Nước ta là một nước có gần 70% người dân sinh sống ở vùng nông thôn, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Ngay từ khi giành được độc lập, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và văn hóa làng xã luôn là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tiến hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển vùng nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong bối cảnh phát triển mới. Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Triển khai chương trình Xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm của từng vùng theo các bước cụ thể vững chắc trong từng giai đoạn; giữ vững và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn Việt Nam”.
Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm thay đổi diện mạo nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Xét ở khía cạnh quy mô, các chương trình phát triển nông thôn được Chính phủ thực hiện trong thập kỷ qua rất đa diện. Hiện nay, có lẽ một trong những chương trình bao trùm nhất là Chương trình quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu xây dựng chương trình là xây dựng mới các cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa như Trung tâm văn hóa cấp xã, thôn, bưu điện văn hóa, hay trạm y tế... Để hoàn thành mục tiêu đó, các thiết chế phải được nằm trong quyết định của bộ, ngành có liên quan.
Tỉnh Bắc Giang cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của nhà nước. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và chương trình, kế hoạch của tỉnh về xây dựng nông thôn mới; đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành việc thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới các cấp; cơ bản hoàn thành quy hoạch cho 40 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và tiếp tục triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh triển khai thực hiện, đã tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đến tận cơ sở... Bước đầu triển khai chương trình đã tạo được khí thế quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội và mang lại những kết quả đáng phấn khởi.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 trong điều kiện các cấp, các ngành tập trung cao chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp; bên cạnh thuận lợi có những khó khăn: dịch tả lợn châu Phi tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Nhưng với sự tập trung nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của các địa phương để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật:
Thứ nhất: huyện Tân Yên được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trước 6 tháng, lũy kế 3 huyện gồm Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên. Ngoài ra, huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa đủ điều kiện phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2021 (huyện Yên Dũng hết năm 2020 có 16/16 xã đạt chuẩn, 2 xã nông thôn mới nâng cao, đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; huyện Hiệp Hòa có 22/24 xã đạt chuẩn, 1 xã nông thôn mới nâng cao, đạt 7/9 tiêu chí huyện nông thôn mới).
Thứ hai: Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 127/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69% (huyện Yên Dũng có số xã đạt chuẩn cao nhất là 7 xã; huyện Tân Yên 5 xã), cao hơn bình quân chung cả nước hiện là 61%, đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Thứ ba: Có 8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trở thành mô hình mẫu tại các xã đã đạt chuẩn, thực hiện hiệu quả phương châm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”.
Thứ tư: Mô hình thôn nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả tích cực, trở thành phong trào tại các xã đã đạt chuẩn, trong năm có thêm 63 thôn là thôn mới kiểu mẫu (huyện Lạng Giang có nhiều thôn nhất 19 thôn, Hiệp Hòa, Việt Yên 10 thôn), lũy kế toàn tỉnh 72 thôn; tỷ lệ người dân hài lòng về kết quả của các thôn đạt trên 98%, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của việc triển khai thôn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm: Số tiêu chí bình quân/ xã đạt 16,3 tiêu chí/ xã, tăng 0,5 tiêu chí/ xã so với năm 2019, bằng bình quân chung cả nước; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Thứ sáu: Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả cao nhất 10 năm trở lại đây (giá trị sản xuất tăng 6,7%), khẳng định vững chắc vai trò là trụ đỡ nền kinh tế. Sản xuất với quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, mang lại hiệu quả; có thêm 58 mô hình ứng dụng công nghệ cao được triển khai, đàn lợn dần hồi phục về mốc 1 triệu con, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp cao hơn bình quân chung cả nước, đạt 120 triệu đồng/ ha (cả nước 97 triệu đồng/ ha).
Thứ bảy: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được triển khai tích cực, đạt kết quả bước đầu. Sau 2 năm thực hiện có 95 sản phẩm đạt OCOP (24 sản phẩm 4 sao, 71 sản phẩm 3 sao), tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bắc Giang cũng đang bộc lộ ra nhiều bất cập cả về lý thuyết và thực hành. Nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ nảy sinh những mâu thuẫn, thậm chí là xung đột. Đó là bài toán giữa tăng trưởng với phát triển bền vững, đô thị hóa với bảo tồn các giá trị văn hóa làng truyền thống. Một số địa phương đô thị hóa ồ ạt đã phá vỡ không gian kiến trúc - môi trường sống - môi trường văn hóa của người dân bao đời nay. Nhiều công trình xây dựng tốn kém nhưng không phù hợp dẫn đến không khai thác, phát huy được công năng, gây lãng phí lớn… Tất cả những bất cập đó không những làm biến dạng bộ mặt nông thôn, văn hóa làng truyền thống mà còn dẫn đến những bất đồng, mâu thuẫn trong nông thôn, làm ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển bền vững của các làng xã.
Phát triển nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại nhưng bền vững, bảo tồn được các giá trị văn hóa căn cốt của văn hóa làng, vừa xây dựng đời sống văn hóa mới là sự lựa chọn khách quan, cần thiết. Cần nghiên cứu chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ là chương trình kinh tế xã hội mà cần thiết được coi là một chương trình văn hóa vì nó tác động sâu sắc đến văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ hết sức khó khăn có nhiều tiêu chí không chỉ đòi hỏi tiền đầu tư, mà phải bằng sự quyết tâm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi thôn, mỗi xã, sự đồng thuận chung sức, chung lòng của cả cộng đồng, của các cấp, các ngành mới có thể thực hiện được. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.
Để đạt được các mục tiêu của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia xác định trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Giang cần thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Trong đó tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn theo hướng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng gắn với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông ở những địa bàn khó khăn do đặc thù về điều kiện địa hình, địa chất, tạo sức bật để các địa phương khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, từng bước bắt kịp tốc độ phát triển chung của vùng, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện. Ưu tiên đầu tư hình thành và phát triển hệ thống thu mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại, cơ sở hạ tầng thương mại gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông trong phạm vi cả nước, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng.
Hai là, phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, trong đó chú trọng khai thác lợi thế của mỗi vùng, miền. Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và cấp mã vùng sản xuất.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục phát triển các sản phẩm, ngành nghề nông thôn theo mô hình mỗi xã một sản phẩm nhằm phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch nông thôn mới, cộng đồng du lịch và điểm dịch vụ du lịch nông thôn mới.
Quan tâm đến trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững; phát huy lợi thế về tài nguyên biển để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản theo hướng hiệu quả, bền vững. Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn, lĩnh vực chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm. Hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản.
Ba là, bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn “xanh - sạch - đẹp”. Thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các khu xử lý rác tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh, đồng thời khuyến khích phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ, cấp thôn trong cộng đồng dân cư. Tiếp tục phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa; tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định; cải tạo cảnh quan môi trường. Đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Bốn là, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Chú trọng nâng cao hiệu quả của y tế cộng đồng cấp xã và cấp huyện đảm bảo hiệu quả phòng, chống bệnh lây nhiễm và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân nông thôn; chú trọng phát triển giáo dục nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn. Bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn mới.
Năm là, giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Tăng cường phát huy vai trò tự quản, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.
Tài liệu tham khảo
1. Benedict J.tria kerrkvliet, Jamesscott, Một số vấn đề về nông nghiệp, nông dân nông thôn ở các nước và Việt Nam, Nguyễn Ngọc và Đỗ Đức Định sưu tầm và giới thiệu, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2000.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, 2009.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, 2013.
4. Bộ VHTTDL, Thông tư quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa - khu thể thao thôn, 2011.
5. Bộ VHTTDL, Thông tư quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của trung tâm văn hóa - thể thao xã, 2010.
Tác giả: Ths Dương Hà My
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021