Từ ngày 1-4 đến 1-5-2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 4 với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”, các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, sự kiện góp phần hưởng ứng tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4). Qua đó giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đa dạng phong phú các hoạt động thu hút khách du lịch trong dịp nghỉ lễ.
Các hoạt động tháng 4 có sự tham gia của hơn 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hằng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Xơ Đăng (Kon Tum); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Dịp 30-4 và 1-5, huy động thêm 45 đồng bào dân tộc Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao (tỉnh Cao Bằng), trong đó có 15 đồng bào dân tộc Lô Lô, 10 đồng bào dân tộc Mông, 20 đồng bào gồm Nùng, Tày, Dao.
Tái hiện nghi lễ của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa - Ảnh: Tuấn Minh
Trong tháng 4, cùng với các hoạt động tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), đặc biệt trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10-3 âm lịch tức ngày 18-4-2024) tăng cường các hoạt động hướng tới ngày Giỗ tổ với Chương trình dân ca dân vũ “Rực rỡ sắc màu tự hào con cháu Rồng Tiên” của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
Nhân dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng và quốc tế lao động dịp 30-4, 1-5 với chủ đề “Ngày hội non sông thống nhất” diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn: Tái hiện chợ phiên vùng cao có chủ đề “Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng”, tạo không khí đậm nét chợ vùng cao ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do chính những cộng đồng dân tộc thực hiện. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao (Cao Bằng)... Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của địa phương điểm nhấn (Cao Bằng)... trưng bày giới thiệu các sản vật dân tộc: rau củ quả (rau cải, măng khô, măng tươi, su su, các loại gia vị đặc trưng...), ẩm thực (các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông: Thắng cố, rượu ngô, xôi nếp màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng...), giới thiệu văn hóa - du lịch của tỉnh Cao Bằng (trưng bày triển lãm ảnh, sách, tờ rơi quảng bá du lịch…).
Điểm nhấn của chuỗi các sự kiện là lễ tái hiện Lễ hội cầu mưa dân tộc Lô Lô, tỉnh Cao Bằng. Lễ cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Lô Lô (Bảo Lâm), giữ được khá nguyên vẹn những nét văn hóa phong phú, đặc sắc còn có từ lâu đời. Đây là tín ngưỡng trong đời sống tâm linh, gắn kết cộng đồng và chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống của người Lô Lô.
Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội, còn có các chương trình giới thiệu nghệ thuật khèn Mông; giới thiệu và trình diễn nghề thủ công truyền thống của các dân tộc tỉnh Cao Bằng, in sáp ong của dân tộc Dao (Dao Tiền), làm hương của dân tộc Nùng...
Trình diễn nhạc cụ dân tộc của đồng bào đang sinh sống tại Làng Văn hóa - Ảnh: Tuấn Minh
Bên cạnh đó là hoạt động cuối tuần với Chương trình dân ca dân vũ; tái hiện tục làm vía của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; tái hiện Tết Chôl Chnăm Chmây của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; Chương trình giao lưu “Hoa của núi” của đồng bào các dân tộc phía Bắc tại Làng; Chương trình giao lưu “Tình ca Tây Nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Làng.
MINH PHẠM