Thúc đẩy phát triển du lịch thông qua điện ảnh

Sáng 10-9, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ VHTTDL đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chủ trì buổi Tọa đàm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh đồng chủ trì buổi Tọa đàm

Cùng tham dự còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong; Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; Lãnh đạo Báo Nhân Dân; Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Lữ hành Việt Nam; Đại diện Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA); Các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, điện ảnh…

Lắng nghe ý kiến nhằm đề xuất giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển du lịch, quan tâm đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các ngành khác. Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 đưa ra quan điểm: Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Sau đại dịch COVID-19, khi kinh tế rơi vào thời kỳ khó khăn, Nghị quyết số 82/NQ-CP năm 2023 tiếp tục đưa ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Bộ VHTTDL cùng với các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đã có những kế hoạch, chương trình cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch một cách đồng bộ, liên ngành. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vừa phục hồi sau COVID-19 còn nhiều khó khăn, nhưng với nhiều nỗ lực, chúng ta đã đạt được những kết quả khả quan và có được những tín hiệu đáng mừng. Du lịch trong nước đang phục hồi ngoạn mục và nhân đà tăng trưởng trở lại đó, việc đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xây dựng chương trình truyền thông quảng bá, chiến dịch truyền thông theo cách làm mới là điều hết sức cần thiết.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc Tọa đàm

Theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, những năm gần đây, Báo Nhân Dân - với tư cách là một đơn vị báo chí chính thống của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của Nhân dân - đã chủ động xây dựng nhiều tuyến thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, vẻ đẹp của con người và những giá trị đặc biệt độc đáo của văn hóa Việt Nam. Hệ thống ấn phẩm phong phú, đa dạng của Báo Nhân Dân gồm báo hằng ngày, báo tuần, báo tháng, báo điện tử và truyền hình luôn dành thời lượng đáng kể cho các chuyên trang, chuyên mục, các bài viết đặc sắc về du lịch gắn liền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà. Các kênh mạng xã hội của Báo Nhân Dân cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nội dung này.

Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết, Báo Nhân Dân còn thực hiện các dự án lớn, dài hơi để kết nối, lồng ghép quảng bá du lịch với văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Trong năm 2023, Báo Nhân Dân đã phối hợp với các đối tác thực hiện chương trình đầu tiên của dự án Good Morning Vietnam với đêm diễn đầy cảm xúc của nghệ sĩ saxophone huyền thoại Kenny G. Video âm nhạc quảng bá những thắng cảnh của Hà Nội được thực hiện sau đó đã gây tiếng vang lớn, trở thành một sản phẩm quảng bá du lịch hiếm thấy…

“Cuộc tọa đàm với tiêu đề: “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới” do Báo Nhân Dân và Bộ VHTTDL phối hợp thực hiện, là dịp để lắng nghe và lan tỏa những ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, các nhà quản lý, các lãnh đạo từ nhiều đơn vị về những kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch từ một khía cạnh mới đầy tiềm năng: Du lịch thông qua điện ảnh, văn hóa; cũng như mong muốn nhận được những phân tích cụ thể, những đề xuất từ thực tế, để từ đó làm rõ tiềm năng, thực trạng phát triển của ngành Du lịch- Điện ảnh hiện nay, đưa ra những giải pháp để phát triển bứt phá trong tương lai, xứng đáng với truyền thống văn hóa, di sản độc đáo, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của đất nước ta” – Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi Tọa đàm

Liên kết giữa điện ảnh và du lịch - động lực quan trọng thúc đẩy phát triển

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là lần thứ hai Bộ VHTTDL cùng Bộ Biên tập Báo Nhân Dân ngồi lại với nhau để tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành Du lịch nước nhà.

Cách đây 2 năm, sau đại dịch COVID-19, cuộc tọa đàm đầu tiên đã để lại dấu ấn tốt đẹp, từ kênh truyền thông chính thống của báo Đảng, chúng ta đã kết nối được sức mạnh, lan tỏa được thông điệp “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, từ đó du lịch nội địa đã trở thành bệ đỡ cho tăng trưởng của ngành trong bối cảnh chưa hoàn toàn mở cửa.

“Theo báo cáo gần đây nhất của Chính phủ trình Quốc hội đã khẳng định du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Điều đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với sự cố gắng của toàn xã hội, trong đó có vai trò tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng nhấn mạnh một số vấn đề, trước hết là về thể chế, chính sách cho phát triển du lịch. Đây được xác định là một trong những nguồn lực, khai thông nguồn lực phải bắt đầu từ thể chế. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, du lịch Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, nhân dân đồng tình, ủng hộ, và vấn đề về thể chế đã được xác lập, trong đó có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Luật Du lịch được ban hành và có hiệu lực từ năm 2018, từ đó làm cơ sở, động lực cho sự phát triển du lịch Việt Nam. Đến nay, những nội dung cơ bản của Luật Du lịch vẫn phù hợp chung với xu thế phát triển và theo kịp xu thế chung của thế giới. Sau khi có Luật Du lịch, Chính phủ đã có chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. “Trong tổng thể chiến lược, Chính phủ đã giao cho nhiều bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tập trung thực hiện các Nghị quyết của Đảng; đồng thời theo tình hình kinh tế- xã hội của từng địa phương, lựa chọn các điểm nhấn, lĩnh vực và dư địa để phát triển du lịch” – Bộ trưởng cho biết.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Bộ trưởng cũng cho biết, sau một thời gian triển khai Nghị quyết, năm 2023 và đầu năm 2024, Chính phủ đã dành nhiều thời gian để rà soát lại về lĩnh vực du lịch, nhằm chỉ đạo và định hướng tốt hơn công tác phát triển du lịch.

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì 3 hội nghị về phát triển du lịch và ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

“Các nội dung này đã đáp ứng được mong muốn từ thực tiễn, giải quyết các “ách tắc” trong quá trình huy động sức mạnh, khơi thông nguồn lực. Sau khi các Nghị quyết, Chỉ thị được ban hành, các ngành, các cấp và các cơ quan quản lý về du lịch đã tập trung triển khai, giúp cho lĩnh vực du lịch phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, du lịch Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch, năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đạt 12,6 triệu lượt, vượt mục tiêu ban đầu 8 triệu lượt khách; du lịch nội địa đạt 108 triệu lượt khách, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước. Năm 2024, tính trong 7 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trên 10 triệu lượt, khách nội địa là trên 95 triệu lượt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng doanh thu dịch vụ, lữ hành ở trong nhiều địa phương và pham vi cả nước.

“Có được kết quả đó, do chúng ta đã làm tốt về công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng du lịch để tiếp tục hoàn thiện về tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính hấp dẫn; đặc biệt là quảng bá, xúc tiến du lịch được tiến hành bài bản trong việc sử dụng công nghệ số. Với nỗ lực đó, Việt Nam đã vinh dự dành nhiều giải thưởng danh giá của các tổ chức quốc tế khi đánh giá về du lịch Việt Nam” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngành Du lịch Việt Nam đã chủ động liên kết với các ngành, trong đó xác định sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. “Trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch là 2 ngành trọng tâm. Sự liên kết giữa hai ngành này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng nêu dẫn chứng, từ bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Phú Yên đã trở thành điểm đến của du khách khi phim được phát hành; hay bộ phim Kong: Đảo đầu lâu được quay tại Ninh Bình, địa phương này cũng trở thành điểm hút khách du lịch; bộ phim Hành trình tình yêu của một du khách (A Tourist’s guide to love) sau khi công chiếu, 5 địa phương được giới thiệu trong phim đã tạo nên sức hút đối với khách du lịch… Bộ trưởng nhấn mạnh, với những tiềm năng đó, lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định quyết tâm tập trung phát triển điện ảnh, điện ảnh phải liên kết với du lịch, tạo sự phát triển chung, theo cùng một hướng.

Năm 2023, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh. Chương trình được tổ chức bài bản. Thông qua chương trình, các nhà làm phim đã ký kết hợp tác với chính quyền tỉnh Khánh Hòa để làm phim, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của Nha Trang, Khánh Hòa; đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn với không chỉ du khách ở thị trường châu Âu.

Tiếp nối thành công và kinh nghiệm của những lần tổ chức trước, năm 2024, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Chương trình "Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt". Chương trình được tổ chức đã thu hút đông đảo du khách đến với Bình Định. Nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết đã mở ra nhiều tiềm năng trong liên kết 2 ngành, tạo ra hiệu ứng lớn trong lĩnh vực du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, sắp tới, Bộ VHTTDL cùng với Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan tổ chức xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh tại Hollywood. Kế hoạch đang được gấp rút triển khai thực hiện.

Nhắc lại những kết quả và những công việc đã làm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, liên kết giữa điện ảnh và du lịch là một hướng đi đúng và là xu hướng tất yếu để quảng bá, xúc tiến du lịch một cách hữu hiệu.

“Hệ thống lại ba điểm nhấn: thể chế; kết quả về hoạt động du lịch; sự kết hợp giữa du lịch và điện ảnh cho thấy, đây là lĩnh vực có dư địa nếu chúng ta biết cách khai thác. Đồng thời, với việc truyền thông vào cuộc hỗ trợ, chúng ta sẽ có bước đi bài bản, căn cơ, thông qua đó sẽ xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao hơn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục được lắng nghe các ý kiến đóng góp về hoàn thiện thể chế, giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, cần thấy rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch và vai trò phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Bởi lẽ, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Mọi tác động, ảnh hưởng không phải chỉ một cơ quan quản lý đơn thuần. Chỉ khi phát huy được sức mạnh đồng bộ, tháo gỡ những vấn đề về khó khăn thì sẽ tháo gỡ được "nút thắt" về cơ chế.

Đối với quảng bá, xúc tiến du lịch, Bộ trưởng cho rằng đây là bước đi đầu để bạn bè quốc tế biết về những tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam. Việc quảng bá cũng thể hiện Việt Nam có quyền tự hào về những tiềm năng về văn hóa, danh lam thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng mà không phải nơi nào cũng có.

Quảng bá phải được làm bài bản từ vấn đề quản trị, tập trung quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống, điểm mới, điểm lạ của Việt Nam mà thế giới quan tâm, du khách mong muốn được trải nghiệm; quảng bá phải có trọng tâm, trọng điểm, có chiến dịch, đồng loạt tạo tiếng vang, tránh dàn trải, nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt, huy động được sức mạnh của truyền thông, sẽ tạo hiệu ứng, lan tỏa cao.

Liên quan đến liên kết sản xuất các tác phẩm điện ảnh, Bộ trưởng cho rằng thời gian qua, tất cả đều nhận thấy sức mạnh của điện ảnh trong quảng bá du lịch. Điện ảnh không chỉ là bộ môn nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa. Nếu biết gắn kết sức mạnh này, hiệu ứng lan tỏa rất cao.

"Chỉ cần 1 bộ phim của nước ngoài quay tại Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người. Chưa kể, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sắp được Quốc hội thông qua, trong đó có các dự án về trường quay hiện đại, đẳng cấp khu vực và quốc tế cũng là cách để Việt Nam giới thiệu và hợp tác với các nhà làm phim quốc tế trong sản xuất các bộ phim tại Việt Nam", Bộ trưởng chia sẻ.

Trong lúc chờ có trường quay hiện đại, Bộ trưởng cho rằng cần có giải pháp tận dụng "trường quay tự nhiên" mà các địa phương hiện nay đang có sẵn như Hạ Long, Quảng Bình, Huế, Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Định, Hà Nội, TP.HCM… Vấn đề là chính quyền các địa phương cần sẵn sàng vào cuộc, hỗ trợ các nhà làm phim; ngoài các quy định chung của pháp luật, cần có sự cải cách hành chính thông thoáng để các nhà làm phim không bị ảnh hưởng trong tiến độ sản xuất… cần có tiếng nói chung, thống nhất về nhận thức để hành động nhất quán, mạnh dạn triển khai tổ chức thực hiện. Từ đó, xây dựng được các sản phẩm du lịch điện ảnh. “Điều này không phải "ngày một ngày hai". Quan trọng là phải có hướng đi, cách làm, làm từ việc dễ, việc đơn giản đến việc khó hơn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, việc giới thiệu với bạn bè quốc tế về tiềm năng du lịch qua điện ảnh là một hướng đi của chúng ta. Nếu thực hiện bài bản, vừa có diện rộng, vừa có chiều sâu thì chắc chắn công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của chúng ta sẽ đạt được hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại Tọa đàm

Kết nối giữa điện ảnh Hoa Kỳ với điện ảnh, du lịch Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh, Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nền văn hóa phong phú, đa dạng, khác biệt; ngoài ra có bối cảnh về thiên nhiên, tiềm năng con người, đặc biệt là văn hóa con người phong phú, khác biệt. Mỹ có tinh hoa điện ảnh thế giới, Hollywood có nền công nghiệp điện ảnh phát triển rực rỡ và đạt được những thành tựu lớn. Vì vậy, sự kết hợp giữa bối cảnh Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam với tinh hoa điện ảnh thế giới sẽ tạo nên giá trị, tạo nên thành quả thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, thời gian vừa qua, trong thực tế, chúng ta cũng làm được nhiều việc. Bộ VHTTDL có nhiều chủ trương để khởi xướng, thức dậy, tác động và tổ chức nhiều hoạt động tạo nên sự kết nối giữa điện ảnh Hoa Kỳ với điện ảnh, du lịch Việt Nam, tạo thành quả bước đầu quan trọng.

"Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng sắp tới, đặc biệt khi lãnh đạo giữa 2 nước đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chúng tôi nghĩ cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn; phải đổi mới cách làm du lịch, cách làm điện ảnh. Tôi nghĩ, thời gian tới, với việc du lịch, điện ảnh kết nối Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tạo sự phát triển mới, nhiều tiềm năng và rất hứa hẹn" - Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng cần tập trung quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các bộ phim quay ở Việt Nam

Tập trung quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các bộ phim quay ở Việt Nam

Chia sẻ về việc đổi mới phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đối với thị trường quốc tế thông qua lĩnh vực điện ảnh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, việc đổi mới phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam là một nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08 của Thủ tướng về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL phát triển thêm các hướng đi mới nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của các ngành, lĩnh vực như du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch đường sắt và đã có những kết quả ban đầu rất tích cực. Trong lộ trình đó, phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh cũng là một hướng đi mới nhằm tận dụng sức lan tỏa của điện ảnh để quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, điện ảnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, phim ảnh là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với hầu hết mọi người. Đặc biệt đối với những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Italy… thì các tác phẩm điện ảnh của họ có sức lan tỏa rất lớn với lượng lớn khán giả ở trong nước, khu vực và thế giới. Những bộ phim “bom tấn” Hollywood có khả năng tiếp cận khán giả trên toàn cầu và có doanh thu lên tới hàng tỷ USD.

Nhiều quốc gia đã trở thành tiêu điểm thu hút khách du lịch trên toàn thế giới nhờ vào các bộ phim điện ảnh. Theo thống kê, từ năm 2001 sau khi các phần phim Chúa tể của những chiếc nhẫn (Lord of the Rings) được phát hành, lượng khách quốc tế đến New Zealand đã tăng 50%. Còn tại Anh, trong giai đoạn 2011-2014 loạt phim Harry Potter giúp tăng 230% du khách nước ngoài đến thăm các phim trường ở nước này. Các địa danh tuyệt đẹp ở Croatia, Iceland, Bắc Ireland, Scotland… xuất hiện trong bộ phim Trò chơi vương quyền (Game of Thrones) cũng đã trở thành điểm thu hút khách du lịch sau khi bộ phim được phát hành…

“Xúc tiến quảng bá du lịch kết hợp với điện ảnh là một hoạt động đặc thù, cần có sự tiếp cận và phương thức triển khai phù hợp. Đối tượng hướng đến là các quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển, các đạo diễn, nhà sản xuất phim nổi tiếng có tầm ảnh hưởng. Chính vì vậy, chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh của Bộ VHTTDL sắp tới tại Mỹ sẽ có sự tham dự của các đạo diễn, nhà làm phim nổi tiếng của Hollywood. Chúng ta sẽ giới thiệu tiềm năng của Việt Nam trực tiếp tới họ… Bên cạnh đó, cần phải tập trung quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các bộ phim quay ở Việt Nam” – ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

 Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, Ninh Bình đã tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả, hoạch định chiến lược quảng bá đến các đoàn làm phim mạnh mẽ hơn

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, trong đó sự kết hợp ăn ý giữa điện ảnh và du lịch

Chia sẻ những thành công từ việc phát triển du lịch thông qua điện ảnh tại địa phương, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, với nhiều vẻ đẹp thiên nhiên riêng có, những năm qua, Ninh Bình đã nhiều lần được các tổ chức trong nước và thế giới xếp hạng cao trong danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín…

Theo ông Bùi Văn Mạnh, để có được điều đó, du lịch Ninh Bình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, trong đó sự kết hợp ăn ý giữa điện ảnh và du lịch đã mang lại những hiệu quả kinh tế du lịch to lớn. Điện ảnh đã và đang góp phần không nhỏ quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền đến với công chúng, giúp thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

Ông Bùi Văn Mạnh cũng cho biết, để đạt được thành công hơn nữa trong quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, Ninh Bình đã tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả, hoạch định chiến lược quảng bá đến các đoàn làm phim mạnh mẽ hơn, từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho đoàn làm phim. Thậm chí, chính quyền có thể chủ động đặt hàng nhà làm phim thực hiện các cảnh quay tại địa phương mình với nội dung phù hợp, “khoe” được những nét đặc sắc của địa phương…

Ông Nguyễn Châu Á, CEO Chua me đất Quảng Bình chia sẻ về những mong muốn khi các doanh nghiệp, nhà làm phim nước ngoài tới Việt Nam

Các nhà sản xuất phim mong muốn có có thêm những chính sách ưu đãi về thuế

Là doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào việc đón các đoàn làm phim, các đoàn khách nước ngoài tới Sơn Đoòng (Quảng Bình), Ông Nguyễn Châu Á, CEO Chua me đất Quảng Bình chia sẻ kinh nghiệm về sự mong muốn của các doanh nghiệp điện ảnh, nhà làm phim nước ngoài khi tới Việt Nam tìm bối cảnh và quay phim. Ông cho biết: Trong chiến lược quảng bá, ngoài các hoạt động digital marketing, chúng tôi rất chú trọng công tác quảng bá điểm đến thông qua điện ảnh, chương trình truyền hình, phim phóng sự, tư liệu và cả video ca nhạc.

Những năm qua, chúng tôi đã đón các đoàn phim Hollywood như: Peter Pan, Kong: Skull Islands; các chương trình truyền hình như: Good Morning America, hay phim tài liệu BBC Planet Earth III (đạt 200 triệu lượt xem trên thế giới) đang được đề cử giải Emmy cho năm nay. Hiệu quả có thể thấy rất rõ, trong những năm qua, điểm đến Quảng Bình luôn nổi bật trên truyền thông thế giới.

Theo ông Nguyễn Châu Á, “qua kinh nghiệm hợp tác với các đoàn làm phim, chúng tôi nhận thấy rằng các nhà làm phim nước ngoài rất thích cảnh sắc, bối cảnh của Việt Nam vì sự đa dạng, đặc sắc và mới lạ. Có lẽ Việt Nam là điểm đến mới hơn so với các nước như: Thái Lan, Philippines... đã là điểm đến bối cảnh quá quen thuộc cho các hãng phim trong nhiều năm qua”.

Các nhà làm phim nước ngoài mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện hơn trong khâu cấp phép dự án phim, muốn được hỗ trợ về an ninh trật tự khi quay phim, giữ bảo mật trong quá trình quay phim... Các nhà sản xuất phim cũng muốn có có thêm các chính sách ưu đãi về thuế (VAT, TNCN) đối với các dự án phim quốc tế quay tại Việt Nam. Ngoài ra, các hãng phim Hollywood mong muốn phía Việt Nam có nhiều công ty sản xuất, hậu cần phục vụ các đoàn phim quốc tế chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn nhằm bảo đảm các yêu cầu quốc tế…

NGỌC BÍCH - Ảnh: TRẦN HUẤN

 

 

;