý nghĩa, tầm quan trọng các quyết sách của Quốc hội, UBTVQH, HĐND các cấp, nhất là các quyết sách mới được ban hành; những kết quả nổi bật trong hoạt động giám sát của cơ quan, đại biểu dân cử; Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; Các đổi mới, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp; Việc thực hiện chức năng hướng dẫn, giám sát hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND; phản ánh về vị trí, vai trò, quá trình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của HĐND; những đổi mới trong tổ chức, phương thức hoạt động của HĐND; Phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri và Nhân dân tới Quốc hội, HĐND; đóng góp của cử tri, Nhân dân trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát động Giải Diên Hồng lần thứ ba - năm 2025 tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ hai - năm 2024. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc Hội

Tác giả tham dự giải là công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài), người có quốc tịch nước ngoài có tác phẩm báo chí phù hợp với tiêu chí của Giải đều có quyền gửi tác phẩm tham dự. Trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tác phẩm thì giải sẽ trao cho Nhóm tác giả (số lượng tác giả của một nhóm tối đa là 7 người. Đối với các chương trình lớn của loại hình phát thanh, truyền hình nhóm tác giả có số lượng tối đa 10 người với các chức danh chính như kịch bản, biên tập, đạo diễn, quay phim, dẫn chương trình). Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 5 tác phẩm. Cùng một nội dung, đề tài, tác giả không được gửi tham dự Giải ở các thể loại khác nhau; tác giả tham dự Giải không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; không vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tác phẩm tham dự Giải Diên Hồng lần thứ ba - năm 2025 được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt), đã đăng tải, phát sóng trong thời gian từ ngày 6-12-2023 đến hết 20-11-2024 trên các báo, đài, tạp chí được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí. Các tác phẩm dự thi là những tác phẩm được xuất bản, đăng tải, phát sóng lần đầu tiên, nguyên gốc, không chỉnh sửa, biên tập và phát lại.

Những tác phẩm đã được nhận giải thưởng của Giải Báo chí Quốc gia hay các cuộc thi của địa phương, ngành hoặc liên ngành Trung ương được quyền dự Giải Diên Hồng lần thứ ba - năm 2025, nhưng cần ghi rõ mức giải và đơn vị đã tổ chức cuộc thi. Tác phẩm dự Giải bảo đảm đúng quy định Thể lệ Giải Diên Hồng lần thứ ba - năm 2025, bảo đảm đúng chủ đề, nội dung, sự nghiêm túc, chính xác, trung thực (đúng địa chỉ, sự việc, số liệu, thời gian), có tính thuyết phục cao về nội dung, hình thức thể hiện và có giá trị tuyên truyền cao. Tác phẩm dự Giải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền; tác giả gửi tác phẩm dự Giải tự chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý liên quan đến tác phẩm. Nghiêm cấm các trường hợp sao chép, nếu tác phẩm có sao chép hoặc lợi dụng tác phẩm dự Giải để vu khống, bịa đặt, xuyên tạc thì tác giả phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Ban Tổ chức không xem xét tác phẩm dự Giải của tác giả vi phạm Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật; các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, truyện ngắn, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh); tác phẩm đang chờ ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng.

Tác phẩm dự Giải là tác phẩm đơn lẻ hoặc chùm tác phẩm. Chùm tác phẩm có số lượng không quá 5 kỳ của cùng tác giả hoặc Nhóm tác giả về cùng một sự kiện, đề tài. Ban Tổ chức không chấm chùm tác phẩm vượt quá số lượng, chùm tác phẩm ghép từ những tác phẩm độc lập hay chùm tác phẩm lựa chọn từ các tác phẩm nhiều kỳ.

Tác phẩm dự Giải phải ghi rõ họ tên tác giả (tên khai sinh và bút danh nếu có); tên tác phẩm, thể loại báo chí, đơn vị, địa chỉ, điện thoại của tác giả; ngày, tháng, năm đăng báo, tạp chí, phát sóng của tác phẩm. Nếu là tập thể tác giả, phải ghi tên từng tác giả, nếu sử dụng bút danh phải ghi rõ tên thật (trong hồ sơ)…

Loại hình báo chí dự Giải: Báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử, báo nói, báo hình.

Thể loại báo chí dự Giải là các tác phẩm thuộc 3 nhóm thể loại: thông tấn; chính luận và chính luận nghệ thuật; một số thể loại báo chí đa phương tiện và báo chí dữ liệu. Cụ thể bao gồm: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, chính luận, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký báo chí, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu, ảnh báo chí, báo chí dữ liệu,…

Thời gian nhận tác phẩm từ ngày 5-1-2023 (ngày phát động Giải) đến ngày 22-11-2024 (theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận tác phẩm: Văn phòng Quốc hội (Vụ Thông tin): số 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội. ĐTCQ: 080.48017; DĐ: 0904223089. Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ban Tổ chức giải không chịu trách nhiệm nếu tác phẩm tham dự giải bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện. Thời gian trao giải vào tháng 1-2025.

Hình thức khen thưởng: Đối với các tác giả, tác phẩm đoạt giải: Tặng tiền thưởng, Cúp và Giấy chứng nhận Giải thưởng đối với tác phẩm đạt Giải Đặc biệt, A, B, C. Tặng tiền thưởng, Giấy chứng nhận Giải thưởng đối với tác phẩm đạt Giải Khuyến khích, và 2 Giải của Hội đồng chấm Giải; Đối với cơ quan báo chí đoạt giải: Tặng tiền thưởng và Bằng khen của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Số lượng, giá trị giải thưởng: Đối với tác phẩm, giải thưởng được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các thể loại báo chí với số lượng và giá trị giải thưởng như sau: 1 Giải Đặc biệt - 150 triệu đồng; 8 Giải A, mỗi giải 95 triệu đồng; 15 Giải B, mỗi giải 45 triệu đồng; 20 Giải C, mỗi giải 30 triệu đồng; 40 Giải Khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

Đối với tập thể, Ban Tổ chức sẽ trao Giải “Xuất sắc” cho 20 cơ quan báo chí tiêu biểu, các cơ quan/đơn vị tích cực tham gia hưởng ứng Giải; mỗi giải 10 triệu đồng. Ngoài ra, xét tặng 2 Giải thưởng dành cho các cơ quan báo chí có các tác phẩm gây được ấn tượng tốt theo bình chọn của Hội đồng chấm Giải (nếu có), mỗi giải trị giá 20 triệu đồng.

Căn cứ chất lượng thực tế của các tác phẩm báo chí tham dự Giải, Ban Tổ chức sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh số lượng các giải thưởng bảo đảm phù hợp nhưng không vượt quá số lượng nêu trên.

THANH DANH

;