Sự ra đời của các đại đoàn chủ lực trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Thành lập các đại đoàn chủ lực là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Với vai trò là quả đấm chủ lực, các đại đoàn đã đẩy mạnh tác chiến tập trung, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tiêu diệt những đơn vị cơ động chiến lược của địch; giúp đỡ, phối hợp tác chiến cùng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, góp phần quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng bộ đội chủ lực, trong đó có các đại đoàn chủ lực trên nền tảng lực lượng chính trị hùng hậu và trên cơ sở xây dựng, phát triển bộ đội địa phương vững mạnh, dân quân rộng khắp. Nhìn thấy nhu cầu trước mắt và lâu dài của lực lượng vũ trang, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (12-1944), Hồ Chí Minh đã nêu ra quan điểm vũ trang toàn dân đi đôi với xây dựng quân đội nhân dân. Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL về Quân đội quốc gia Việt Nam. Kèm theo Sắc lệnh có bản Quy tắc, quy định tổ chức biên chế bộ đội chủ lực toàn quốc thống nhất từ tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn, sư đoàn, liên đoàn, tập đoàn của bộ binh; tổ chức các đơn vị chuyên môn và hỏa lực trợ chiến. Đây là văn bản có tính pháp lý, đặt nền móng cho việc xây dựng quân đội chính quy, tổ chức biên chế thống nhất của bộ đội chủ lực, trong đó đại đoàn là cấp có quy mô cao nhất mà bước đầu ta có thể tổ chức xây dựng được.

Thực hiện Sắc lệnh số 33/SL ngày 22-3-1946 của Chính phủ, quy định về tổ chức biên chế, cấp bậc, quân phục, phù hiệu cho lục quân trên toàn quốc và Sắc lệnh số 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chi đội Vệ quốc đoàn ở Bắc Bộ và Nam Trung Bộ được chấn chỉnh tổ chức thống nhất theo từng đơn vị cấp trung đoàn (gồm 32 trung đoàn) và tiểu đoàn độc lập. Trên cơ sở các trung đoàn, thành lập 2 đại đoàn (1 và 2) ở Bắc Bộ và 3 đại đoàn (23, 27, 31) ở Nam Trung Bộ. Riêng Nam Bộ chưa có điều kiện chấn chỉnh thành trung đoàn, vẫn tổ chức chi đội (gồm 25 chi đội). Tuy nhiên, lúc này các đại đoàn nặng về hình thức tổ chức thu gom lực lượng, sức cơ động và trình độ chiến đấu rất hạn chế. Sớm nhận thấy cách tổ chức này chưa phù hợp với điều kiện bảo đảm và yêu cầu tác chiến lớn, tháng 11-1946, các đại đoàn ở Bắc Bộ, Nam Trung Bộ giải thể và tổ chức các trung đoàn, gồm 27 trung đoàn ở miền Bắc và 25 chi đội ở miền Nam.

Để tăng cường lực lượng kháng chiến lâu dài, Hội nghị cán bộ Trung ương của Đảng (4-1947), chủ trương “bồi bổ những thiếu sót về vũ khí, về bộ đội và cán bộ để chuẩn bị tổng phản công” (1). Theo phương hướng đó, đến giữa năm 1947, bộ đội chủ lực đã có 125.000 người, tổ chức thành 57 trung đoàn, chi đội và 19 tiểu đoàn độc lập ở hầu khắp các tỉnh trên cả nước.

Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sâu sát chỉ đạo các hội nghị, kịp thời rút kinh nghiệm, trong đó có kinh nghiệm về hình thức tổ chức bộ đội chủ lực. Thực hiện chủ trương tăng cường bộ đội chủ lực trực thuộc Bộ và tổ chức thí điểm đơn vị có đủ khả năng tác chiến tập trung quy mô lớn, ngày 26-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76/SL về việc tổ chức trong Quân đội quốc gia Việt Nam một đại đoàn, mang phiên hiệu Đại đoàn độc lập. Người cũng ký Sắc lệnh số 77/SL cử Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng kiêm chức Đại đoàn trưởng; Lê Quốc Vinh làm Chính ủy và Nguyễn Lâm Kính làm Đại đoàn phó. Theo đó, Bộ Quốc phòng điều động Trung đoàn 174, 165, Tiểu đoàn 160 và chuẩn bị các cơ quan chính trị, tham mưu, quân nhu để thành lập Đại đoàn độc lập. Tuy nhiên, lúc này thực dân Pháp đẩy mạnh tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc nên ngày 8-11-1947, Bộ Tổng chỉ huy quyết định tạm thời hoãn việc thành lập Đại đoàn độc lập. Thay vào đó, Bộ quyết định thành lập một trung đoàn mạnh gồm nhiều tiểu đoàn, mang phiên hiệu Trung đoàn 17 (sau đổi thành Trung đoàn 308) đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ.

Đầu năm 1948, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy tiếp tục phân tán một bộ phận bộ đội chủ lực thành các đại đội độc lập về xây dựng bộ đội địa phương; đề ra phương án xây dựng bộ đội chủ lực của Bộ và các chiến trường, lấy các tiểu đoàn tập trung làm nòng cốt. Để giành thế chủ động trên các chiến trường, tạo bước ngoặt làm chuyển biến mạnh mẽ cuộc kháng chiến, tháng 1-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6. Hội nghị xác định xây dựng bộ đội chủ lực là trung tâm công tác lúc này và nhấn mạnh: “Để thực hiện vận động chiến chúng ta chủ trương kiện toàn các bộ đội chủ lực: tiểu đoàn tập trung, trung đoàn chủ lực, cho đến đại đoàn chủ lực” (2). Thực hiện chủ trương đó, đầu năm 1949, Bộ Tổng tham mưu chấn chỉnh Trung đoàn bộ binh 308 thành trung đoàn mạnh làm đơn vị nòng cốt để phát triển quy mô tổ chức lớn hơn.

 Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề chủ yếu để đẩy mạnh tác chiến quy mô lớn trên các chiến trường, đưa cuộc kháng chiến phát triển mạnh mẽ hơn nữa, là phải xây dựng bộ đội chủ lực phát triển về mọi mặt, trong đó có bước đột phá về quy mô tổ chức từ cấp trung đoàn lên cấp đại đoàn. Trên cơ sở lực lượng dân quân tự vệ phát triển rộng khắp và bộ đội địa phương đã hình thành, vấn đề tổ chức các đại đoàn chủ lực có sức cơ động cao, sức đột kích lớn, làm lực lượng quyết định trong các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược trở thành yêu cầu cấp thiết, phù hợp với quy luật phát triển của Quân đội ta. Vì vậy, tháng 2-1949, Bộ Tổng tham mưu mở hội nghị bàn về xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó tập trung thảo luận đề án tổ chức biên chế đơn vị cấp đại đoàn chủ lực. Hội nghị nhất trí đề nghị Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh ban hành quy chế về tổ chức biên chế đại đoàn chủ lực trực thuộc Bộ.

Quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng bộ đội chủ lực và theo đề nghị của Bộ Tổng tham mưu, ngày 15-4-1949 Bộ Quốc phòng ra nghị định thành lập Đại đoàn bộ binh 308, gồm 3 trung đoàn bộ binh: 88, 102 (Trung đoàn Thủ đô), 36 (Trung đoàn Bắc Bắc), Tiểu đoàn bộ binh 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông), Tiểu đoàn pháo binh 410, một số đơn vị binh chủng và cơ quan đại đoàn. Ngày 28-8-1949, lễ thành lập Đại đoàn bộ binh 308 được tổ chức tại thị trấn Đồn Đu, huyện Đồng Hỷ (nay là huyện Phú Lương), tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Vương Thừa Vũ được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy. Đây là đại đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội ta trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, mang danh hiệu “Đại đoàn Quân Tiên phong”.

Trong thư gửi Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng (2-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ một trong những công việc trước mắt: “Tích cực xây dựng bộ đội chủ lực” (3). Tại Hội nghị Đảng xác định: “Bộ đội chủ lực sẽ xây dựng thành từng trung đoàn mạnh, rồi tiến tới đại đoàn” (4). Do vậy, việc nâng quy mô tổ chức bộ đội chủ lực lên cấp đại đoàn tiếp tục được đẩy mạnh. Đến ngày 10-3-1950, lễ thành lập Đại đoàn bộ binh 304 được tổ chức tại đình Tam Lạc, huyện Thọ Xuân (nay là xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Biên chế gồm 3 trung đoàn bộ binh: 66 (chủ lực Liên khu 3), 9 (Trung đoàn Quang Trung, chủ lực Liên khu 4), 57 (chủ lực tỉnh Nghệ An) và các đơn vị trợ chiến, bảo đảm. Đồng chí Hoàng Minh Thảo được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng và Trần Văn Quang làm Chính ủy. Đây là Đại đoàn bộ binh chủ lực cơ động thứ hai của Quân đội ta, mang danh hiệu “Đại đoàn Vinh Quang”.

Sau chiến dịch Biên Giới kết thúc, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy quyết định thành lập Đại đoàn bộ binh 312 mang danh hiệu “Đại đoàn Chiến Thắng”. Biên chế gồm 3 trung đoàn bộ binh: 209 (Trung đoàn Sông Lô), 141 (các tiểu đoàn của “Nghĩa quân Hồng Hà”), 165 (trung đoàn Lao-Hà-Yên) và các đơn vị trợ chiến, bảo đảm trực thuộc. Đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy. Đại đoàn lấy ngày chiến thắng Liễn Sơn - Xuân Trạch (27-12-1950) làm ngày truyền thống.

Năm 1951, ta tiếp tục tổ chức thêm một số đại đoàn chủ lực cơ động trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Ngày 16-1-1951, tại đình Móng Lá, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Đại đoàn bộ binh 320 mang danh hiệu “Đại đoàn Đồng Bằng” được thành lập. Biên chế gồm 3 trung đoàn bộ binh: 48 “Thăng Long”, 64 “Quyết Thắng” (hai trung đoàn chủ lực Liên khu 3), 52 “Tây Tiến”, các cơ quan và một số đơn vị trợ chiến, bảo đảm khác. Đồng chí Văn Tiến Dũng được cử làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy. Đây là đại đoàn bộ binh chủ lực cơ động thứ tư của Quân đội ta.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nâng cao sức chiến đấu của các đại đoàn chủ lực, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) xác định: “Chúng ta không những phải tổ chức các đơn vị bộ binh, mà lại phải tổ chức các binh chủng chuyên môn, công binh, pháo binh, phải chuẩn bị tiến tới đặt cơ sở cho bộ đội cơ giới, không quân, thủy quân... Chúng ta cần cán bộ cho các binh đoàn chủ lực” (5). Thực hiện chủ trương đó, ngày 27-3-1951, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Đại đoàn công - pháo 351, gồm: Trung đoàn công binh 151, Trung đoàn 675 sơn pháo 75mm và Trung đoàn 45 pháo xe kéo 105mm, xưởng sửa chữa xe, pháo, khí tài và các cơ quan đại đoàn. Đây là đại đoàn binh chủng (gồm công binh, pháo binh) đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc thành lập Đại đoàn công pháo 351 đánh dấu bước trưởng thành mới của quân đội ta trong quá trình xây dựng và phát triển các binh chủng, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng trong các chiến dịch.

Tiếp đến, ngày 1-5-1951, Đại đoàn bộ binh 316 được thành lập tại làng Cốc Lùng, huyện Thoát Lãng (nay là huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Biên chế gồm 3 trung đoàn bộ binh: 174 (Bộ Tổng tư lệnh), 98 (mặt trận Đông Bắc), 176 (Lạng Sơn), một số đơn vị binh chủng và các cơ quan đại đoàn. Đồng chí Lê Quảng Ba được cử làm Đại đoàn trưởng và Chu Huy Mân làm Chính ủy.

Ngày 23-6-1951, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Mặt trận Bình-Trị-Thiên gấp rút củng cố bộ đội địa phương, phát triển dân quân du kích, sẵn sàng thay thế lực lượng chủ lực, tiến tới xây dựng đại đoàn chủ lực ở Bình-Trị-Thiên. Đến ngày 5-12-1952, Đại đoàn bộ binh 325, mang tên truyền thống “Đại đoàn Bình Trị - Thiên” được thành lập và lấy ngày chiến thắng Thanh Hương - Mỹ Xuyên (12-3-1951) làm ngày truyền thống. Biên chế gồm 3 trung đoàn bộ binh: 101 (Thừa Thiên), 18 (Quảng Bình), 95 (Quảng Trị) và một số đơn vị trợ chiến, bảo đảm khác. Đồng chí Trần Quý Hai được cử làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đại đoàn. Như vậy, đến năm 1952, ta đã xây dựng được 6 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn binh chủng.

Việc thành lập các đại đoàn chủ lực trực thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh là bước phát triển lớn về quy mô tổ chức bộ đội chủ lực của ta, do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo qua 8 năm xây dựng và chiến đấu. Đó cũng là chủ trương quan trọng, đúng đắn, sáng tạo của Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân nói chung, bộ đội chủ lực nói riêng. Trên cơ sở bộ đội địa phương mạnh và dân quân du kích hùng hậu, tiến hành tổ chức bộ đội chủ lực với quy mô cấp đại đoàn là quyết tâm cao và thành công lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa bộ đội chủ lực lúc đầu chỉ có bộ binh tiến lên có các binh chủng, làm nòng cốt tiến hành chiến tranh chính quy, thực hiện các đòn đánh tiêu diệt lớn quân địch, giải phóng đất đai, làm chuyển biến cục chiến trường có lợi cho ta.

Trải qua 9 năm kháng chiến (1945-1954), Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng các đại đoàn chủ lực bảo đảm về số lượng, chất lượng. Sự trưởng thành của các đại đoàn chủ lực đã trở thành lực lượng nòng cốt trên các chiến trường, cùng toàn dân, toàn quân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.

_________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.180.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tập 10, tr.73.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.314.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tập 11, tr.138.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tập 12, tr.423.

Tác giả: Hồ Mậu Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

;