Rèn luyện phẩm chất trung, hiếu của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Một trong những chuẩn mực cơ bản nhất trong nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh đã được khái quát là phẩm chất trung, hiếu. Đó là một phẩm chất đặc biệt nổi bật, phẩm chất chính trị - đạo đức hàng đầu của người cách mạng. Phẩm chất trung, hiếu theo tư tưởng Hồ Chí Minh của chính trị viên trong Quân đội Nhân dân Việt Nam là phẩm chất chính trị, đạo đức hàng đầu, cốt lõi biểu hiện sự trung với nước, hiếu với dân phản ánh trình độ giác ngộ, tình cảm, động cơ, trách nhiệm và hành vi cao đẹp của họ đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, trực tiếp là đối với nhiệm vụ theo chức trách được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (1) nên “Công việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém” (2). Việc nâng cao hiệu quả giáo dục phẩm chất trung, hiếu của chính trị viên trong Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một đòi hỏi khách quan, cấp thiết xuyên suốt, đáp ứng phương hướng xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ chính trị viên trong Quân đội Nhân dân Việt Nam tuyệt đại đa số là những sĩ quan trẻ, có hiểu biết khá sâu, rộng về các lĩnh vực xã hội, được đào tạo cơ bản, chính quy. Họ có trình độ nghiệp vụ vững, nhạy cảm với thời cuộc, nhất là những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nét đặc trưng của đội ngũ chính trị viên trong Quân đội Nhân dân Việt Nam là sự chững chạc về trí tuệ, ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh cái mới, không thoả mãn, luôn muốn khẳng định mình... Tuy nhiên, họ ít kinh nghiệm trong cuộc sống và công tác, dễ bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội, hay nôn nóng chủ quan, thường đánh giá không đúng về mình, dễ tự ái, chưa khéo léo trong giải quyết mối quan hệ, công tác. Nhìn chung, họ còn gặp nhiều khó khăn về gia đình, phần lớn xuất thân từ nông dân nên càng khó khăn hơn, đặc biệt đối với những người thực hiện nhiệm vụ xa gia đình. Bên cạnh đó, mặt trái cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư tình cảm của mỗi người chính trị viên dễ dẫn đến có biểu hiện lệch chuẩn như: giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, ngại học tập, ngại rèn luyện... Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cách mạng nói chung và phẩm chất trung, hiếu của chính trị viên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, cần tập trung thực hiện các nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức của người chính trị viên đối với hoạt động tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất trung, hiếu hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là một nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động của con người, tư tưởng có thông thì việc làm mới đem lại hiệu quả cao. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp mà trực tiếp nhất là cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị nơi chính trị viên công tác, học tập phải thường xuyên quán triệt, giáo dục vai trò to lớn của hoạt động tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện phát triển phẩm chất trung, hiếu người cán bộ quân đội cách mạng trong đó có đội ngũ chính trị viên. Kết hợp giữa tổ chức giáo dục với đề cao khuyến khích tinh thần tự giáo dục, tôn vinh những tấm gương vượt khó khăn trong học tập nâng cao trình độ nhận thức. Khơi dậy và phát huy tính tích cực của mỗi người chính trị viên trong tự nhận thức về vai trò của hoạt động tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất trung, hiếu của mình.

Để mỗi chính trị viên tự mình chuyển hóa việc phát triển phẩm chất trung, hiếu thành nhu cầu tự thân, nội lực bên trong thúc đẩy tính tích cực, tự giác phấn đấu rèn luyện và tự bản thân họ ý thức được nếu không tích cực, chủ động trong tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện thì sẽ không theo kịp sự phát triển yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội, không đáp ứng sự đòi hỏi phát triển phẩm chất trung, hiếu của chính trị viên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, mỗi chính trị viên cần nhận thức sâu sắc hoạt động tự giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện phát triển phẩm chất trung, hiếu của mình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, bền bỉ, kiên trì, nhẫn lại, vất vả như quá trình “giã gạo” hết sức gian nan thì mới thành công. Muốn vậy phải xây dựng ý thức tự giác, tự bồi dưỡng ý chí, quyết tâm phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất trung, hiếu của bản thân.

Hai là, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục phẩm chất trung, hiếu của chính trị viên ở đơn vị cơ sở hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tăng cường giáo dục chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phân cấp sát với yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của Quân đội và các đơn vị. Xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Thực hiện đổi mới cách dạy theo hướng vận dụng tổng hợp các phương pháp dạy học, đổi mới cách thức kiểm tra, viết thu hoạch theo hướng tăng cường phần liên hệ vận dụng thực tiễn trên cương vị chức trách được giao. Tăng cường các hình thức giáo dục, tập trung vào các nội dung nhằm phát triển phẩm chất trung, hiếu. Đồng thời, thông qua các hình thức giáo dục, tự giáo để họ có cơ sở tự khẳng định mình và bộc lộ những điểm mạnh, yếu trong quá trình công tác tại đơn vị.

Ba là, phải bám sát tình hình chính trị, đạo đức của thực tiễn nhiệm vụ ở mỗi đơn vị để bồi đắp, rèn luyện phẩm chất trung, hiếu của chính trị viên; nhiệm vụ cơ bản của chính trị viên trong Quân đội là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Tuy vậy, nhiệm vụ này không đối lập hoặc tách biệt với nhiệm vụ rèn luyện, bồi đắp phẩm chất trung, hiếu trong Quân đội. Trái lại, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống và phẩm chất trung, hiếu trong Quân đội luôn ở trong một chỉnh thể thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong quá trình thực hiện chức trách của người chính trị viên. Để thực hiện yêu cầu này, cần chống tuyệt đối hóa hoặc tách rời hoạt động xây dựng, rèn luyện phẩm chất trung, hiếu của chính trị viên với các nhiệm vụ, hoạt động khác; đặc biệt là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của họ. Có thể khẳng định, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và rèn luyện, bồi đắp phẩm chất trung, hiếu là những hoạt động thực tiễn chủ yếu của chính trị viên trong Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay.

Bốn là, xây dựng môi trường chính trị, đạo đức trong sạch, lành mạnh, tạo thuận lợi để bồi đắp phẩm chất trung, hiếu của chính trị viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Quán triệt tốt nguyên tắc, quan điểm toàn diện, đồng bộ, đồng thời chú trọng đến vai trò, vị trí, cơ chế tác động của từng mặt, từng yếu tố cụ thể của tình hình nhiệm vụ, phát huy tối đa các kênh tác động, đồng thời phải kết hợp chặt chẽ giữa xây đi đôi với chống. Cần coi trọng tăng cường giáo dục lý tưởng, tri thức đạo đức và các giá trị tinh thần cho đội ngũ sĩ quan nói chung và mỗi chính trị viên nói riêng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị đạo đức cách mạng và hiện thực hoá trong đời sống trở thành nhu cầu tất yếu. Xây dựng môi trường chính trị, đạo đức ở đơn vị cơ sở phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhận thức, yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ chính trị viên. Xây dựng môi trường chính trị, đạo đức ở đơn vị cơ sở đi đôi với việc giữ nghiêm kỷ luật quân đội, đơn vị, nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất trung, hiếu. Tích cực định hướng dư luận tập thể quân nhân trong xây dựng môi trường chính trị, đạo đức trong sạch, lành mạnh ở đơn vị.

Phẩm chất trung, hiếu của người chính trị viên trong Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh chịu sự tác động biện chứng của điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Trước thực trạng cho thấy những thành tựu đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục một cách nhanh chóng và triệt để. Đòi hỏi, mỗi chính trị viên cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi chính trị viên ở đơn vị phải phấn đấu để làm người cộng sản kiên trung: trung là trung thành với Đảng, Tổ quốc; hiếu là hiếu với Nhân dân.

_______________

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309, 313.

Tác giả: Nguyễn Văn Châu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;