Theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Mông có 1.068.189 người (chiếm 1,24% dân số cả nước), nằm trong nhóm 5 dân tộc ít người có dân số đông nhất Việt Nam. Đồng bào Mông cư trú tại hầu hết các tỉnh, thành phố; trong đó, địa bàn phân bố đông nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, giáp biên giới Việt - Trung và Việt - Lào (chiếm trên 95% tổng dân số dân tộc Mông ở Việt Nam). Kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số do Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc thực hiện năm 2015 cho biết tỷ lệ dân số theo tôn giáo của dân tộc Mông chiếm tới 19,7% dân số dân tộc này, ước khoảng 200 nghìn người. Có 2 tôn giáo ảnh hưởng lớn đến dân tộc Mông là Công giáo (chiếm 1,4% dân số) và Tin lành (chiếm 18,3% dân số). Người Mông theo đạo Công giáo và Tin lành phân bố ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc không đồng đều. Trong đó, hai tỉnh Lào Cai và Điện Biên là những địa phương có đông người Mông theo đạo Tin lành nhất.
Năm 2016, tỉnh Lào Cai có 4 giáo xứ (Lào Cai, Cốc Lếu, Phố Lu, Sa Pa), 15 giáo họ, 8 nhà thờ, nhà nguyện, 9 linh mục, 3 nhà tu hành, 120 chức việc và 8.296 giáo dân, trong đó có 2.778 tín đồ là người dân tộc Mông (1). Năm 2016, tỉnh Điện Biên có 01 giáo xứ (giáo xứ Điện Biên thành lập ngày 28- 7-2016), 3 giáo họ, sinh hoạt tại 10 điểm nhóm. Tỉnh có 379 hộ gia đình Mông với 1.994 người theo đạo Công giáo, ở 115 thôn, bản, tổ dân phố, thuộc 30 xã, phường, thị trấn, của 9 huyện, thị xã, thành phố. Đạo Công giáo bắt đầu được truyền vào vùng đồng bào dân tộc Mông là năm 1921, tại địa điểm Sa Pa - Lào Cai. Năm 1927, hai họ đạo Hầu Thào và Lao Chải (hai họ đạo người dân tộc Mông) được thành lập. Đến trước năm 1945, vùng Lào Cai có 33 gia đình Mông, ở 11 bản đi theo đạo Công giáo (2). Tại Điện Biên, đạo Công giáo được truyền vào sau Lào Cai, hầu hết những giáo dân Mông đã theo Công giáo trước khi chuyển đến địa bàn tỉnh Điện Biên sinh sống. Họ từ một số huyện của các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái đến Điện Biên theo hình thức di cư tự do. Địa bàn có đông người Mông theo Công giáo sinh sống là huyện Mường Nhé và huyện Nậm Pồ (3).
Năm 2016, tỉnh Lào Cai có 5.214 hộ với 28.543 người theo đạo Tin lành ở 323 thôn, bản, 78 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thành phố, sinh hoạt tại 181 điểm nhóm (148 điểm nhóm đã đăng ký), trong đó có 27.589 người Mông, chiếm 96,65%. Năm 2016, tỉnh Điện Biên có 9.940 hộ, 58.041 người theo đạo Tin lành ở 404 thôn, bản, thuộc 83 xã của 10 huyện, thị xã, thành phố, sinh hoạt tại 343 điểm nhóm (27 điểm nhóm đã đăng ký), trong đó có hơn 56.000 người Mông, chiếm 97% (4). So với Công giáo, đạo Tin lành được truyền vào vùng người Mông ở Lào Cai và Điện Biên muộn hơn 8 thập kỷ, nhưng phát triển rất nhanh và có số tín đồ đi theo đông hơn nhiều lần so với tín đồ đạo Công giáo. Với các giá trị và mục đích hướng con người đến cuộc sống lành mạnh và có phần hiện đại, đạo Công giáo và Tin lành đem lại những tác động tích cực đối với xã hội người Mông. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các tôn giáo này cũng đem lại không ít vấn đề bất cập, làm xuất hiện nhiều mâu thuẫn mới, phức tạp trong xã hội.
1. Tác động tích cực
Mặt tác động tích cực của đạo Công giáo và Tin lành đối với người Mông ở Điện Biên và Lào Cai trước hết là góp phần đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng chính đáng của đồng bào. Người Mông tìm đến Công giáo và Tin lành như tìm đến một điểm tựa tinh thần giúp họ vượt qua khủng hoảng trong đời sống.
Các nghiên cứu gần đây của nhiều tác giả cho thấy những bất ổn trong đời sống tâm lý của người Mông ở khu vực miền núi phía Bắc. Vào những năm cuối TK XX đầu TK XXI, nhiều người Mông rơi vào tình trạng cuộc sống bấp bênh và thiếu sự liên kết xã hội chặt chẽ. Do thiếu đất rừng canh tác nương rẫy, đồng bào phải thay đổi tập quán cư trú và sản xuất. Thêm vào đó, đồng bào gặp không ít khó khăn khi bước vào nền kinh tế thị trường sau thời gian dài sống trong tình trạng kinh tế tự cung tự cấp và được sự bao cấp của nhà nước. Do cư trú ở khu vực có địa hình cao, hiểm trở, khá biệt lập nên người Mông ít nhận được sự hỗ trợ đầy đủ về giáo dục, y tế, văn hóa và phúc lợi xã hội, mặc dù nhà nước đã có sự quan tâm hơn đối với người Mông so với giai đoạn trước... Những khó khăn, bế tắc về mặt kinh tế và tình trạng thiếu liên kết xã hội chặt chẽ khiến đồng bào dễ nảy sinh tâm lý tôn giáo từ đó dẫn đến nhu cầu tìm một điểm tựa tinh thần. Do đạo Công giáo và Tin lành được đẩy mạnh tuyên truyền vào vùng đồng bào Mông cùng với những đặc điểm phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của người Mông, nên đồng bào đã lựa chọn đi theo 2 tôn giáo này. Kết quả khảo sát của chúng tôi tại tỉnh Điện Biên và Lào Cai (5) cho thấy, các giá trị đạo đức nhân văn được truyền tải trong các tôn giáo này đã làm cho tín đồ Mông suy nghĩ tích cực, lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống, đem lại sự chuyển biến xã hội tích cực, tiến bộ, xóa bỏ các hủ tục.
Ngô Thị Thanh Tâm (6) đã phân tích một số chiều cạnh tích cực của đạo Tin lành khiến người Mông quyết định lựa chọn tôn giáo này. Nhiều tác giả khác đề cập việc đi theo đạo Công giáo và Tin lành giúp người Mông giảm bớt gánh nặng chi phí cho hoạt động nghi lễ; giúp họ nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa tệ nạn xã hội, sử dụng chữa bệnh bằng phương pháp y tế hiện đại và có được sự hỗ trợ chia sẻ nhiều hơn từ phía những người cùng tôn giáo. Và theo Nguyễn Ngọc Mai, Nguyễn Bình (7), qua cách tuyên truyền đạo Tin lành, nhiều người Mông nhận thấy có điểm tương đồng về văn hóa và phù hợp với đặc điểm tâm lý tộc người.
Kết quả khảo sát mức chi phí sử dụng, thời gian thực hành nghi lễ của những người Mông chuyển từ nghi lễ truyền thống sang nghi lễ đạo Công giáo và Tin lành ở tỉnh Điện Biên và Lào Cai của chúng tôi (8) cho thấy, chi phí dành cho nghi lễ đều giảm so với trước. Trước đây, người Mông phải chi phí hàng chục triệu đồng cho việc tổ chức lễ tang, lễ cưới. Từ khi chuyển sang theo đạo Công giáo và Tin lành, mức chi phí đã giảm xuống còn một nửa, thậm chí có trường hợp giảm xuống ¼ chi phí.
2. Tác động tiêu cực
Trước hết về mặt chính trị, một số nhà nghiên cứu cho rằng việc người Mông theo tôn giáo một cách ồ ạt, nhanh chóng đã gây ra những vấn đề bất ổn xã hội. Các báo cáo đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ (9) và một số nghiên cứu đưa ra dẫn chứng phê phán các trường hợp hoạt động tôn giáo bị thế lực thù địch với Việt Nam lợi dụng để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Trong bối cảnh Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối ngoại giao rộng mở với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là với các nước Bắc Mỹ và châu Âu, vốn là những quốc gia rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, việc quản lý các hoạt động tôn giáo ở vùng dân tộc Mông nếu không thận trọng có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. Ngược lại xu hướng quốc tế hóa đạo Tin lành ở vùng đồng bào dân tộc Mông cũng có thể đem đến những vấn đề bất cập đối với sự vận hành chính sách tôn giáo, dân tộc và thực thi chủ quyền quốc gia ở Việt Nam.
Một hạn chế do tác động của tôn giáo ở vùng đồng bào Mông là sự biến đổi văn hóa truyền thống. Những khu vực cư trú của đồng bào Mông theo đạo Tin lành là những nơi có biến đổi văn hóa truyền thống mạnh mẽ. Giáo lý đạo Tin lành quy định đây là tôn giáo độc thần, chỉ thờ phụng một đức Chúa Trời duy nhất. Chính vì vậy, khi đạo Tin lành truyền bá vào cộng đồng dân tộc Mông, những người truyền đạo đã yêu cầu người Mông phải từ bỏ tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống để tiếp nhận tôn giáo mới. Hệ quả là các yếu tố gắn bó chặt chẽ với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Mông bị tổn hại nghiêm trọng.
Các nghiên cứu của nhiều tác giả cung cấp những bằng chứng về sự biến mất nhanh chóng của nghi lễ truyền thống ở vùng đồng bào Mông theo đạo Công giáo và Tin lành trên địa bàn tỉnh Lào Cai và một số tỉnh trong vùng. Người dân đi đạo không chỉ dừng thực hành các nghi lễ shaman mà còn loại bỏ các hoạt động nghi lễ liên quan đến chu kỳ đời người, chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Thậm chí các bài nhạc, bài dân ca, dân vũ, món ăn, thức uống liên quan đến tín ngưỡng truyền thống thờ thần linh, thờ cúng tổ tiên cũng không được người Mông duy trì như cũ.
Phần lớn người Mông không theo đạo Thiên Chúa nhận thức việc theo đạo như một hành động phản bội hoặc sa ngã, sỉ nhục lại những người sinh ra mình. Ngược lại, người theo đạo Công giáo và Tin lành đánh giá những người không theo đạo là những người kéo theo gánh nặng truyền thống. Những mâu thuẫn giữa người Mông theo đạo và những người không theo đạo là những hậu quả đau đớn nhất của quá trình chuyển sang tôn giáo mà họ phải trải qua (10). Đối với nhiều người Mông, tín ngưỡng truyền thống giúp họ nhận biết được cội nguồn bản sắc dân tộc. Trong khi, nếu họ theo “lý mới”, họ bị đồng hóa với dân tộc khác và không còn là dân tộc Mông nữa; chưa kể các đạo Công giáo và Tin lành không phải là không có những mặt hạn chế (11).
Ở Lào Cai, những người Mông trước đây là anh em, họ hàng sau khi người thân theo Tin lành giữa họ xuất hiện khác biệt về nhận thức dẫn đến xung đột. Có nhiều trường hợp, những người trong dòng họ vì chấp nhận sự phá bỏ luật tục, nghi lễ thờ cúng tổ tiên đã không được họ hàng coi là thành viên của dòng họ. Bố mẹ không cho người con theo đạo tài sản thừa kế, thậm chí có cộng đồng còn trục xuất, cô lập những gia đình có đạo. Để tránh cô lập, phân biệt, có nhiều trường hợp người Mông theo đạo Tin lành đã di chuyển đến vùng đất khác hoặc đến nơi có những láng giềng theo đạo Tin lành để sinh sống và thuận tiện việc sinh hoạt tôn giáo. Việc những người trẻ theo đạo Tin lành đã gây ra xung đột thế hệ. Phong tục truyền thống người Mông quy định, vào ngày đầu năm mới, những người thuộc thế hệ trẻ phải đi thăm và vái lạy những người già trong bản. Tuy nhiên, khi theo Tin lành, người trẻ không còn thực hiện nghi thức đó, bởi họ cho rằng mình chỉ kính lạy trước Chúa. Đây được coi là hành vi vô lễ, không chuẩn mực của những người trẻ, theo đánh giá của những người cao tuổi (12). Trần Hữu Sơn có cung cấp thông tin về tình hình xung đột gay gắt giữa những người đi đạo Tin lành và gia đình, dòng họ cũng như láng giềng ở Lào Cai. Tác giả cũng cho thấy vai trò của trưởng họ vốn rất quan trọng trong tổ chức xã hội người Mông đã trở nên mất ý nghĩa khi dòng họ có người đi theo đạo (13).
Chính vì lo sợ bị họ hàng từ bỏ, cộng đồng cô lập và sự báo thù của thần linh, tổ tiên mà không ít người Mông đã từ bỏ theo đạo Công giáo và Tin lành để quay trở về với phong tục truyền thống. Họ lý giải thường bị ám ảnh bởi hình ảnh tội lỗi và lo sợ sau khi chết đi con cái sẽ không thờ cúng mình, phải đi lang thang không nơi nương tựa. Ngoài ra họ lo sợ nếu tiếp tục theo đạo họ sẽ không nhận được sự trợ giúp của những người cùng huyết thống. Đối với tình trạng kinh tế xã hội của người Mông hiện nay thì trợ giúp họ hàng là một vấn đề hết sức quan trọng. Điều này giải thích tại sao việc theo đạo Công giáo hay Tin lành của người Mông đang tạo ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho toàn thể cộng đồng người Mông (14).
Hiện nay, tình hình mâu thuẫn giữa người đi đạo Tin lành với những người không theo đạo và với chính quyền đã bớt căng thẳng. Khảo sát của chúng tôi tại Điện Biên và Lào Cai năm 2016 (15) cho thấy, số người có thái độ tiêu cực đối với những người đi đạo không nhiều. Người Mông theo đạo tham dự thường xuyên các đám tang của các gia đình Mông không theo tôn giáo tổ chức. Có đến 88,2% số người đi đạo (trên tổng số 400 người được hỏi) cho biết họ có đến tham dự lễ tang tiễn người quá cố ở các gia đình không đi đạo; 79,5% có tham gia vào hoạt động ăn uống tại các đám tang. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn góp đồ cúng cho gia đình người đã mất (62%) và một số ít (22,3%) tham gia uống rượu tại các đám tang.
Ngoài các đám tang, đám cưới cũng là một trong những sự kiện lớn của các hộ gia đình theo đạo và cộng đồng cùng nhau chia sẻ. Khảo sát tại địa bàn người Mông năm 2016 cho thấy, các gia đình theo tôn giáo tham dự khá đầy đủ lễ cưới của các gia đình người Mông không theo tôn giáo. 92% số người được hỏi cho biết họ có góp mặt trong bữa tiệc ăn uống; 77,3% có góp tiền, hiện vật mừng cô dâu, chú rể. Bên cạnh đó một số ít người còn tham gia uống rượu (23,7%) hoặc hát mừng trong các đám cưới (14,4%). Tuy nhiên, người Mông theo đạo Công giáo vẫn còn khá khắt khe trong việc áp đặt tiêu chuẩn đi đạo cho những người kết hôn với người thân của mình. 100% số người khảo sát khẳng định, họ sẽ yêu cầu những người không theo đạo khi kết hôn với người thân của gia đình trở thành tín đồ Kitô. Tỷ lệ này ở nhóm theo đạo Tin lành rất thấp, chỉ khoảng 15%.
Với những biểu hiện tiêu cực, có thể thấy, đạo Công giáo và Tin lành đã làm cho quan hệ xã hội của người Mông thay đổi, xuất hiện những mâu thuẫn gay gắt giữa những người theo đạo và không theo đạo.
3. Tạm kết
Với các giá trị và mục đích hướng con người đến cuộc sống lành mạnh và có phần hiện đại, đạo Công giáo và Tin lành đem lại nhiều ảnh hưởng tích cực đối với xã hội người Mông. Việc chọn lựa những giá trị tiến bộ mà đạo Công giáo và Tin lành đem lại, giúp cộng đồng Mông tạo nên sự chuyển biến phong trào xã hội theo hướng tích cực. Sẽ là thiếu khách quan và công bằng nếu như chúng ta phủ nhận những đóng góp của đạo Công giáo và Tin lành đối với cộng đồng người Mông. Đối với người Mông, các tôn giáo Tin lành và Công giáo có những giá trị mới mà trong tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng chưa có (ví dụ quyền bình đẳng giới, quyền dân chủ…). Bên cạnh đó, các tôn giáo còn đề cao thành tựu khoa học kỹ thuật và khuyến khích xã hội ứng dụng vào thực tế để phát triển (như khuyến khích phòng chữa bệnh theo y học hiện đại; phòng chống tệ nạn xã hội; đề cao học tập nâng cao trình độ nhận thức của con người; phê phán và khuyến khích xóa bỏ những yếu tố hủ tục, mê tín). Trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức Công giáo cũng như đạo Tin lành đang tăng cường hoạt động nhập thế chuyển đổi về nhận thức để hòa nhập với xã hội, đi theo hướng gắn đạo với đời, sống hay chứng đạo giữa đời. Thay vì bó mình trong các cơ sở thờ tự, ngày nay các giáo sĩ đã đi đến với quần chúng tín đồ, chia sẻ, nâng đỡ họ về mặt tinh thần, giúp đỡ họ về vật chất, tham gia hòa giải... Vì vậy, khi lựa chọn và làm theo những giá trị của tôn giáo, người Mông tin rằng sẽ từng bước tạo ra sự chuyển biến tích cực trong xã hội, đặc biệt là vấn đề giáo dục đạo đức tôn giáo cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nói trên, các tôn giáo cũng đem lại không ít vấn đề bất cập. Đặc biệt đạo Công giáo và Tin lành đem lại nhiều hệ quả về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của người Mông. Dường như một vài người Mông theo đạo Tin lành muốn có một quốc gia riêng của họ để có thể đưa những người Mông khác đang sống rải rác trên khắp thế giới trở về tụ họp (16). Một số phong trào kêu gọi theo Vàng Chứ luôn nói về hiện tượng xưng vua và sự ra đời của một vương quốc Mông. Trong quá khứ, hiện tượng người Mông xưng vua không phải là hiếm. Điều này là hết sức nguy hiểm vì họ dùng người Mông để gây rắc rối vì mục đích riêng của họ.
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số còn lưu giữ nhiều dấu vết của tín ngưỡng truyền thống cổ xưa, người Mông là một ví dụ điển hình cho sự phát triển của một dân tộc bị ảnh hưởng bởi quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra của Kitô giáo, một phong trào liên quan đến việc chuyển đổi các dân tộc bộ lạc và phi quốc gia sang các tôn giáo thế giới được tổ chức rộng rãi hơn (17).
_______________
1. Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Lào Cai, Báo cáo tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2016.
2. Tài liệu của Giáo xứ Sa Pa đăng trên sapachurch.org.
3. Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Điện Biên, Báo cáo tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2016.
4. Xem tài liệu đã dẫn tại 1 và 3.
5, 8, 15. Đề tài cấp Bộ Tác động của tôn giáo đến bảo vệ và phát huy văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc: nghiên cứu trường hợp dân tộc Mông ở Lào Cai và Điện Biên do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chủ trì thực hiện năm 2016-2017.
6, 10, 14. Ngô Thị Thanh Tâm, Protestant conversion and social conflict: The case of the Hmong in contemporary Vietnam (Chuyển đổi đạo Tin lành và xung đột xã hội: trường hợp của người Mông ở Việt Nam đương đại), Journal of Southeast Asian Studies, 46 (2), pp 274–292 June 2015.
7, 19. Nguyễn Ngọc Mai, Nguyễn Bình, Sự biến đổi của tín ngưỡng truyền thống dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện nghiên cứu Tôn giáo chủ trì, 2015.
9. Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), Báo cáo tổng kết 5 năm (2005-2010) và Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 4-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành (2005-2015).
11. Nguyễn Văn Thắng (chủ biên), Giữ “lý cũ” hay theo “lý mới”, bản chất của những cách phản ứng khác nhau của người Mông ở Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Tin lành, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009.
12. Nguyễn Quỳnh Trâm, Các mối quan hệ xã hội của người Mông theo Tin lành ở Lào Cai, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 9 - 2015.
13. Trần Hữu Sơn, Đạo Tin lành ở vùng đồng bào dân tộc Mông Lào Cai, huc.edu.vn.
16. Gary Lee, Nick Tapp, Các vấn đề về dân tộc Mông hiện nay: 10 điểm chính, Tạp chí Dân tộc học số 4 - 2002.
17. Robert Heffner, Introduction: World building and the rationality of conversion, in Conversion to Christianity: Historical and anthropological perspectives on a great transformation, ed. Robert Hefner Berkeley: University of California Press, 1993, pp. 3-44
Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 - 2017
Tác giả : TRẦN THỊ THỦY