Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 bắt đầu vào TK XXI, được mô tả là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học, trong đó công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, nội dung số hay vạn vật kết nối sẽ là những công nghệ chủ đạo. Tất cả các thông tin được sản sinh ra đều ở dưới dạng số và việc lưu trữ trực tuyến với thời gian thực, và điện toán đám mây sẽ là xu thế chính. Cuộc CMCN 4.0 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và giáo dục đại học không nằm ngoài sự tác động đó, đòi hỏi sản phẩm đào tạo của giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang ngày một thay đổi và phát triển. Vai trò và sứ mệnh của các trung tâm thông tin - thư viện (TTTV) trong nhà trường rất lớn, đang thay đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số. Việc tìm kiếm, thu thập, khai thác, xử lý, tổ chức lưu giữ, bảo quản và phổ biến nguồn tài liệu số, thông tin số là những nhiệm vụ chính mà các trung tâm TTTV số đang tiến hành.
1. Tài nguyên thông tin số
Trước đây, khi nhắc đến thư viện người ta thường nhắc đến khái niệm “tài liệu” - một trong những yếu tố quan trọng để cấu thành thư viện. Theo thời gian khoa học, công nghệ phát triển, lĩnh vực TTTV cũng nhanh chóng ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ vào các hoạt động của mình. Nếu ngày trước tài liệu, thông tin được lưu trữ dưới dạng in ấn truyền thống, thì ngày nay nó được lưu giữ trên nhiều vật mang tin khác nhau. Từ đó xuất hiện các thuật ngữ, khái niệm mới như: thông tin số, tài liệu điện tử, tài liệu số, tài nguyên số...
Thông tin số là các dữ liệu được lưu giữ trên máy tính và trên các phương tiện kỹ thuật số khác nhau như đĩa từ hay đĩa quang (1).
Theo thuật ngữ công nghệ, thông tin số là một loại thông tin được lưu trữ bằng cách sử dụng một chuỗi các số 1 và số 0. Hay nói một cách khác, những thông tin đã được mã hóa dưới dạng mã nhị phân (tức là gồm hai số 0 và 1). Đây là phương pháp lưu trữ và đọc dữ liệu được sử dụng phổ biến nhất, vì nó cho phép sao chép, chỉnh sửa, chuyển đổi mà không làm giảm chất lượng.
Theo khoản 2, Điều 4, Luật Công nghệ Thông tin năm 2006, “Thông tin số là thông tin được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số” (2).
Tại Khoản 11, Điều 3, Nghị định 71/2007/ NĐ-CP Hướng dẫn Luật công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin đã làm rõ: sản phẩm nội dung thông tin số bao gồm văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số, được lưu giữ, truyền đưa trên môi trường mạng. Theo quy định của luật hiện hành, sản phẩm nội dung thông tin số hiện nay bao gồm các loại sản phẩm: giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập dưới dạng điện tử; sách, báo, tài liệu dưới dạng số; thư viện số, kho dữ liệu số, từ điển điện tử; phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số… (3).
Tài nguyên số là các tài liệu đã được hình thành và tạo ra bằng kỹ thuật số hoặc bằng cách chuyển đổi các tài liệu tương tự sang định dạng kỹ thuật số (4).
Bộ sưu tập tài nguyên số của thư viện bao gồm các tài nguyên trực tuyến được lưu trữ ở nhiều nơi khác nhau, các ấn phẩm định dạng vật lý, các tệp phương tiện số và tài nguyên kỹ thuật số được sản sinh: cơ sở dữ liệu, sách, tạp chí, tài liệu lưu trữ, luận án, báo cáo hội nghị, báo cáo chính phủ, báo cáo nghiên cứu, bản thảo và sách chuyên khảo ở dạng số (5).
Theo Khoản 3, Điều 2, Thông tư 18/2014/ TT-BVHTTDL, tài liệu điện tử là tài liệu dưới dạng số hóa, bao gồm báo, tạp chí điện tử, sách điện tử, tài liệu tham khảo dưới dạng trực tuyến hoặc đĩa (CD-ROM), cơ sở dữ liệu toàn văn, thư mục và các thông tin trên mạng (6).
Năm 2019, Luật Thư viện được ban hành và có hiệu lực từ tháng 7-2020 Trong Luật, “Tài nguyên thông tin là tập hợp các loạị hình tài liệu, dữ liệu gồm tài liệu in, tài liệu viết tay, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu số, tài liệu vi dạng gồm vi phim, vi phiếu, tài liệu đặc biệt cho người khuyết tật và tài liệu, dữ liệu khác” (7).
Theo quan niệm của tác giả, tài nguyên thông tin số là tập hợp tất cả các loại hình tài liệu, dữ liệu, thông tin được xử lý và lưu giữ dưới dạng số, để người dùng tin có thể truy cập, khai thác và sử dụng thông qua thiết bị điện tử, trên không gian mạng, được trao đổi, chia sẻ dễ dàng trong môi trường số.
2. Vai trò của tài nguyên thông tin số trong đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC)
Trường Đại học PCCC trực thuộc Bộ Công an, có chức năng đào tạo cán bộ PCCC trình độ sau đại học, đại học và các trình độ thấp hơn; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về PCCC; nghiên cứu khoa học về PCCC phục vụ cho yêu cầu phát triển của xã hội.
Trung tâm Lưu trữ và Thư viện là một trong những đơn vị thuộc Trường Đại học PCCC ra đời cùng với ngày thành lập trường. Nhiệm vụ của Trung tâm Lưu trữ và Thư viện gồm: nghiên cứu, đề xuất Hiệu trưởng về chủ trương, phương hướng, kế hoạch xây dựng và phát triển công tác lưu trữ, thư viện của Trường theo hướng chính quy, hiện đại; bổ sung, xử lý biên mục; tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả vốn tài liệu thư viện, phòng đọc phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác của Trường; tổ chức, xây dựng, quản lý, khai thác, kho dữ liệu số và triển khai các ứng dụng trên mạng nội bộ, mạng diện rộng Bộ Công an, mạng internet và giới thiệu những thông tin khoa học trong Trường; tổ chức quản lý việc biên tập kỹ thuật, in, nhân bản, chế bản tài liệu và các ấn phẩm khác theo quy định của Nhà nước, Bộ Công an và Trường; tổ chức, thực hiện hướng dẫn kiểm tra công tác lưu trữ của Trường; thu thập xây dựng, bảo quản, in sao các tư liệu hình ảnh, âm thanh phục vụ các mặt công tác của Trường; quản lý đội ngũ cán bộ, tài sản của Trung tâm theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc chức năng của Trung tâm do hiệu trưởng giao.
Trải qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (1972 đến nay), Trung tâm Lưu trữ và Thư viện, Trường Đại học PCCC đã khẳng định vị trí và vai trò của mình đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường.
3. Vai trò của nguồn tài nguyên thông tin số trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập tại Trường Đại học PCCC
Tính đến tháng 3-2021, Trung tâm Thư viện và Lưu trữ đã xây dựng được một bộ sưu tập tài liệu với 12.957 đầu tài liệu là các sách giáo trình, tập bài giảng, tài liệu tham khảo, báo, tạp chí, luận án, luận văn, đồ án tốt nghiệp, các chuyên đề nghiên cứu khoa học…; 226.119 cuốn đã được xử lý và quản trị trên phần mềm thư viện tích hợp Libol 8.0 do Công ty Tinh Vân cung cấp. Phần lớn các tài liệu này đang được lưu trữ dưới dạng in ấn truyền thống, nguồn tài liệu số của Trung tâm chủ yếu là do tự tạo lập, không có nguồn tài liệu số mua từ bên ngoài. Hiện, Trung tâm đang có hai loại cơ sở dữ liệu (CSDL) chính là CSDL thư mục và CSDL toàn văn.
Đối với CSDL thư mục, Trung tâm đã và đang xây dựng được 9 CSDL luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, đồ án tốt nghiệp, chuyên đề nghiên cứu khoa học, CSDL giáo trình, tập bài giảng, CSDL sách tham khảo, CSDL sách chính trị, CSDL văn bản pháp quy, CSDL báo - tạp chí với gần 130.000 biểu ghi.
CSDL toàn văn được nhiều cán bộ, giảng viên và học viên trong nhà trường quan tâm, hiện Trung tâm đang lưu giữ 2 CSDL toàn văn là CSDL luận văn thạc sĩ và CSDL đồ án tốt nghiệp. CSDL toàn văn luận văn thạc sĩ: hiện có 414 CSDL là các bản luận văn được Trung tâm tiếp nhận lưu trữ từ đội ngũ cán bộ, giáo viên đã bảo vệ trong và ngoài nhà trường. Đây được coi là kho tài liệu xám có giá trị cao đối với nhà trường nói chung và Trung tâm nói riêng. CSDL đồ án tốt nghiệp chiếm một số lượng lớn trong nguồn tài liệu nội sinh của Trung tâm. Hiện tại, Trung tâm đang lưu giữ trên 1.700 CSDL toàn văn trong tổng số 2.571 cuốn đồ án tốt nghiệp của học viên nhà trường. Những cuốn đồ án tốt nghiệp bảo vệ từ năm 2013 trở về trước, Trung tâm chỉ thu nhận một bản cứng không có các file số hóa/CD kèm theo. Trung tâm đang tiến hành số hóa để đảm bảo công tác lưu trữ, bảo quản tài liệu; đồng thời tiếp tục đưa vào tổ chức phục vụ cán bộ, giáo viên và học viên trong nhà trường.
Trong điều kiện thực tế và đặc trưng của công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại Trường Đại học PCCC, nguồn tài nguyên thông tin số (TNTTS) không những là một kênh cung cấp hữu ích đối với người dùng tin (NDT) mà còn góp phần thay đổi thói quen, cách thức sử dụng của NDT trong nhà trường.
Nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy của giảng viên
Với các nguồn TNTTS, đội ngũ giảng viên trong nhà trường sẽ có điều kiện trau dồi kiến thức với lượng thông tin mở rộng, có chất lượng cao được bổ sung từ các CSDL từ nhiều nguồn khác nhau. Đồng thời, khi tiếp xúc với môi trường thông tin năng động cùng với các nguồn TNTTS, giáo viên có thể nhanh chóng cập nhật được các kiến thức chuyên ngành theo nhịp độ phát triển của xã hội, từ các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Thời gian tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc biên soạn bài giảng, giáo trình của giảng viên cũng sẽ rút xuống đáng kể khi khai thác các nguồn TNTTS trong thư viện và trên không gian mạng. Thay vì tìm kiếm các loại tài liệu dạng ấn phẩm truyền thống từ nhiều nguồn, cũng như bỏ ra những khoản kinh phí lớn để mua tài liệu tham khảo, giáo viên có thể sử dụng ngay các tài liệu từ nguồn TNTTS một cách hữu hiệu chỉ thông qua những phép tìm kiếm đơn giản được hỗ trợ từ các bộ tìm kiếm.
Việc hướng dẫn sinh viên đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, chỉ nguồn, chia sẻ tài liệu sẽ đơn giản hơn khi giáo viên có thể tiếp cận các nguồn TNTTS. Điều này về cơ bản đã làm làm thay đổi phương pháp giảng dạy, khuyến khích khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học dưới sự định hướng, hướng dẫn của giảng viên.
Phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường
Với nguồn TNTTS đa dạng và phong phú được sử dụng miễn phí hoặc trả những khoản phí rất nhỏ sẽ giúp cho người nghiên cứu tiết kiệm được chi phí dành cho công trình nghiên cứu của mình. Với việc sao chụp các tài liệu cần thiết, đôi khi người nghiên cứu thường sẽ không sử dụng hết những tài liệu mình phải trả phí vì lý do thời gian tiếp cận trực tiếp với tài liệu gốc, trong khi chỉ bằng các thao tác đơn giản, nhanh chóng như sao chép, người nghiên cứu sẽ có được lượng tài liệu, thông tin lớn với chi phí khai thác tài liệu thấp hơn.
Thời gian, khoảng cách khai thác tài liệu trực tiếp từ các nguồn sẽ được rút ngắn. Thay vì việc đến thư viện, các trung tâm thông tin, các nơi lưu trữ, người nghiên cứu sẽ nhanh chóng có được tài liệu tại nơi cung cấp thông tin chính của nhà trường là Trung tâm Lưu trữ và Thư viện, có thể tham khảo tài liệu qua các kênh liên thông.
Với sự hỗ trợ của các công cụ tìm kiếm theo nội dung tài liệu ở dạng toàn văn sẽ giúp cho người nghiên cứu tránh được sự trùng lặp khi lựa chọn tên đề tài. Đây là một ưu điểm giúp khắc phục việc lãng phí trong nghiên cứu. Đồng thời, với các đề tài đã được nghiên cứu trước, người nghiên cứu sẽ nhanh chóng tiếp cận được các nguồn tài liệu tham khảo, có tầm nhìn về vấn đề rộng hơn để hoàn thành tốt các công trình nghiên cứu của mình.
Nâng cao chất lượng học tập của học viên, sinh viên
Trong mối quan hệ giảng dạy - học tập, các học viên cũng được hưởng lợi ích từ các nguồn thông tin số tương tự như giảng viên và đội ngũ cán bộ nghiên cứu đó là thời gian, chi phí, khả năng tiếp cận tri thức mới, tham khảo mở rộng và đặc biệt là trong các hoạt động đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến.
Trong thời gian tới, khi việc đào tạo theo tín chỉ được áp dụng, các nguồn lực thông tin số sẽ trở thành kênh thông tin chủ yếu được lựa chọn để khai thác, sử dụng của học viên. Học viên có thể tiếp cận thông tin, tài liệu tại bất kỳ nơi nào mà không bị giới hạn về không gian và thời gian, làm tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu của mình, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập, nghiên cứu, giúp người học đạt kết quả cao trong học tập và nghiên cứu khoa học.
___________________
1. Definition digital information (Định nghĩa thông tin số), itlaw.wikia.org, 15-3-2021.
2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Công nghệ thông tin-Luật số 67/2006/QH11, ban hành ngày 29-6-2006 có hiệu lực từ 1-1- 2007.
3. Nghị định 71/2007/NĐ-CP Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin, ngày 3-5-2007.
4, 5. State Library of Victoria (Thư viện bang Victoria). Collection and Resources Development Policy (Chính sách phát triển bộ sưu tập và nguồn lực), slv.vic.gov.au, 15-3-2021.
6. Thông tư 18/2014/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL ban hành ngày 8-12-2014 Quy định về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thư viện.
7. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Thư viện - Luật số 46/2019/QH14, ban hành ngày 21-11-2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Dung - Trịnh Thị Thảo
Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021