SINH HOẠT CA TRÙ TẠI ĐÌNH LỖ HẠNH

Đình Lỗ Hạnh còn có tên gọi là đình Đông Lỗ, thuộc làng Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đây là ngôi đình cổ có niên hiệu sớm nhất vùng Kinh Bắc xưa - Bắc Giang ngày nay. Với những giá trị văn hóa đặc sắc và nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, độc đáo, đình Lỗ Hạnh đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1982. Ngày nay, đình Lỗ Hạnh không chỉ gây ấn tượng với khách thập phương bởi vẻ đẹp cổ kính, mà đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những ai yêu thích ca trù, loại hình âm nhạc dân gian độc đáo tưởng chừng đã bị lãng quên.

1. Những cứ liệu về sự tồn tại của ca trù trên đất Bắc Giang được hiện diện tại đình Lỗ Hạnh

Đình Lỗ Hạnh được khởi dựng thời Lê Trung hưng TK XVI (1576), đã được các triều đại phong kiến ban nhiều sắc phong. Với giá trị điêu khắc mang tính thẩm mỹ dân gian cao, đình Lỗ Hạnh đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật năm 1990. Các tác phẩm điêu khắc ở đình cho thấy sự phong phú trong cách lựa chọn đề tài: bức chạm hoa, lá, mây ở đầu các con rường, xà nách, ván gió; rồng mẹ, rồng con quấn quýt ở các đầu dư; hình nghê ở chân cột, giá chiêng và vì nóc; chim, phượng ở các bức cốn; hươu, nai, hổ xen kẽ được bố cục hợp lý. Trên bức cốn của đình có bức chạm một cô gái có thân hình mảnh mai, khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, đầu vấn khăn buông với hai dải dài che kín hai tai, mặc váy dài, trên bó, dưới hông xòe rộng với nhiều nếp gấp dọc, tựa lưng vào con hươu, đang chơi đàn đáy - loại đàn chỉ duy nhất dành cho nghệ thuật ca trù. Con hươu là một con vật gắn với các vị tiên, vì thế có thể xem bức chạm này là một biểu hiện ca ngợi vẻ đẹp của âm nhạc ca trù. Bên cạnh đó, ở một bức khác lại chạm cảnh hòa nhạc vui vẻ, trong đó có người đàn ông đang chơi đàn đáy. Theo sử sách, trong 6 ngôi đình cổ, chỉ có đình Lỗ Hạnh và đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) có bức chạm về người chơi đàn đáy. Có thể nói, những bức chạm khắc này đã khẳng định nghệ thuật ca trù đã có mặt ở vùng đất Kinh Bắc từ rất sớm, cũng như thể hiện sự yêu thích của người dân dành cho loại hình âm nhạc dân gian này ở TK XVI. Tư liệu vô giá này đã được lưu trong hồ sơ đệ trình UNESCO, là một trong ba hình ảnh minh chứng cho sự ra đời và phát triển sớm của ca trù ở nước ta. Ca trù hiện diện trong sinh hoạt văn hoá làng xã, là món ăn tinh thần của người dân vốn đôn hậu, cần cù, chất phác.

2. Câu lạc bộ ca trù Đông Lỗ ra đời, đánh dấu sự hồi sinh của ca trù vùng Kinh Bắc

Song hành với những thăng trầm trong lịch sử của dân tộc, sinh hoạt ca trù có sự trồi sụt khác nhau, nhưng vẫn tiềm ẩm một sức sống mãnh liệt. Ngành VHTTDL Bắc Giang cũng như chính quyền huyện Hiệp Hòa đã thực hiện nhiều biện pháp và bước đầu triển khai có hiệu quả việc khôi phục, bảo tồn di sản ca trù trên địa bàn, góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1). Điều đáng trân trọng là những người yêu thích ca trù ở vùng quê này ngày càng nhiều. Được sự đồng ý của cấp ủy Đảng, vào tháng 9 - 2010, UBND xã Đông Lỗ ra quyết định thành lập 3 CLB ca trù ở 3 thôn Khoát, Chúng và Hưng Đạo, với gần 30 hội viên. Đến tháng 4 - 2011, CLB ca trù thôn Chằm được thành lập với hơn 10 hội viên, đưa tổng số hội viên của các thôn lên đến gần 50 người, trong đó hơn 2/3 hội viên là các ca nương.

 Do nằm tại trung tâm của ba thôn Chằm, Chúng, Khoát và vừa được trùng tu công phu với tổng kinh phí đầu tư hơn 10 tỷ đồng, nên các CLB ca trù của Đông Lỗ chọn đình Lỗ Hạnh là nơi hội tụ các ca nương luyện đàn, tập hát, trống chầu. Không gian cổ kính của di tích cũng đã góp phần giúp các nghệ nhân thăng hoa hơn trong các buổi luyện tập, biểu diễn của mình. Vào mùng 1 và rằm hàng tháng, mọi người trong CLB lại cùng nhau hát, chia sẻ những những kinh nghiệm trong hát ca trù tại đình Lỗ Hạnh.

3. Quá trình khôi phục ca trù

Hội viên của CLB ca trù Đông Lỗ chủ yếu là những người nông dân quanh năm bận bịu với công việc đồng áng, khi ca trù được quan tâm khôi phục, ngọn lửa tình yêu đối với loại hình âm nhạc cổ này thắp lên, họ thực sự hào hứng và có thêm niềm vui sau những vụ mùa vất vả. Để nâng cao hơn chất lượng, trình độ của các hội viên, CLB đã tìm hiểu ca trù trong các tài liệu, sách vở, băng đĩa để học tập. Không những vậy, họ còn tìm thày để học, mời thày về truyền dạy tại quê mình, rồi đi tham gia các lớp tập huấn ca trù do huyện, tỉnh tổ chức. Đặc biệt, CLB ca trù Đông Lỗ đã được đầu tư một số nhạc cụ, trang thiết bị chuyên dụng và mời một số nghệ nhân ở CLB ca trù Thanh Khương, Thuận Thành (Bắc Ninh) về truyền dạy. Sau nhiều tháng dạy và học, hầu hết các ca nương đều có chất giọng hay, cách lấy hơi nhả chữ, điều chỉnh âm lượng tốt. Không chỉ các ca nương mà cả các tay trống, tay đàn đã nhấn nhá, giọng ca đã nhuần, tiếng phách vang, trong, tiếng đàn dìu dặt, tiếng trống ngắt nhịp đuổi giọng dứt khoát. Ở một số thể như: Đào hồng đào tuyết, Hát ru, Xẩm huê tình được nhiều ca nương nảy hột khá chuẩn.

 Từ khi thành lập, số hội viên của CLB ca trù Đông Lỗ đã tăng lên đáng kể, trong đó có những ca nương tuổi trên dưới 80. Nhiều thanh, thiếu niên trong địa bàn xã, huyện thấy cha mẹ, ông bà tham gia, tâm huyết với việc khôi phục loại hình âm nhạc dân gian ca trù, cũng hào hứng đến xem rồi yêu thích, mong muốn được tham gia CLB. Thế mới thấy được tình yêu dành cho loại hình âm nhạc cổ này của các thế hệ tại Đông Lỗ nói riêng và Hiệp Hòa, Bắc Giang nói chung lớn như thế nào.

Có thể thấy, Đông Lỗ được coi là điểm sáng của Hiệp Hòa về khôi phục ca trù. Sở dĩ nơi đây sớm thành lập 4 CLB ca trù và các hoạt động luôn duy trì cũng do sự nỗ lực của dân làng cùng với sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ trang thiết bị cần thiết (2).

4. Những khó khăn trong khôi phục ca trù tại xã Đông Lỗ

Khôi phục ca trù là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc của người dân tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, công cuộc bảo tồn nào cũng xuất hiện những khó khăn trở ngại nhất định. Với 2/3 hội viên CLB ca trù Đông Lỗ xuất thân từ những người nông dân chân lấm tay bùn, đến với ca trù chủ yếu là do sự tò mò hoặc yêu thích khi có thời gian rảnh rỗi, hoàn toàn không đem lại lợi nhuận nên họ khó có thể theo nghề lâu dài. Hơn nữa, tuổi đời các hội viên thường ở độ trung niên, đang gánh vác trọng trách gia đình, người trẻ nhất trên 30 tuổi, cũng có đôi ca nương bước vào tuổi bát thập. Mỗi người một hoàn cảnh nên việc sống và đam mê với ca trù rất khó.

Hơn nữa, ngày nay xuất hiện nhiều thể loại âm nhạc hiện đại, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ, ca trù ngày càng nhận được ít sự quan tâm. Các ca nương cao tuổi trong CLB ca trù Đông Lỗ chia sẻ, bọn trẻ có nhiều thứ để chơi, để nghe, để học hấp dẫn hơn nên không mặn mà với việc học hát ca trù.

Ngoài ra, kinh phí của địa phương còn hạn hẹp nên các CLB ca trù gặp nhiều khó khăn trong việc mời nghệ nhân về truyền dạy, chưa sắm được đầy đủ nhạc cụ, trang phục... Sự hỗ trợ về mặt kinh phí của cấp trên sẽ tạo điều kiện để hội viên CLB ca trù Đông Lỗ luyện tập tốt hơn.

5. Một số giải pháp giữ gìn ca trù tại xã Đông Lỗ

Cần đưa đình Lỗ Hạnh vào danh sách các di tích lịch sử nên đến tham quan khi du khách có dịp đến du lịch Bắc Giang. Từ đó, người dân trong nước và du khách nước ngoài thấy được vẻ đẹp độc đáo, kiến trúc tinh xảo của ngôi đình có niên hiệu sớm nhất cả nước. Đồng thời, giới thiệu được giai điệu dặt dìu, da diết của ca trù với một phong cách hát hoàn toàn khác với lối ngữ âm Hà thành mà mọi người từng nghe chỉ riêng có tại xã Đông Lỗ. Nếu khéo kết hợp hai loại hình lại với nhau đồng thời mở thêm một số dịch vụ… nhất định sẽ thu hút được đông đảo du khách.

Song song với việc duy trì sinh hoạt thường xuyên cho các CLB, Trung tâm Văn hóa huyện và Phòng Văn hóa huyện cũng nên thành lập thêm CLB ca trù ở một số xã, tạo điều kiện để ca trù được lan rộng hơn. Ông Đào Xuân Dương, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Hiệp Hòa cho biết: “Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển ca trù hiện nay, cấp ủy, chính quyền ở Đông Lỗ rất quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện cho các CLB ở cơ sở cũng như có những hỗ trợ cần thiết cho các CLB ca trù của Đông Lỗ…”.

Tại Hiệp Hòa, một số tác giả như Đăng Bạ, Hoàng Hợp thuộc các CLB thơ của huyện đã sáng tác những tác phẩm hát nói, với nội dung mới, phù hợp với thể loại ca trù, đó là điều thuận lợi, cần được quan tâm để ca trù Đông Lỗ hình thành được một phong cách riêng, mới lạ hơn.

Vài năm trở lại đây, nhằm thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho trẻ, tất cả các trường mầm non trong toàn huyện Hiệp Hòa đồng loạt tổ chức hội thi Bé với dân ca - đồng dao và trò chơi dân gian. Tổ chức hội thi là một trong những nhiệm vụ chuyên môn quan trọng được tổ chức chính thức từ năm học 2009 - 2010, đã trở thành ngày hội truyền thống của học sinh trong mỗi nhà trường. Mà ở đó, các cháu được thi nhau đua tài biểu diễn nghệ thuật như hát dân ca các miền, đọc đồng dao, ca dao và chơi các trò chơi dân gian vô cùng phong phú… Đặc biệt, một số em thể hiện tài năng của mình bằng những điệu ca trù, tuy còn non nớt trong kỹ thuật nhưng lại mang nét trong sáng, hồn nhiên. Đây chính là những hạt giống ca trù trong tương lai.

________________

1, 2. Bacgiang.com.vn

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : NGÔ THỊ HUYỀN

;